Skip to main content

Quan hệ phối hợp của cơ quan Hải quan trong công tác chống buôn lậu

Hiện nay, việc phối hợp của Cơ quan Hải quan trong hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại được điều chỉnh bởi Luật Hải quan năm 2014, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả).

ảnh

Công chức Hải quan và chiến sỹ Biên phòng Lạng Sơn phối hợp kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: T.Bình.

Chủ động ký kết quy chế phối hợp

Thời gian qua, ngành Hải quan đã ký quy chế phối hợp với các lực lượng như Công an, Biên phòng... Đây được xem những văn bản quan trọng điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Quy chế phối hợp số 5341/QCPH/TCHQ-TCCS ngày 22/11/2007 giữa Hải quan và Tổng cục Cảnh sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; Quy định phối hợp số 458/2013/QĐPH/ ĐTCBL-V1 ngày 9/5/2013 giữa Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan với Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg  ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh, phòng chống các tội phạm về ma tuý tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; Quy chế phối hợp số 5000/QC-TCHQ-BTLBĐBP ngày 20/9/2012 về phối hợp hoạt động giữa Hải quan và Bộ đội Biên phòng…

Theo quy định tại Điều 88 Luật Hải quan năm 2014, trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan Hải quan để kiểm tra, xử lý.

Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan Hải quan tiếp tục truy đuổi, thông báo cho cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc dừng, truy đuổi phương tiện vận tải nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật biển Việt Nam.

Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải đã đưa ra ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan nhà nước hữu quan có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì theo thẩm quyền, cơ quan đó thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan đang vận chuyển trên các tuyến đường, cơ quan Hải quan có trách nhiệm giám sát bằng các biện pháp nghiệp vụ hải quan; khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan Hải quan thực hiện, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong vùng nội thủy, lãnh hải phù hợp với quy định của Luật biển Việt Nam.

Trách nhiệm phối hợp

Trách nhiệm phối hợp của cơ quan Hải quan với các cơ quan hữu quan (Uỷ ban nhân dân, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển…) đã được quy định chi tiết tại Chương III Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 có hiệu lực kể từ ngày 10/3/2018. Theo đó, bổ sung công tác lập hồ sơ tại Điều 11 và Điều 15 Nghị định và công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tại Điều 15a Nghị định cho phù hợp với Điều 89 Luật Hải quan 2014. Nghị định cũng quy định về trách nhiệm thi hành Nghị định trong trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sở tại xem xét, trình Chính phủ quyết định để đảm bảo tính bao quát khi sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các địa bàn hoạt động hải quan khác.

Theo quy định tại Chương V, Luật Hải quan 2014 quy định nhiệm vụ của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được giao cho toàn bộ hệ thống tổ chức hải quan, công chức hải quan. Đây là nhiệm vụ trọng yếu của cơ quan Hải quan được thực hiện đồng thời với quá trình làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải. Do đó, trong thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo quyết liệt trong toàn Ngành nhằm tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức cảnh giác, ý thức trách nhiệm phòng, chống buôn lậu của mỗi cán bộ, công chức Hải quan tuân thủ, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ hải quan, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị trong tình hình mới.

Tại các đơn vị hải quan địa phương, cơ quan Hải quan đã bố trí, phân công lực lượng chuyên trách làm công tác kiểm soát chống buôn lậu chuyên trách theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo đánh trúng các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời, triệt để hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, hàng giả trong địa bàn hoạt động hải quan.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương... đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hải quan 2014 và được quy định chi tiết tại Điều 104 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan Hải quan tiếp tục truy đuổi, thông báo cho cơ quan Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với các quy định về thẩm quyền truy đuổi theo khoản 1 Điều 88 Luật Hải quan hiện nay vẫn còn nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể để triển khai. Đó là, quy định cụ thể trường hợp giao quyền quyết định của cấp trưởng cho cấp phó trong các trường hợp cấp trưởng vắng mặt; chưa có quy định cụ thể hình thức quyết định truy đuổi dưới hình thức văn bản hay mệnh lệnh miệng, chỉ đạo qua điện thoại; chưa quy định hình thức thông báo trong trường hợp khẩn cấp này sẽ dùng hình thức nào thông qua điện thoại đường dây nóng, thông qua bản fax…

Nguồn: Báo Hải Quan online