Skip to main content

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn: Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và điều trị những trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và điều trị người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 được xác định là một trong các giải pháp cơ bản, hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm kiểm soát rủi ro, hạn chế tối đa việc lây nhiễm dịch trong cộng đồng, ngăn chuyển nặng và giảm tử vong. Trong thời gian qua, công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 và chăm sóc, điều trị, quản lý người nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Tính đến ngày 15/3/2022, tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 99,82% tiêm mũi 1, 98,09% tiêm mũi 2, 83,15% tiêm mũi 3; tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đạt 98,55% tiêm mũi 1 và 94,79% tiêm mũi 2; trong số các trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 có 90% được điều trị tại nhà, 10% điều trị tại cơ sở y tế, trên 99% bệnh nhân điều trị tiên lượng tốt...

Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác tiêm chủng vắc-xin và chăm sóc, điều trị, quản lý người nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 hiện vẫn có mặt hạn chế: toàn tỉnh còn một tỷ lệ đáng kể người từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm vắc-xin (khoảng 2% chưa tiêm mũi 1, 8% chưa tiêm mũi 2), việc thống kê số liệu đối tượng trong diện tiêm vắc-xin không thống nhất, chưa có số liệu chính xác, một số địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng cao, số đối tượng F1 chuyển F0 tăng mạnh… Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền tuyến cơ sở chưa thực sự quan tâm sâu sát, quyết liệt chỉ đạo trong việc rà soát, thống kê và cập nhật danh sách các đối tượng tiêm chủng, nhiều nơi còn phó mặc cho cơ quan y tế cơ sở, công tác truyền thông vận động tiêm chủng có nơi còn hạn chế, nhất là vùng cao, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhiều người sau khi tiêm vắc-xin có biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; việc khai báo y tế, cách ly, quản lý, chăm sóc, điều trị những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 chưa được chặt chẽ, số ca nhiễm tăng cao gây quá tải cho các cơ sở y tế...

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 và chuẩn bị cho công tác tiêm vắc-xin đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đồng thời tăng cường công tác chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 với mục tiêu thực hiện đúng phương châm ưu tiên bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, trước hết, trên hết, không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch COVID-19, ngày 29/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, qua đó yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

1. Chỉ đạo quyết liệt, rà soát số liệu người dân trong diện tiêm chủng trên địa bàn theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” (bao gồm các nhóm từ 18 tuổi trở lên, từ 12 đến dưới 18 tuổi và từ 5 đến dưới 12 tuổi), thống kê theo biểu mẫu đảm bảo tính khoa học, chính xác.

Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vét, tiêm mũi 3, đảm bảo trong quý I/2022 hoàn thành việc tiêm cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng; lập danh sách tất cả các trường hợp chưa tiêm vắc-xin, đặc biệt là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai… các trường hợp chưa đủ thời gian tiêm hoặc hoãn tiêm phải bổ sung ngay khi đủ điều kiện (tổ chức tiêm lưu động, tại nhà, trừ trường hợp chống chỉ định); khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 05 đến dưới 12 tuổi ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền về việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và công tác chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Nội dung, phương pháp tuyên truyền phải làm cho người dân hiểu rõ về diễn biến dịch phức tạp, nguy cơ lây lan, tính chất nguy hiểm, thông tin về lợi ích của tiêm chủng, hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng; tuân thủ hướng dẫn, quy định về xét nghiệm, khai báo y tế, cách ly, theo dõi y tế, chăm sóc, điều trị và quản lý chặt chẽ người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của ngành y tế.

3. Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của ngành y tế. Chủ động rà soát, củng cố năng lực hệ thống y tế các cấp, không để xảy ra tình trạng quá tải, bị động; tuyệt đối không để người dân sau khi có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 không được tiếp cận với các dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe. Thực hiện công tác quản lý chất thải y tế phát sinh do cách ly, điều trị người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tại nhà, tại các cơ sở y tế theo quy định.

4. Khẩn trương xây dựng được cơ sở dữ liệu y tế toàn tỉnh, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 ở cả 3 cấp (cấp tỉnh, huyện và xã); vận hành các trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc COVID-19 tại cộng đồng để chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Theo sự phân công phụ trách địa bàn huyện, thành phố, thường xuyên giữ mối liên hệ, nắm chắc tình hình, cùng với lãnh đạo trên địa bàn chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong công tác tiêm chủng vắc-xin; công tác chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2; nhắc nhở, đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý ngay những đối tượng còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy những nội dung cần lãnh đạo, chỉ đạo. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về kết quả lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch ở cơ quan, đơn vị, địa bàn được giao phụ trách.

5.2. Các đồng chí Bí thư huyện ủy, thành ủy: Chỉ đạo quyết liệt việc thống kê báo cáo các đối tượng tiêm chủng trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo việc rà soát các đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa tiêm đủ liều vắc-xin để được tiêm kịp thời. Tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, nhanh nhất có thể, nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin tối đa, hoàn thành việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; nếu kết quả rà soát, thống kê báo cáo đối tượng tiêm chủng trên địa bàn không chính xác và bỏ sót các đối tượng thuộc diện tiêm chủng sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.

Chủ động rà soát, củng cố cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế… cho các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tập trung, các trạm y tế lưu động, Tổ tư vấn, chăm sóc COVID cộng đồng để tăng cường chỉ đạo công tác chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có phương án huy động các lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, học sinh, sinh viên, kể cả lực lượng y tế tư nhân hỗ trợ cho y tế cơ sở trong việc quản lý, tư vấn và hỗ trợ điều trị người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tại nhà. Đồng thời quan tâm hỗ trợ phương tiện, kinh phí… cho y tế cơ sở và các các lực lượng tham gia hỗ trợ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

5.3. Sở Y tế: Chịu trách nhiệm xây dựng biểu mẫu thu thập thông tin đối tượng tiêm chủng và mẫu tờ rơi hướng dẫn điều trị dành cho người mắc COVID-19. Với mẫu thu thập thông tin đối tượng tiêm chủng, cần phải có đầy đủ các thông tin bao gồm: Họ tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; địa chỉ; số điện thoại; số căn cước công dân; nghề nghiệp; đơn vị công tác; phân loại theo độ tuổi... và một số thông tin khác để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Với những trường hợp không đồng ý tiêm phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không đồng ý tiêm.

Tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 liều nhắc lại, liều bổ sung; có kế hoạch bảo vệ tối đa các trường hợp nguy cơ cao, bảo đảm các trường hợp này được quản lý, theo dõi, tiêm chủng đủ liều, đúng lịch và được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa bàn, không để sót người thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng. Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế. Chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Bộ Y tế về việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh số liệu đối tượng tiêm chủng và xác định nhu cầu vắc-xin theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị; chuẩn bị, bảo đảm nguồn thuốc điều trị COVID-19, phân bổ kịp thời cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; thực hiện nghiêm vai trò của trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị để giảm tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19, giảm các ca bệnh chuyển nặng, bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của Nhân dân.

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu y tế toàn tỉnh, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 ở cả 3 cấp.

5.4. Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an các cấp thực hiện nghiêm quy trình xác minh, xác thực thông tin tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên nền tảng tiêm chủng COVID-19 với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phối hợp với Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả chiến dịch làm sạch dữ liệu tiêm chủng và kết nối thông tin tiêm vắc-xin của công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đảm bảo an ninh, trật tự quá trình tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm trên địa bàn.

5.5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở thực hiện các hoạt động truyền thông tới người dân về lợi ích tiêm vắc-xin phòng COVID-19, các biện pháp chăm sóc, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, đồng thời đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc hợp lý theo hướng dẫn của ngành y tế để nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động phát hiện, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Có trách nhiệm chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung các tính năng trên nền tảng quản lý ứng dụng tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 theo đề nghị của ngành y tế, đồng thời chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn an ninh mạng cho hệ thống.

5.6. Ban Dân vận Tỉnh ủy: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy hiệu quả của Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Cập nhật, tổng hợp nhanh các nguồn thông tin, dư luận xã hội để phân tích thông tin, dữ liệu về các ca bệnh và đối tượng có liên quan, kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh có biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời. Nắm bắt, tổng hợp và đề xuất cơ chế quản lý những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm dịch. Nắm tình hình và chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ COVID cộng đồng, Tổ chăm sóc COVID... tại khu dân cư.

5.7. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh: Thường xuyên theo dõi sát sao, chặt chẽ tình hình tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, phối hợp với ngành y tế hướng dẫn, hỗ trợ các địa bàn tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiêm chủng vắc-xin theo chức năng, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực phụ trách; tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn về lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin tối đa, hoàn thành việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân thuộc diện tiêm chủng vắc-xin; tăng cường phổ biến, tuyên truyền vận động đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các biện pháp chăm sóc, điều trị, quản lý những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 bảo đảm thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế, hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng và không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch COVID-19.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ, đảng viên, Nhân dân và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

                                                                                                         Nguyễn Trung