Skip to main content

  CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (08/01) cho biết, Công an thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An phối hợp, bắt giữ đối tượng Nguyễn Kim Tiến, trú tại phường Hòa Hiếu về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Theo điều tra, thời gian qua, phát hiện thấy các lái xe chở vật liệu thường mắc các lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nguyễn Kim Tiến đã tự giới thiệu mình là nhà báo, có nhiều mối quan hệ và có thể tác động, can thiệp xin cơ quan chức năng bỏ qua lỗi cho tài xế vi phạm. Để được “bảo kê”, mỗi chủ phương tiện phải đóng tiền hằng tháng, mức 10 triệu đồng/phương tiện. Theo đó, đã có hơn 70 chủ phương tiện đóng tiền cho Tiến. Tổng số tiền mà Tiến trục lợi là hơn 5 tỷ đồng.

 

    Đài THVN và một số báo (10/01) thông tin, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố 09 đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá với giao dịch hàng trăm tỷ đồng/tháng. Đường dây này do Nguyễn Sỹ Toan, trú tại phường Hải Hòa, TP. Móng Cái cầm đầu, hoạt động với số tiền lớn ở nhiều tỉnh, thành phố. Đường dây này tập trung người chơi tại TP. Móng Cái và huyện Hải Hà (Quảng Ninh), từ đó, phát triển đến địa bàn các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương. Lượng tiền giao dịch hàng tháng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã triệu tập, bắt giữ 15 đối tượng để đấu tranh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

    Theo TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (10/01) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC dự và phát biểu chỉ đạo. Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đã ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những thành tích của toàn ngành Nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh đã đạt được thời gian qua. Đồng chí yêu cầu thời gian tới, ngành Nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác. Đồng chí đề nghị Ban Nội chính Trung ương, các ban nội chính tỉnh, thành ủy và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân vi phạm trong nhiệm kỳ để có giải pháp khắc phục tốt hơn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật ở những lĩnh vực vi phạm phổ biến thời gian qua; tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định, quy chế của Đảng trong công tác nội chính, PCTNTC; hết sức chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư với ngành Nội chính Đảng nói chung và Ban Nội chính Trung ương nói riêng. Đồng thời nhấn mạnh, công tác của ngành Nội chính Đảng nói riêng và các cơ quan nội chính nói chung luôn luôn là những vấn đề khó, nhạy cảm, vì vậy, mỗi cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng cần phải bản lĩnh, liêm chính, có trái tim “nóng” và cái đầu “lạnh”; thận trọng, khách quan, công tâm; luôn cầu thị, khiêm tốn, học hỏi nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan nội chính chặt chẽ; kiên quyết, kiên trì, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

 

a

Các đồng chí chủ trì Hội nghị

    Các báo (13/01) cho biết, liên quan đến vụ cán bộ đánh golf trong giờ hành chính, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh thi hành kỷ luật khiển trách và cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với ông Đặng Trần Trung và thực hiện quy trình cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật khiển trách các ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở; Đặng Công Toàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; yêu cầu ông Nguyễn Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Phong nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 

    Các báo (08/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Hà Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và Võ Duy Phong, cán bộ địa chính xây dựng xã này về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo điều tra, cơ quan chức năng xác định: Hùng và Phong là 2 người trực tiếp chịu trách nhiệm việc kiểm tra, xác nhận nguồn gốc đất trên địa bàn; theo đó, đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý, nhưng vẫn xét duyệt cấp cho đối tượng không đủ điều kiện, với diện tích gần 45.300m2; qua đó, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 31 tỷ đồng.

 

    Theo TTXVN, báo Công an nhân dân, SGGP, VnExpress, VietNamPlus, Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (08/01), Công an tỉnh Cà Mau thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Bảo Trang - Cà Mau có trụ sở tại xã Khánh An, huyện U Minh về hành vi “Trốn thuế”. Theo hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Văn Hải đã mua cát san lấp của các sà lan bán trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn. Sau đó, đối tượng đã tiến hành mua hóa đơn của các công ty do Nguyễn Vũ Hoàng thành lập để hợp thức hóa hàng hóa đầu vào, kê khai báo cáo thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền trên 9 tỷ đồng.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (09/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành bắt tạm giam, khám xét đối với Lã Tuấn Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến Công ty AIC và Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh. Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt và khám xét đối với 07 bị can có hành vi vi phạm pháp luật, gồm: Trần Văn Tuynh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng y tế; Nguyễn Đằng An, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp; Nguyễn Kim Huân, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp; Nguyễn Viết Toản; Nguyễn Đăng Linh, đều là nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá BTCVALUE và Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC.

 

    Đài TNVN, báo Nhân dân điện tử và một số báo (09/01) dẫn nguồn tin cho biết, Công an tỉnh Bắc Giang nhận được đơn tố giác của công dân trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An và TP. Hà Nội... tố cáo Phạm Quang Thiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Newland Group cùng với Đặng Xuân Kiên, Tổng Giám đốc Công ty đã huy động vốn của nhiều nhà đầu tư bằng hình thức ký kết “hợp đồng hợp tác đầu tư bất động sản” sau đó không trả tiền theo cam kết mà có dấu hiệu chiếm đoạt. Quá trình điều tra xác định, từ năm 2019-2022, Thiêm thành lập 05 công ty cổ phần khác nhau và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Năm 2019, Thiêm tìm kiếm các thửa đất có diện tích lớn ven các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để phân lô, bán kiếm lời. Để có tiền đầu tư, Thiêm huy động vốn của nhiều người với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng cùng với lời hứa trả lợi nhuận cao trong thời hạn từ 5 đến 30 tháng. Theo điều tra, Thiêm và Kiên đã ký kết 88 hợp đồng, kêu gọi góp vốn của 73 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng. Sau khi nhà đầu tư “sập bẫy”, đối tượng lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, chi trả các khoản vay và chi tiêu cá nhân...

 

    Theo báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Lao động, Báo mới, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết và một số báo (09/01), Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét chỗ ở, bắt tạm giam đối với Nguyễn Mạnh Tuế, nguyên là chuyên gia thu giữ tài sản Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam - PvcomBank Thái Bình và Phan Văn Dương, nguyên là chuyên viên quản lý khách hàng cá nhân về tội “Tham ô tài sản” (Tuế và Dương cùng trú tại Hà Nội). Từ tháng 6/2018 đến tháng 10/2018, Tuế được ngân hàng giao nhiệm vụ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ và phải thực hiện thu giữ/nhận bàn giao tài sản bảo đảm và đại diện người có tài sản tham gia việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với 13 tài sản bảo đảm tại xã Đoan Hùng và 09 tài sản bảo đảm tại xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà. Tuy nhiên, Tuế và Dương đã giao dịch bán tài sản cho 07 người với tổng số tiền trên 4,7 tỷ đồng. Sau đó, 02 người thông qua một công ty đấu giá làm thủ tục hợp thức hồ sơ đấu giá và chỉ nộp về ngân hàng với số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí mua hồ sơ và chi phí khác, số tiền còn lại hơn 1,7 tỷ đồng, Tuế và Dương chiếm đoạt của ngân hàng để chia nhau sử dụng.

 

    TTXVN và một số báo (10/01) đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hà Tiến Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc và Trịnh Xuân Nam, nguyên cán bộ địa chính xã về tội vi phạm quy định trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trước đó, vào năm 2019, Dũng và Nam đều là thành viên của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Lộc. Lợi dụng điều đó, Dũng, Nam đã lập hồ sơ, ký xác nhận 12.000 m2 đất nông nghiệp do UBND xã quản lý (đã giao cho 20 hộ dân thuê thầu) thành đất cơ bản để lấy tiền bồi thường, xây dựng các công trình cho xã. Hành vi này của Dũng và Nam gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng.

 

    Đài TNVN và một số báo (10/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang 6801S. Trước đó, ngày 08/11/2023, Cơ quan Công an tỉnh đã bắt tạm giam 4 tháng đối với Đặng Phi Long, đăng kiểm viên; Nguyễn Văn Công, kỹ sư cơ khí về hành vi giả mạo trong công tác. Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Lộc, làm nghề kinh doanh sửa chữa xe. Từ tháng 12/2021 đến ngày bị bắt, Long cùng với nhóm thi công, cải tạo của Công và Lộc làm khống 49 hồ sơ nghiệm thu xe; riêng Long nhận của 06 chủ phương tiện số tiền trên 86 triệu đồng để bỏ qua những lỗi trong quá trình đăng kiểm.

 

    Các báo (10/01) cho biết, mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc và Trần Tiến Bằng, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính về hành vi trên. Trước đó, trong cùng vụ án, ngày 16/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Vũ Thị Thanh Huyền, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính và Vũ Thị Thu Hòa, nguyên kế toán hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Từ năm 2017-2020, các đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với số tiền lớn.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo VietNamNet, Tiền phong, Baomoi.com và một số báo (11/01) đưa tin, Công an tỉnh Hải Dương quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Vũ Hồng Giang, Giám đốc Công ty TNHH Hanwo 2 về tội trốn thuế. Cơ quan điều tra xác định, trong hai năm 2019-2020, Giang với vai trò là người đại diện theo pháp luật và giữ chức Giám đốc Công ty đã sử dụng 80 tờ hóa đơn nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo, với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng của một doanh nghiệp (tại TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), số tiền thuế GTGT trên những hóa đơn này là hơn 11 tỷ đồng. Sau đó, Vũ Hồng Giang tiếp tục kê khai đề nghị Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho hoàn thuế GTGT trên số hóa đơn trên, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

 

    Báo Lao động (11/01) phản ánh, tính đến cuối tháng 12/2023, số tiền thuế phí mà Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) đang nợ ngân sách Nhà nước lên đến hơn 1.775 tỷ đồng, trong đó gần 1.180 tỷ đồng là tiền thuế bảo vệ môi trường. Để nợ thuế của Hải Hà Petro không thể không xem xét đến trách nhiệm của Cục thuế tỉnh Thái Bình, thậm chí là cả trách nhiệm của Tổng Cục thuế. Như báo này đã thông tin, ngày 09/01, lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát giao thông đã làm việc với Hải Hà Petro (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đây là diễn biến xảy ra chỉ 5 ngày sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Theo đó, cơ quan Thanh tra đã chuyển hồ sơ đến Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế tại Hải Hà Petro. Trước đó, vào năm 2019, Hải Hà Petro cũng đã bị Tổng Cục thuế “bêu tên” là doanh nghiệp nợ 1.221 tỷ đồng tiền thuế. Dù liên tiếp xuất hiện trong nhóm nợ thuế lớn, nhưng thực tế, Hải Hà Petro nhiều năm qua luôn thuộc tốp các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Điển hình, năm 2021, công ty này nộp ngân sách trên 2.500 tỷ đồng (chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường) và được UBND tỉnh Thái Bình tuyên dương. Dư luận cho rằng, vì có đóng góp rất lớn vào công tác thu ngân sách của tỉnh nên Hải Hà Petro có thể được các cơ quan chức năng mà cụ thể là Cục thuế tỉnh “ưu ái”, “nể nang”. 

 

    Theo TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và một số báo (12/01), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành cáo trạng truy tố các bị can Phạm Đình Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và Đỗ Duy Vinh, nguyên Giám đốc Sở Tài chính về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Theo cáo trạng, tháng 9/2007, UBND tỉnh Phú Yên quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất, không thông qua đấu giá đối với 1.183 m2 đất (thuộc đường Hùng Vương, Phường 6, thành phố Tuy Hòa) cho Công ty cổ phần Pymepharco thực hiện dự án Trung tâm kinh doanh dược, mỹ phẩm và dịch vụ y tế. 02 bị can thời điểm đó biết Công ty này không triển khai được dự án, nhưng vẫn làm các thủ tục cho Công ty chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất nói trên cho Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Phú Yên. Việc làm này của các bị can không đúng quy định của pháp luật, gây thất thoát hơn 10 tỷ đồng của Nhà nước.

 

    Báo Công an nhân dân (11/01) cho biết, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông: Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp; Trần Văn Thắng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện và Nguyễn Thanh Diện, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, Cơ quan Công an tỉnh đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương. Theo điều tra, trong thời gian từ năm 2011-2015, các bị can này có nhiều sai phạm trong việc xét, cấp các hộ dân vào Cụm dân cư vượt lũ thị trấn Cây Dương, dẫn đến 69 trường hợp/69 nền đất được cấp sai đối tượng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 3,5 tỷ đồng.

 

    Các báo (08/01) thông tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử 38 bị cáo trong vụ án Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Báo Pháp luật TP.HCM, Baomoi.com (08/01) phản ánh, người nhiều lần từ chối tiền của Việt Á được đề nghị án bằng hạn tạm giam, đó là bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương, bị đề nghị mức án 10 tháng 4 ngày về tội vi phạm quy định đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng. Đại diện Viện kiểm sát nhận định, vụ án này là điển hình cho lợi ích nhóm, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm một bộ phận cán bộ bị suy thoái đạo đức. Báo Lao động (08/01) cho biết, bị cáo Nguyễn Thành Danh thừa nhận cáo buộc về sai phạm trong đấu thầu, nhưng khẳng định không nhận tiền “cảm ơn” của Việt Á. Mặc dù nhận lệnh từ cấp trên, đó là Giám đốc Sở Y tế tỉnh và từ tổ tư vấn về việc ứng trước kit test, nhưng bị cáo Nguyễn Thành Danh vẫn thẳng thắng nhận tội trước tòa, không đổ cho ai: “Bị cáo ý thức được hành vi phạm tội. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo vô tình vi phạm pháp luật về đấu thầu, mong Hội đồng xét xử xem xét”. Việc ông Nguyễn Thành Danh không nhận tiền đã được phía Việt Á xác nhận. Không chỉ ông Nguyễn Thành Danh, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cũng không nhận tiền hối lộ của Việt Á. Số tiền ông Danh, ông Chương không nhận, Lê Trung Nguyên, nhân viên vùng của Công ty Việt Á đã báo cáo với Phan Quốc Việt và nộp vào tài khoản ngân hàng của một cá nhân, tổng số tiền 4,2 tỷ đồng. Theo báo, từ chối 4,2 tỷ đồng không dễ, vì “lòng tham” rất có sức thuyết phục, rất có lý lẽ, chỉ cần thiếu bản lĩnh là nghe theo ngay. Tạp chí một thế giới (09/01) cho biết thêm, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Trịnh đã viết đơn tự thú dài 11 trang trước khi bị khởi tố gửi Cơ quan điều tra chủ động khai báo về toàn bộ sai phạm của mình. Tại phiên tòa, trong quá trình xét hỏi, bị cáo đã thành khẩn thừa nhận sai phạm, công nhận bản kết luận điều tra, cáo trạng là xác đáng. Từ đó, mong Hội đồng xét xử chấp thuận việc tự thú này của bị cáo là tình tiết giảm nhẹ. Báo VietNamNet, Baomoi.com.vn (09/01) phản ánh, nói lời sau cùng, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ sự ân hận, xót xa, đau khổ vì những sai phạm mà mình đã gây ra và mong Hội đồng xét xử có cái nhìn khoan hồng cho bị cáo và các bác sĩ, nhân viên ngành y tế có sai phạm trong vụ án này. Cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng nhận thức sai phạm sâu sắc và hối tiếc về việc này. Bị cáo đã thành khẩn khai báo, tác động gia đình khắc phục hậu quả, mong Hội đồng xét xử vận dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo và các bị cáo là cán bộ dưới quyền ở Hải Dương. Các báo (12/01) thông tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 38 bị cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Theo đó, Tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương). Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị tuyên 29 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. 06 bị cáo bị kết án về tội “Nhận hối lộ” gồm: Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) 14 năm tù; Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) 18 năm tù; Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược) 09 năm tù; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) 08 năm tù; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 07 năm tù; Phạm Duy Tuyến (cựu CDC tỉnh Hải Dương) 13 năm tù. Hai bị cáo: Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đều bị tuyên 3 năm tù về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ba bị cáo bị kết án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) 5 năm tù; Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) và Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) đều bị phạt 04 năm tù. Hai bị cáo: Tôn Noel Thảo (Trợ lý Khối tài chính, Công ty Việt Á) và Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á) đều bị phạt 04 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Hai bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) 30 tháng tù, Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. 20 bị cáo còn lại cùng bị kết án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đều nhận các mức án tương ứng với hành vi phạm tội. Theo nhận định của Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo trong vụ án này là những mắt xích, phụ trách từng công việc, phần việc khác nhau, không có sự bàn bạc từ trước, nhưng đã liên đới gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền đặc biệt lớn (hơn 400 tỷ đồng). Báo Pháp luật TP.HCM (12/01) thông tin thêm, trước giờ tuyên án, đại diện Viện kiểm sát sau khi nghiên cứu tình tiết trong hồ sơ vụ án, quá trình tranh luận, xét hỏi tại phiên tòa và các tình tiết giảm nhẹ, Viện kiểm sát đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh và ông Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính Kế toán, CDC Bình Dương. Báo VietNamNet (13/01) cho biết, tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã dành thời gian để nói về vấn đề khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trong đó, ông đề cập tới phiên tòa xét xử đại án Việt Á vừa diễn ra. Theo đó, ông cho rằng, cựu Giám đốc CDC Bình Dương có sai, nhưng sai là vì động cơ cứu người trong tình cảnh cấp thiết… Điều quan trọng là cựu Giám đốc CDC Bình Dương đã kiên quyết từ chối nhận hoa hồng”, do đó, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là công bằng và hợp lý. Ông cho rằng, việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cựu Giám đốc CDC có ý nghĩa động viên khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Qua đó, ông lưu ý, khi cán bộ làm vì lợi ích chung, không vụ lợi, nếu gặp rủi ro sẽ được xem xét kỹ lưỡng.

 

    Theo TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (13/01) đưa tin, Công an tỉnh Lào Cai điều tra vụ án: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Rửa tiền và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lào Cai (Phòng Cảnh sát kinh tế) quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Thủy, nguyên Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường; hiện là Phó Giám đốc Sở để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

    TTXVN và một số báo (13/01) cho biết, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Ngọc Chơn, trú tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang và Đoàn Hữu Nghị, trú tại xã Tân Tiến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, Nghị khi chưa được sở hữu 49% cổ phần của bà P.T.T.H tại Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp Kiên Giang, nhưng lại ký hợp đồng chuyển nhượng góp vốn để chuyển 15% vốn góp thực tế, bao gồm 5 thửa đất diện tích 308 ha cho Chơn với giá hơn 67 tỷ đồng để chiếm đoạt số tiền 3 tỷ đồng. Nghị cấu kết với Chơn đưa thông tin sai sự thật để 06 người dân huyện Hòn Đất tin tưởng làm hợp đồng thuê tổng cộng 3.195 công đất nông nghiệp (319,5 ha), từ đó chiếm đoạt tổng số tiền trên 2,9 tỷ đồng của những người này vào năm 2003.

 

    TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (13/01) đưa tin, Công an tỉnh Quảng Ngãi khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Quảng Ngãi 76-01S. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông N.T.M, Giám đốc Trung tâm và hai đăng kiểm viên là N.T.H và V.A.T. Trước đó, tháng 7/2023, Cơ quan Công an đã khởi tố Nguyễn Thanh Chung, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 76-02D thuộc Công ty Cổ phần Thuận Phát và Phạm Minh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm này.

 

    Báo Bảo vệ pháp luật, Baomoi.com.vn (14/01) cho biết, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Hữu Khá, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phân phối Top One (từ thagns 4/2019-8/2022) và Đinh Văn Tạo trước đó nắm giữ cương vị này về tội “Tham ô tài sản”. Theo điều tra, từ năm 2016-2022, Nguyễn Hữu Khá và Đinh Văn Tạo trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi hợp thức hóa hồ sơ, tài liệu, nâng khống giá trị tài sản của các dự án để chiếm đoạt tài sản của Công ty, có địa chỉ tại thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang với một số tiền lớn.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo VietNamPlus, Thanh tra (08/01) cho biết, Tòa án Trung tâm Jakarta (Indonesia) kết án một cựu quan chức thuế cấp cao 14 năm tù vì tội tham nhũng. Các thẩm phán tại Tòa án Trung tâm Jakarta phát hiện Rafael AlunTrisambodo (từng là lãnh đạo cấp cao tại Cơ quan Thuế South Jakarta) đã nhận được khoảng 10 tỷ rupiah tiền “lại quả”. Các công tố viên cho biết, ông Rafael đã nhận được số tiền này trong khoảng thời gian hơn 10 năm, từ năm 2002-2013. Theo Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia, tiền lại quả đến từ những người nộp thuế thông qua một nhóm tư vấn do Rafael thành lập để giải quyết các tranh chấp về thuế. Vụ án đã khiến công chúng phẫn nộ và đặt ra nhiều câu hỏi về việc lãnh đạo cấp cao tại cơ quan Thuế vì sao lại tích lũy được quá nhiều của cải như vậy.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

 

    - Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh năm 2023;

    - Tuyên án sơ thẩm vụ Việt Á;

    - Truy tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên;

    - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng bị khởi tố;

    - Bắt Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang 6801S;

    - Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang.

 

TẠP CHÍ NỘI CHÍNH