Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Công lý, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (19-3) cho biết, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với năm bị cáo là thành viên của tổ chức “Liên minh dân tộc Việt Nam”. Các bị cáo gồm: Lưu Văn Vịnh, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hải Dương; ngụ quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Quốc Hoàn, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng; ngụ quận 10, TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Đức Độ, ngụ quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh; Phan Trung, ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và Từ Công Nghĩa, dân tộc Chăm, hộ khẩu thường trú tỉnh Ninh Thuận, đã có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trực tiếp thực hiện các hành vi: Thành lập tổ chức phản động với tên gọi “Liên minh dân tộc Việt Nam” do Vịnh làm Chủ tịch; tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đối tượng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền lôi kéo người dân; phối hợp, liên hệ với các đối tượng chống đối; tham gia các cuộc biểu tình trái phép; tổ chức hội nghị trù bị ngày 30-10-2016 và thống nhất ngày ra mắt tổ chức tại một nhà thờ ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 6-11-2016. Ngày 6-11-2016, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt giam và khám xét khẩn cấp đối với Vịnh, Hoàn và trưng cầu giám định nội dung các tài liệu thu giữ, kết quả cho thấy những tài liệu này có chứa đựng thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của Đảng và Nhà nước. Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Lưu Văn Vịnh mức án 15 năm tù, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù và Phan Trung 08 năm tù. Các bị cáo còn bị phạt quản chế 03 năm tại địa phương cư trú, sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (19-3) đưa tin, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội tổ chức Phiên họp lần thứ nhất. Luật tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; về cơ bản, nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, quy định cụ thể số lượng cấp phó và Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; sắp xếp, kiện toàn bộ máy giúp việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Ban soạn thảo cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian tới, các cơ quan nghiên cứu, xây dựng Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV phải xác định cụ thể tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ cấu của đại biểu Quốc hội, tránh trường hợp có quá nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở cơ quan hành pháp, hành chính…

    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Biên Phòng, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh niên, Đài TNVN, TTXVN (19-3) đăng tải các nội dung của Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên do Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Gia Lai tổ chức cùng với 224 đại biểu Già làng tiêu biểu các dân tộc khu vực Tây Nguyên, những người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên đã có thành tích xuất sắc trong: Xây dựng và củng cố niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực vận động bà con xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người cao tuổi. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các Già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các Già làng và người cao tuổi ở Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện bốn không “Không nghe, không tin, không làm theo và không sợ” kẻ xấu xúi giục, kích động; đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước…

    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Biên Phòng, Đại đoàn kết, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Hải quan, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên (20-3) cho biết, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tại hơn 100 điểm cầu trên toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Báo cáo nêu rõ, trong 10 năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị đồng bộ, chặt chẽ, sát với tình hình thực tiễn. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng khu vực phòng thủ. Từng cấp tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 28 gắn với quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh. Ban Chỉ đạo khu vực phòng thủ các cấp được thành lập và củng cố, kiện toàn đúng quy định, hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành luôn coi trọng chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình điểm, tổ chức thanh tra, kiểm tra, diễn tập, sơ kết, rút kinh nghiệm, giải quyết kịp thời các bất cập, vướng mắc nảy sinh trong hoạt động của khu vực phòng thủ; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân về khu vực phòng thủ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ từng bước được hoàn thiện, tập trung coi trọng xây dựng các tiềm lực như: Tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế - xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ và tiềm lực quốc phòng, an ninh...

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Công thương, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vnexpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22-3) đồng loạt đăng tải nội dung cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo kết quả của 05 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nhờ có việc triển khai nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05 nên công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh đồng bộ toàn diện, bên cạnh thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, đã kiên quyết đấu tranh đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống, việc kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao đã có tác dụng răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, góp phần củng cố siết chặt kỷ luật kỷ cương. Việc thực hành quy chế quy định của Đảng như nêu gương, kê khai tài sản dần dần đã trở thành nền nếp từ Trung ương đến cơ sở. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quá trình tổ chức thực hiện, biểu dương những nơi làm tốt, phản ánh nhân rộng những việc tốt, người tốt; đồng thời tích cực nhắc nhở, phê phán, uốn nắn nơi làm chưa tốt. Tiếp tục gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị với các nghị quyết chỉ thị, quy định khác của Đảng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, gắn giữa “xây” với “chống”; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Biểu dương nơi làm tốt, nhắc nhở, kỷ luật nơi làm chưa tốt. Chủ động và tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Tất cả các cơ quan, địa phương, đơn vị phải có ý thức về việc này, không khoán trắng cho các cơ quan báo chí. Cần lưu ý ngăn chặn thông tin xấu, độc; chống co cụm, nói xấu nhau. Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu tín nhiệm, phiếu bầu, nhất là trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, dứt khoát và kiên quyết không dùng những đối tượng chạy chức, chạy quyền. Nhân dân đang tin tưởng và mong đợi, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng phải làm thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo kết quả của 05 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương
Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo kết quả của 05 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân, Giáo dục Việt Nam, Người đưa tin, Hà Nội mới, Thanh Niên, Dân trí, TTXVN (23-3) cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ về xử lý phản ánh của báo chí xung quanh một số vụ việc gây mất an ninh trật tự thời gian qua. Điển hình là các vụ việc như trên Báo Lao động: “Giang hồ xách đinh ba, mã tấu tấn công quán vì không đóng tiền bảo kê” tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh; Báo Dân trí đăng bài “Khiếp đảm cảnh côn đồ liên tiếp ném bom xăng thiêu sống nhà dân trong đêm” tại xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và vụ việc nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy chung cư Golden Palm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ gửi Bộ Công an, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Nam Định như sau: Yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trên chỉ đạo, kiểm tra, xác minh, làm rõ hành động côn đồ của các đối tượng “giang hồ”, “xã hội đen” như nội dung báo chí phản ánh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn triệt để hoạt động gây mất an ninh, trật tự của các đối tượng này, bảo đảm an toàn cho nhân dân. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vụ việc đối tượng có hành vi “sàm sỡ” nữ sinh trong thang máy chung cư Golden Palm nêu trên. Trường hợp các quy định pháp luật hiện hành có liên quan chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

    Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Đấu thầu, Văn hóa, Giao thông, Nông nghiệp Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (18-3) đồng loạt thông tin về vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố thêm 05 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Các bị can gồm: Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, từng là Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng; Phan Xuân Ít, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng; Lê Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Cung ứng tàu biển Đà Nẵng; Nguyễn Đình Thống, cựu Giám đốc Công ty quản lý và khai thác đất TP. Đà Nẵng; Phan Minh Cương, từng là Giám đốc Công ty TNHH I.V.C, Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng 79. Các quyết định tố tụng đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.

    Báo Thanh tra, Công lý (18-3) dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Phước, nguyên kế toán Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, về tội “Tham ô tài sản”. Cuối năm 2017, ông Nguyễn Hữu Phước nghỉ hưu thì Trường Cao đẳng Sư phạm phát hiện ngân quỹ bị thâm hụt hơn 1 tỷ đồng. Công an tỉnh vào cuộc điều tra, xác định ông Phước đã nhiều lần ký tạm ứng tiền của nhà trường nhưng không có các chứng từ thanh toán. Ông Phước đã tham ô số tiền hơn 300 triệu đồng. Công an tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục điều tra, làm rõ số tiền thất thoát còn lại.

    Theo tin từ Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, Vnexpress, Đài TNVN, TTXVN (18-3), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã hoàn tất cáo trạng, truy tố ông Đỗ Hồng Hải, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Nam Khánh Hòa, cùng 10 đối tượng khác trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Cáo trang của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà xác định số tiền bị can Đỗ Hồng Hải tham ô lên tới 6,1 tỷ đồng. Nhóm bị cáo đã lập thủ tục thanh quyết toán hơn 1,1 tỷ đồng chi phí hỗ trợ nhiên liệu bơm nước chống hạn, trong đó có gần 900 triệu đồng chi phí khống; lập hồ sơ, quyết toán giả mạo 24 hồ sơ xây lắp các hạng mục công trình gây thiệt hại ngân sách nhà nước gần 5 tỷ đồng. 

    Báo Bảo vệ pháp luật, Thanh Hóa, Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường, Đấu thầu, Người đưa tin, Tuổi Trẻ, Người lao động, Vnexpress (18-3) đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 cán bộ thuộc Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư TP. Thanh Hóa là Nguyễn Văn Đức và Dương Văn Trung về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Văn Đức được giao nhiệm vụ chủ trì và trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng tại phố Lễ Môn và phố Vạn Sơn, TP. Thanh Hóa để phục vụ đầu tư, xây dựng dự án số 2 khu đô thị Đông Hải. Đức đã chỉ đạo Dương Văn Trung thỏa thuận với các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất để sửa chữa, tẩy xóa 38 biên bản kiểm kê thực tế từ lúa thành hoa Ly củ, tăng tiền chênh lệch đền bù. Việc làm sai trái này đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1 tỷ đồng.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lâm Đồng, Công an nhân dân, Thanh tra, VietNamNet, TTXVN (18-3) cho biết, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Lâm Đồng. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tô Lâm đề nghị Lâm Đồng tập trung đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy với công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc quán triệt triển khai các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác này trong năm 2018; kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã triển khai tại địa phương. Địa phương cần nêu rõ kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế và thu hồi tài sản trên địa bàn; những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức bộ máy và hoạt động các cơ quan, đơn vị chức năng về phòng, chống tham nhũng; việc triển khai Quy định số 04 ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trong năm 2018 và việc phòng, chống tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là việc chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục trong quy hoạch, bổ nhiệm của cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của địa phương…

    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (21-3) phản ánh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP). Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo là Từ Thành Nghĩa,  cựu Tổng Giám đốc VSP, 03 năm 06 tháng tù. Bị cáo Võ Quang Huy, cựu Chánh kế toán VSP lĩnh án 07 năm tù. Cáo trạng cho thấy, trong năm 2013-2014, 2 bị cáo trong vụ án đã quyết định việc gửi tiền của VSP vào OceanBank. Trên cơ sở ấy đã được Nguyễn Minh Thu, cựu Tổng Giám đốc OceanBank chi tiền lãi ngoài hợp đồng. Cụ thể, Võ Quang Huy đã nhận và chiếm đoạt 5,2 tỷ đồng và 130.000 USD, Từ Thành Nghĩa đã nhận và chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng và 30.000 USD… Ngoài án phạt tù, Tòa tuyên cấm hai bị cáo đảm nhiệm chức vụ quản lý trong cơ quan, doanh nghiệp có vốn của Nhà nước trong thời gian 3 năm kể từ khi chấp hành xong án phạt.

    Báo Nhân Dân, Điện Biên Phủ, Giáo dục và Thời đại (22-3) cho biết, Công an huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lò Văn Thắm, kế toán UBND xã Tủa Thàng về hành vi tham ô. Theo kết quả điều tra, Lò Văn Thắm đã làm thủ tục rút 268 triệu đồng tiền hỗ trợ điện sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ chính sách, nhưng đến tháng 6-2018 vẫn chưa chi trả cho người dân. Tại Cơ quan điều tra, bước đầu Thắm khai nhận, từ số tiền rút về , Thắm đã tự ý chi dùng 151 triệu đồng cho bản thân.

    Báo Điện tử Chính phủ, Lao Động, Công an nhân dân, Công lý, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23-3) cho biết, Công an tỉnh Bình Dương vừa ra kết luận điều tra chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát; Nguyễn Huy Hùng, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tây Sài Gòn và Nguyễn Quang Lộc, nguyên cán bộ cấp dưới của ông Hùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Khanh đã cùng với một số đồng phạm thuộc Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn mua bán tài sản thế chấp từ khoản vay của Công ty Xuất khẩu thương mại An Tây nhưng không lập thỏa thuận mua bán, không đấu giá, cố tình hạ thấp giá trị tài sản đảm bảo để chiếm đoạt, trục lợi. Đến nay, ngân hàng mới thu được 8 tỷ 700 triệu đồng. Số tiền nợ gốc và lãi phát sinh hơn 70 tỷ đồng không thể thu hồi, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước.

    TIN QUỐC TẾ

    Báo Vnexpress (16-3) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) tuyên bố sẽ truy tố Nỗ Nhĩ Bạch Khắc Lực, cựu Cục trưởng Cục Năng lượng Quốc gia (NEA) với cáo buộc nhận hối lộ và tham nhũng khi còn giữ chức Chủ tịch Khu tự trị Tân Cương giai đoạn 2008-2014. Ông Nỗ bị điều tra vào tháng 9-2018. CCDI cho biết cựu quan chức này đã cản trở và nói dối trong quá trình điều tra, phát hiện ông Nỗ lợi dụng chức vụ để có được "lượng tài sản khổng lồ" một cách trực tiếp hoặc thông qua người thân và còn lợi dụng quyền lực để đổi lấy tình dục. 

    Báo Thanh tra (19-3) cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi những người ủng hộ hãy cam kết “Main Bhi Chowkidar” (Tôi cũng là người cảnh giới), để ông không đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Trên Twitter, ông viết: "Tôi không đơn độc. Những ai đang chống lại tham nhũng, tiền bẩn, tệ nạn xã hội đều là một "Chowkidar". Những ai đang làm việc chăm chỉ vì sự tiến bộ của Ấn Độ cũng là một "Chowkidar". Hôm nay, mọi người dân Ấn Độ đều đang nói "Main Bhi Chowkidar". Thông điệp của Tổng thống đã truyền tới nhiều công dân Ấn Độ tự hào khi là một "người cảnh giới" bảo vệ cho chính ngôi nhà của họ, và cao hơn, bảo vệ cho đất nước nơi họ đang sinh sống.

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

    - Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo kết quả của 05 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương. 

    - Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên.

    - Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Lâm Đồng.

    - Khởi tố bị can Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

    -  Xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

                                                                BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG