Skip to main content

Bài học từ một vụ án “Hủy hoại rừng”

Sáng ngày 21/7/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, công khai vụ án “Hủy hoại rừng” đối với hai anh em ruột là các bị cáo: Đặng Văn Linh, sinh ngày 30/8/1995 và Đặng Văn Sinh, sinh ngày 03/8/2000; đều nghề nghiệp: Làm ruộng thường trú và chỗ ở tại thôn Bản Tùm, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

aa
Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án “Hủy hoại rừng”

Theo Bản án sơ thẩm, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, nội dung vụ án như sau: Năm 1995 gia đình ông Đặng Chi Thọ (là bố của các bị cáo Đăng Văn Linh, Đặng Văn Sinh) được UBND huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cấp Hồ sơ giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng với tổng diện tích 44 ha rừng phòng hộ (gồm 5,5 ha rừng tự nhiên và 38,5 ha đất chưa thành rừng) thuộc lô số 151, khoảnh 512, bản đồ giao đất lâm nghiệp xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, nay thuộc khoảnh 28, tiểu khu 484 bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng xã Kiên Mộc thuộc thôn Bản Tùm, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Đầu năm 2021, do thiếu đất canh tác và cần có gỗ để sữa nhà, ông Đặng Chi Thọ đã nói với con trai Đặng Văn Linh và Đặng Văn Sinh là gia đình có khu rừng đã được cấp sổ xanh do ông Đặng Chi Thọ đứng tên, nếu không tự làm được thì thuê người về phát rừng để trồng cây. Khoảng tháng 4 năm 2021, Đặng Văn Linh đã bàn với Đặng Văn Sinh là thống nhất thuê người về chặt, phát khu rừng đã được Nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng cho ông Đặng Chi Thọ.

Trong khoảng thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 06/5/2021 Đặng Văn Linh và Đặng Văn Sinh đã nhiều lần đưa Triệu Sinh Vượng, Hoàng Thị Tam, Triệu Tiến Thắng, Triệu Thị Nảy, Chu Thị Huyên, Hoàng Phúc Đức đến khu rừng Khe Nước Đục thuộc lô số 01, khoảnh 28, tiểu khu 484 bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng xã Kiên Mộc để chặt phá rừng. Đặng Văn Linh và Đặng Văn Sinh sử dụng máy cưa xích để cưa hạ những cây gỗ to, dùng dao quắm để chặt cành và cây bụi còn Triệu Sinh Vượng, Hoàng Thị Tam, Triệu Tiến Thắng, Triệu Thị Nảy, Chu Thị Huyên, Hoàng Phúc Đức dùng dao quắm tự mang theo từ nhà mình để chặt cành và cây bụi.

Tại kết luận giám định tư pháp ngày 08/6/2021 của người giám định tư pháp theo vụ việc kết luận: Diện tích rừng bị chặt phá là 18.891m2 (trong đó 13.191 m2 đã thành rừng, là rừng tự nhiên và 5.700m2 chưa thành rừng). Số cây bị chặt phá có đường kính gốc từ 11cm trở lên là 341 cây; số cây bị chặt phá có đường kính gốc dưới 11 cm là 39 cây.

Tại bản kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 19/KL-HĐĐGTS ngày 28/8/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đình Lập kết luận: Giá trị tài sản thiệt hại trong vụ trên gồm: Giá trị về lâm sản: 40.427.000 đồng; giá trị bồi thường do hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đối với rừng (đối với môi trường) là 161.708.000 đồng; Tổng giá trị thiệt hại là 202.135.000 đồng.

Tại bản Cáo trạng số 04/CT-VKSĐL ngày 27/01/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đã truy tố Đặng Văn Linh và Đặng Văn Sinh về tội Hủy hoại rừng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243 Bộ luật Hình sự.

Ngày 26/4/2022, các bị cáo Đặng Văn Linh và Đặng Văn Sinh đã bị TAND huyện Đình Lập xét xử sơ thẩm về tội Hủy hoại rừng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243 của BLHS năm 2015 với mức hình phạt bị cáo Đặng Văn Linh 7 năm 6 tháng tù, bị cáo Đặng Văn Sinh 7 năm tù; về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm, gây thiệt hại đối với môi trường: Bị cáo Đặng Văn Linh và Đặng Văn Sinh có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho UBND huyện Đình Lập số tiền 40.427.000 đồng, mỗi bị cáo có nghĩa vụ bồi thường 20.213.500 đồng. Trong hạn luật định các bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư bào chữa cho các bị cáo đã cung cấp cho Hội đồng xét xử các biên lai nộp tiền bồi thường thiệt hại khắc phục một phần hậu quả. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm c khoản 3 Điều 243 của BLHS năm 2015; các Điều luật liên quan và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quyết định:

 Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Đặng Văn Linh và Đặng Văn Sinh, sửa Bản án hình sự sơ thẩm, giảm hình phạt cho các bị cáo Đặng Văn Linh từ 7 năm 6 tháng tù xuống còn 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Đặng Văn Sinh từ 7 năm tù xuống còn 3 năm tù.

Hình phạt nêu trên đối với các bị cáo là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những ai đã và đang có hành vi và có ý định chặt phá rừng trái pháp luật, cho dù chỉ đơn thuần là để trồng cây phát triển kinh tế hay vì mục đích nào khác. Nhưng mọi người đều phải nhận thức được rằng hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ chính là hành vi hủy hoại rừng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, xâm phạm đến chế độ quản lý rừng của Nhà nước.

Qua vụ án nêu trên, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa của rừng đối với môi trường sống của con người, tuyên truyền trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ lá phổi xanh cho cuộc sống.

Hoàng Thào