Skip to main content

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024

Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, tiêu cực; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật về PCTN, tiêu cực gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác PCTN, tiêu cực; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 116-QĐ/TW ngày 28/7/2023 của của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN, tiêu cực; Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; các chỉ đạo, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác PCTN, tiêu cực; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 12/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác PCTN, lãng phí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 05/02/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Kế hoạch PCTN, tiêu cực năm 2024. Nội dung cụ thể như sau:

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực; các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác PCTN, tiêu cực; các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực. Gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực; nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu trong đấu tranh PCTN, tiêu cực; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Đưa nội dung đấu tranh PCTN, tiêu cực vào chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm hằng năm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị; lấy kết quả công tác PCTN, tiêu cực là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; để xem xét, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị.

1

Phiên họp Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh

2. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, tiêu cực; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về PCTN, tiêu cực; gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thực hiện văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội; xây dựng tinh thần tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục quán triệt, thực hiện các nội dung tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; Công điện số 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.

Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp trong xã hội (bao gồm cả cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp...) để góp phần xây dựng văn hóa liêm chính trong xã hội (từ các chi bộ thôn, tổ dân phố; các chi bộ trong giáo dục, đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên, các lớp bồi dưỡng; các chi bộ trong khối các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị có điều kiện, khả năng tham nhũng, tiêu cực...).

Chủ động cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN, tiêu cực, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm trong xử lý tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người đấu tranh, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tích cực đấu tranh với các hành vi lợi dụng PCTN, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu. Tiếp tục thực hiện tốt việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị: Thực hiện nghiêm các quy định về PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi "tham nhũng vặt"; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát tốt các trường hợp "xung đột lợi ích"; thực hiện kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về PCTN và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm giám sát của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cả xã hội về công tác minh bạch tài sản, thu nhập. Tập trung kiểm tra, xác minh kịp thời đơn thư tố cáo về tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, mở rộng mô hình một cửa điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, các cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ trương đầu tư, kế hoạch vốn, sử dụng và thanh, quyết toán vốn đầu tư, sử dụng ngân sách, tài sản công; quản lý thuế, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa…; chấp hành nghiêm các quy định về thanh toán, kiểm toán, phê duyệt quyết toán; thực hiện nghiêm việc thanh toán qua kho bạc, ngân hàng.

Cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách, quy định... để kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót, các quy định còn chồng chéo, không phù hợp để kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo dảm yêu cầu công tác PCTN, tiêu cực.
Cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị tăng cường nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn "nhạy cảm", dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực (lĩnh vực đầu tư, xây dựng, dự án; công tác cán bộ; lĩnh vực tài nguyên, môi trường; lĩnh vực tư pháp...); tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra kinh tế - xã hội và các kiến nghị Kiểm toán Nhà nước; kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; cương quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý (trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vụ việc tham nhũng, tiêu cực...).

4. Các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc đã được giao phải thực hiện đầy đủ, trách nhiệm trong tham mưu, trong thực hiện, trong phối hợp, trong báo cáo; trong thẩm quyền phải làm hết trách nhiệm; vượt thẩm quyền thì báo cáo. Tập trung làm tốt công tác phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực với phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" và quan điểm xuyên suốt "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; ngăn chặn kịp thời hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác giám sát của cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội; công tác thanh tra, kiểm toán của cơ quan Nhà nước với công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của cơ quan tiến hành tố tụng để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên kịp thời trao đổi, báo cáo, đề xuất với cấp ủy quản lý để phối hợp xử lý theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát lực lượng chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo phối hợp, chủ động xử lý các vướng mắc trong giám định, định giá, cung cấp tài liệu, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám định, định giá tài sản trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng như của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh PCTN, tiêu cực cũng như trong sơ kết, tổng kết việc giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực và đề xuất thực hiện các đề tài khoa học rút ra từ thực tiễn để bảo đảm việc giải quyết đồng bộ, tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan.

Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh tăng cường công tác kiểm tra các cấp ủy về triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về PCTN, tiêu cực; chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ về công tác PCTN, tiêu cực.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan Thanh tra tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ; đẩy mạnh thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng ngân sách cấp xã; mua sắm tài sản công… Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý theo pháp luật.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là cán bộ chủ chốt các cấp về thực hiện trách nhiệm nêu gương; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCTN, tiêu cực đối với các tổ chức đảng, đảng viên; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên; kịp thời kiểm tra, giám sát những cán bộ, đảng viên có đơn thư phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Ban Nội chính Tỉnh ủy thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp với các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đưa chương trình kiểm tra, giám sát về công tác PCTN, tiêu cực vào chương trình công tác của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp; thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung kiểm tra, giám sát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước vào chương trình công tác hằng năm của các cấp ủy đảng.

6. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, giám sát chuyên đề về PCTN, tiêu cực, tập trung và những lĩnh vực nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây nhiều dư luận bức xúc trong nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; phối hợp tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phản ánh, tố giác các hành vi sai phạm trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực; phát huy vai trò giám sát của các hiệp hội, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng: Các cơ quan báo chí phát huy vai trò giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực ở các địa bàn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổng hợp, đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng hằng năm đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng; đảng đoàn; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; các sở, ban, ngành tỉnh quán triệt, tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị mình; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện. Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này tại các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện theo quy định.

Nguyễn Trung, Ban Nội chính Tỉnh ủy