Skip to main content

    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (20/11) thông tin, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh xem xét, thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức đảng, đảng viên, cụ thể: Khai trừ ra khỏi Đảng bà Trần Thị Bình Minh, nguyên Chi ủy viên nhiệm kỳ 2022-2025, nguyên Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đề nghị thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng ông Trương Ngọc Khôi, đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-01S, Sở Giao thông - Vận tải; đề nghị thi hành kỷ luật ông Trần Xuân Hải, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Khiển trách đối với Đảng ủy Cục Thuế nhiệm kỳ 2015-2020; Cảnh cáo đối với ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Bí thư Đảng ủy Cục Thuế nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Cục trưởng Cục Thuế; Khiển trách đối với bà Lê Thị Thu Hương, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Thuế nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề nghị Đảng ủy Cục Thuế nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm đối với một số Chi bộ... Báo Tiền phong, Chinhphu.vn, Baomoi.com (25/11) phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức, đảng viên vi phạm. Kỷ luật khai trừ Đảng Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Quế Võ Nguyễn Đức Hiện do thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ. Kỷ luật Cảnh cáo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình Trần Hồng Quang do vi phạm quy định về chế độ làm việc của cơ quan; vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nhiệm vụ của đảng viên; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thi hành kỷ luật nhiều cán bộ.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (21/11) cho biết, Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành điều tra, xử lý Lê Hà Nam, thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, Phú Ninh là đối tượng chuyên cung cấp linh kiện chế tạo súng trên toàn quốc. Theo điều tra, lợi dụng việc đăng ký kinh doanh đồ điện gia dụng tại nhà, Lê Hà Nam đã tạo vỏ bọc để tàng trữ các loại linh kiện phục vụ chế tạo, lắp ráp súng và bán hàng online trên toàn quốc. Linh kiện được Lê Hà Nam mua chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài; trung bình mỗi tháng bán hơn 1.000 đơn hàng cho nhiều đối tượng. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cũng làm rõ 8 đối tượng liên quan tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng này mua linh kiện từ Lê Hà Nam rồi chế tạo, lắp ráp súng để sử dụng.

 

    Theo TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, báo Nhân Dân điện tử và một số báo (22/11), Chính phủ đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với 02 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đối với ông Đặng Huy Hậu; xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đối với bà Vũ Thị Thu Thủy. Cả 02 trường hợp đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Trước đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đặng Huy Hậu và bà Vũ Thị Thu Thủy.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Dân trí, Baomoi.com, SGGP và một số báo (22/11) cho biết, tại Kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã xem xét, phân tích sai phạm của từng cá nhân và thống nhất bỏ phiếu đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét xử lý kỷ luật đối với 29 cá nhân (trong đó có 23 trường hợp vi phạm pháp luật, 06 trường hợp vi phạm khác). Việc xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với các cá nhân bảo đảm chặt chẽ, nghiêm minh, khách quan; làm cho các cá nhân nhận thức rõ sai phạm, có sức giáo dục, răn đe và kịp thời có biện pháp khắc phục những vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra.

 

    Các báo (22/11) đưa tin, Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc, theo đó, Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; kịp thời triển khai các biện pháp, đấu tranh hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tham gia, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự; thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội… 

 

    TTXVN, VietNamPlus, Tuổi trẻ TP.HCM, Nhân Dân điện tử, VietNamNet, Dân trí và các báo (24/11) cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia; khởi tố vụ án, khởi tố 07 bị can tại Việt Nam. Cầm đầu đường dây này là Liêu Chí Hoài, quốc tịch Trung Quốc. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng, Công an các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình đồng loạt bắt các đối tượng liên quan và khám xét khẩn cấp các kho hàng. Qua điều tra xác định, trong 1 năm qua, công ty của các đối tượng đã được cấp phép nhập khẩu 64 loại tiền chất, hóa chất, dung môi với số lượng gần 9.000 tấn, trị giá hơn 5,7 triệu USD.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Theo TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và một số báo (20/11) cho biết, Công an huyện Phú Tân, tỉnh An Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Hữu Nghị, công chức Địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường Phú Thạnh, huyện Phú Tân, sau đó được luân chuyển đến UBND xã Phú Lâm về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, từ tháng 9/2021 đến nay, Nguyễn Hữu Nghị đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi thỏa thuận nhận tiền, bảo lãnh làm cấp mới, sang tên và chuyển mục đích sử dụng đất cho 11 người, với 12 hồ sơ ở xã Phú Thạnh và 05 người, với 05 hồ sơ ở xã Phú Lâm. Sau đó, Nghị chỉ thực hiện làm một phần hoặc không thực hiện làm theo nội dung đã thỏa thuận, rồi chiếm đoạt tiền của 16 người dân 02 xã với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. 

 

    Báo Công an nhân dân, Tiền phong, Trà Vinh, Thanh tra và một số báo (20/11) đưa tin, Công an tỉnh Trà Vinh vừa tiến hành khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam Giáp Thị Mỹ Hạnh, nhân viên hợp đồng lao động Công đoàn Cơ sở Bệnh viện Y dược Cổ truyền tỉnh để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Theo điều tra, Hạnh trực tiếp bán thuốc và quản lý tiền thuốc bán được trong ngày tại quầy thuốc Công đoàn và giao lại cho thủ quỹ quản lý vào cuối ngày. Khi giao, nhận tiền với thủ quỹ, 02 bên chỉ kiểm tra số tiền thực tế được giao mà không đối chiếu lại sổ bán hàng nên Hạnh nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bán thuốc. Với thủ đoạn che giấu doanh thu bán hàng, không đối chiếu hàng hóa bán được trong ngày, không giao hóa đơn của các công ty giao hàng cho thủ quỹ kiểm tra, lập khống hồ sơ tồn kho; từ tháng 8/2021 - 5/2023 đã chiếm đoạt trên 411 triệu đồng.

 

    Các báo (21/11) thông tin, Kết luận điều tra trong vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy, với tổng số tiền gây thiệt hại lên đến 433.000 tỷ đồng. Trong đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của ngân hàng SCB. Số tiền này đến nay không thể chi trả và còn phát sinh tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã phong tỏa, kê biên số lượng tài sản khổng lồ. Cụ thể, liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can, Cơ quan điều tra thu giữ tổng số tiền hơn 589 tỷ đồng và 15 triệu USD; phong tỏa 43 tài khoản ngân hàng của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ, với tổng số tiền 1.896 tỷ đồng và 8,4 triệu USD. Đối với tài sản là bất động sản và cổ phần, Cơ quan điều tra cũng kê biên 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan; kê biên hơn 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ Chủ tịch Vạn Thịnh Phát; 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan. Đồng thời, tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng. Đối với tài sản là phương tiện, nhà chức trách kê biên 22 tài sản là phương tiện gồm: 01 du thuyền, 02 tàu, 19 ô tô của bị can Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên. Với nhóm bị cáo buộc về hành vi Đưa - Nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, các bị can và người thân đã thu nộp tổng cộng 25 tỷ đồng và hơn 5,3 triệu USD để khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra kiến nghị, ngoài 88 bị can đã khởi tố và 86 bị can đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau. 

 

    Theo Nhân Dân điện tử, Thanh niên, Bình Dương, Tuổi trẻ TP.HCM, Truyền hình Công an nhân dân, Lao động và các báo (21/11), Công an tỉnh Bình Dương quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Lưu Hồng Sơn, Giám đốc Công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) để điều tra làm rõ về hành vi buôn lậu. Theo điều tra, Lưu Hồng Sơn đã lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hạt điều theo loại hình sản xuất, xuất khẩu để thực hiện hành vi phạm tội. Từ năm 2018-2022, Công ty của Sơn đã nhập khẩu hơn 23.413 tấn hạt điều nguyên liệu được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu có trị giá hàng hóa kê khai là 646 tỷ đồng.

 

    Theo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (22/11) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra xác định, có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng. Đỗ Anh Dũng bị xác định giữ vai trò chủ mưu chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt. Quá trình điều tra đến nay, ông Dũng đã nộp lại và Bộ Công an thu hồi tổng cộng hơn 8.600 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

 

    Các báo (22/11) đồng loạt thông tin, kết quả Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và buổi làm việc của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan báo chí thông báo về kết quả Cuộc họp. Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo (tháng 01/2023) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác PCTN,TC nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản đáp ứng yêu cầu, có vụ vượt kế hoạch đề ra. Từ sau Phiên họp thứ 23 đến nay, Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo. Các báo cũng đồng loạt nhấn mạnh 05 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo đã hoàn thành xét xử sơ thẩm… Các báo cũng thông tin buổi làm việc của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan báo chí về một số nội dung quan trọng của Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương diễn ra sáng 22/11; nhấn mạnh về phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Cuộc họp…

aa

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại Cuộc họp

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, VTC News và các báo (22/11) cho biết, lãnh đạo Sở ở Bắc Ninh trong 7 ngày đi chơi golf giờ hành chính tới 3 lần. Theo các báo, nhận được phản ánh của dư luận, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bắc Ninh thường xuyên bỏ nhiệm sở đi chơi golf trong giờ hành chính. Từ thông tin độc giả cung cấp, vào 15h thứ Sáu ngày 20/10, PV VTC News ghi nhận được hình ảnh Giám đốc Sở Đặng Trần Trung có mặt tại sân golf Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội, chơi golf cùng 3 người khác. Tiếp đó, vào Thứ Tư ngày 25/10, cũng trong giờ hành chính, Giám đốc Sở Đặng Trần Trung và Phó Giám đốc Đặng Công Hưởng xuống TP. Hạ Long (Quảng Ninh) để giao lưu với golfer được cho là đến từ Hà Nam. Vào lúc 10h30 thứ Sáu ngày 27/10, lãnh đạo Sở đang chơi golf tại Hải Phòng, tại sân golf Đồi Rồng (phường Vạn Hương, Quận Đồ Sơn). Theo tìm hiểu của PV, trong tất cả các ngày này, lãnh đạo Sở NN&PTNT không có lịch làm việc, công tác tại các địa phương trên. Các báo (23/11) tiếp tục phản ánh, vụ Giám đốc Sở, Bí thư huyện chơi golf trong giờ làm việc: Bắc Ninh xử lý thế nào? Sau khi thông tin này được các báo phản ánh, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có thông cáo báo chí về nội dung này. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kịp thời nắm bắt thông tin và yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT; các cán bộ, công chức liên quan báo cáo giải trình cụ thể sự việc báo chí nêu. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Liên quan đến việc này, ngày 23/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra thông tin báo chí phản ánh, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, Lao động, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Tuổi trẻ TP.HCM và các báo (23/11) thông tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh - Saigon Co.op và 04 đồng phạm về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; 04 bị can khác bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hành vi phạm tội của các bị can gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115 tỷ đồng. Hành vi của các bị can đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của Nhân dân.

 

    Báo Lao động, Baomoi.com (23/11) cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Thái Bình quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Mai Ngọc Hạnh, cán bộ Phòng khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Sea Bank chi nhánh Thái Bình) về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Hạnh trước đó là cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh Thái Bình. Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Đặng Thị Vẻ và đồng phạm phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” từ tháng 7/2023. Mai Ngọc Hạnh là người được giao nhiệm vụ hỗ trợ, lập hồ sơ và trao đổi với Giám đốc Công ty Cổ phần T.Đ về việc muốn được giải ngân thì phải ký hợp đồng thi công xây dựng các công trình, phải có hợp đồng và hóa đơn GTGT mua nguyên vật liệu. Do chưa có hóa đơn theo quy định, sau khi thống nhất với Giám đốc Công ty này, Hạnh liên hệ với Đặng Thị Vẻ (trú tại phường Kỳ Bá, TP.Thái Bình) để mua hóa đơn, thông qua việc môi giới mua bán trái phép hóa đơn, Hạnh hưởng lợi số tiền hàng trăm triệu đồng.

 

    Theo TTXVN, Nhân Dân điện tử, Thanh niên, Dân Việt, Công an nhân dân, VietNamPlus, Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (24/11) đưa tin, Tòa án nhân dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận xét xử vụ án hình sự đối với 06 bị cáo về hành vi “nhận hối lộ” và “đưa hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 85-02D (Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ kỹ thuật Khải Hưng). Các bị cáo, gồm Lê Tự Trị, nguyên Giám đốc Trung tâm và đồng phạm bị truy tố tội “đưa hối lộ”. Từ tháng 01 đến tháng 7/2022, Lê Tự Trị đã lợi dụng vị trí công tác để thỏa thuận và nhận tiền của các chủ phương tiện khi đưa xe ô-tô vận tải nhưng không thực hiện quy trình cải tạo thông số kỹ thuật theo quy định đến đăng kiểm, Trị tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật khác với hồ sơ gốc. Lê Tự Trị đã nhận của các chủ phương tiện 186 triệu đồng. Hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Tự Trị 4 năm 6 tháng tù; các bị cáo khác bị tuyên phạt từ 6 tháng tù đến 3 năm tù.

 

    Các báo (24/11) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra; đề nghị truy tố Trần Quí Thanh, Chủ tịch Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cùng vụ án, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích (hai con gái ông Trần Quí Thanh) bị đề nghị truy tố cùng tội danh. Kết quả điều tra xác định, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai con gái đã cho một số người vay lấy lãi “dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng”. Khi cho vay, Trần Quí Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế. Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 01/2019 đến 11/2020, ba cha con Chủ tịch Tân Hiệp Phát đã chiếm đoạt tài sản, dự án, thửa đất của một số cá nhân, tổng giá trị các tài sản là 767 tỷ đồng.

 

    Báo Công an nhân dân, Baomoi.com (25/11) phản ánh, thông tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản” được các cơ quan báo chí đưa khách quan, kịp thời. Qua việc khởi tố ông Lưu Bình Nhưỡng một lần nữa cho thấy, việc xử lý vi phạm không có vùng cấm, dù đó là người có chức vụ, quyền hạn hay một người dân bình thường. Đây cũng là một bài học đối với các cán bộ, đảng viên có chức quyền dù to hay nhỏ đều phải sống và làm theo pháp luật. Mọi sai phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm, công bằng trước pháp luật, không có ngoại lệ...

 

    Báo Tiền phong, Baomoi.com (27/11) cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương giao Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm nội dung tố giác ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có hành vi “Tham ô” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại đơn vị này năm 2020. Giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giải quyết tố giác của một số cán bộ, bác sỹ về việc ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc và bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Bệnh viện bao che, bổ nhiệm lại chức vụ cho đảng viên vi phạm. Trước đó, năm 2021, một số y bác sỹ tại Bệnh viện phát hiện nhiều cán bộ, nhân viên không trực nhưng vẫn được hưởng phụ cấp trực Covid-19 với tổng số tiền hơn 293,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh đã tiến hành thanh tra, xác định: Trong 3 năm (2018-2020) cán bộ các khoa (Nội, Nhi, Châm cứu, Ngoại, Ngũ quan và Hồi sức) đã chia sẻ 33% tiền phụ cấp làm thủ thuật với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng; sau khi nhận tiền phần trăm thủ thuật của các bác sỹ trích lại, Bệnh viện đã chi hơn 1,26 tỷ đồng cho nhân viên các khoa, phòng không liên quan. Khoảng 600 triệu đồng còn lại, lãnh đạo Bệnh viện sử dụng đi chúc tết sai quy định. Sau đó, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “Khiển trách” đối với ông Phạm Văn Huấn. Dù vẫn đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng ngày 22/11/2023, ông Phạm Văn Huấn được UBND tỉnh Hải Dương điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh này.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Theo Đài TNVN, Báo mới, Thanh tra (21/11) đưa tin, Ủy ban Chống tham nhũng Slovenija đã mở cuộc điều tra sơ bộ về vụ việc dựa trên một báo cáo nhận được vào tháng 12/2022. Với cáo buộc, Thủ tướng Robert Golob gây áp lực tới Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Tatjana Bobnar và các nhân viên khác của Bộ, dẫn đến việc ông Bobnar phải từ chức vào tháng 12/2022. Ủy ban cho biết, một số cáo buộc trong báo cáo vẫn đang được kiểm tra. Những nghi ngờ vi phạm sẽ được xác nhận hoặc bác bỏ dựa trên các cuộc điều tra tiếp theo. 

 

    Báo Thanh tra (22/11) cho biết, Tòa án nhân dân Trung cấp thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã tuyên án Zhang Jinghua, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô 14 năm tù trong vụ nhận hối lộ. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vũ Hán cho biết, từ năm 2008-2021, Zhang Jinghua đã lạm dụng chức vụ cũ để trục lợi cho người khác. Các chức vụ Zhang từng đảm nhận bao gồm: Giám đốc Sở Bảo vệ Môi trường tỉnh Giang Tô, Phó Bí thư Thành ủy Từ Châu, Bí thư Thành ủy Trấn Giang, Phó Tỉnh trưởng Giang Tô, Bí thư Thành ủy Nam Kinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô... Zhang đã tạo cơ hội cho các đơn vị, cá nhân liên quan tham gia ký kết hợp đồng dự án, phát triển, giữ chức vụ… Đổi lại nhận tiền, tài sản trái phép trực tiếp hoặc thông qua người khác, với tổng trị giá hơn 49,84 triệu nhân dân tệ (6,99 triệu USD).

    

    TTXVN, báo Lao động, VietNamNet, VnExpress, Dân trí, Thanh niên, Kinh tế đô thị, Người đưa tin, Hà Nội mới (22/11) thông tin, Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập Binance, nhận tội tại Tòa án Seattle (Mỹ) vì vi phạm quy định chống rửa tiền và rời vị trí CEO sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. Trước đó cùng ngày, CZ trình diện trước Tòa án Seattle và nhận tội “không tuân thủ quy định chống rửa tiền” và vi phạm lệnh trừng phạt do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đưa ra. Trước đó cuối tháng 3, Binance và CZ bị Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai điều tra với cáo buộc vi phạm tám điều khoản trong Đạo luật trao đổi hàng hóa của Mỹ, bao gồm luật yêu cầu về biện pháp “ngăn chặn và phát hiện hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố”. Đây là động thái pháp lý lớn nhất của cơ quan quản lý Mỹ với Binance từ trước đến nay. Cựu CEO Binance có thể đối mặt mức án 18 tháng tù. Binance, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, cũng có kế hoạch nhận tội hình sự và đồng ý nộp phạt tổng cộng 4,3 tỷ USD, bao gồm số tiền giải quyết cáo buộc dân sự do cơ quan quản lý đưa ra. Thỏa thuận sẽ chấm dứt các cuộc điều tra kéo dài đối với Binance. Năm 2021, CZ bắt đầu gia nhập câu lạc bộ tỷ phú với khối tài sản tương đương 96 tỷ USD. Tuy nhiên, những tháng qua, sóng gió liên tục ập đến với Binance khi sàn liên tục bị cơ quan chức năng khắp châu Âu và Mỹ điều tra với các cáo buộc khác nhau như thao túng thị trường, thiếu tuân thủ luật pháp, tiếp tay cho hành vi rửa tiền.

 

    Báo Thanh tra (24/11) cho biết, các công tố viên chống tham nhũng Romania đề nghị Quốc hội và Tổng thống cho phép điều tra hình sự đối với cựu Thủ tướng Florin Citu cùng cựu Bộ trưởng Y tế Romania Vlad Voiculescu (12/2020-4/2021) và IoanaMihaila (4/2021-9/2021) vì cáo buộc mua số lượng vắc xin Pfizer và Moderna nhiều hơn đáng kể so với mức cần thiết trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 5/2021 mà không có tài liệu hoặc đánh giá để giải trình cho việc mua hàng. Theo cơ quan công tố, mặc dù Romania đã mua 37,6 triệu liều vắc xin trước tháng 01/2021 đủ để tiêm chủng cho tất cả người dân Romania, nhưng 3 thành viên Nội các này lại đồng ý mua thêm 52,8 triệu liều, khiến ngân sách nhà nước tiêu tốn hơn 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) trước thuế GTGT. 

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

 

    - Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC;

    - TP. Hồ Chí Minh thi hành kỷ luật nhiều đảng viên, tổ chức đảng sai phạm;

    - Truy tố Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh thao túng trái phiếu, chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng;

    - Kỷ luật 02 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh;

    - Truy tố nguyên Chủ tịch Saigon Co.op Diệp Dũng và 08 đồng phạm.

 

NGUỒN: BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG