Skip to main content

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BAN NỘI CHÍNH TỈNH  ỦY LẠNG SƠN

    Thực hiện Quyết định số 48-QĐ/TW ngày 17-9-1979 của Ban Bí thư Trung ương và Hướng dẫn số 39-NC/TW ngày 15-11-1979 của Ban Nội chính Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 28-4-1980 thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, là cơ quan giúp Tỉnh ủy về công tác nội chính, bao gồm công tác của các ngành: Công an, kiểm sát, tòa án, thanh tra của tỉnh và công tác nội chính của các cấp trong địa phương.

     Ban Nội chính Tỉnh ủy có nhiệm vụ giúp Tỉnh ủy theo dõi công tác giải thích và thi hành pháp luật trong các cơ quan nhà nước, trong nhân dân địa phương; theo dõi, kiểm tra các cấp, các ngành, trước hết là các ngành trong khối nội chính chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính; giúp cấp ủy thẩm tra và báo cáo những vụ án quan trọng cần đến ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch của Ban Nội chính Trung ương; thẩm tra và kiến nghị Thường vụ Tỉnh ủy về việc xét xử những vụ án quan trọng của địa phương; chủ trì xin chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy giải quyết những vụ án thuộc thẩm quyền của tỉnh mà các ngành có ý kiến khác nhau cho đúng đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tham gia chuẩn bị các hội nghị của Tỉnh ủy hoặc của Thường vụ bàn về nhiệm vụ, công tác nội chính. Tham gia với Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi và quản lý cán bộ các ngành trong khối nội chính theo đúng các quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Tỉnh ủy và Trung ương.

 

image

Lễ công bố Quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Lạng Sơn năm 2013

    Thực hiện Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) và Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng về tinh giản bộ máy, biên chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 598-NQ/TU ngày 11-03-1988 giải thể Ban Nội chính, thành lập tổ chuyên viên công tác nội chính trực thuộc Thường trực Tỉnh ủy.

     Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 08-11-1993 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật; Ban Nội chính Trung ương ban hành Hướng dẫn số 146-HD/BNCTW ngày 20-11-1993 về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) ban hành Quyết định số 452- QĐ/TU ngày 09-3-1994 thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác nội chính. Ban Nội chính Tỉnh ủy có nhiệm vụ giúp Tỉnh ủy kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác nội chính; theo dõi hoạt động của ban cán sự đảng các ngành nội chính; nghiên cứu đề xuất kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và tham gia chuẩn bị nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy về công tác nội chính; giúp cấp ủy lãnh đạo vận dụng đường lối xử lý đối với những vụ án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội; phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy nắm cán bộ trong các ngành nội chính thuộc diện cấp ủy quản lý.

     Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) đã ban hành Quyết định số 430-QĐ/TU ngày 18-02-2000 giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy; ban hành Quyết định số 435-QĐ/TU ngày 28-02-2000 thành lập Phòng Nội chính trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy để giúp việc cho Văn phòng Tỉnh ủy và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính theo Quyết định số 452-QĐ/TU ngày 09-3-1994 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

     Trong quá trình hình thành, sáp nhập, giải thể, Ban Nội chính Tỉnh ủy Lạng Sơn cơ bản đã hoàn thành công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác nội chính, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp; việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về lĩnh vực công tác nội chính; giúp cấp ủy xử lý đơn thư đảm bảo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

     Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) ban hành Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 08-4-2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành uỷ trực thuộc Trung ương; Công văn số 155-CV/TW, ngày 08-4-2013 về việc thành lập ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1045- QĐ/TU, ngày 27-5-2013 thành lập Ban Nội chính Tỉnh uỷ trực thuộc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

     Ban Nội chính Tỉnh ủy được hình thành trên cơ sở chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và Phòng Nội chính - Tiếp dân thuộc Văn phòng Tỉnh uỷ. Sau khi đi vào hoạt động, lãnh đạo Ban đã quan tâm lãnh đạo thực hiện công tác kiện toàn tổ chức cán bộ. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm bổ sung đủ lãnh đạo Ban, đảm bảo cơ cấu Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định của Trung ương. 

     Sau khi Ban Nội chính Tỉnh ủy được tái thành lập từ tháng 6-2013, công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; ban hành chương trình làm việc, kế hoạch kiểm tra, giám sát về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả, khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương về việc tái lập Ban Nội chính Tỉnh ủy để tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

     Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức, hành động, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được phát huy; nhiệm vụ, biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn.

     Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan khối nội chính cơ bản đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ công tác nội chính, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.