Skip to main content

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn nhận thấy, thời gian qua trên địa bàn các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra một số vụ án Hiếp dâm, Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Nghiên cứu các vụ án cho thấy: các đối tượng nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm, trong thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý; đối tượng lợi dụng khi không có người lớn quản lý, giám sát các cháu, đặc biệt lợi dụng sự nhận thức còn non nớt của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội, do ảnh hưởng của văn hóa phẩm độc hại trong thời đại phát triển công nghệ thông tin, mặt trái của mạng xã hội, Internet, những hình ảnh, phim đồi trụy dẫn đến những nhận thức lệch lạc về giới tính, sinh hoạt tình dục.

Đối với người bị hại, do thiếu sự quản lý chăm sóc thường xuyên của gia đình, khả năng nhận thức, hiểu biết các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về bảo vệ quyền của trẻ em, sự hiểu biết về sức khỏe giới tính còn nhiều hạn chế, bản thân các cháu chưa biết cách phòng tránh khi bị xâm hại tình dục.

Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức có lúc chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, nhất là việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em ở một số địa bàn, trường học... chưa được quan tâm chú trọng; công tác đấu tranh phòng, chống hành vi xâm hại tình dục trẻ em có lúc chưa kịp thời.

Để phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, ngày 06/5/2021, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kiến nghị việc áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó:

Đề nghị đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 02/3/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; tăng cường công tác chỉ đạo đối với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em, bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nhanh chóng, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em; chỉ đạo phòng Văn hóa Thông tin, Hội liên hiệp Phụ nữ, huyện Đoàn, lãnh đạo các trường học trên địa bàn... các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực phù hợp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong các cơ quan, đơn vị, trường học, gia đình...về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, gắn liền với việc tuyên truyền thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm qua đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, trách nhiệm của chính quyền cơ sở và các cơ quan, tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát động phong trào quần chúng phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; giúp đỡ về mặt tâm lý đối với những trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục; tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở các nhà trường, câu lạc bộ, nhà văn hóa, nơi công cộng hoặc thông qua các buổi họp tổ dân phố, cụm dân cư, sinh hoạt đội, chi đoàn cơ sở để thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các mối nguy hiểm và các điều kiện, khả năng, hoàn cảnh dẫn đến trẻ em bị xâm hại, các loại hành vi xâm hại, các dấu hiệu trẻ em bị xâm hại và trách nhiệm về phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại, thực hành kỹ năng ứng phó, tự phòng ngừa, chống lại các hành vi xâm hại... qua đó nâng cao ý thức phòng ngừa, ý thức trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, chăm sóc con em mình nói riêng và trẻ em nói chung; thông qua các loại hình truyền thông, Website... biên soạn bài viết, câu chuyện cảnh giác để cảnh báo tình hình, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật về xâm hại tình dục trẻ em, hậu quả pháp lý của hành vi xâm hại trẻ em...để mọi người dân biết, nâng cao cảnh giác và phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.

                                                                                                            Vũ Học