Skip to main content

Lạng Sơn thực hiện tốt việc phát triển kinh tế năm 2021

Năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Lạng Sơn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, đồng thuận của Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng, trình ban hành 12 Nghị quyết chuyên đề về phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2025; ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn; trình HĐND tỉnh thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng, triển khai thực hiện 35 kế hoạch, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2025. Phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm, xác định những nhiệm vụ quan trọng, đột phá của các cấp, các ngành để tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ, khắc phục những hạn chế, yếu kém, huy động tối đa nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Kết quả năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,3% (mục tiêu là 7 - 7,5%), trong đó nông lâm nghiệp tăng 4,91%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,27%, dịch vụ tăng 5,78%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,82%. Cơ cấu kinh tế: nông lâm nghiệp chiếm 21,82%, công nghiệp - xây dựng 23,09%, dịch vụ 50,35%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,74%. GRDP bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng. Triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, hoàn thành trước thời hạn 7 tháng so với yêu cầu đề ra, Lạng Sơn là một trong 3 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành sớm mục tiêu này. Cổng dịch vụ công có 228 cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng, cung cấp 1.760 DVCTT, trong đó có 440 DVCTT mức độ 2; 325 DVCTT mức độ 3 và 995 DVCTT mức độ 4 (chiếm 56,5%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đề ra là 30%).

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, tập trung cho các nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương gắn với lợi thế của từng vùng sản xuất và nhu cầu của thị trường. Sản xuất nông lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, tổng diện tích gieo trồng ước thực hiện 94.318 ha, đạt 98% kế hoạch, tương đương cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực 304,8 nghìn tấn, đạt 101,6% kế hoạch; đàn trâu, bò, gia cầm cơ bản ổn định; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 1.285 ha, đạt 102% kế hoạch; diện tích rừng trồng mới 9.790 ha, đạt 108,7% kế hoạch. Dự ước năm 2021 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân đạt 13,5 - 14 tiêu chí/xã.

Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông. Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu thường xuyên nắm bắt tình hình, chủ động trong công tác quản lý cửa khẩu, điều tiết các hoạt động thông quan hàng hóa, kiểm tra chặt chẽ về y tế để tăng cường phòng chống dịch bệnh. Hoạt động thông quan hàng hóa được duy trì chủ yếu tại 04 cửa khẩu; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước thực hiện 4.270 triệu USD, đạt 138,6% kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 1.370 triệu USD, đạt 102,2% kế hoạch, tăng 12,3%; nhập khẩu 2.900 triệu USD, đạt 166,7% kế hoạch, tăng 82,4%. Hàng xuất khẩu địa phương 130 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,3%. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma theo Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ.

Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung thực hiện quyết liệt, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kết quả giải ngân đến ngày 14/11/2021 là 1.901,8 tỷ đồng, đạt 68,9% kế hoạch Trung ương giao, đạt 70,1% kế hoạch của tỉnh; vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2021 giải ngân được 91,7 tỷ đồng, đạt 45,1% kế hoạch; ước giải ngân đến hết năm 2021 2.689,9 tỷ đồng, đạt 97,4% Trung ương giao, đạt 92,3% tỉnh giao.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tăng 5,61% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch: Điện thương phẩm 890 triệu Kwh, đạt 97,8% kế hoạch, tăng 4,1%; clinker 410 nghìn tấn, đạt 106,5% kế hoạch, tăng 7,0 %; đá các loại 4.090 nghìn m3, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 6%; gạch các loại 244 triệu viên, đạt 100,8% kế hoạch, tăng 3,8%; nước máy 9.888 nghìn m3, đạt 100% kế hoạch, tăng 4,6%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng 136 nghìn m3, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 4,6%; nhựa thông và các sản phẩm chế biến từ nhựa thông 12 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 20%.

Công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Thu ngân sách năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 10.649,6 tỷ đồng (là năm đầu tiên từ trước đến nay số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 10.000 tỷ đồng), đạt 182,5% dự toán, tăng 48% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 2.855 tỷ đồng, đạt 119,7% dự toán, giảm 1,6%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.790 tỷ đồng, đạt 225,8% dự toán, tăng 81,5%. Các khoản chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, đúng định mức và tiết kiệm triệt để. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 12.228,4 t đồng, đạt 113,9% dự toán, giảm 10,7% so với cùng kỳ, trong đó chi trong cân đối 9.059,3 tỷ đồng, đạt 102,1% dự toán, giảm 1,0%; chi các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình, nhiệm vụ khác 1.749,5 t đồng, đạt 94% dự toán, giảm 26,6%.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Lạng Sơn xác định mục tiêu một số chỉ tiêu kinh tế năm 2022 như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP): 7 - 7,5%. Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp chiếm 20 - 21%, công nghiệp - xây dựng 23 - 24%, dịch vụ 50 - 51%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4 - 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn đạt 51 - 52 triệu đồng. Lượng khách du lịch đạt 3.460 nghìn lượt, doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng 9 - 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7.850 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 10.984,2 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn khoảng 31 - 32 nghìn tỷ đồng.

                                                                              Thiều Anh Khuyên