Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

    Báo Pháp luật Việt Nam, TTXVN (17-12) đưa tin, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Sau gần 3 năm thực hiện, Luật đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực vào công tác xây dựng pháp luật: Thiết kế được quá trình xây dựng luật dân chủ, có sự đóng góp nhiều hơn của các tầng lớp trong xã hội; thiết lập kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt hơn nguyên tắc pháp chế, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp…Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật cũng phát sinh một số bất cập và Bộ Tư pháp đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Dự án Luật đã được Chính phủ đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-12) phản ánh, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, cho ý kiến về việc ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kế hoạch số 04-KH/TW của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”. Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; sàng lọc, rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, động cơ mục đích không trong sáng, vào Đảng không phải để chiến đấu hy sinh, mà để được đề bạt, lên lương, thăng quan tiến chức… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: Muốn Đảng mạnh, trước hết mỗi đảng viên phải tốt. Muốn vậy phải làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, sàng lọc, xử lý những đảng viên vi phạm, chống cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thà ít mà tốt, còn hơn đông nhưng không mạnh, hữu danh vô thực… Trước hết, phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Phải khơi dậy, phát huy tinh thần “đảng viên đứng mũi chịu sào”, một đảng viên thường mà tốt còn uy tín hơn, được yêu mến hơn ông cán bộ hư hỏng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương, cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-12) cho biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần được sửa đổi, bổ sung trong Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý đối với bảy nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật tổ chức Chính phủ và năm nội dung trong Luật tổ chức chính quyền địa phương. Tại Luật tổ chức Chính phủ, căn cứ chủ trương, định hướng của Đảng và tổng kết thực tiễn, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung, như: Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; sửa đổi quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương; bổ sung quy định về phân cấp của Chính phủ trong việc quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập… Đối với Luật tổ chức chính quyền địa phương, gồm năm nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung, như một số điều, khoản liên quan việc thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, HĐND và UBND các cấp; khuyến khích nhập các đơn vị hành chính và tinh gọn thủ tục hành chính trong giải quyết tranh chấp địa giới hành chính. 

    Báo Chính phủ Điện tử, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, An ninh thủ đô, Dân trí, TTXVN (20-12) đưa tin, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018 với các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm cải cách của các bộ, ngành, địa phương. Để gắn kết và đồng bộ giữa cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, vừa qua Thủ tướng đã chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước và chủ trì kiểm soát TTHC, triển khai nhiệm vụ cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về VPCP; từ Sở Tư pháp, Sở Nội vụ các địa phương về Văn phòng UBND cấp tỉnh;... nhằm tập trung đầu mối để tham mưu trong thực hiện cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tổ công tác của Thủ tướng đã đến thực tế một số địa phương và nhận thấy, nhiều tỉnh/thành phố thực hiện rất tốt công tác cải cách TTHC. Tuy nhiên, cũng có địa phương mới làm được những bước đầu, vì vậy, cần sự thống nhất cao, phân cấp mạnh và giao quyền tốt hơn nữa; cải cách phải rất chuyên nghiệp, tâm huyết; cải cách là phải cắt bỏ những gì liên quan quyền lợi, loại bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ những yếu tố mang tính tiêu cực và không thực chất.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21-12) phản ánh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các già làng, trưởng bản tiêu biểu tham gia Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ nhất do Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức. Dự buổi gặp mặt có 163 đại biểu đến từ 35 tỉnh, thành phố, thuộc 45 dân tộc thiểu số. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các già làng, trưởng bản là những người tiêu biểu, gương mẫu, là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” của bản làng. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận những đóng góp của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong việc giữ gìn bình yên nơi biên cương của Tổ quốc. Thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục đồng hành cùng nhân dân cả nước, phát huy truyền thống, sự kiên cường, bất khuất, tinh thần đoàn kết dân tộc, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vững chắc ở cả vùng biển, vùng trời, đặc biệt là các vùng biên giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu

    Theo tin từ Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22-12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch, nhằm mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có liên quan, bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng với Luật quy hoạch từ ngày 1-1-2019. Pháp lệnh điều chỉnh các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 4 pháp lệnh: Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; Pháp lệnh Quản lý thị trường; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh Thư viện. Pháp lệnh áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

    Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Sài gòn giải phóng, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mới, Hà Tĩnh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17-12) đưa tin, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng chí biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng; tỉnh đã phát hiện và xử lý dứt điểm một số vụ việc xảy ra trên địa bàn. Thời gian tới, đồng chí đề nghị tiếp tục quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nâng cao nhận thức của các cấp về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác phòng. chống tham nhũng. Đồng chí nhấn mạnh, cần tăng cường hiệu quả phối hợp giữa đơn vị chủ trì Thanh tra, Kiểm tra với các cơ quan chức năng, nhất là trong việc xác minh hành vi sai phạm, xác định mức độ, tính chất vi phạm. Tăng cường thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, từ công tác cán bộ, cải cách hành chính; xác định các lĩnh vực có nguy cơ cao về tham nhũng để thực hiện các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ. Cùng với việc xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, cần có biện pháp động viên những người dũng cảm phát hiện, tố giác sai phạm và có cơ chế bảo vệ tốt…

    Báo Lao Động, Công an nhân dân,  Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (17-12) cho biết, tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không cho bốn bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh hưởng án treo do các bị cáo là đồng phạm giúp sức bị cáo Danh gây thiệt hại trong cả hai giai đoạn của vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB - nay là CB). Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo khác, đại diện Viện kiểm sát cho rằng không có cơ sở vì mức án cấp sơ thẩm tuyên đã tương xứng với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo. Riêng bị cáo Trần Hiệp bị án sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù, nhưng hiện nay bị cáo này đang bị ung thư giai đoạn 4, có hồ sơ bệnh án nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Dự kiến, phiên tòa kết thúc vào ngày 25-12.

    Theo tin từ Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Thanh tra, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (18-12), từ ngày 1-12-2018, Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ thực hiện tiếp nhận thông tin phản ánh về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua số điện thoại và hộp thư điện tử: Tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp (trong giờ hành chính): 08048228; tiếp nhận thông tin bằng tin nhắn qua điện thoại di động: 0911156161; tiếp nhận thông tin qua hộp thư: cucchongthamnhung@thanhtra.gov.vn. Những thông tin phản ánh về hành vi có dấu hiệu tham nhũng mà tổ chức, cá nhân chủ động cung cấp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có địa chỉ cụ thể, các chứng cứ kèm theo đủ tính thuyết phục và rõ ràng. Qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xem xét, làm rõ…

    Báo Lao Động, Công an nhân dân,  Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (18-12) phản ánh, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử, tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Cự Tẩm, sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Haprosimex kiêm Giám đốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex) 17 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Tham ô tài sản”. Đồng phạm Phạm Thị Minh Phương, sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế toán Nhà máy Dệt kim Haprosimex) bị phạt 4 năm tù về tội “Tham ô tài sản.” Trong khoảng thời gian từ ngày 1-7-2010 đến tháng 3-2016, bị cáo Nguyễn Cự Tẩm được bổ nhiệm kiêm chức danh Giám đốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex tại Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo cấp dưới tại nhà máy để ra quyết định chi trả phụ cấp, lập chứng từ, chi tiền phụ cấp cho bản thân bị cáo trái pháp luật, trái điều lệ công ty. Tổng số tiền bị cáo hưởng lợi là gần 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Tẩm còn tham ô 389 triệu đồng tiền lãi vay từ hợp đồng cho vay khống và tiền tạm ứng chi phí hành chính.

    Báo Sài gòn giải phóng, Tiền Phong, Thanh Niên, Người lao động, VietNamNet, Dân trí, TTXVN (18-12) đưa tin, tại Đắk Nông, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Đình Trọng, 43 tuổi, nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông 7 năm tù vì hành vi “nhận hối lộ” theo quy định tại điều 354, Bộ luật Hình sự. Bị cáo Lê Đình Trọng được xác định đã nhận tiền của một Giám đốc Công ty vận tải để “làm ngơ” cho những xe của Công ty này đi qua trạm cân mà mình làm trạm trưởng trên đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ). Tại phiên tòa, Toàn thú nhận hành vi đưa hối lộ của mình nhưng kháng cáo để xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Ngược lại, bị cáo Trọng một mực kêu oan, cho rằng mình không phạm tội nhận hối lộ và kháng cáo, yêu cầu xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định giữ y án sơ thẩm 7 năm tù đối với bị cáo Lê Đình Trọng. Bị cáo Nguyễn Trọng Toàn được giảm mức án từ 3 năm 6 tháng tù giam xuống 2 năm 6 tháng tù giam do thành khẩn khai báo.

    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân,  Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (18-12) thông tin: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã xác định: Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng Giám đốc PVEP, trong thời gian từ năm 2012-2014 đã có hành vi lạm dụng chức vụ là Tổng Giám đốc PVEP để nhận tiền của OceanBank chi lãi ngoài (còn gọi là tiền chăm sóc khách hàng), sau đó chiếm đoạt tài sản. Ngày 13-9-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi vụ án hình sự số 54/C46-P11. Ngày 17-12-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố bị can số 265/C03-P15, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 77/C03-P15 đối với Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng Giám đốc PVEP về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 - Bộ luật hình sự 2015. Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên. 

    Báo Thanh tra, TTXVN (19-12) phản ánh, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Đại sứ quán Anh, Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo nghiên cứu thực tiễn áp dụng phương pháp, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh tại Việt Nam. Tại Việt Nam, để nhận định và đánh giá hiệu quả quản trị công tác cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế đều có những phương pháp, công cụ khác nhau để thực hiện. Tiêu biểu trong đó là: Đánh giá công tác PCTN của UBND cấp tỉnh (PACA) do TTCP thực hiện; Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index) do Bộ Nội vụ tiến hành; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) do Bộ Tư pháp thực hiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện... Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, rà soát, đánh giá tổng thể các phương pháp đánh giá về công tác PCTN hiện nay, khung đánh giá và các chỉ số đánh giá công tác PCTN đối với UBND cấp tỉnh mà TTCP đang áp dụng triển khai thí điểm thực hiện. Hội thảo cũng đưa ra những đánh giá, nhận xét, tổng kết thực tiễn về đánh giá công tác PCTN của UBND cấp tỉnh hiện nay. Từ đó có những đề xuất, khuyến nghị sửa đổi về phương pháp và hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh, tiến tới xây dựng Thông tư quy định đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh.

   Báo Chính phủ Điện tử, Điện tử Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Giao thông, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (20-12) đưa tin, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Văn phòng Liên hợp quốc về Phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức Tọa đàm về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam. Buổi Tọa đàm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế PCTN nhằm giới thiệu về Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), cập nhật kết quả thực thi UNCAC tại Việt Nam, nhất là kết quả tham gia chu trình đánh giá thứ hai việc thực thi UNCAC. Đồng thời giới thiệu Luật PCTN năm 2018 mới được Quốc hội thông qua thay thế Luật PCTN năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012) nhằm  phổ biến rộng rãi để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật về PCTN.

    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (21-12) phản ánh, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 26 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB). Bị cáo Trần Phương Bình lĩnh án 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản," tổng hợp hình phạt là mức án chung thân. Hội đồng xét xử nhận định, trên cương vị Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, Bình đã đề ra chủ trương, trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở), Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Hội sở), Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ và có) tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền tại DAB cùng một số người thân quen, công ty “sân sau” của Bình, Xuyến thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền gần 3.600 tỷ đồng. Trong đó, Trần Phương Bình trực tiếp chiếm đoạt, sử dụng cá nhân hơn 2.008 tỷ đồng; chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai hơn 1.560 tỷ đồng. Nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB Nguyễn Thị Kim Xuyến bị tuyên phạt 30 năm tù cho cả hai tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm,” Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) tham gia hoạt động góp vốn mua cổ phần DAB đã đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 203 tỷ đồng. Hội đồng xét xử ghi nhận việc bị cáo Vũ đã nộp lại số tiền 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án; tuyên phạt bị cáo Vũ 17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản," tổng hợp với bản án 8 năm tù của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là 25 năm tù giam. 

    TIN QUỐC TẾ

    Báo Thanh tra (19-12) đưa tin, Cảnh sát Israel đã đề nghị cáo buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu về tội nhận hối lộ. Các nhà chức trách cho biết vào hôm Chủ nhật họ đã thu thập và hoàn thiện cơ sở chứng cứ để buộc tội ông Netanyahu và vợ, bà Sara, về tội nhận hối lộ, gian lận và phản bội lại lòng tin của nhân dân. Cuộc điều tra dài ngày đối với Thủ tướng tập trung vào những nghi ngờ trong việc ông Netanyahu đã thúc đẩy thay đổi hàng loạt quy định để mang lại lợi ích hàng trăm triệu đô la cho Công ty Viễn thông Bezeq, đổi lại là hình ảnh và uy tín của ông phải được đưa tin theo hướng tích cực trên tất cả mặt báo. Ngoài việc thay đổi một số quy định theo hướng có lợi cho các công ty tư nhân như Bezeq để được truyền thông tên tuổi, cảnh sát còn đề nghị ông Netanyahu phải chịu trách nhiệm cho hành vi tham nhũng khác, đó là nhận nhiều món quà xa xỉ với tổng trị giá 300.000 đô la từ nhiều nhà bảo trợ.

    Báo Thanh tra (20-12) đưa tin, Hạ viện Italy đã thông qua dự luật tăng cường chống tham nhũng trong khu vực công, cũng như cải thiện tính hiệu quả của hệ thống tư pháp. Trước đó, dự luật cũng đã được thông qua tại Thượng viện. Dự luật mới cấm những người từng bị kết tội tham nhũng tham gia vào các vụ đấu thầu của chính phủ trong tương lai, đồng thời tăng mức án đối với các tội danh đưa và nhận hối lộ. Dự luật cho phép cảnh sát thực hiện các chiến dịch bí mật để điều tra tham nhũng, cũng như khuyến khích tố giác tội phạm tham nhũng trong khu vực công. Dự luật còn cho phép nới lỏng thời hiệu truy tố đối với nhiều tội danh, trong đó có tội danh tham nhũng. 

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

    -  Thanh tra Chính phủ thực hiện tiếp nhận thông tin phản ánh về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua số điện thoại và hộp thư điện tử.

    - Điều tra mở rộng vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí và OceanBank.

    - Xét xử vụ DAB: Trần Phương Bình bị án chung thân, Vũ “nhôm” 17 năm tù. 

    - Tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2.

                                                                                        BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG