Skip to main content

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia tỉnh Lạng Sơn

Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tập hợp, đoàn kết các Luật gia đã và đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị vũ trang, hoạt động tự nguyện phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hội Luật gia tỉnh Lạng Sơn được thành lập theo Quyết định số 174/QĐ-UBND ngày 19/4/1994 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, thực hiện công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, phản biện và giám sát xã hội, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương. Sau hơn 27 năm hình thành và phát triển, đến nay Hội Luật gia tỉnh có 03 huyện hội, 20 chi hội trực thuộc, 03 trung tâm tư vấn pháp luật với tổng số 389 Hội viên; Ban Chấp hành Tỉnh hội có 15 người, Ban Thường vụ là 05 người.

Từ khi thành lập đến nay, dù còn nhiều khó khăn, Hội Luật gia tỉnh đã có những đóng góp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong mỗi thời kỳ. Hội viên Hội Luật gia tỉnh đã tham gia góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, các huyện, thành phố; góp ý các dự luật, bộ luật và các văn bản pháp quy của địa phương với hơn 14.000 lượt văn bản các loại. Các cấp hội đã phối hợp tổ chức 1.542 hội nghị phổ biến pháp luật, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp nhận, tư vấn, giải đáp pháp luật cho 4.647 lượt khán, thính giả, tổ chức nhiều cuộc thi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cuộc thi công chức Tư pháp - Hộ tịch giỏi, Hòa giải viên giỏi,… tham gia viết, đưa tin trên các báo, đài, các trang thông tin điện tử của địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; trang bị cho nhiều cơ quan, đơn vị cấp xã hơn 16.900 cuốn sách pháp luật. Các cấp hội và Hội viên Hội Luật gia tỉnh đã tích cực phối hợp, tham gia giám sát một số vụ việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tại địa phương, các hội thảo phản biện xã hội. Hội viên là cán bộ trong các cơ quan như Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án, Đoàn Luật sư, Tư pháp, Trợ giúp pháp lý… thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đã đóng góp sáng kiến, kiến nghị nâng cao chất lượng các hoạt động tư pháp tiến tới thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.

 

aa
Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Hội Luật gia huyện Bình gia, UBND xã Hồng Thái
tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
(nguồn ảnh: Trang tin Sở Tư pháp Lạng Sơn)

 

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Hội Luật gia Việt Nam, nổi bật trong số đó là Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam (Chỉ thị số 56-CT/TW); Kết luận số 19-KL/TW, ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW (Kết luận số 19-KL/TW); Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Tại tỉnh Lạng Sơn, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và các cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo công tác Hội Luật gia tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã thực hiện việc nắm tình hình tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia tỉnh từ khi thành lập cho đến nay, nhận thấy thực tế hiện nay còn nhiều bất cập trong tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia như: cơ cấu tổ chức và hiệu quả quản lý của Hội Luật gia tỉnh chưa phù hợp, hiệu quả; hoạt động Hội tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa bàn khác nhau chưa có sự đồng đều, thống nhất, nhiều nơi còn lúng túng trong tổ chức hoạt động hoặc hoạt động không đạt hiệu quả; nhiều đơn vị cấp huyện chưa thành lập được Hội Luật gia. Nguyên nhân là do công tác quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW và Kết luận số 19-KL/TW ở một số ngành, đơn vị cấp huyện chưa triệt để, sâu sắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa sâu sát, chưa giao nhiệm vụ cụ thể cũng chưa hỗ trợ kinh phí để Hội hoạt động; công tác tham mưu của Ban Chấp hành Tỉnh hội cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chung của Hội còn hạn chế; thành viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội cấp tỉnh, huyện cơ bản đều là cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp kiêm nhiệm công tác; kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, chưa đảm bảo hoạt động thực tế của Hội.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Luật gia tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền đã xác định phương hướng và giải pháp cụ thể, trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia tỉnh. Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan được giao theo dõi, chỉ đạo công tác Hội Luật gia sẽ chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ Luật gia tỉnh. Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan và Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh để nắm tình hình, đánh giá, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của Hội Luật gia tỉnh để tổng hợp, báo cáo, kiến nghị với cấp có thẩm quyền. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Thường trực các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo chính quyền địa phương quan tâm thành lập các cấp Hội trực thuộc, tăng cường công tác quản lý, giao nhiệm vụ cụ thể phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương, quan tâm bố trí ngân sách địa phương cho hoạt động Hội.

Có thể thấy, các cấp hội và Hội viên Hội Luật gia tỉnh giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và đời sống pháp lý nói riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nhận thức và hành động của các cấp hội, Hội viên Hội Luật gia tỉnh có những tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến nhiều mặt đời sống của Nhân dân. Do vậy, vấn đề quản lý tổ chức Hội, nhất là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia tỉnh là vấn đề tất yếu, cần được quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh kịp thời, hiệu quả trong thời gian tới để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi mặt đời sống, với mọi đối tượng, thành phần xã hội; đồng thời tạo điều kiện để phát huy vai trò và khả năng của Hội Luật gia trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

                                                        Anh Đức - Ban Nội chính Tỉnh ủy