Skip to main content

Kinh nghiệm nhận diện, phát hiện và các giải pháp phòng ngừa “tham nhũng vặt”

       1. Về nhận diện “tham nhũng vặt”
       Khái niệm về “tham nhũng” hiện nay vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau nhưng xét trên phương diện nào cũng có thể thấy một điểm chung, đó là: Tham nhũng gắn với quyền lực và sự tín nhiệm để đoạt lấy lợi ích bất chính. Có thể kể đến một số khái niệm cơ bản như sau:
      Theo Điều 2, Công ước 1999 của Hội đồng châu Âu, “Tham nhũng là hành vi đòi hỏi, đề nghị, đưa hoặc nhận hối lộ hoặc một lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ hoặc lợi ích khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm sai lệch sự thực hiện đúng đắn của bất kỳ chức trách hoặc hành vi theo nghĩa vụ nào của người nhận hối lộ, lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ và lợi ích khác đó”.
      Theo Tổ chức Minh bạch Thế giới đưa ra khái niệm “tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.
      Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cho rằng “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
      Tuy nhiên, đến nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu bài bản, toàn diện về phạm trù “tham nhũng vặt” và cũng chưa có một khái niệm chính thống nào về “tham nhũng vặt”; mà chủ yếu chỉ mới đề cập tới trong một số ít văn bản hay phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Một số nhận định điển hình, đó là:
     Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội) đã khẳng định tệ tham nhũng vặt không phải chuyện nhỏ. Bên cạnh các vụ án lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng phải tập trung chống tham nhũng vặt vì “nó như ghẻ ruồi rất khó chịu”. 
     Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri thành phố sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc cử tri  Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng lớn đang bị nghiêm trị thành công, nhiều cán bộ liên quan đang được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tham nhũng vặt là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Đây là thói xấu cần phải lên án, phải vận động, giám sát, không để xảy ra tình trạng đến bệnh viện, trường học, đi xin việc hay việc này việc khác phải phong bì phong bao không lành mạnh”.
      Hiện nay “tham nhũng vặt” đang diễn ra khắp nơi, thậm chí nhiều đến mức chúng ta đã thấy “quen mắt” và gần như không còn bức xúc, phẫn nộ nữa. Ví dụ như: Cảnh sát giao thông đứng chờ một chỗ nhất định trên quốc lộ yêu cầu dừng tất cả các xe tải, xe khách để thu mãi lộ mỗi xe một vài trăm nghìn đồng. Việc xin học cho con là quyền của cha mẹ được pháp luật bảo hộ nhưng phải có quà hoặc có quan hệ mới xong. Chuyện “Lót tay” ở bệnh viện đã thành “chuyện thường ngày”. Chuyện nộp xong bị trả về làm lại, lại nộp, lại làm lại... xảy ra với không ít người, nhưng nếu có “Lót tay, phong bì” sẽ khác. “Tham nhũng vặt” tồn tại tập trung ở những cá nhân, tổ chức trực tiếp quan hệ với công dân và doanh nghiệp. “Tham nhũng vặt” biểu hiện phổ biến nhất ở hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý, cho phép của người lãnh đạo trực tiếp, thông qua việc gây khó dễ cho những công dân đến làm việc để gợi ý “bồi dưỡng” cho công việc thuận lợi, nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần… 
     Biểu hiện nổi bật của “tham nhũng vặt” chính là “văn hóa phong bì” và nét văn hoá này đã len vào những ngõ ngách của cuộc sống. Với tư duy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, người ta lặng lẽ công nhận thứ văn hóa này. Thậm chí với nhiều người nó là biểu hiện của ứng xử khôn ngoan. Do đó, “tham nhũng vặt” đang diễn ra từng ngày, từng giờ, làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội, với chính quyền, với Đảng. Tệ nạn “tham nhũng vặt” hủy hoại phẩm chất cán bộ, công chức, làm méo mó hình ảnh một đất nước đang hội nhập với thế giới.
     Như vậy, có thể hiểu “Tham nhũng vặt là tham nhũng nhỏ, xảy ra trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; tham nhũng vặt tích lũy dần dần thành tham nhũng lớn”.
Về nguyên nhân khách quan, tham nhũng dù “lớn”, hay “vặt” cũng đều là hiện tượng xã hội, là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực, đạo đức công vụ. Khi những giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội bị xáo trộn; người dân, doanh nghiệp có xu hướng tìm mọi cách để thực hiện bằng được mục đích trong cuộc sống và tối ưu hóa lợi nhuận trong kinh doanh. Do trình độ quản lý, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán; việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương còn bất cập; việc quản lý tài sản của Nhà nước còn lỏng lẻo; dư luận xã hội còn thờ ơ...
     Về nguyên nhân chủ quan, do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”; nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa đầy đủ, sâu sắc; ý thức đạo đức công vụ, đạo đức đảng viên còn hạn chế, cố tình không chấp hành. Công tác cải cách hành chính còn chậm, một số thủ tục hành chính còn phiền hà, bất hợp lý. Cơ chế phối hợp của cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa rõ ràng, cụ thể, hiệu quả thấp.... 
      2. Phát hiện “tham nhũng vặt”
     Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 để vận dụng phát hiện “tham nhũng vặt”; từ đó, việc phát hiện “tham nhũng vặt” thông qua ba hoạt động chủ yếu:
     Một là, qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
     Hai là, thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử.
     Ba là, qua phản ánh, tố cáo của công dân, tổ chức.
     2.1. Phát hiện “tham nhũng vặt” thông qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị
    Kiểm tra là một hoạt động không thể thiếu trong quản lý nhà nước. Các hành vi tham nhũng có thể diễn ra trong mọi lĩnh vực quản lý. Vì vậy, công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc “tham nhũng vặt”. Trên thực tế, việc xác định tính chất và mức độ của vụ việc “tham nhũng vặt” cũng như trách nhiệm của những người vi phạm đòi hỏi có nhiều thời gian và công sức, thường thuộc trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, điều tra nhưng những dấu hiệu ban đầu của các các vi phạm, những dấu hiệu không bình thường trong hoạt động quản lý lại thường do các cơ quan quản lý phát hiện. Vì vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý. 
     2.2. Phát hiện “tham nhũng vặt” thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử
       Đây là những hoạt động chủ yếu trong việc phát hiện và xử lý “tham nhũng vặt”. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử và giám sát có chức năng bảo vệ pháp luật và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có “tham nhũng vặt”. Đây là lực lượng chính trong cuộc đấu tranh chống vi phạm pháp luật, chống “tham nhũng vặt”.
      Các hoạt động này được quy định rất chặt chẽ và đầy đủ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Một mặt, pháp luật trao cho các cơ quan này quyền hạn lớn để có thể đấu tranh với những vi phạm pháp luật, mặt khác cũng quy định chặt chẽ để hoạt động của các cơ quan này phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính chính xác, khách quan trong khi đánh giá, kết luận những vụ việc và người có hành vi vi phạm pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử và giám sát trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.  
      2.3. Phát hiện “tham nhũng vặt” thông qua phản ánh, tố cáo của công dân, tổ chức
Phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo của công dân, tổ chức là một kênh quan trọng trong phát hiện hành vi “tham nhũng vặt”. Luật Tiếp công dân, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định: những nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của người phản ánh, tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tiếp nhận và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo; cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người tố cáo...
     3. Giải pháp phòng ngừa “tham nhũng vặt” 
    Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân và doanh nghiệp; xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách, lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khóa XII  về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 
     Hai là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và người lao động, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu tích cực; phê phán những hành vi sai phạm, tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”.
     Ba là, hoàn thiện và thực hiện tốt các quy định pháp luật về trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và người lao động; xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng. Kiên quyết thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vi phạm, “tham nhũng vặt”. 
     Bốn là, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng.
    Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là giám sát việc chấp hành pháp luật đối với các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

                                                                                               Thiều Anh Khuyên