Skip to main content

Tỉnh ủy Lạng Sơn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng

     Trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Đảng bộ tỉnh đã được cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Góp phần tích cực vào việc giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, ngăn ngừa và hạn chế tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

      Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng vẫn còn những hạn chế cần phải được khắc phục và chấn chỉnh kịp thời, đó là: Các cấp uỷ đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát chưa toàn diện và đồng bộ, nhất là cấp ủy cơ sở. Công tác tham mưu, đề xuất của ủy ban kiểm tra với cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng chưa toàn diện, kịp thời. Uỷ ban kiểm tra xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát thực tế; chưa tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận quan tâm. Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế; chưa chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm tra, giám sát; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

ảnh

Đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng làm việc với Đảng ủy Quân sự

tỉnh Lạng Sơn

      Nhằm khắc phục những hạn chế trên đây, đồng thời tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ đối với công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tự giác chấp hành kỷ luật đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020; các nghị quyết, quy định, quy chế, quyết định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, trước hết là người đứng đầu cấp ủy phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ, do cấp uỷ trực tiếp tiến hành. Tổ chức đảng, đảng viên phải nghiêm chỉnh phục tùng kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và chịu sự giám sát của nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát phải phục vụ có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động.

       Xác định kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng và phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, với phương châm “kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng cấp bách”. Cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp chủ động, triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tỉnh uỷ; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp mình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Các cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát đảm bảo nguyên tắc, quy định, quy trình của Đảng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

       Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả theo phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”. Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, tài chính, ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ...; những nơi có dấu hiệu ban hành các văn bản trái với nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiểm tra, giám sát người đứng đầu trong cơ quan đảng, chính quyền, các đoàn thể về phẩm chất đạo đức, phong cách và tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

        Ủy ban kiểm tra các cấp phải thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy; tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, trước hết là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý. Chủ động phát hiện và kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Tham mưu cho cấp ủy kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đảm bảo tính “khách quan, công minh, chính xác, kịp thời”, xử lý nghiêm các trường hợp bao che, dung túng những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên thuộc quyền quản lý. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm sau kết luận kiểm tra, giám sát coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan có liên quan theo quy chế phối hợp; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng để tăng cường thu thập thông tin phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của uỷ ban kiểm tra theo quy định.

      Các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ và đảng uỷ cơ sở thường xuyên kiện toàn bộ máy, tổ chức cơ quan uỷ ban kiểm tra các cấp, bảo đảm về số lượng và chất lượng; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có tính chiến đấu cao, tâm huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới.

                                                                                                  Đức Thịnh