Skip to main content

PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN "TÍN DỤNG ĐEN"

        “Tín dụng đen” là hình thức cho vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất cho vay mà pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh. Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (tương đương lãi suất hàng tháng không được vượt quá 1,67%/ tháng).

          Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: "Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm".     

          Pháp luật đã có quy định rõ ràng và xử lý nghiêm đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Tuy nhiên thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng, hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, kéo theo sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác như: đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản. Nguy hiểm hơn, hoạt động "tín dụng đen" thường là tội phạm có tổ chức. Các băng nhóm thành lập các cơ sở, có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong việc cho vay, thu tiền, đòi nợ... làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Gần đây "tín dụng đen" đã xuất hiện tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hoạt động trên không gian mạng, cho vay tiền online qua các ứng dụng trên điện thoại di động.

â
Công an Lạng Sơn tăng cường kiểm tra, tuyên truyền tại các cửa hiệu cầm đồ

Nguyên nhân hoạt động "tín dụng đen" tồn tại là do nhu cầu vốn của tổ chức, doanh nghiệp, người dân và nguồn lợi bất chính do hoạt động này mang lại cho các đối tượng là rất lớn. Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" thường núp bóng dưới các loại hình kinh doanh như cầm đồ, công ty hỗ trợ tài chính, kinh doanh trang sức, vàng bạc, mua bán xe ô tô, mô tô cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, "vay nóng" tiêu dùng, chơi hụi, góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp, đầu tư tài chính, tiền ảo.

          Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường in tờ rơi, quảng cáo với những lời "mời chào" hấp dẫn, thủ tục cho vay nhanh gọn, không rườm rà, không phức tạp, không cần tài sản thế chấp, lãi suất ưu đãi rồi dán, phun sơn tại các điểm công cộng như cây xanh, tường rào, cột điện hoặc sử dụng mạng Internet, mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại di động để quảng cáo. Khi vay, người vay chỉ cần bản photo Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe hoặc giấy tờ tùy thân khác, thậm chí nếu có người quen biết đứng ra bảo lãnh thì không cần giấy tờ hay tài sản thế chấp vẫn được vay. Sau đó, các đối tượng sẽ tiến hành làm hợp đồng vay mượn trong đó không ghi lãi suất hoặc lãi suất thấp để đối phó với lực lượng chức năng. Nhưng trên thực tế, người vay phải chịu mức lãi suất cao, thường dao động từ 3.000đ-10.000đ/01 triệu/01 ngày (tương ứng với 109,5% - 365%/năm). Gần đây lực lượng Công an phát hiện thủ đoạn cho vay tiền Online qua các ứng dụng trên điện thoại di động với mức lãi suất lên đến 1.400%/năm - gấp 70 lần so với lãi suất tối đa theo quy định pháp luật.

          Nếu không trả đủ lãi, các đối tượng thường sẽ cộng số lãi vào tiền gốc. Cứ như vậy số tiền nợ ngày càng nhân lên gấp nhiều dẫn đến người vay không có khả năng chi trả. Lúc đó, các đối tượng sẽ siết nợ, đe dọa, hành hung, bôi nhọ danh dự, khủng bố tinh thần, thậm chí đe dọa, buộc người vay phải bán hoặc chuyển nhượng tài sản (nhà, đất) để trả nợ. Đối với việc vay tiền qua ứng dụng, để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng này yêu cầu người vay phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND để khi người vay chậm trả lãi thì chúng sẽ quay sang đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực. Nhiều người do lo sợ không dám tố cáo hoặc không dám hợp tác với Cơ quan Công an để điều tra, giải quyết.

          Thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Tăng cường tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen".

          Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm của các cơ sở cầm đồ, cơ sở hoạt động dưới danh nghĩa "hỗ trợ tài chính", hoạt động liên quan đến "tín dụng đen". Phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin phát hiện, răn đe các đối tượng có hành vi in tờ rơi phát tán, dán trên các cột điện, tường, cây xanh nơi công cộng có nội dung cho vay "tín dụng đen"; tiến hành xác minh, xử lý các đối tượng cung cấp thông tin, số điện thoại để cho vay tiền trên các tờ rơi, biển hiệu quảng cáo. Tổ chức nhiều đợt ra quân tiến hành dọn dẹp, tháo gỡ biển hiệu, băng rôn, tờ rơi nội dung quảng cáo cho vay "tín dụng đen" tại nơi công cộng. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, lĩnh vực có liên quan; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Từ đầu năm 2019 đến hết tháng 11/2020, Công an Lạng Sơn đã bắt, khởi tố điều tra 20 vụ 33 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Điển hình: Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn xác định nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại địa bàn thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng. Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, thận trọng trong việc chọn đối tượng cho vay tiền. Đơn vị đã xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá. Ngày 09/7/2020, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an huyện Văn Lãng tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Vương Kiếm Hiệp (SN 1980, trú tại Khu 1, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) thu giữ 110 triệu đồng và nhiều sổ sách, giấy tờ có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Hiệp là đối tượng cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng, từng có 02 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Qua đấu tranh và tài liệu thu thập được xác định: Từ cuối năm 2018 đến khi bị phát hiện bắt giữ, Hiệp cùng đồng bọn đã cho nhiều người dân ở thị trấn Na Sầm và khu vực lân cận vay số tiền hai tỷ sáu trăm triệu đồng với lãi suất từ 6.000đ - 10.000đ/01triệu/01ngày, tương ứng với lãi suất từ 219 - 365%/năm, thu lợi bất chính khoảng một tỷ bốn trăm triệu đồng. Điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố, bắt giữ thêm 02 bị can cùng thực hiện hành vi cho vay lãi nặng với Vương Kiếm Hiệp.

          Do đấu tranh quyết liệt nên các đối tượng hoạt động liên quan đến "tín dụng đen" có xu hướng chuyển địa bàn, lĩnh vực hoạt động hoặc chuyển sang hoạt động lén lút với thủ đoạn tinh vi hơn như hoạt động không gian mạng, cho vay tiền online, qua các ứng dụng trên điện thoại di động. Đặc biệt hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, là điều kiện thuận lợi cho tội phạm “tín dụng đen” gia tăng hoạt động.       

          Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" trong thời gian tới, các phòng nghiệp vụ trong Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động nắm tình hình địa bàn, đối tượng; kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm có hoạt động “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là những vụ án liên quan hoạt động tín dụng đen, bảo đảm xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội. Đối với Nhân dân cần nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", hậu quả, hệ lụy của hoạt động "tín dụng đen" gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội. Đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, không tham gia, tiếp tay để các đối tượng lợi dụng hoạt động. Tích cực cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng Công an đấu tranh, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Tìm hiểu kỹ các quy định về cho vay của các ứng dụng, lựa chọn ứng dụng cho vay uy tín, chấp hành đúng quy định về lãi suất (dưới 20%/năm) để vay khi có nhu cầu. Đối với những người đang tham gia vào hoạt động "tín dụng đen" bị các đối tượng cho vay với lãi suất cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị đe dọa, hành hung, cưỡng đoạt tài sản cần đến ngay Cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gọi điện theo đường dây nóng của lực lượng Công an để được hướng dẫn biện pháp xử lý.

                                                                                                                    Nguyệt My, Công an tỉnh Lạng Sơn