Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (05/01) cho biết, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và UBND thành phố Hà Nội tổ chức ra quân Năm An toàn giao thông 2021 (ATGT) và đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu Ủy ban ATGT quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch Năm ATGT 2021 ngay từ những ngày đầu tiên của năm; phấn đấu kéo giảm từ 5 đến 10% số vụ TNGT, số người chết, bị thương do tại nạn giao thông so với năm 2020; khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và nhất là lực lượng thực thi pháp luật từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông; vận động nhân dân ủng hộ, hợp tác với lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm... Các bộ, ngành liên quan và các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT, không vì Tết mà "nể nang, xuê xoa". Mặt khác, không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 khi tham gia giao thông; có phương án ứng phó hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm Covid-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện công cộng; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch Covid-19 trên các phương tiện giao thông hoặc địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Biên Phòng, Công an TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Đài THVN, TTXVN (06/12) phản ánh nội dung Hội nghị giao ban trực tuyến thực hiện Nghị định số 03/2019/NÐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng năm 2020. Năm 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, lực lượng Quân đội và Công an đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 03 của Chính phủ; phối hợp tham mưu với Ðảng, Nhà nước xử lý kịp thời các tình huống về quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước. Hai cơ quan phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; kiềm chế hoạt động của các loại tội phạm; phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn… Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thống nhất xác định, năm 2021, hai lực lượng Quân đội và Công an phải luôn đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ Ðảng, Nhà nước và chế độ, bảo vệ nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, đặc biệt là, bảo vệ thành công và an toàn Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Hai lực lượng tăng cường phối hợp trong thực hiện các đề án, phương án, chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ tại các hướng, địa bàn trọng điểm, xây dựng đề án bảo đảm an ninh, trật tự trong mọi tình huống.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Người đưa tin, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (06/12) đồng loạt đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù; bị cáo Nguyễn Tường Thụy; bị cáo Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước. Các bị cáo còn bị quản chế ba năm; tịch thu toàn bộ số tiền liên quan đến việc phạm tội mà có. Hành vi chống phá Nhà nước của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng. Theo các tài liệu, từ năm 2014, các đối tượng Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và nước ngoài, từ đó nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền. Dũng đã thành lập “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, lập trang web, blogger “Việt Nam Thời Báo”,… nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bị cáo Dũng giữ vai trò là Chủ tịch Hội, bị cáo Thụy là Phó Chủ tịch Hội, còn bị cáo Tuấn  là quản trị trang web đã lôi kéo các đối tượng khác viết bài, trả lời phỏng vấn, đăng tải công khai lên trang web, blogger có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bị cáo Phạm Chí Dũng còn thực hiện hành vi ký hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các báo đài nước ngoài với mục đích nhằm đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay thành thể chế chính trị tam quyền phân lập. Hành vi này của các bị cáo được nhận tiền hoa hồng và tiền nhuận bút. Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước, do đó cần phải bị xử lý nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Khoa học và Đời sống, Phụ nữ Việt Nam, Giao Thông, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, VietnamNet, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (06/01) đăng tải công bố của Bộ Công an về Tổ chức khủng bố “Triều đại Việt”. Theo đó, Tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” do các đối tượng nguyên là thành viên Tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thành lập tháng 1/2018. Trụ sở đặt tại Canada; trang web và các kênh truyền thông: “Triều đại Việt”, “Free Bibet”, “Hoàng Kỳ”, “Giải độc chính trị”, “Việt Nam today”, “Việt tự do”, “Radio tiếng nói quốc dân”, “Phung Nguyen”, “Scott Huynh”, “Jeffrey Thai”, “Tin tức hàng ngày TV24”. Các đối tượng cầm đầu, chỉ huy gồm: Ngô Văn Hoàng Hùng, quốc tịch Canada, tự xưng là “Tổng tư lệnh Triều đại Việt”; Trần Thanh Đình, quốc tịch Đức, tự xưng là “Phó Thủ tướng”; Ngô Mạnh Cương, quốc tịch Pháp, tự xưng là “Tổng cục trưởng Tổng cục đặc nhiệm”; Huỳnh Thanh Hoàng, quốc tịch Mỹ, “phát ngôn viên Triều đại Việt”. Phương thức hoạt động: Bạo động vũ trang, với phương châm “Đốt sạch”, “Giết sạch”, “Phá sạch”, “Cướp sạch”; hỗ trợ tiền, chỉ đạo số cơ sở trong nước tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại; kích động người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền. Tổ chức khủng bố “Triều đại Việt” đã gửi hàng chục ngàn USD, hàng trăm triệu đồng cho số đối tượng trong nước mua sắm vũ khí, chế tạo bom, mìn, may cờ, in truyền đơn, khẩu hiệu phản động. “Triều đại Việt” là tổ chức khủng bố, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của “Triều đại Việt”; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do “Triều đại Việt” tổ chức; hoạt động theo chỉ đạo của “Triều đại Việt”… là phạm tội “Khủng bố”, “Tài trợ khủng bố” và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Công Thương, Thời báo Tài Chính, Đài TNVN, TTXVN (08/01) đưa tin, Ban Chỉ đạo (BCÐ) phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCÐ 138/CP), BCÐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCÐ 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động của hai BCÐ và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng BCÐ 138/CP và BCÐ 389 đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần giúp Chính phủ thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 đã đề ra, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục tổ chức quán triệt triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCÐ 138/CP, BCÐ 389 quốc gia; luôn xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Cùng với đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm cao trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, nhất là đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tham nhũng vặt ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức "liêm chính, bản lĩnh", có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ðối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, xâm hại trẻ em, ma túy, tín dụng đen, sử dụng công nghệ cao, khai thác cát sỏi, chặt phá rừng, vi phạm môi trường, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19…, các lực lượng chức năng cần xác lập chuyên án để mở rộng xác minh, điều tra triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vừa tiết kiệm chi phí quản lý cho nhà nước, chi phí thực hiện cho người dân, vừa góp phần ngăn chặn phát sinh tiêu cực..., tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội mới, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN,  TTXVN (10/01)  đồng loạt phản ánh nội dung Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 do Ban Nội chính Trung ương tổ chức. Năm 2020, ngành Nội chính Đảng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Đảng triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn, từng bước hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Toàn ngành đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai", tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, là "đầu mối", "khâu nối" giúp Ban Chỉ đạo điều hòa, phối hợp, huy động lực lượng trong phòng, chống tham nhũng và phát hiện, xử lý tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo xử lý 128 vụ án, 91 vụ việc, trong đó 74 vụ án/667 bị cáo đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Năm 2020 đã phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý 65 vụ án, 24 vụ việc, trong đó đã xét xử sơ thẩm 20 vụ án/115 bị cáo. Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã chú trọng tham mưu cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, được chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm, khắc phục dần tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Trong nhiệm kỳ XII, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cấp ủy địa phương chỉ đạo xử lý 1.819 vụ việc, vụ án… Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà toàn ngành Nội chính Đảng đã đạt được thời gian qua. Nhấn mạnh 2021 là năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Trung ương; cần kịp thời khắc phục những “khoảng trống, khe hở” để không thể tham nhũng. Cùng với đó, phải có cơ chế hiệu quả để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám phòng, chống tham nhũng; phải coi việc phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến không dừng, không nghỉ; tiếp tục xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng về kinh tế và nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng song song với việc hạn chế gây phiền hà cho nhân dân.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Nội chính Trung ương.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao Huân chương Lao động hạng Nhất

cho Ban Nội chính Trung ương.

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

    Báo Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN (05/01) dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Vi Ngọc Khang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Phú Thọ và 3 thuộc cấp về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trước đó, tháng 5/2019, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ thành lập Đoàn kiểm tra do ông Khang (khi đó là quyền đội trưởng đội QLTT số 8) làm trưởng đoàn phát hiện 3 tàu có hành vi bán xăng dầu trái phép. Đoàn kiểm tra đã quyết định xử phạt hành chính 3 tàu này với mức phạt 30 triệu đồng, phạt bổ sung tịch thu tang vật và tiêu hủy 3 trụ bơm xăng dầu tự động. Do quen biết ông Khang nên một chủ tàu vi phạm đã đưa cho ông Khang 40 triệu đồng để Đoàn kiểm tra không thu giữ trụ bơm. Đội Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ có quyết định tiêu hủy 3 trụ bơm nhưng thực tế không thu giữ, không tiêu hủy là trái với quy định. Ngoài ra, công an tỉnh Phú Thọ xác định việc Đội Quản lý thị trường không tịch thu cả tàu lẫn dầu là trái với quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 400 triệu đồng.

    Báo Đại đoàn kết, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Thanh Niên (06/01) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng.Phạm Văn Đoan, nguyên Chủ tịch UBND phường Anh Dũng; Nguyễn Văn Sự, cán bộ địa chính phường và Phạm Văn Tuấn, nguyên cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất  quận Dương Kinh đã vi phạm quản lý đất đai, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 567 triệu đồng. Hội đồng xét sử đã tuyên phạt các bị cáo: Phạm Văn Đoan, 5 năm tù; Nguyễn Văn Sự, 5 năm 6 tháng tù và Phạm Văn Tuấn, 3 năm tù.

    Báo Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Khoa học và Đời sống, Văn Hóa, Nông nghiệp Thanh Niên (06/01) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Hà Tĩnh đã khởi tố 09 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến việc mua sắm máy giặt, máy sấy tại nhiều bệnh viện ở Hà Tĩnh, trong đó có 5 nguyên giám đốc bệnh viện tuyến huyện, gồm: Hà Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân;  Lê Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Hà; Lê Thế Nhiên, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc; Trần Văn Nhân, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ; Nguyễn Quang Hòe, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn. Quá trình điều tra xác định, từ tháng 8/2018 đến cuối năm 2019, Mai Thị Hoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế biết rõ giá máy giặt, máy sấy, xuất xứ từ Hàn Quốc có giá dao động 500 đến 550 triệu đồng nhưng đã thông đồng cùng một số đối tượng tại các bệnh viện huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân để nâng giá lên 2,5 đến 3 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra mở rộng.

    Báo Quảng Nam, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Thanh Niên, Nông nghiệp, Người đưa tin, VietnamNet, Dân trí, Đài TNVN (07/01) cho biết, Công an huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Đắc Thành, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Duy Sơn; Lê Hoàn Vũ, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Duy Sơn và Ngô Phi Thâm, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, để điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo kết quả điều tra, từ năm 2016 đến 2019, 03 bị can nêu trên đã đưa những người không phải là dân quân tự vệ của xã trực thay những người có trong danh sách dân quân tự vệ xã; đồng thời lập khống chứng từ để thanh toán chế độ trực. Tổng số tiền các đối tượng rút từ ngân sách nhà nước không đúng pháp luật hơn 573 triệu đồng. Hiện, Công an huyện Duy Xuyên đã bắt tạm giam ông Phạm Đắc Thành và ông Lê Hoàn Vũ; cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Ngô Phi Thâm.

    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (07/01) theo nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận đã triển khai các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 05 bị can nguyên là cán bộ thuộc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Chi cục thuế TP. Phan Thiết; trong số các bị can có: Nguyễn Hữu Hoành, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; Trần Văn Đông, nguyên Đội trưởng Đội trước bạ, thu khác thuộc Chi Cục thuế và Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Đội phó Đội trước bạ, thu khác thuộc Chi Cục thuế. Các bị can này trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 12/2018 với vị trí và cương vị công tác được giao nhưng đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, thiếu kiểm tra, giám sát gây thiệt hại ngân sách nhà nước số tiền trên 6,3 tỷ đồng. 

    Báo Quảng Nam, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Giao Thông, Nông nghiệp, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Dân trí, VnExpress (08/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Tấn Bá, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; Nguyễn Văn Sơn và Lương Thanh Trung, cùng là điều dưỡng của bệnh viện,  để điều tra về hành vi gian lận bảo hiểm y tế. Qua quá trình điều tra, xác minh, Công an tỉnh Quảng Nam xác định trong thời gian năm 2019 và quý I-2020, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam đã chẩn đoán điều trị bệnh mạch vành của 21 bệnh nhân và đã xuất toán tổng chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế sai quy định  hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Tấn Bá và 2 điều dưỡng Nguyễn Văn Sơn và Lương Thanh Trung là người có sai phạm trực tiếp. Vụ việc đang được Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra mở rộng.

    TIN QUỐC TẾ

    Báo VnExpress (04/01) cho biết, Hồ Vấn Minh, cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) và cựu Giám sát trưởng Chương trình tàu sân bay của nước này, đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc và có thể bị truy tố do vi phạm nghiêm trọng luật pháp và kỷ luật (cụm từ thường được dùng để chỉ các vụ tham nhũng) sau nhiều tháng điều tra. Báo cáo kết luận điều tra được CCDI cho thấy, Hồ Vấn Minh đã đánh mất lý tưởng, xa rời tinh thần của Đảng và không thực thi đầy đủ các quyết định quan trọng của Trung ương Đảng; lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ, gây thất thoát tài sản nhà nước và còn tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan, cản trở cuộc điều tra, vi phạm kỷ luật đảng... Ngoài việc bị khai trừ Đảng, ông này còn bị tước toàn bộ phúc lợi hưu trí, mọi khoản tiền hối lộ bị tịch thu và CCDI sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công tố.

        Thông tấn xã Việt Nam (05/01) dẫn nguồn tin của Tân Hoa xã cho biết, Tòa án thành phố Thiên Tân, Trung Quốc đã tuyên phạt tử hình đối với Lại Tiểu Dân, cựu Chủ tịch Công ty quản lý tài sản Hoa Dung về các tội tham ô, nhận hối lộ và trùng hôn. Bên cạnh đó, Tòa án cũng ra lệnh sung công mọi tài sản cá nhân của Lại Tiểu Dân. Tháng 4/2018, ông Lại Tiểu Dân đã bị đình chỉ công tác và khai trừ khỏi Đảng. Lại Tiểu Dân bị cáo buộc nhận và tìm cách hối lộ với tổng số tiền lên tới 1,788 tỷ nhân dân tệ (khoảng 277 triệu USD) từ năm 2008 đến năm 2018 khi đang là quản lý cấp cao ngân hàng. Ông cũng bị cáo buộc lợi dụng chức vụ sử dụng sai trái hơn 25 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,8 triệu USD) trong các quỹ công từ năm 2009-2018.

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

    - Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. 

    - Bộ Công an ra thông báo về Tổ chức khủng bố “Triều đại Việt”.

    - Bị cáo Phạm Chí Dũng bị án 15 năm tù về tội chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    - Khởi tố 09 bị can liên quan vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại tỉnh Hà Tĩnh.

                                                                                                    Nguồn: Noichinh.vn