Skip to main content

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026

Ngày 05/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026; Chỉ thị được phổ biến đến Chi bộ và yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh.

 2. Đổi mới hình thức và phương pháp tuyên truyền các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và trong lựa chọn, mua bán hàng hóa tiêu dùng.

Tăng cường tuyên truyền, triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý những vụ việc vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung.

3. Tăng cường nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm phục vụ công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gắn với phát triển cửa khẩu số đáp ứng yêu cầu theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế số trong thời gian tới; kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

4. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng kiểm soát thị trường đối với các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng kinh tế số, các loại hình thương mại phi truyền thống mới phát sinh những năm gần đây, các hành vi gian lận thương mại thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, các loại hình lưu thông hàng hóa quốc tế qua địa bàn; công tác quản lý hóa đơn chứng từ, quản lý giá tính thuế đối với các hàng hóa xuất nhập khẩu; quản lý hàng hóa sản xuất trong nước thuộc địa bàn tỉnh; các nhóm mặt hàng thực phẩm, dược liệu, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư y tế, vật tư nông nghiệp; kiên quyết không để hình thành điểm nóng, vụ việc phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

5. Tăng cường công tác phối hợp trong các cơ quan chức năng, giữa các cơ quan chức năng với các cấp chính quyền và các hội, hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về dự báo tình hình thị trường, hành vi, phương thức, thủ đoạn vi phạm để thực hiện các giải pháp tuyên truyền pháp luật, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng, phòng ngừa, đấu tranh xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác nắm tình hình, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, các cơ quan nội chính trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gắn với thúc đẩy lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu.

6. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, hiệu quả. Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hạn chế tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xác lập, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa của địa phương; chú trọng vai trò chủ động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

7. Các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc, Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Chỉ thị này; các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm.

Bài: Kim Ngân