Skip to main content

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng, triển khai các nội dung, biện pháp quản lý địa bàn, tham mưu cho địa phương giải quyết các vụ việc khiếu nại đông người, vượt cấp, đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới

       Thời gian vừa qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo, chủ quyền biên giới lãnh thổ được giữ vững; đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trong đó có các đơn vị Bộ đội biên phòng và sự ủng hộ, chung tay, giúp đỡ của quần chúng Nhân dân. Tuy nhiên, từ năm 2017, đặc biệt là từ đầu năm 2018, trên địa bàn một số xã, thị trấn biên giới của huyện Cao Lộc, Lộc Bình xảy ra một số vụ việc khiếu kiện phức tạp đông người như: Khiếu kiện liên quan đến dự án tại thị trấn Đồng Đăng; vụ việc tranh chấp đất lâm nghiệp, khai thác tài nguyên (xã Tú Mịch, xã Vân Mộng...) và kiến nghị của một số công dân xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình liên quan đến chế độ, chính sách sau khi phân vùng kinh tế… tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự. Để đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới, phòng ngừa khiếu kiện đông người, phức tạp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai các nhiệm vụ cơ bản sau:

       Một là: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các nội dung, biện pháp cụ thể, tập trung xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động nhân dân của hệ thống chính trị ở cơ sở, năng lực tập hợp, tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể quần chúng; xây dựng, kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản an ninh, trật tự thôn bản, tổ hòa giải; kết hợp phát huy vai trò người có uy tín trong các thôn, bản tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại trong nhân dân.

      Hai là: Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chủ trương, kế hoạch, chương trình của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Vận động nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái; đề cao cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu kích động gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự trong khu vực biên giới.

      Ba là:Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng. Tập trung vào việc nắm tình hình, lập hồ sơ, danh sách để điều tra, xác minh vai trò, âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động từ đó có biện pháp xử lý hoặc đề nghị cấp trên xử lý theo pháp luật.

       Bốn là: Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng và chính quyền địa phương đẩy mạnh các phong trào quần chúng; phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời tham mưu cho địa phương xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, không để các vụ việc phức tạp nảy sinh, kéo dài.

        Với 4 biện pháp thực hiện: “Công tác vận động quần chúng; Công tác trinh sát; công tác phòng chống ma túy và tội phạm; Công tác kiểm soát hành chính”. Trong đó đặc biệt chú trọng đến “Công tác vận động quần chúng” như tăng cường bám nắm tình hình địa bàn, tình hình nhân dân; lập hồ sơ theo dõi, thống kê vụ việc, danh sách các đối tượng tham gia. Tham mưu cho địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể quần chúng; củng cố, bồi dưỡng và phát huy vai trò của các Tổ tự quản an ninh, trật tự thôn bản; Tổ hòa giải và Người có uy tín trong nhân dân; tham mưu, phối hợp đẩy mạnh các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh thôn, bản khu vực biên giới. Nghiên cứu, chuẩn bị tốt nội dung; phối hợp với các ngành, các lực lượng, nhất là ngành Tư pháp, cán bộ Tư pháp của các xã, thị trấn biên giới để lựa chọn hình thức, tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, từng vụ việc cụ thể đạt kết quả thực chất. Tham mưu cho Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn biên giới lập kế hoạch, báo cáo UBND huyện và các ngành chức năng chỉ đạo, giúp đỡ về cơ sở vật chất, kỹ thuật để triển khai các công trình phục vụ thiết thực cho đời sống dân sinh ở một số nơi khó khăn, phức tạp, như: Đường giao thông liên thôn, đường điện, hệ thống nước sạch, xử lý ô nhiễm môi trường...

         Kế hoạch được triển khai tổ chức thực hiện tại 20 xã, 1 thị trấn biên giới và sẽ tổ chức sơ kết, nhân rộng mô hình trong năm 2018.

Nguyễn Anh