Skip to main content

    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Chính phủ điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (29/01) cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2024 để thảo luận, cho ý kiến đối với 5 nội dung, trong đó có 3 dự án Luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024; tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2023, có hiệu lực vào 2024; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật mới; khơi thông, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi…

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (30/01) đưa tin, Công an tỉnh Bến Tre quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hoài Hận, cư trú xã Bình Phú, thành phố Bến Tre để điều tra hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, thông qua việc lợi dụng mối quan hệ quen biết, từ năm 2020-2022, Nguyễn Hoài Hận đã nhiều lần vay tiền của nhiều người trên địa bàn tỉnh Bến Tre, với tổng số tiền chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng để đánh bạc và tiêu xài cá nhân. Sau đó, do không có khả năng chi trả, nên Hận bỏ trốn khỏi địa phương.

 

    TTXVN, Đài TNVN và các báo (30-31/01) cho biết, Công an tỉnh Hưng Yên khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Văn Chờ, trú thôn Hướng Đạo, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Công an tỉnh phát hiện, từ năm 2020 đến tháng 11/2023, Phạm Văn Chờ đã quản lý và sử dụng 02 tài khoản facebook phát livestream đăng tải, chia sẻ bôi nhọ Đảng, Nhà nước và xúc phạm lãnh tụ. 

 

    Các báo (31/01) đưa tin, sau 9 ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên phạt đối với 70 bị cáo trong vụ án giết người do tranh giành đất ở thành phố Phú Quốc. Trong vụ án này, có ba bị cáo nhận mức án tù chung thân: Đoàn Thiên Long (thành phố Phú Quốc) về các tội “Giết người” và “Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” (trước đó, trong phần luận tội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị tuyên án tử hình đối với bị cáo); Nguyễn Văn Thái (tức Thái bus, thành phố Phú Quốc) về tội “Giết người”; Bùi Đức Ngọc ( trú tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) về các tội “Giết người” và “Sử dụng phép vũ khí quân dụng”. Bị cáo Phạm Anh Hiếu (ngụ xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc) bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Giết người”. Đây là mức án dưới mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là chung thân. Các bị cáo còn lại nhận mức án 6 tháng tù treo đến 18 năm tù giam về các tội “Giết người”, “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Gây rối trật tự công cộng” và “Che giấu tội phạm”.

 

    Theo Chính phủ điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (31/01), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, quyết định về công tác cán bộ. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; xem xét thi hành kỷ luật ông Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Hai ông Trần Đức Quận, Nguyễn Nhân Chiến đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc. Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Đức Quận và Nguyễn Nhân Chiến.

 

    Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, báo Dân trí, Báo mới và một số báo (01/02) cho biết, căn cứ vào kết quả điều tra vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, xảy ra ngày 12/9/2023 tại nhà số 37 ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; quyết định khởi tố 6 bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Đình Quân, nguyên Tổ trưởng Tổ Trật tự xây dựng phường Khương Đình, giai đoạn 2014-2016, hiện là Tổ trưởng Tổ Trật tự xây dựng phường Nhân Chính; Chu Xuân Sơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình, giai đoạn 2015-2020, hiện là Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam; Nguyễn Thị Kim Trang, nguyên cán bộ địa chính xây dựng phường Khương Đình, giai đoạn 2010-2018, hiện là cán bộ địa chính xây dựng phường Thanh Xuân Bắc; Trần Trọng Khang, nguyên Đội trưởng Đội Trật tự xây dựng quận Thanh Xuân, giai đoạn 2013-2016, hiện đã nghỉ hưu; Phạm Tần Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình, giai đoạn từ 2018 đến nay; Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó trưởng Công an phường Khương Đình. Cơ quan điều tra ra lệnh bắt tạm giam đối với các bị can Nguyễn Đình Quân, Trần Trọng Khang, Chu Xuân Sơn; cấm đi khỏi nơi cư trú, quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với Nguyễn Thị Kim Trang, Phạm Tần Anh, Nguyễn Tuấn Anh. 

 

    Báo Nhân Dân điện tử,TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (02/01) thông tin, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với nguyên Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Duy Vinh; đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật đối với nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự. Ông Đỗ Duy Vinh, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài chính đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Yên cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã truy tố ông Vinh về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Riêng ông Phạm Đình Cự, trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không chỉ đạo thu hồi đất và ký văn bản cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

 

    Báo Tiền phong, Người Lao động, Baomoi.com (03/02) cho biết, những ngày qua, dư luận tại tỉnh Quảng Bình xôn xao trước thông tin nữ nhân viên một ngân hàng là Lê Thị Thanh Th. đã huy động hàng trăm tỷ đồng của nhiều “đại gia” với lãi suất cao, nói là để đảo nợ cho khách hàng, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương. Liên lạc với Ngân hàng nơi bà Th. làm việc, vị Giám đốc Ngân hàng cho biết, đã cho bà Th. nghỉ việc từ cuối tháng 12/2023 vì tin đồn liên quan đến nợ nần. Việc tin đồn bà Th. ôm hàng trăm tỷ đồng bỏ trốn chắc chắn không phải tiền của Ngân hàng hoặc khách hàng của Ngân hàng này.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 

    Các báo 29/01 đưa tin, Công an thành phố Hà Nội quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Sen Tài Thu, bắt khẩn cấp 3 đối tượng gồm: Phạm Thị Hòa, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty; Nguyễn Thị Thùy Linh (con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, từ năm 2018 đến tháng 5/2023, các đối tượng trên biết rõ Công ty có dư nợ phát sinh rất lớn, mất khả năng thanh toán; tuy nhiên, lợi dụng uy tín thương hiệu chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu để nâng khống vốn điều lệ, đưa doanh thu lợi nhuận của hệ thống không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật. Theo đó, có 100 hợp đồng huy động vốn với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng. 

 

    Báo Thanh tra và một số báo (29/01) cho biết, Công an tỉnh Gia Lai bắt ông Lê Cảnh Phú, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”. Đây là kết quả điều tra mở rộng đối với vụ án nhận hối lộ tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh). Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt ông Đỗ Minh Hiếu, cán bộ Văn phòng này với cáo buộc nhận tiền để làm sổ đỏ nhanh. Theo thông tin ban đầu, từ năm 2020-2022, Hiếu được xác định nhận tiền của người dân để làm hồ sơ, trình cấp nhanh sổ đỏ; mỗi hồ sơ, ông Hiếu nhận từ vài trăm đến cả triệu đồng/hồ sơ. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, ông Hiếu đã nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng của nhiều người.

 

    Báo Công lý, Baomoi (30/01) phản ánh, Ban Thường vụ Thị ủy Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Quảng Sơn, cá nhân ông Trần Văn Huyển, Chủ tịch UBND xã; ông Trần Đình Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã; ông Trần Anh Đức, công chức địa chính nông nghiệp xã về việc việc kê khai xác nhận nguồn gốc sử dụng đất không đúng thực tế đối với 20 hộ dân ở đội 1, thôn Thọ Hạ, dẫn đến công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn sai quy định. Theo đó, Ban Thường vụ Thị ủy Ba Đồn đề nghị cần có hình thức kỷ luật đối với Trưởng thôn, cán bộ địa chính nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn và cá nhân có liên quan sau vụ chi trả sai đối tượng hơn 4 tỷ đồng đền bù cao tốc Bắc - Nam. 

 

    Báo điện tử VietNamNet, Baomoi.com (30/01) cho biết, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các Cục Hải quan dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với xăng dầu và nguyên liệu xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil. Trước đó, các lãnh đạo của hai doanh nghiệp xăng dầu này đã bị khởi tố, bắt giam vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hải Hà; bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Xuyên Việt Oil; Nguyễn Thị Như Phương, Phó giám đốc Xuyên Việt Oil. Đài TNVN, Baomoi.com (03/02) thông tin thêm, đối với vụ án xăng dầu xảy ra tại Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết: Đây là điển hình của vi phạm quy định về xuất nhập khẩu xăng dầu, quản lý sử dụng Quỹ bình ổn. Quá trình điều tra xác định Hải Hà Petro đã gây thiệt hại 15 tỷ đồng, gây thất thoát khoảng 300 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Tại Xuyên Việt Oil, Cơ quan điều tra đang phong tỏa 17 tài khoản cá nhân, trên 4 tỷ đồng và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng với 54 nhà đất đứng tên cá nhân, 6 nhà đất tên công ty. 

 

    Theo báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Lao động, Báo mới, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết và các báo (31/01), Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 23 đối tượng là cán bộ, nhân viên, lao động liên quan đến hành vi “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”. Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra, khoảng cuối năm 2020-2022, tình hình đất đai trên địa bàn thành phố Sầm Sơn có nhiều biến động do công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư dự án Quảng trường biển Sầm Sơn. Để trục lợi cá nhân, các đối tượng đã câu kết với một số cán bộ làm việc trong các cơ quan có thẩm quyền như: Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng tài nguyên và môi trường, địa chính phường, Chi cục thuế... và đứng ra nhận khoán hồ sơ, giấy tờ, đăng ký biến động đất đai cho người dân và lấy một khoản tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài chi phí cho cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai, các đối tượng đã chi phí cho cán bộ thuế, địa chính phường, bộ phận một cửa, cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường... 

 

    TTXVN và các báo (31/01) đưa tin, Bộ Công an quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 22 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) và các công ty liên quan. Theo Bộ Công an, kết quả điều tra đến nay làm rõ sai phạm của 22 người nguyên là lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC, Công ty kiểm toán và người thân của Trịnh Văn Quyết có hành vi đồng phạm, giúp sức tích cực cho Trịnh Văn Quyết lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người này giúp sức Trịnh Văn Quyết trong việc thông qua nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần, niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

 

    Báo Công an nhân dân và các báo (02/02) cho biết, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an quyết định khởi tố 02 vụ án hình sự gồm vụ án “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty TNHH Kinh doanh chế biến thủy sản và Xuất khẩu Quốc Việt (Cà Mau) và vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Cảng Container Trung tâm Sài Gòn. Bước đầu xác định, các cá nhân có trách nhiệm tại Công ty Quốc Việt đã làm giả các tài liệu của cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện chiết khấu tại BIDV Đất Mũi và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), làm thất thoát 1.200 tỷ của Ngân hàng và 730 tỷ ngân sách nhà nước. Vụ án xảy ra tại Cảng Container Trung tâm Sài Gòn gây thiệt hại số tiền 99 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước tại Cảng Container Trung tâm Sài Gòn lỗ lũy kế 3.655 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 1.940 tỷ đồng; dư nợ ngân hàng nước ngoài hơn 1700 tỷ đồng. Hiện không có khả năng chi trả, có liên quan trách nhiệm bảo lãnh của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh.

 

    Báo điện tử VietNamNet, Baomoi.com và một số báo (02/02) đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định cách chức Giám đốc Sở Ngoại vụ và 3 Phó Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tài Chính vì vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp nhận công dân về nước phòng, chống dịch; quản lý, sử dụng đất đối với một số dự án đầu tư và thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện. Cụ thể, cách chức Phó Giám đốc Sở Tài chính đối với ông Thân Đức Sửu; cách chức Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với ông Nguyễn Văn Thọ; cách chức Phó Giám đốc Sở Y tế và cho nghỉ hưu trước tuổi đối với ông Nguyễn Văn Văn; cách chức Giám đốc Sở Ngoại vụ và cho thôi việc ngay đối với ông Lê Ngọc Tường. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Lê Ngọc Tường và Nguyễn Văn Văn.

 

    Báo Nhân Dân và một số báo (03/02) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên án sơ thẩm hình sự các bị cáo Hồ Văn Tấn, Lê Tấn Tài, Nguyễn Minh Trí, nguyên là cán bộ, điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên án Tấn 18 tháng tù; Trí 17 tháng tù; Tài 18 tháng tù. Theo cáo trạng, các bị cáo Tấn, Trí, Tài được giao nhiệm vụ phục hồi điều tra vụ án đối với các bị can Võ Minh Phương, Trần Công Tới, Bùi Văn Miền về tội buôn lậu, xảy ra ngày 23/12/2018. Các đối tượng Phương, Tới, Miền phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng trốn truy nã, khi đầu thú đã khai báo gian dối, thông cung, cản trở điều tra, thuộc trường hợp phải bị tạm giam. 03 bị cáo Tấn, Trí, Tài vì động cơ cá nhân, vụ lợi và sợ ảnh hưởng đến vị trí công tác của bản thân nên chỉ thực hiện điều tra các bị can về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; kết luận điều tra đề nghị truy tố các bị can này không đúng với bản chất hành vi phạm tội, bỏ lọt hành vi phạm tội buôn lậu của Mười Tường, Út Mạnh.

 

    Đài TNVN, Baomoi.com (03/02) thông tin, trong vụ án tại Công ty điện lực Bình Thuận và Tập đoàn Tuấn Ân mà Bộ Công an đang điều tra cho thấy nhiều loại vật tư, thiết bị điện bị nâng khống giá, thậm chí tới 300%. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện, ảnh hưởng tới người tiêu dùng do việc nâng giá vật tư sẽ được cộng vào giá thành điện. Trước đó, cuối tháng 12/2023, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận (EVN Bình Thuận) cùng Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân và 15 người bị bắt do cáo buộc nhận hối lộ, sai phạm đấu thầu, cung cấp vật tư, thiết bị, phụ kiện cho ngành điện và kế toán trong quản lý doanh nghiệp. 

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo An ninh Thủ đô, Baomoi.com.vn (30/01) dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết, các nhân viên của một công ty vũ khí Ukraine đã âm mưu với một số quan chức Bộ Quốc phòng biển thủ gần 40 triệu USD, vốn dành để mua 100.000 quả đạn súng cối phục vụ quân đội. 05 người đã bị buộc tội, trong đó, 01 người bị giam giữ khi cố gắng vượt biên giới Ukraine. Nếu bị kết tội, những người này phải đối mặt với mức án 12 năm tù. Các quan chức bị cáo buộc tham gia vào âm mưu này bao gồm lãnh đạo hiện tại và trước đây của Vụ Chính sách quân sự và kỹ thuật, Phát triển vũ khí và thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng, cũng như người đứng đầu nhà cung cấp vũ khí Lviv Arsenal.

 

    Baomoi.com.vn (30/01) thông tin, Tòa án Trung Quốc đưa ra xét xử đối với ông Chen Xuyuan, người bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 81,03 triệu nhân dân tệ (hơn 11 triệu USD) trong giai đoạn làm việc tại Câu lạc bộ Shanghai SIPG và CFA. Nhà lãnh đạo sinh năm 1956 từng là người có tầm ảnh hưởng lớn đến bóng đá Trung Quốc. Vị cựu lãnh đạo CFA đóng vai trò quan trọng trong quyết định đưa Li Tie lên làm HLV trưởng Trung Quốc. Trong đoạn phim tài liệu được phát sóng trên CCTV ngay trước khi Asian Cup 2023 khởi tranh, ông Li Tie thừa nhận việc đưa hối lộ gần 421.000 USD để ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 02/2023, Wang Dengfeng, người từng giữ chức Phó chủ tịch CFA cũng bị bắt giữ vì cáo buộc tham ô và nhận hối lộ.

 

    Baomoi.com.vn (03/02) đưa tin, Trong tập phim mới nhất của bộ phim đặc biệt về các quan chức tham nhũng của Trung Quốc, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Tổ lãnh đạo Đảng thành phố Trường Đức, tỉnh Hồ Nam đã bị “vạch trần” hành vi tham nhũng thông qua việc nhận những chai rượu đắt tiền. Tập thứ 2 của bộ phim truyền hình đặc biệt “Lòng trung thành và sự phản bội - Cảnh báo chống tham nhũng Chính Phong năm 2023 Hồ Nam” do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Hồ Nam và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Hồ Nam phối hợp sản xuất đã được phát sóng. Tập phim này “vạch trần” ông Tang Zuoguo (Đường Tả Quốc), Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Tổ lãnh đạo Đảng thành phố Trường Đức, tỉnh Hồ Nam. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra, giám sát kỷ luật tỉnh Hồ Nam ra thông báo ông Tang Zuoguo bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng và bị xem xét kỷ luật. Theo lời giới thiệu trong phim, ông Tang Zuoguo thường xuyên đến nhiều quán rượu khác nhau, sau đó được nhiều đối tượng dùng việc tặng rượu quý để trao đổi các lợi ích khác. Vị cựu quan chức cũng thẳng thắn khai báo đã nhận các phong bao hàng nghìn USD, cho tới vài trăm nghìn USD.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

    - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét, quyết định về công tác cán bộ;

    - Bắt cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sen Tài Thu;

    - Khởi tố thêm 22 đồng phạm giúp sức Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán;

    - Khởi tố 02 vụ án hình sự tại Công ty TNHH Kinh doanh chế biến thủy sản và Xuất khẩu Quốc Việt (Cà Mau) và Cảng Container Trung tâm Sài Gòn.

 

NGUỒN: TẠP CHÍ NỘI CHÍNH