Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Theo tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (20/02) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên án chung thân đối với Nguyễn Lê Giang, cựu cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố vì lừa bán đất trên giấy gần 100 tỷ đồng. Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến tháng 9/2017, Giang đã đưa ra thông tin bản thân có thể mua được các lô đất trên địa bàn TP. Thanh Hóa với giá rẻ hơn thị trường. Sau đó, từ tháng 10/2017, Giang đã bị điều chuyển công tác đến Trung tâm Thể dục thể thao thành phố. Tại đây, Giang vẫn hứa mua đất cho nhiều cá nhân có nhu cầu. Tin tưởng, nhiều người đã đặt cọc tiền mua đất cho Giang ở nhiều mặt bằng quy hoạch. Số tiền đặt cọc Giang không mua đất như đã hứa mà dùng vào mục đích cá nhân. Theo thống kê, đã có hàng chục đối tượng bị Giang lừa, với tổng số tiền là gần 97 tỷ đồng. Trong vụ án này còn có các đồng phạm là Đàm Thị Quyên, trú phường Đông Thọ và Lê Văn Dụng trú xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Lê Giang chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 05 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hình phạt là chung thân; buộc bồi thường cho các bị hại gần 97 tỷ đồng. Đàm Thị Quyên 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bồi thường cho các bị hại hơn 1,3 tỷ đồng; Lê Văn Dụng 3 năm 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (21/02) đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Tô Thanh Dung, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội 11 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án bắt nguồn từ việc năm 2018, chị Vũ Thị T. (ở quận Bắc Từ Liêm) có nguyện vọng cho con trai đang học lớp 11 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Thông qua bạn học, chị T. gặp Dung - khi đó là cán bộ trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 6 - Bộ Công an có khả năng xin cho con trai chị T. trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân kỳ thi năm 2019. Chi phí “chạy trường” khoảng 800 triệu đồng. Đến đầu năm 2019, chị T. thông báo cho Dung biết là con trai mình đánh nhau phải nghỉ học ở nhà 1 năm và chuyển đến học lại lớp 11 tại trường Trung cấp công nghệ và kinh tế đối ngoại nên sẽ thay đổi kỳ thi sang năm 2020.  Lúc này, hai bên thỏa thuận chi phí là 1 tỷ đồng…

 

    Theo thông tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (21/02), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên xảy ra tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang và các đơn vị liên quan. Đồng thời, tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với 04 đối tượng: Dương Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang; Hà Văn Hòe, Tổng giám đốc; Phạm Thanh Thạch, Phó Tổng giám đốc; Nguyễn Văn Thảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân An. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét đối với: Nguyễn Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân An. 

 

    VOV (22/02) phản ánh, tại hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Theo đó, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ phương án thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai; tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Hầu như các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều rất mong muốn được tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Bởi nhiều năm gần đây, nhà đầu tư ngày càng khó thương lượng với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án đầu tư, nhất là đối với các phần diện tích đất còn lại cuối cùng trong khu vực dự án do các thửa đất này thường thuộc về giới “đầu nậu”, giới “đầu cơ” đất đai. Dự thảo Luật Đất đai nếu để 2 cơ chế bồi thường trong cùng 1 dự án cũng sẽ tiếp tục phát sinh phức tạp. Tuyệt đại đa số ý kiến đã thống nhất nguyên tắc: Muốn tiếp cận được đất đai thương mại phải thông qua đấu giá, qua sàn giao dịch. Muốn chống “thao túng”, “đầu cơ” thì phải công khai, minh bạch cơ chế.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (22/02) cho biết, trong các ngày 20 và 21/02/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 26. Tại Kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung: Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xem xét đề nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh Hòa Bình và Bắc Ninh về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm; xem xét kết quả giải quyết tố cáo đồng chí Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam; xem xét kết quả giám sát Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy các tỉnh Nghệ An và Bến Tre...

 

    Báo TTXVN, Tuổi trẻ TP.HCM, VnExpress, Dân trí, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh niên, Lao động, Người Lao động, Dân Việt và một số báo (22/02) phản ánh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Lê Minh Thể, trú tại số 367/21 Đường Trần Quang Diệu, phường An Thới về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trước đó, ngày 20/3/2019, Lê Minh Thể đã bị Tòa án nhân dân quận Bình Thủy xét xử, tuyên án 2 năm tù về tội danh này. Đến tháng 7/2020, Lê Minh Thể chấp hành xong án phạt tù và trở về cư trú tại địa phương cho đến nay. Trong quá trình sinh sống tại địa phương, Lê Minh Thể vẫn thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh có nội dung vi phạm pháp luật lên trang facebook cá nhân để nhiều người chia sẻ, bình luận.

 

    Các báo (22/02) đồng loạt đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Thanh, nguyên thiếu tá, điều tra viên sơ cấp thuộc Cơ quan CSĐT (PC02) Công an TP. Hồ Chí Minh về tội “Giả mạo trong công tác”. Theo truy tố, ngày 15/7/2020, bị cáo Thanh được phân công thụ lý, xác minh nguồn tin về tội phạm theo đơn của bà Hồ Thị H. tố cáo bà Võ Thị Hà có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua khám xét khẩn cấp, Cơ quan điều tra thu được nhiều tài liệu tại nhà bà Hà. Kết quả giám định cho thấy, các tài liệu này không phải do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp. Vì vậy, Thanh có báo cáo đề xuất gửi ông Nguyễn Văn Hải và ông Huỳnh Lê Hoàng Vũ là phó Đội trưởng chỉ huy đội 8, Phòng PC02 để hai ông này cho ý kiến rồi trình lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra về việc khởi tố vụ án hình sự. Đến ngày 15/11/2020, do chưa nhận được ý kiến phê duyệt của lãnh đạo Công an Thành phố, lo sợ bị quá thời hạn không được giải quyết, sợ bị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố kiến nghị, ảnh hưởng đến thành tích của bản thân nên Thanh đã quyết định làm giả các tài liệu. Tại phiên tòa, xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên sau khi xem xét Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Thanh 12 tháng tù. Tòa cũng kiến nghị Giám đốc Công an Thành phố, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố xử lý nghiêm đối với ông Nguyễn Văn Hải và ông Huỳnh Lê Hoàng Vũ cùng một số cán bộ có liên quan.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Báo Tuổi trẻ TP.HCM (20/02) phản ánh, cử tri tỉnh Tây Ninh đề nghị nghiên cứu tạo cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng, cho phép khắc phục hậu quả sai phạm… để thúc đẩy họ tố cáo, tố giác, tạo hiệu ứng răn đe để cán bộ, công chức không dám tham nhũng. Hành vi tham nhũng vặt thường diễn ra trong mối quan hệ khép kín giữa chủ thể tham nhũng và chủ thể tiếp tay tham nhũng, rất khó phát hiện nếu không có tố giác từ những người tham gia. Một số trường hợp chủ thể tiếp tay tham nhũng chủ động đề nghị tham nhũng (hối lộ để bỏ qua sai phạm) nên càng khó xảy ra việc tố cáo. Vì vậy, cùng với việc chủ động phát hiện, cải cách chế độ tiền lương hoặc tăng chế tài hình sự để ngăn chặn tham nhũng vặt, cử tri tỉnh này cho rằng có thể nghiên cứu giải pháp của các nước như Trung Quốc, Singapore để áp dụng vào thực tiễn, chẳng hạn tạo cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng, cơ chế cho phép khắc phục hậu quả sai phạm... Việc này nhằm thúc đẩy người tiếp tay tham nhũng tố cáo, tố giác, từ đó tạo hiệu ứng răn đe để cán bộ, công chức “không dám tham nhũng”. Trả lời và tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ghi nhận, tiếp thu; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý; tăng cường biện pháp và chế tài nhằm bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật này.

 

    TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (20/02) thông tin, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học: “Quán triệt tư tưởng chỉ đạo trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, TC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay”. Tại Tọa đàm, các ý kiến tham luận đã khẳng định: Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với công tác đấu tranh PCTN, TC ở nước ta. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh PCTN, TC ở Việt Nam, cuốn sách đã khẳng định đấu tranh PCTN, TC là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thế đảo ngược” với quyết tâm “không có vùng cấm, vùng trong, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cả nhân nào”, đồng thời, cuốn sách chỉ rõ phương châm thực hiện trong thời gian tới. Để công cuộc đấu tranh PCTN, TC đạt hiệu quả cao nhất, trước hết Đảng phải tăng cường tự đổi mới, tự chỉnh đốn, phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt là “phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên”. Đây là cái “gốc” của vấn đề, là nhiệm vụ chính trị cấp bách, hệ trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta và phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn thể Nhân dân. Đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Cuốn sách có ý nghĩa to lớn, là quan điểm chỉ đạo quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại… Báo Vĩnh Phúc; Trang tin Ban Tuyên giáo Trung ương; Trang Thông tin điện tử tỉnh ủy Vĩnh Phúc (21/02) cho biết, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, TC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC tại Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là Đảng bộ cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức Hội nghị giới thiệu Cuốn sách ý nghĩa này đến lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

aa

   Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên soạn Cuốn sách tham luận tại Tọa đàm

    Báo Tuổi trẻ TP.HCM (20/02) có bài: “Vì sao thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị tạm giữ?”, theo bài báo, năm 2021, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện một số sai phạm trong đấu thầu mua bán vật tư, thiết bị xảy ra tại Công ty nhiệt điện Đông Triều - TKV, Quảng Ninh. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 28/4/2022 Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong quá trình điều tra vụ án trên, ngoài nội dung sai phạm liên quan các cá nhân thuộc Công ty nhiệt điện Đông Triều - TKV, Cơ quan điều tra cũng làm rõ thêm đường dây “mua bán trái phép hóa đơn” nhằm mục đích “trốn thuế”. Thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh tiến hành điều tra mở rộng vụ án “trốn thuế”, “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Từ đó, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giữ đối với một số người có liên quan, trong đó có Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 21/02, thông tin từ hầu hết các báo cũng cho biết về việc “Lộ số tiền “khủng” lãnh đạo doanh nghiệp nhờ Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca 'chạy án'”. Báo Thanh niên (20-21/02) có bài: “Giám đốc doanh nghiệp “ma” khiến thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị bắt là ai?” và bài “Vì sao thiếu tướng Đỗ Hữu Ca bị Công an Quảng Ninh bắt khẩn cấp?”. Theo bài báo, quá trình điều tra, ngoài các sai phạm liên quan đến người của Công ty Nhiệt điện Đông Triều, cơ quan chức năng làm rõ đường dây mua bán trái phép hóa đơn nhằm mục đích trốn thuế do Trương Xuân Đước (thường trú tại P.Đằng Hải, Q.Hải An, TP.Hải Phòng) là Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương (trụ sở tại P.Bạch Đằng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cầm đầu. Đước điều hành 10 công ty có trụ sở đặt tại Hải Phòng và Quảng Ninh từ năm 2005 đến nay, nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Tổng số tiền giao dịch mua bán hóa đơn VAT mà Đước cùng đồng bọn thực hiện lên đến con số rất lớn. Biết không thoát khỏi lưới pháp luật, Đước sử dụng mối quan hệ để “chạy án”, cụ thể, cậy nhờ gia đình Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, Đước đã chuyển cho vợ chồng tướng Ca hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ việc không thành, Đước bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ hồi đầu tháng 02/2023. Từ lời khai của Đước, tối 18/02/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với thiếu tướng Đỗ Hữu Ca đồng thời thực hiện lệnh khám xét tư gia của vị tướng này tại quê nhà ở xã Kênh Giang, H.Thủy Nguyên và ngôi nhà số 24 lô 18D Lê Hồng Phong, P.Đằng Lâm, Q.Hải An. Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (22/02) đồng loạt thông tin: Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi nhận tiền chạy án cho một số đối tượng trong vụ án của Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng. Sau khi ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khám xét nơi ở của ông Đỗ Hữu Ca, ngày 22/02, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với ông Đỗ Hữu Ca về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ, khởi tố, tạm giam các bị can Trương Xuân Đước; Nguyễn Thị Ngọc Anh (là vợ Đước); Trương Văn Nam đều trú tại thành phố Hải Phòng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước”. Ngoài ra, còn có 3 đối tượng khác bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội “Trốn thuế”. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngày 23/02, các báo tiếp tục thông tin, ông Đỗ Hữu Ca đã 04 lần nhận tổng cộng 35 tỷ đồng tại nhà riêng từ ông “trùm” mua bán hóa đơn Trương Xuân Đước để nhờ chạy án. 

 

    Báo Dân trí (21/02) cho biết, liên quan đến báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu tỉnh Hà Tĩnh có 100% gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vi phạm, địa phương này đã thông tin phản hồi. Trong các năm 2020 và 2021, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tổng 863 gói thầu mua sắm thiết bị y tế... Đại diện Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vào đầu năm 2022, đơn vị đã thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm, sử dụng các thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại đợt thanh tra này, đoàn thanh tra đã làm việc với 11/29 đơn vị và tiến hành kiểm tra trực tiếp 48 gói thầu với giá trị hơn 32,3 tỷ đồng, kết quả, 48 gói thầu đã phát hiện có khuyết điểm, hạn chế về trình tự, thủ tục đấu thầu, mua sắm. Tổng giá trị sai phạm về kinh tế hơn 2,2 tỷ đồng,… Đại diện Thanh tra tỉnh cũng cho biết, tại dự thảo báo cáo tổng kết của Thanh tra Chính phủ đã tổng hợp kết quả, thông tin tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ số gói thầu có vi phạm là 100% (48/48 gói thầu được kiểm tra). Trên thực tế đoàn thanh tra Hà Tĩnh chỉ kiểm tra 48/863 gói thầu và những gói thầu được kiểm tra phát hiện vi phạm, chứ không phải tất cả 863 gói thầu đều có vi phạm.

 

    VOV (21/02) thông tin, liên quan vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, kết quả điều tra ban đầu xác định, các đối tượng đã có hành vi cấu kết, làm khống một số hồ sơ công trình trên địa bàn huyện Chợ Mới để tham ô số tiền 1,4 tỷ đồng. Cơ quan Công an đã thực hiện lệnh khám xét nhà bị can Trương Hiếu Phúc, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Trương Đặng. Như thông tin đã đưa, ngày 18/02 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã đồng loạt tiến hành bắt, khám xét đối với 09 bị can tội “Tham ô tài sản” thu nhiều tài liệu, chứng cứ có liên quan.

 

    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, VnExpress, Dân trí và các báo (21/02), ông Nguyễn Văn Kiên, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên bị cáo buộc nhận quà biếu 600 triệu đồng, cùng đồng phạm “thổi giá” hai gói thầu thiết bị dạy học từ 12 lên 20 tỷ đồng. Dự kiến ngày 01/3, ông Kiên bị Tòa án nhân dân tỉnh xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 07 đồng phạm bị truy tố cùng tội danh gồm: Trịnh Mạnh Cường, cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính; Đinh Văn Hữu, cựu Giám đốc Công ty Sách Điện Biên; Nguyễn Quang Tuyến, cựu Phó giám đốc Công ty Sách Điện Biên; Võ Thúc Chính, cựu Giám đốc Công ty T&C; Mai Thanh An, cựu Giám đốc Công ty Tây Đô; Hồ Thị Sáu, cựu Giám đốc Khối thẩm định III và Nguyễn Quốc Việt, Thẩm định viên Công ty thẩm định giá BTC Value. Trong 08 người, ông Việt và Sáu cũng là bị can trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa. 

 

    Các báo (21/02) đồng loạt phản ánh, để chấn chỉnh tình trạng ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm, trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ thanh tra cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng phân phối bảo hiểm. Theo thông tin của các báo, thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã nhận được thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng. Thực tế, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua đã phát triển nhanh chóng và có đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển Cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (21/02) dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối với Nguyễn Sinh Phú, Đăng kiểm viên, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D - Ninh Bình về tội “Nhận hối lộ”. Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định: Từ năm 2021 đến nay, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Phú đã nhận tiền của nhiều chủ xe ô tô để cung cấp hồ sơ cải tạo xe cơ giới giả và Giấy chứng nhận kiểm định trái quy định để thu lợi bất chính số tiền gần 400 triệu đồng. Hành vi của Phú có dấu hiệu “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”… Các báo đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa phê chuẩn quyết định khởi tố 08 bị can là lãnh đạo, nhân viên thuộc Công ty TNHH An Phát và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D vì hành vi “Nhận hối lộ”. 06 bị can bị bắt tạm giam, 02 bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú và được bảo lãnh tại ngoại. Các báo (24/02) đưa tin, qua điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, 04 đối tượng đang công tác tại Chi cục đăng kiểm 11, tỉnh Thái Bình đã nhận của các chủ phương tiện, với tổng số tiền hơn 120 triệu đồng để bỏ qua các lỗi đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Chi Cục đăng kiểm 11 và 03 đăng kiểm viên là: Vũ Đăng Hạnh, Trần Văn Quyết và Trần Công Trịnh về tội “Nhận hối lộ”. Cùng ngày các báo cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thi hành lệnh bắt 03 đối tượng liên quan đến vi phạm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 88-03D. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Hoàng Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm; Trần Văn Thái, nhân viên và Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty Tâm Phúc, thành phố Vĩnh Yên. Theo điều tra, đối với trường hợp xe cơ giới đã được thi công cải tạo từ trước thì Hiếu và Thái yêu cầu chủ phương tiện phải đưa tiền để làm hợp thức hồ sơ. Tùy vào từng loại xe, Hiếu và Thái thu từ 09 đến 11 triệu đồng/xe; sau đó, Hiếu và Thái thông đồng với đơn vị thiết kế để hợp thức hồ sơ thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới, phát hành Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trái quy định. Trong các năm 2021 và 2022, Thái đã nhận hơn 137 triệu đồng của 06 chủ phương tiện với 15 xe ô-tô, sau đó, cùng Khánh hợp thức hồ sơ cải tạo xe. Sau khi nộp lệ phí nghiệm thu cải tạo theo quy định, các đối tượng chia nhau số tiền còn lại. Các báo (25/02), dẫn nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố tiến hành khám xét Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-05V tại phường Đức Giang, quận Long Biên. Cũng liên quan đến sai phạm của các trung tâm đăng kiểm, Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh đã bắt khẩn cấp 05 người gồm lãnh đạo, nhân viên Trung tâm đăng kiểm 29-07D, thu giữ nhiều tài liệu liên quan. Trong ngày 24/02, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hoàng Mai phối hợp Công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp về hành vi nhận hối lộ để bỏ qua lỗi của phương tiện khi đến đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-10D (Bãi đỗ xe công cộng và dịch vụ Đền Lừ). Bước đầu cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan và hơn 137 triệu đồng. Cùng ngày các báo cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Hứa Văn Toản, đăng kiểm viên, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Đăng kiểm Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám xét khẩn cấp chỗ ở của Hứa Văn Toản tại Tổ 14, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn và tại nơi việc thuộc thôn Lảm Lượng, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cơ quan Công an đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án. 

 

    Theo VOV (22/02) phản ánh, “Nghịch lý đăng kiểm: Một “thế giới” riêng, vì đâu nên nỗi?”. Bài báo cho biết, đăng kiểm là một lĩnh vực đặc thù, ít cởi mở với truyền thông, báo chí. Bao năm qua một mình một khoảnh không đụng chạm ai, nhưng gây những bức xúc, khó chịu cho người dân mỗi lần đi đăng kiểm phương tiện hoặc làm thủ tục liên quan... Sức nóng của vụ “Việt Á ngành đăng kiểm” đã, đang lan ra khắp mọi miền đất nước, đến thời điểm này, hàng trăm trung tâm đăng kiểm ở 23 tỉnh, thành phố đã bị kiểm tra, bắt giữ và khởi tố. Với việc có thêm nhiều các trung tâm đăng kiểm ở phía Bắc bị “sờ gáy”, nhiều người đặt câu hỏi vì sao sai phạm có tính chất hệ thống như vậy tồn tại lâu nay và đã để tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm có “đất” sống. Việc nhận diện những bất cập này để hoàn thiện thể chế, “bịt” lỗ hổng pháp lý, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, sớm xóa bỏ những “nghịch lý” để phòng ngừa sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm đã trở thành một yêu cầu cấp thiết. Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố, điều tra vụ án: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Suốt gần 03 tháng qua, công an tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước đã khám xét trên 50 trung tâm đăng kiểm, khởi tố gần 300 bị can về 5 tội danh trên. Trong đó, có 80 bị can là Giám đốc, Phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và các đối tượng môi giới; 03 bị can là cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. Việc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC thống nhất bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự vụ. Việc điều tra, phát hiện các hành vi sai phạm trong đăng kiểm này vừa có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, vừa góp phần làm rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước một hoạt động kỹ thuật nhưng có tính xã hội rất cao này. Tuy nhiên, việc bắt giữ và tạm dừng số lượng lớn trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên trong một thời gian ngắn dẫn đến thiếu hụt trung tâm đăng kiểm và nhân lực để thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện ô tô trên nhiều địa bàn. Theo báo cáo của Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cập nhật tính đến sáng 16/02/2023, cả nước có 233 Trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, 48 Trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động, trong đó có 41 Trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động do liên quan đến sai phạm và đã bị cơ quan Công an điều tra khởi tố và bắt giữ, 07 Trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng do không đủ điều kiện theo quy định.

 

    Báo Thanh tra (22/02) có bài: “Vĩnh Long: Có hay không chủ đầu tư đưa ra các yêu cầu “cửa hẹp” nhằm hạn chế nhà thầu?”. Bài báo cho hay, báo đã nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc về Gói thầu số 01: Xây dựng các hạng mục công trình Nhà Thi đấu đa năng tỉnh Vĩnh Long, chủ đầu tư đã đưa ra những điều kiện khắt khe để “cài thầu” nhằm hạn chế nhà thầu có đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định pháp luật. Được biết, đơn vị trúng Gói thầu số 01 là Công ty Cổ phần Confitech Cửu Long. Gói thầu có giá hơn 172.556 triệu đồng. Theo phản ánh, trong Hồ sơ mời thầu Ban Quản lý dự án Vĩnh Long cùng với Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Mỹ Thuận (Công ty Mỹ Thuận), đơn vị tư vấn lập Hồ sơ mời thầu, đã cố tình đưa ra một số “rào cản” để “cài thầu” nhằm mục đích hạn chế nhà thầu có đủ năng lực khó tiếp cận được với gói thầu và bị loại ngày từ vòng hồ sơ. Liên quan vấn đề này, Ban Quản lý dự án Vĩnh Long cho rằng, Nhà Thi đấu Vĩnh Long có hơn 3.000 chỗ ngồi, được xem là công trình có yêu cầu về chất lượng và an toàn chịu lực đặc biệt cao hơn so với các công trình cùng cấp khác. Đồng thời, công trình có khán đài sức chứa lớn nên phải thiết kế hệ khung kết cấu thép chịu lực. Do đó, yêu cầu năng lực kinh nghiệm với nội dung “khán đài hoặc sàn bậc ngồi bằng kết cấu khung thép” trong Hồ sơ mời thầu là phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng. Tiếp tục phản ánh về nội dung này, báo Thanh tra (25/02) có bài: “Vĩnh Long: Công ty Confitech Cửu Long liên tiếp trúng nhiều gói thầu trên sân nhà?”. Bài báo cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty này liên tiếp trúng nhiều gói thầu ở tỉnh Vĩnh Long. Đáng chú ý, nhiều trong số các gói thầu công ty này trúng có giá trị… “khủng” nhưng tỷ lệ tiết kiệm lại khá khiêm tốn. Đặc biệt, loạt gói thầu ở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Long và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long có giá rất… “khủng”. Theo phản ánh của độc giả, những năm qua, Công ty Confitech trúng liên tiếp 15 gói thầu trên “sân nhà” tỉnh Vĩnh Long với tổng giá trị trúng thầu trên 500 tỷ đồng. Trong đó, có 03 gói liên danh, còn lại độc lập. Đặc biệt, Công ty này gần như “độc chiếm” các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Long và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư. Đơn cử, Công ty Confitech Cửu Long liên tiếp trúng 05 gói thầu xây lắp, sửa chữa tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Long, trong đó có 02 gói chỉ định thầu rút gọn và 03 gói đấu thầu rộng rãi với tổng giá trị trên 250 tỷ đồng. hàng loạt gói thầu tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long với tổng giá trị trên 120 tỷ đồng. Cụ thể, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 như Báo đã nêu, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư ký ngày 22/11/2022, giá gói thầu hơn 171.993 triệu đồng, giá trúng thầu hơn 168.624 triệu đồng. Gói thầu số 2: Xây lắp hệ thống ME (hệ thống thông gió - điều hòa kỹ thuật, hệ thống thông tin) ở dự án Khối Nhà làm việc của UBND tỉnh và các cơ quan Khối Tổng hợp - Khu Hành chính tỉnh Vĩnh Long, Công ty Confitech liên danh với Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT trúng thầu với giá hơn 72.915 triệu đồng… và nhiều gói thầu khác. Tuy nhiên, mục tiêu của việc đấu thầu là tìm được nhà thầu thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng với chi phí thấp nhất, đúng tiến độ, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư cũng như tiết kiệm tối đa ngân sách cho Nhà nước, nhưng việc đấu thầu các gói thầu với Công ty kể trên lại tiết kiệm ngân sách Nhà nước không đáng kể khiến dư hoài nghi về có sự “nâng đỡ không trong sáng” cho nhà thầu này?

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Thanh niên, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (22/02) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản), trụ sở tại thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Cơ quan Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam đối với 02 cán bộ thuộc Trung tâm này gồm Nguyễn Vũ Hà, Trưởng phòng và Nguyễn Quốc Công, đăng kiểm viên. Cả 03 bị can bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là kết quả của việc điều tra mở rộng vụ án Lê Minh Xuân cùng đồng phạm với các hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “mua bán hóa đơn” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ án, Cơ quan An ninh điều tra xác định các bị can đã lợi dụng những chính sách của Chính phủ về phát triển thủy sản, dùng những thủ đoạn gian dối, mua bán hóa đơn để được nhà nước hỗ trợ hàng chục tỷ đồng. Liên quan đến vụ án này, ngày 13/02, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Đinh Cao Thượng, Phó trưởng phòng của Chi cục Thủy sản.

 

    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (22/02), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Hà Thắm Cảnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Cạ về tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Cảnh có hành vi tham ô tài sản, chiếm đoạt trái phép tài sản của Nhà nước (quà tài trợ, ủng hộ bão lụt) với số tiền hơn 147,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Cảnh còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thực hiện các khoản thu trái phép từ học sinh năm học 2021-2022 là hơn 76,6 triệu đồng; trong đó, chiếm đoạt trái phép số tiền hơn 50,6 triệu đồng.

 

    Báo Thanh niên và một số báo (22/02) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trần Kim Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bà Thúy bị điều tra, khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến sai phạm trong thời gian bà đang giữ chức Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình. Cụ thể, quá trình điều hành bệnh viện, bà Thúy đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa số lượng lớn thuốc điều trị, biệt dược từ bên ngoài vào, tư vấn, kê đơn, bán cho các bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện do mình quản lý, điều hành. Số tiền thu được từ việc mua bán thuốc này, bà Thúy chỉ đạo để ngoài sổ sách kế toán của bệnh viện để thu lợi bất chính.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (23/02) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đoàn Quang Vinh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trước đó, vào tối 09/02, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Hoàng Quang Huy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, kế toán trưởng và bà Lâm Thị Hồng Tâm, thủ quỹ của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng về tội “Tham ô tài sản”. Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng xác định: Hoàng Quang Huy và Lâm Thị Hồng Tâm thực hiện hành vi ký khống séc (séc không ghi đầy đủ số tiền và các nội dung theo quy định) rồi sau đó điền thông tin số tiền để rút tiền từ tài khoản ngân hàng của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.

 

    Các báo (23/02) cho biết, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hà Thị Hiệp, Nguyễn Thanh Hải, Trần Văn Châu, Hồ Quốc Hùng và Nguyễn Đình Thành để điều tra làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, qua công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm về hành vi đe dọa khủng bố, cưỡng đoạt tài sản của người dân và một số cơ quan trên địa bàn, Công an tỉnh Tiền Giang đã lập chuyên án để xác minh, điều tra làm rõ. Qua đó, Cơ quan điều tra đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cưỡng đoạt tài sản với phương thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý, giáo viên chủ nhiệm, có liên quan đến bị hại để thực hiện hành vi đe dọa giết vợ, con, người thân. Dưới sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động lực lượng tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt (tại phường 13, quận Tân Bình). Tại Cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận đây là tổ chức tội phạm hoạt động “núp bóng” công ty tư vấn luật dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng là Phó giám đốc công ty cầm đầu. Theo đó, trung bình mỗi tháng, công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính 141.000 - 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng để phân chia đòi nợ. Qua điều tra đến nay, số tiền các đối tượng đã thu được là gần 1.000 tỷ đồng. 

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (26/02) dẫn nguồn tin từ Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cơ quan này đã nhận thông báo của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tạm giữ khẩn cấp ông Phạm Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm pháp y Quảng Ngãi để điều tra hành vi “nhận hối lộ” do liên quan đến việc sai lệch kết quả giám định. Ngoài ông Phượng, nhà chức trách cũng bắt giữ một người là “cò” giám định. Ông Phạm Ngọc Phượng từng là Trưởng Khoa giải phẫu bệnh kiêm Trưởng phòng pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2016, tỉnh thành lập Trung tâm Pháp y trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở phòng pháp y thuộc bệnh viện, bổ nhiệm ông Phượng làm Giám đốc. Đơn vị có chức năng giám định pháp y, giám định thương tích... khi có quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan cảnh sát điều tra.

 

    VOV (25/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 15 bị can. Trong đó, đề nghị truy tố Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh; Ngô Vui, cựu Trưởng phòng; Hà Huy Long, cựu Phó Trưởng phòng; Phạm Thị Hạnh, cựu Phó Trưởng phòng về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng bị đề nghị truy tố về tội danh trên còn có 05 bị can khác. Theo Kết luận điều tra, bị can Vũ Liên Oanh quen biết từ trước với Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch NSJ Group). Năm 2016, Nga đến gặp Oanh trao đổi về việc thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục mầm non năm 2016. Sau đó, Oanh chỉ đạo Ngô Vui, Hà Huy Long và Phạm Thị Hạnh phối hợp với nhân viên của Nga lập dự án và để cho công ty do Nga chỉ định thực hiện cung cấp thiết bị cho gói thầu mua sắm. Khi mở thầu, liên danh Công ty NSJ - Công ty Toàn Thịnh trúng gói thầu mua sắm dự án mầm non 2019 với trị giá hơn 195 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty NSJ trúng gói thầu mua sắm dự án tiểu học năm 2019 với trị giá hơn 127 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định hậu quả thiệt hại của vụ án là hơn 80 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu trái pháp luật và thực hiện dự án, Nga đưa “tiền cảm ơn” cho Oanh 14 tỷ đồng, Vui 14,8 tỷ đồng và Long hơn 1,8 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã kê biên 8 bất động sản của Oanh để phục vụ thi hành án.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    VnExpress (22/02) cho biết về sự việc, ba anh em nhà họ Lý được ví như “ba hổ dữ” thâu tóm, lũng đoạn ngành điện của thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, vơ vét tài sản hàng tỷ nhân dân tệ, một người sở hữu hơn 60 chiếc ôtô. Tháng 01/2018, Trung Quốc tổ chức chiến dịch đặc biệt kéo dài ba năm, tập trung đấu tranh chống tội phạm và thế lực ngầm trên cả nước, dẫn đến cuộc chấn chỉnh toàn diện các ngành và lĩnh vực trọng điểm. Tháng 10/2018, dựa trên báo cáo của quần chúng, Ủy ban Kiểm tra, Giám sát và Kỷ luật Thành phố Cáp Nhĩ Tân thành lập tổ chuyên án điều tra các hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật của hai cán bộ cấp cao ngành điện là Lý Vĩ và Lý Đồng. Theo Đội Điều tra hình sự của Sở Công an Thành phố Cáp Nhĩ Tân, năm 2018, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị gây trở ngại trong quá trình sử dụng, lắp đặt, đấu nối điện. Họ do đó nhiều lần khiếu nại lên Thành ủy. Năm 2010, Vĩ là trợ lý cho Cục trưởng Cục Điện lực Cáp Nhĩ Tân, kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Tập đoàn Công nghiệp Điện lực Cáp Nhĩ Tân. Ba năm sau, Vĩ được đề bạt làm Phó cục trưởng Cục Điện lực Cáp Nhĩ Tân, Đồng tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc. Từ năm 2010 đến 2016, khi Vĩ bắt đầu quản lý cấp điện đồng bộ, một quy định mới được đưa ra là nếu ai muốn nhanh chóng được cấp điện, phải đưa ra lợi ích tương ứng. Nếu không phải đơn vị thi công do Vĩ chỉ định, ông ta sẽ không nghiệm thu và không cung cấp điện. Sau khi nhận được dự án từ Vĩ, Đồng sẽ cho thầu lại, hầu hết được giao cho anh trai thứ ba là Lý Kiến. Nhờ anh cả Lý Vĩ có quyền lực, em út Lý Đồng nắm các dự án, Lý Kiến thành lập nhiều công ty lắp đặt hệ thống điện ở Cáp Nhĩ Tân, chịu trách nhiệm thi công. Cảnh sát phát hiện tổng giá trị các dự án điện do anh em họ Lý thâu tóm lên tới hơn 3,16 tỷ nhân dân tệ, lũng đoạn 77% hệ thống điện địa phương. Không chỉ vơ vét của cải qua dự án điện, họ còn nhận hơn 20 triệu nhân dân tệ tiền đút lót từ công ty khác. Ngoài xe sang và đồ cổ, anh em nhà họ Lý còn sở hữu 69 bất động sản và một bến tàu sang trọng trên sông Tùng Hoa. Trong số 69 bất động sản, có 55 ngôi nhà và căn hộ ở Cáp Nhĩ Tân, được phân bố trong 26 khu dân cư từ trung cấp đến cao cấp, giá trị 800 triệu nhân dân tệ. Số tiền mặt và tiền gửi ngân hàng bị thu giữ là gần 1 tỷ nhân dân tệ. Tháng 6/2019, tổ công tác của Ban chỉ đạo trung ương về chống tội phạm và thế lực ngầm đến tỉnh Hắc Long Giang, tập trung giám sát, đôn đốc vụ án Vĩ và Đồng, đào sâu “ô dù” phía sau họ. Sau gần hai năm điều tra, cơ quan Công an đã bắt giữ tổng cộng 155 nghi phạm, điều tra xử lý 308 vụ án hình sự. Ba anh em họ Lý bị cáo buộc 24 tội danh bao gồm cầm đầu tổ chức có tính chất xã hội đen, cố ý gây thương tích, giam giữ trái phép, cưỡng ép giao dịch. 

 

    Báo Thanh tra (23/02) đưa tin, theo Hãng tin AFP, ngày 21/02, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành IMF đã tới thăm và làm việc tại Ukraine. Tại đó, bà đánh giá cao những nỗ lực mà chính quyền Kiev đã thực hiện trong thời gian qua nhằm giải quyết tham nhũng. Lãnh đạo IMF nêu bật 03 lĩnh vực chính mà Ukraine đã đạt được, đó là: Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và cuộc chiến chống tham nhũng. Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đánh giá, Ukraine là một trong số ít những quốc gia cải thiện đáng kể chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), đã tăng 08 điểm kể từ năm 2013. Đất nước này từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng lạm dụng quyền lực có hệ thống, nhưng đã thực hiện các bước quan trọng để cải thiện việc giám sát và trách nhiệm giải trình. Đáng chú ý, vào tháng 6/2022, Quốc hội Ukraine đã thông qua Chiến lược Chống tham nhũng quốc gia và bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan mới chịu trách nhiệm đưa các vụ án tham nhũng ra trước tòa án...

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 

 

    - Tọa đàm khoa học Cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc;

    - Điều tra, khởi tố các đối tượng tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ Ninh Bình, Đắk Lắk; 

    - Thêm ba trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội bị điều tra;

    - Khởi tố, bắt tạm giam Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng;

    - Bắt Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản.

 

Nguồn: Noichinh.vn