Skip to main content

Thông cáo chung Gặp gỡ đầu Xuân 2024 giữa Bí thư 05 Tỉnh/Khu và Hội nghị lần thứ 15 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)

Ngày 28/02/2024, tại thành phố Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc đã diễn ra Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân năm 2024 giữa các Bí thư 05 Tỉnh/Khu và Hội nghị lần thứ 15 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Ban Nội chính Tỉnh ủy Lạng Sơn xin giới thiệu Toàn văn Thông cáo chung:

1

Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn

Ngày 28 tháng 02 năm 2024, Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân năm 2024 giữa các Bí thư 05 Tỉnh/Khu và Hội nghị lần thứ 15 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) được tổ chức tại thành phố Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, đồng chí Trần Hồng Minh - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Lưu Ninh - Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (sau đây gọi tắt là “các Bên”) cùng tham dự Hội nghị. 

Nhận lời mời tham dự Hội nghị có đồng chí Hùng Ba - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, đồng chí Triệu Thế Thông - Trợ lý Trưởng ban Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí Đỗ Nam Trung - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh.

Trong bầu không khí hữu nghị, thẳng thắn, cầu thị, các Bên đã đi sâu trao đổi ý kiến và cùng thống nhất cao về việc quán triệt thực hiện các nhận thức chung quan trọng đạt được tại các chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Quảng Tây tích cực thực hiện quan điểm "thân thiện, chân thành, cùng thắng, hài hòa", cùng hợp tác chặt chẽ với 4 tỉnh biên giới Việt Nam, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ở cấp địa phương và góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Việt Nam – Trung Quốc.

Các Bên nhất trí cho rằng, năm 2023, nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình cùng khẳng định định vị mới của quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc, tuyên bố trên cơ sở tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã vươn lên một tầm cao mới, bước vào một giai đoạn mới, xác định rõ mục tiêu mới, tạo nên nguồn động lực mới, trở thành dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Bốn tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đã triển khai thực hiện hiệu quả các nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, mở ra cục diện mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai Bên, hợp tác thực chất trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giao lưu văn hóa, quản lý biên giới và đạt được nhiều thành quả mới, Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) và Đức Thiên (Trung Quốc) đã được đưa vào vận hành thí điểm, dự án nghiên cứu thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh biên giới Việt Nam – Trung Quốc được khởi công xây dựng thuận lợi, cặp cửa khẩu song phương Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc) bao gồm lối thông quan Nà Đoỏng – Nà Ráy đã được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, đóng góp quan trọng cho sự ổn định, phát triển lâu dài và nâng tầm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Năm 2024, các Bên cần tiếp tục quán triệt thực hiện toàn diện “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” tháng 11/2022 và “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” tháng 12/2023 và các nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được; cùng nhau nỗ lực triển khai “Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 – 2026 giữa Tỉnh ủy Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc về làm phong phú hơn nữa nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”, thực hiện được 6 nội dung “tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn”, góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược từ cấp độ địa phương. Các Bên đã đạt được các nhận thức chung về giải pháp quán triệt thực hiện như sau:

1. Về giao lưu hữu nghị

Các Bên tiếp tục tăng cường tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau, tăng cường tin cậy chính trị, chỉ đạo chính quyền địa phương và cơ quan liên quan các cấp tăng cường giao lưu, nâng cao mức độ và hiệu quả hợp tác; tiếp tục duy trì các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có, thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn và các hoạt động giao lưu giữa hai Bên; khuyến khích Chính quyền và cơ quan cấp huyện/thành phố biên giới thiết lập và hoàn thiện cơ chế trao đổi công việc, hiệp thương hữu nghị giải quyết những khó khăn và vấn đề phát sinh trong hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế - thương mại, du lịch, quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu... 

1

Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc

2. Về hợp tác kinh tế - thương mại

Các Bên cùng nghiên cứu hợp tác thực hiện tốt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam - Trung Quốc là thành viên, đặc biệt là Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đạt hiệu quả cao, cùng tìm kiếm và mở rộng các kênh hợp tác thương mại song phương; tổ chức cho các doanh nghiệp hai Bên trao đổi hợp tác, kết nối quảng bá, tiêu thụ thông qua các hoạt động trực tiếp và trực tuyến, mở rộng quy mô thương mại song phương; tổ chức Hội chợ thương mại giới thiệu hàng hóa, thúc đẩy triển khai thuận lợi hoạt động thương mại song phương, tạo cơ hội giao lưu quảng bá cho doanh nghiệp hai Bên, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường. Các Bên tăng cường hợp tác, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, thuận lợi hóa thông quan hàng hóa, logistics, xuất nhập cảnh…; thúc đẩy hợp tác ngành nghề qua biên giới. Ủng hộ Quảng Tây trong thực hiện Chiến lược “Vòng tuần hoàn kép” trong nước và quốc tế của Trung Quốc tạo nên khu vực tiện lợi hoá kinh doanh.

Cùng thực hiện tốt các vấn đề cụ thể liên quan tại “Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc”. Nghiên cứu thúc đẩy Khu công nghiệp chế biến sâu Đông Hưng và Khu công nghiệp Móng Cái trở thành mô hình phát triển liên kết biên giới Việt - Trung. Tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây cùng nỗ lực thúc đẩy trở thành trung tâm trọng điểm trong hành lang vận tải kết nối ASEAN với Trung Quốc góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu giữa các địa phương hai nước. Quảng Ninh và Quảng Tây thúc đẩy luân phiên tổ chức Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung với hình thức, quy mô phù hợp với quy định hiện hành của mỗi nước. 
Đề nghị phía Quảng Tây hỗ trợ các doanh nghiệp đạt "Thương hiệu quốc gia" của Việt Nam xây dựng thương hiệu và kênh phân phối tại thị trường Quảng Tây nói riêng, Trung Quốc nói chung. Tích cực thúc đẩy xây dựng Hành lang kinh tế Hà Nội – Nam Ninh, đẩy nhanh xây dựng kênh logictics tốc độ nhanh qua biên giới Việt – Trung. Đề nghị hai Bên cùng nỗ lực, tăng cường hợp tác chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực thông tin điện tử, quang điện, ô tô năng lượng mới, vật liệu mới, chế tạo thiết bị tiên tiến, kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới công nghệ... để đạt được mục tiêu cùng có lợi, cùng thắng.

1

Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc

3. Về hợp tác kết nối giao thông

Các Bên tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối giao thông đường sắt, đường bộ cao tốc của mỗi Bên...,

Quảng Tây đẩy nhanh việc xây dựng đường cao tốc Thượng Tư - Động Trung, Nà Pô - Bình Mãng, thực hiện kết nối đường cao tốc đến cửa khẩu biên giới; đẩy nhanh xây dựng đường sắt cao tốc Sùng Tả - Bằng Tường.

Tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước sớm triển khai nghiên cứu tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây nghiên cứu sớm lựa chọn vị trí mở cửa khẩu đường sắt Quốc tế Móng Cái - Đông Hưng.

Tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây phát huy tốt vai trò của đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tiếp tục thúc đẩy tăng cường kết nối thông tin các chuyến tàu, vận đơn liên vận quốc tế, phối hợp tổ chức các chuyến tàu chở hàng hóa tốc hành, nâng cao năng lực và hiệu suất vận tải đường sắt qua biên giới Việt - Trung; cùng kiến nghị các cơ quan chức năng hai Bên tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp vận tải đường sắt hai nước tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc đến các nước thứ ba và ngược lại. Tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh kết nối thông suốt tuyến đường cao tốc Hữu Nghị - Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội, đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam, sớm hình thành tuyến đường lớn quốc tế nối các cửa khẩu quan trọng Việt - Trung.  

Tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh xây dựng tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh - Cao Bằng - Đồng Đăng.

Tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục để đưa cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu vào khai thác sử dụng; hoàn thiện thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn công trình phục vụ việc mở đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu song phương Sóc Giang (Việt Nam) - Bình Mãng (Trung Quốc).

Quảng Ninh và Quảng Tây phối hợp nghiên cứu, thúc đẩy dự án đường cao tốc từ Cảng Hải Hà đến Cửa khẩu Động Trung. Tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây phát huy tốt vai trò của Cầu Bắc Luân II, Cầu phao tạm khu vực Km3+4 - Cặp chợ biên mậu Đông Hưng; thúc đẩy mở rộng Cầu vận chuyển hàng hóa cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung. Quảng Ninh tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông cửa khẩu Hoành Mô bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh để liên kết đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái và Cảng Vạn Ninh. 

4. Về hợp tác xây dựng cửa khẩu

Tỉnh Hà Giang và Quảng Tây cùng thúc đẩy mở chính thức lối mở và chợ biên giới Lũng Làn - Lộng Bình.

Tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây đẩy nhanh tiến độ mở chính thức cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung (bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa). Sớm đưa vào sử dụng cầu vận chuyển hàng hóa cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa; Tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây thống nhất cùng báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước cho phép xây dựng công trình qua biên giới tại Lối mở Km3+4 (Móng Cái, Việt Nam) - Cặp chợ biên mậu (Đông Hưng, Trung Quốc), cùng nghiên cứu thúc đẩy xây dựng cầu Bắc Luân III.

1

Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc

Tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây thúc đẩy sớm công bố và vận hành chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1088/2 - 1089), lối thông quan Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1090 - 1091), lối thông quan Cốc Nam - Lũng Nghịu (khu vực mốc 1104 - 1105) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, trong đó, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận việc chỉ đạo hai Tỉnh Khu sớm tổ chức Lễ công bố mở chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1088/2 1089) là lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; cùng thúc đẩy mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan (khu vực mốc 1119 - 1120) và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1088/2 - 1089); sớm hoàn tất trình tự thủ tục phê duyệt nội bộ của mỗi nước về việc nâng cấp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm lên thành cửa khẩu quốc tế. Thúc đẩy trình Chính phủ hai nước phê chuẩn mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi - Bình Nhi Quan. Hai Bên thúc đẩy nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại các lối mở mới được khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa (Na Hình - Dầu Ái, Nà Nưa - Nà Hoa). 

Tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu; sớm công bố nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng (Việt Nam) - Thuỷ Khẩu (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế; trao đổi thống nhất thời gian mở chính thức cửa khẩu song phương Lý Vạn (Việt Nam) - Thạc Long (Trung Quốc) để tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định; thúc đẩy mở cặp cửa khẩu song phương Pò Peo (Việt Nam) - Nhạc Vu (Trung Quốc). Khôi phục vận hành lối mở Pò Peo - Nhạc Vu.

5. Về hợp tác tiện lợi hóa thông quan 

Các Bên kiện toàn cơ chế hội đàm định kỳ, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác, nâng cao hiệu suất thông quan, kịp thời thông báo thông tin liên quan và các điều chỉnh chính sách về hoạt động thương mại biên giới; tăng cường hợp tác điều phối thông quan, đảm bảo thông quan cửa khẩu thông suốt, phối hợp phân luồng hàng hóa thông quan, thông báo trước cho nhau thông tin thông quan đối với các sản phẩm cơ điện, nông sản, thủy sản, hoa quả... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham gia hoạt động thương mại biên giới.

Các Bên đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông tại các cửa khẩu biên giới đất liền, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và hiệu suất thông quan của các cửa khẩu biên giới Việt - Trung, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của hai Bên.

Các Bên khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp mỗi Bên tận dụng tốt hệ thống “một cửa” thương mại quốc tế Quảng Tây và hệ thống cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn, tăng cường giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng thí điểm “hải quan thông minh, biên giới trí tuệ, chia sẻ liên thông” cửa khẩu thông minh biên giới Quảng Tây.

Tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây căn cứ thực tế thông quan hàng hóa và nhu cầu phát triển cửa khẩu, từng bước thực hiện thông quan bình thường vào cuối tuần và ngày lễ tại cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng (Cầu Bắc Luân II), cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung bao gồm cả Lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa. Thúc đẩy luồng thông quan cho khách du lịch tại cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng (cầu Bắc Luân II) hoạt động hiệu quả, phân luồng hợp lý lưu lượng khách du lịch cửa khẩu Móng Cái - Việt Nam (cầu Bắc Luân I) để giảm áp lực thông quan cho khu vực cửa khẩu Móng Cái - Việt Nam (cầu Bắc Luân I)

Tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây tiếp tục thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan (khu vực mốc 1119 - 1120) và tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1088/2 - 1089) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, nhanh chóng thực hiện kết nối hai Bên, cửa khẩu được đưa vào vận hành thuận lợi, an toàn, hiệu quả và thực hiện thông quan không gián đoạn, không tiếp xúc, tự động hóa 24/7; thúc đẩy thông quan bình thường vào cuối tuần và ngày lễ tại cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm.

Tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây căn cứ thực tế thông quan hàng hóa và nhu cầu phát triển cửa khẩu, từng bước thực hiện thông quan bình thường vào cuối tuần và ngày lễ tại cửa khẩu Tà Lùng (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc), Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) bao gồm lối thông quan Nà Đoỏng (Việt Nam) - Nà Ráy (Trung Quốc); nhanh chóng trao đổi nghiên cứu thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc).

6. Về hợp tác du lịch

Các Bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, tích cực tìm kiếm các mô hình du lịch qua biên giới mới Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường hợp tác du lịch qua biên giới, nâng cao mức độ thuận lợi trong du lịch qua biên giới;  tăng cường phối hợp tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch luân phiên, định kỳ; lựa chọn thị trường trọng điểm của hai Bên để phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, khai thác các mô hình và sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện của mỗi Bên; đảm bảo tuyến xe chạy thẳng vận tải hành khách đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc vận hành ổn định theo Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đồng thời tăng cường thêm các chuyến xe, thu hút nhiều khách du lịch qua lại. Tăng cường bảo vệ, khai thác Di tích đỏ Hồ Chí Minh tại 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Quảng Tây, Trung Quốc, từng bước xây dựng các tuyến du lịch đỏ đặc sắc - theo dấu chân Bác Hồ kết hợp giữa các điểm và tuyến, tiếp nối tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Các Bên tiếp tục hướng dẫn các ngành chức năng đẩy mạnh hợp tác du lịch qua biên giới, phối hợp nghiên cứu và thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, quản lý không quy phạm của một số doanh nghiệp; phối hợp kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp hai Bên, bảo vệ môi trường thị trường du lịch và các quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Quảng Ninh là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam; Quảng Ninh và Quảng Tây phấn đấu xây dựng quan hệ hợp tác du lịch giữa hai địa phương trở thành mô hình mẫu về du lịch biên giới Việt - Trung; Nhanh chóng khôi phục các tuyến du lịch đường biển Phòng Thành - Hạ Long, Bắc Hải - Hạ Long; Sau khi công bố cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, Quảng Ninh và Quảng Tây thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ tại khu vực cửa khẩu; thúc đẩy mở tuyến du lịch qua cửa khẩu Động Trung đến Hạ Long; thúc đẩy hoạt động du lịch xe tự lái qua biên giới đạt hiệu quả; ưu tiên khai thác các sản phẩm du lịch thông minh, có giá trị văn hóa đặc sắc của hai nước, sản phẩm du lịch thể thao gắn với hoạt động giao lưu nhân dân, phục vụ học sinh, sinh viên; cơ quan du lịch Quảng Tây ủng hộ tỉnh Quảng Ninh tổ chức cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch sang Quảng Tây bồi dưỡng tiếng Trung ngắn hạn.
 Tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây đẩy nhanh thiết lập Khu hợp tác du lịch qua biên giới Văn Lãng - Bằng Tường, trọng tâm là khu hợp tác du lịch qua biên giới Tân Thanh - Pò Chài, cùng nghiên cứu mở rộng các mô hình hợp tác du lịch phù hợp với điều kiện của hai Bên.

Tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây tiếp tục thực hiện hiệu quả “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) Việt Nam - Trung Quốc”, cùng vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) an toàn, hiệu quả, đẩy nhanh xây dựng hàng rào phía Việt Nam, tạo nền tảng để vận hành chính thức, khuyến khích du khách hai Bên tham quan Khu cảnh quan.

1

Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc

7.  Về giao lưu văn hóa, xã hội

Các Bên nhất trí tiếp tục kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng thế hệ lãnh đạo đi trước của Việt Nam và Trung Quốc đã gây dựng và dày công vun đắp. Tăng cường bảo vệ, khai thác Di tích đỏ Hồ Chí Minh tại 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Quảng Tây, Trung Quốc, nâng cao hiểu biết và gắn kết tình cảm giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi năm, Quảng Tây sẽ tiếp tục cấp cho 4 tỉnh biên giới của Việt Nam mỗi tỉnh 25 suất học bổng Chính phủ; Hà Giang và Lạng Sơn tiếp tục cấp các suất học bổng cho học sinh Quảng Tây tới Việt Nam học tập. Cùng thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ giữa cấp ủy Đảng hai Bên; khuyến khích các trường đại học hai Bên triển khai hợp tác, các trường đại học của Quảng Tây sẽ tổ chức các lớp đào tạo cho giáo viên của các tỉnh biên giới Việt Nam, mời đoàn giảng viên các trường dạy nghề bốn tỉnh biên giới Việt Nam sang đào tạo nghề tại các trường dạy nghề của Quảng Tây; khuyến khích triển khai hợp tác về truyền thông, báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình. Tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây tiếp tục hợp tác làm tốt Đặc san “Hoa Sen”. Các Bên tiếp tục khuyến khích các ngành liên quan và các địa phương biên giới triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao phong phú đa dạng; thúc đẩy giao lưu giữa các tổ chức đoàn thể, như: Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Chữ Thập đỏ, Hội hữu nghị nhân dân; cùng phối hợp tổ chức tốt các hoạt động giao lưu hữu nghị và giao lưu văn hóa, như: Gặp mặt hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc, Diễn đàn nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, Liên hoan nhân dân biên giới, Liên hoan Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung… khuyến khích các huyện/thành phố, hương/trấn, thôn biên giới của 05 Tỉnh/Khu triển khai giao lưu nhân dân, xây dựng mối quan hệ cư dân hai Bên biên giới đoàn kết, thân thiện; tăng cường giao lưu Khăn hồng hữu nghị giữa Thanh thiếu nhi biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Các Bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động trên cơ sở thực hiện hiệu quả Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới giữa các tỉnh/khu hai nước.

8. Về hợp tác nông nghiệp

Các Bên tiếp tục tăng cường hợp tác nông nghiệp; cùng thực hiện tốt “Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc”; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng triệt để quy định của các hiệp định thương mại tự do mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc là thành viên, thúc đẩy mở rộng xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của hai nước, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam và Trung Quốc để thúc đẩy và đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường đối với các loại trái cây có múi, dừa, na, mật ong, cá biển, sứa… của Việt Nam. Cùng thúc đẩy chính quyền địa phương thành lập chợ mua bán nông sản (thủy sản, hoa quả) tại khu vực biên giới giữa Quảng Tây các tỉnh tiếp giáp; đẩy nhanh xây dựng chuỗi cung ứng và chuỗi ngành nghề nông nghiệp qua biên giới;  Trên cơ sở Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN, Khu thí điểm hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây), Trạm thử nghiệm các giống cây nông nghiệp tốt Trung Quốc (Quảng Tây) - Việt Nam và các dự án hợp tác nông nghiệp khác, tăng cường giao lưu khoa học kỹ thuật nông nghiệp tại bốn tỉnh biên giới Việt Nam và Quảng Tây; triển khai tốt hợp tác tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực vịnh Bắc Bộ; tiếp tục mở rộng giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực như giới thiệu quảng bá các loại giống nông nghiệp tốt, giới thiệu quảng bá kỹ thuật nuôi trồng, sản xuất và lưu thông nông sản, phòng chống sâu bệnh hại ở động thực vật, ứng dụng máy móc nông nghiệp…

9. Về hợp tác lâm nghiệp

Các Bên tăng cường phối hợp trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng  khu vực biên giới; theo dõi nghiêm ngặt việc khai thác, vận chuyển, xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ ván khác theo đúng quy định của pháp luật mỗi nước; kịp thời trao đổi thông tin khi xảy ra hiện tượng cháy rừng, vận chuyển lâm sản trái phép ở khu vực biên giới; phối hợp điều tra các hành vi vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan như đốt rừng, phá rừng, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản và động vật hoang dã.

10. Về hợp tác y tế

Cùng thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác y tế giữa ngành Y tế 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Quảng Tây; tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai Bên trong các lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu khoa học y tế, ứng phó khẩn cấp về y tế, y học cổ truyền, cứu trợ y tế khu vực biên giới cũng như giao lưu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý hành chính y tế, cán bộ y tế công cộng và cán bộ kỹ thuật y tế; tiếp tục triển khai hợp tác chia sẻ thông tin và liên hợp phòng chống dịch bệnh qua biên giới; lập kế hoạch hằng năm tổ chức giao lưu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý hành chính y tế, cán bộ y tế công cộng và cán bộ kỹ thuật y tế, cán bộ y dược học cổ truyền cho y tế của 04 tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.

11. Về hợp tác tài chính

Các Bên tăng cường hợp tác nghiệp vụ thanh toán bằng đồng bản tệ phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của mỗi nước. Hai Bên tăng cường đổi mới và đơn giản hóa quy trình, thủ tục thanh toán bằng đồng bản tệ, giảm thiểu phí thanh toán và hối đoái; tăng cường mức độ tuyên truyền chính sách triển khai thanh toán bằng đồng bản tệ song phương cho các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân hai Bên; hướng dẫn thủ tục thanh toán tài chính qua kênh ngân hàng cho thương mại hàng hóa và dịch vụ khu vực biên giới. Mở rộng hoạt động vận chuyển tiền mặt đồng Nhân dân tệ và Việt Nam đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại hai nước triển khai các thủ tục liên quan về vận chuyển tiền mặt, đảm bảo an toàn về vận chuyển tiền mặt phục vụ nhu cầu thanh toán của các ngân hàng thương mại Việt Nam và Trung Quốc, hợp tác giải quyết các vấn đề khó khăn, triển khai thuận lợi nghiệp vụ vận chuyển tiền mặt.

12. Về hợp tác quản lý biên giới

Các Bên tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc gồm “Nghị định thư phân giới cắm mốc”, “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới”, “Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu” cũng như các thỏa thuận và trình tự làm việc liên quan của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc về việc xây dựng các công trình biên giới; giáo dục nhân dân biên giới tuân thủ các quy định liên quan, nâng cao nhận thức về biên giới và ý thức chấp hành pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý thỏa đáng các sự vụ biên giới. Tăng cường tuần tra, quản lý khu vực biên giới trên bộ và trên biển. Thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả giữa các Bên trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống như phòng chống khủng bố, phòng chống tội phạm lừa đảo qua mạng, an ninh mạng, vượt biên trái phép, đánh bạc xuyên biên giới, buôn lậu, buôn bán ma túy, mua bán người; phòng chống “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”…

Quảng Ninh và Quảng Tây tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai có hiệu quả “Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân”.

Các Bên nhất trí sẽ tiếp tục tổ chức Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân năm 2025 giữa các Bí thư Tỉnh ủy và Hội nghị lần thứ 16 Ủy ban Công tác liên hợp giữa bốn tỉnh biên giới Việt Nam và Quảng Tây, Trung Quốc do tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam chủ trì; thời gian, địa điểm và hình thức cụ thể sẽ trao đổi xác nhận thông qua kênh ngoại giao./.

BAN BIÊN TẬP