Skip to main content

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Trong thời gian vừa qua, công tác rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định sau thanh tra và kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Thông qua rà soát chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế phải chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định. Kết quả hoạt động công tác thanh tra đã chỉ ra những thiếu sót, hạn chế của cơ chế, chính sách, sai phạm trong công tác quản lý, kịp thời kiến nghị các giải pháp, biện pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

ảnh

Hội nghị trực tuyến công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2017

     Tuy nhiên, công tác rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là: Chất lượng các cuộc thanh tra tuy có chuyển biến, nhưng còn có cuộc thanh tra chưa đảm bảo thời gian báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra. Việc chấp hành kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra chưa nghiêm túc, kịp thời. Tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra còn hạn chế, yếu kém, nhất là đối với một số đối tượng thanh tra cố tình không thực hiện hoặc đối tượng là các tổ chức, doanh nghiệp đã giải thể, không còn hoạt động và một số nội dung về thu hồi tiền, đất theo kết luận thanh tra, kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ.

      Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là: Quy định của pháp luật chưa có các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý trong việc không chấp hành kết luận thanh tra. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra tại một số cơ quan, tổ chức còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, công chức ngành thanh tra còn hạn chế về năng lực, khả năng phát hiện cũng như tổng hợp, đánh giá các vấn đề về kinh tế - xã hội trong nội dung thanh tra. Một số kết luận thanh tra kiến nghị còn chung chung chưa xác định trách nhiệm những tập thể, cá nhân có vi phạm dẫn đến việc thực hiện còn gặp khó khăn. Ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của một số đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức có liên quan còn hạn chế, chưa nghiêm túc. Kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về nội dung giảm thanh toán, cấp phát của nhiều dự án, công trình chưa thực hiện được do các dự án, công trình chưa quyết toán dẫn đến kết quả thực hiện thấp.

     Để tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kết luận về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 05 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

     Một là, Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo số 143-TB/BCĐTW, ngày 14/01/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo; Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW, ngày 16/4/2015 của Ban Nội chính Trung ương về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại các địa phương; Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 11/5/2015 và Công văn số 249-CV/TU, ngày 27/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tổ chức rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và các văn bản liên quan.

     Hai là, hằng năm, các huyện ủy, thành ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đưa vào chương trình làm việc nội dung về rà soát và tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Chỉ đạo tiến hành rà soát và tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn, đơn vị mình quản lý. Thông qua rà soát nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phải kịp thời chuyển đến cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.

       Ba là, đổi mới và nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, chú trọng thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như tài chính, ngân hàng, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình mục tiêu... Công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật trong thanh tra. Kết luận thanh tra phải chính xác, khách quan, công minh nhưng cụ thể, rõ ràng, có tính thuyết phục cao; chỉ ra được những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục sau thanh tra.

      Tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh tra; lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan thanh tra thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc để nâng cao chất lượng công tác thanh tra. Tập trung thanh tra về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra và theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

       Bốn là, nghiêm chỉnh thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với tinh thần cầu thị, giải trình những vấn đề cần làm rõ theo yêu cầu của thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và chịu trách nhiệm về nội dung giải trình; trong báo cáo thực hiện phải chỉ ra được nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém, những sai sót, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp và có kế hoạch khắc phục cụ thể những hạn chế, yếu kém đó.

       Kiểm điểm, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chậm thực hiện các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; xác định trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn, đơn vị mình quản lý.

       Năm là, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan thanh tra, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ pháp luật, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ thanh tra, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng ngành thanh tra ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.  

Nguyễn Mai Loan