Skip to main content

    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (25/12) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương dự và chủ trì Hội nghị. Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị Ban Nội chính Trung ương khẩn trương tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Chuẩn bị tốt nội dung, tài liệu, phục vụ chu đáo các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. Tăng cường nắm tình hình, hướng dẫn, đôn đốc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về PCTNTC cấp tỉnh; phối hợp, rà soát các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo để có những tham mưu, đề xuất kịp thời. Bên cạnh đó, tập trung, khẩn trương tham mưu, xây dựng các đề án theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024, trong đó Ban Nội chính Trung ương đề xuất 8 đề án; đồng thời, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, PCTNTC ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương.

a

Các đồng chí chủ trì Hội nghị

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (26/12) cho biết, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá thành công đường dây mua bán phụ nữ sang Trung Quốc núp bóng hình thức môi giới hôn nhân tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Nông và các tỉnh miền Tây. Cơ quan Công an đã tạm giữ 03 đối tượng chủ mưu gồm: Vày Tuyết Mai, Trần Quang Phát, cùng trú tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Nho, trú tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Theo điều tra, là người gốc Hoa và chồng là người Trung Quốc nên Vày Tuyết Mai thường xuyên qua lại giữa Việt Nam - Trung Quốc; cuối năm 2022, Mai kết nối tìm phụ nữ Việt bán sang Trung Quốc, mỗi trường hợp thành công được trả 200 đến 300 triệu đồng. Sau đó, Mai thống nhất với Nguyễn Thị Nho, Trần Siêu Khiêm, Trần Quang Phát… cách thuyết phục, hứa hẹn để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc.

 

    Theo TTXVN, Nhân Dân điện tử, Pháp luật Việt Nam, Báo mới, VnExpress, VietNamNet, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (26/12) thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh, ở thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, Thanh thường thuê các chung cư trên địa bàn thành phố lưu trú và giới thiệu mình có mối quan hệ thân quen với nhiều người có thể xin cho lao động có nhu cầu được tuyển dụng, làm việc tại các công ty lớn với mức thu nhập ổn định. Để được đi làm, mỗi người phải đặt cọc từ 5 đến 10 triệu đồng, sau 3 tháng đi làm công ty sẽ trả lại tiền đặt cọc. Riêng với những người có nhu cầu đặt lốt xe chở khách thì phải đặt cọc từ 10 đến 30 triệu đồng; sau 2 năm đi làm nếu người lao động không tự ý bỏ việc thì công ty sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc, tính đến thời điểm bị bắt đã có khoảng 200 người bị Thanh lừa bằng hình thức xin việc, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

 

    Báo Công an nhân dân, Đài TH Đắk Nông và một số báo (27/12) cho biết, Công an tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Lương Thiện, trú tại phường Linh Chiểu, TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế nông nghiệp Sài Gòn Xanh (có trụ sở tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) để điều tra làm rõ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Bước đầu Cơ quan Công an xác định, Phạm Lương Thiện đã thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán 76,85 tấn phân bón Dolomax giả, sau đó vận chuyển, bán cho các đại lý kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

 

    Theo TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, VietNamNet, Lao động, Báo mới, Bảo vệ pháp luật và một số báo (27/12), Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp các đơn vị liên quan quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 02 đối tượng để điều tra về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Các bị can gồm: Nguyễn Quang Tứ, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ HTP (đơn vị vận hành kênh trung gian thanh toán Omi Pay) và Đỗ Minh Trí, Trưởng nhóm kinh doanh. Theo Cơ quan điều tra, đường dây này đã tổ chức cho hơn 1 triệu người trên toàn quốc vay thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, với lãi suất hơn 2.300%/năm, số tiền cho vay lãi nặng lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 8.000 tỷ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.

 

    Các báo (28/12) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên án đối với 03 cựu Công an về tội “Dùng nhục hình” xảy ra tại Nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư, cụ thể các bị cáo: Phạm Quang Hùng, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Phó Trưởng Nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư nhận mức án 11 năm tù; Trịnh Thanh Hùng, nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp 10 năm tù; Nguyễn Trọng Giáp, cán bộ Nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư 15 tháng tù.

 

    Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (29/12) cho biết, sau 10 ngày xét xử và 1 ngày nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ án đường dây mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng gần 64.000 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Minh Tú, trú tại phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh phạm tội “Mua, bán trái phép hóa đơn” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” bị tuyên 7 năm tù; Trương Như Tùng, trú tại 32/2 Khu Phố Tân Quý, phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương phạm tội “Mua, bán trái phép hóa đơn”, “Trốn thuế” bị tuyên 3 năm tù; bị cáo Võ Tấn Lộc, trú tại 49A, đường số 4, Khu phố 4, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh phạm tội “Mua, bán trái phép hóa đơn” bị tuyên 18 tháng tù.

 

    Đài THVN và một số báo (31/12) phản ánh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt tổ chức khám xét 17 địa điểm tại TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn trái phép trị giá tới hơn 25.000 tỷ đồng. Trước đó, cơ quan Công an phát hiện đối tượng N.T.M.H. (trú tại quận Ngũ Hành Sơn) đứng ra thành lập 6 công ty với mục đích xuất bán trái phép với doanh số rất lớn. Để qua mặt các cơ quan chức năng, H. hợp thức bằng cách mua 716 tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào (với tổng doanh số hơn 165 tỷ đồng) của 83 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Nhận thấy đây là một mắc xích quan trọng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn có doanh số đặc biệt lớn, có quy mô tổ chức, hoạt động tại nhiều địa phương, Công an TP. Đà Nẵng đã cho xác lập chuyên án đấu tranh. Tại cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận thành lập tổng cộng 280 công ty, xuất bán 187.610 hóa đơn khống với tổng doanh số là hơn 25.300 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chưa thuế là 23.200 tỷ đồng; tiền thuế GTGT hơn 2.100 tỷ đồng; thu lợi bất chính số tiền khoảng 500 tỷ đồng. Hiện Cơ quan Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố 16 bị can liên quan về tội “Mua bán trái phép hoá đơn”, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 12 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 04 bị can. 

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Báo Tuổi trẻ TP.HCM và các báo (25/12) cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để điều tra về sai phạm liên quan đường dây khai thác cát lậu lớn nhất địa phương này. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị khởi tố trong quá trình C03 điều tra vụ án vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Liên quan vụ án này, trước đó, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng bị C03 khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ. Cùng tội danh nhận hối lộ, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng bị khởi tố vào tháng 8. Tổng số tiền Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhận là 1,2 tỷ đồng. Kết quả điều tra ban đầu xác định Công ty Trung Hậu - Tổng 68 đã khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng. Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, ông Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý mua hóa đơn khống để hợp thức nguồn gốc cát lậu. Đáng chú ý, ông Bình và một số thuộc cấp dùng số tiền thu được từ hoạt động khai thác cát trái phép để chi “lót tay” cho một số cán bộ cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh An Giang.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân dân điện tử và một số báo (25/12) dẫn nguồn tin cho biết, theo kết quả điều tra mở rộng vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra năm 2018, tại thị trấn Cốc Pài, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang trực tiếp phát hiện vụ việc khác có dấu hiệu tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra năm 2021 tại Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Xín Mần. Công an huyện ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xín Mần về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 

    Đài THVN (26/12) phản ánh, theo Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (hỗ trợ bò cái sinh sản) thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Ngọk Wang, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum có 108 hộ được thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Thế nhưng, theo phản ánh của Đài THVN, việc xã cấp bò sinh sản nhưng người dân lại nhận được bê đã khiến họ phản ứng. Việc lo lắng, phản ứng của người dân là hoàn toàn có cơ sở, bởi những con bê con sau 2 năm chưa thể sinh sản thì không thể bảo đảm được khoản đối ứng phải trả. Qua sự việc này cho thấy, với hơn 100 con bò đã được cấp có những khuất tất trong việc triển khai thực hiện từ phía UBND xã. Và như thế, mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

 

    Các báo (26/12) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Kết quả điều tra cho thấy: Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian giữ chức vụ đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định được số tiền trục lợi hàng trăm nghìn USD.

    

    TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (26/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với đăng kiểm viên Phòng Ngô Phú Nhân và Lương Duy Long, thuộc Chi cục Đăng kiểm số 8 về hành vi nhận hối lộ. Quan quá trình điều tra xác định, trong khi làm nhiệm vụ kiểm định phương tiện đường thủy, Nhân và Long đã nhiều lần nhận tiền của đại diện các chủ phương tiện để bỏ qua một số quy trình, quy định về đăng kiểm. Việc nhận hối lộ diễn ra thường xuyên, có sự cấu kết, ăn chia. Trong đó, Nhân nhận hối lộ số tiền hơn 70 triệu đồng, Long nhận hơn 170 triệu đồng. Đến nay, Cơ quan điều tra Công an thành phố đã khởi tố 03 vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 05 đăng kiểm viên thuộc Chi cục Đăng kiểm số 8 về hành vi nhận hối lộ. Số tiền các đăng kiểm viên nhận hối lộ được xác định đến nay là hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài hai bị can Nhân, Long, có 03 bị can khác đã bị bắt trước đó; trong đó, bị can Mai Công Hưng là người nhận hối lộ nhiều nhất với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

 

    Báo VietNamNet, Lao động, Baomoi.com, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp (26/12) phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh. Về những vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu ban hành quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm khi tham mưu cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận sau khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm không đúng quy định. Kết luận thanh tra cho rằng, trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công Thương với vai trò chủ trì tham mưu. Với 14 dự án đang được hưởng giá FIT không đúng nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế khi để EVN “gánh” hơn 1.400 tỷ đồng đã mua điện không đúng đối tượng. 

 

    Đài THVN và một số báo (26/12) đưa tin, Công an TP. Hồ Chí Minh quyết định khởi tố bị can với 03 đối tượng trong vụ việc xảy ra tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín - Phòng Giao dịch Trần Não về các tội danh “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Theo điều tra, Nguyễn Hoàng Kim Vy, Giám đốc Phòng Giao dịch, đã có hành vi lợi dụng chức vụ, chỉ đạo Nguyễn Thị Vân, Giao dịch viên và Nguyễn Thị Thùy Liên, Kiểm soát viên, thực hiện các thủ tục tất toán sai quy định đối với sổ tiết kiệm của khách hàng, nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 3.5 tỷ đồng.

 

    Các báo (26/12) cho biết, tại phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, đại diện Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội đã luận tội, nêu quan điểm giải quyết đối với kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên), quá trình xét hỏi và diễn biến tố tụng đủ cơ sở xác định bị cáo Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bản án sơ thẩm tuyên. Tuy nhiên, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã thừa nhận hành vi phạm tội, khắc phục hậu quả, nên được đề nghị tuyên phạt mức án 20 năm tù… Báo Người Lao động, Baomoi.com và một số báo (26/12) phản ánh, tại phiên tòa, nữ cựu Cục trưởng Cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan khai dùng 25 tỷ đồng nhận hối lộ mua chứng khoán, trái phiếu và chi tiêu cá nhân. Nữ cựu Cục trưởng khai đã khắc phục 6,2 tỷ đồng, bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử xem xét lại về ý thức khắc phục hậu quả vụ án. Các báo (27/12) thông tin, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ “chuyến bay giải cứu” xét xử các bị cáo có kháng cáo. Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo: Phạm Trung Kiên, cựu cán bộ Bộ Y tế tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”; Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Hòa 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”; Phạm Bích Hằng, Phó Giám đốc Công ty YNHH Du lịch Quốc tế 20 tháng tù về tội “Đưa hối lộ”. Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo: Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao 14 năm tù (án sơ thẩm 16 năm tù) về tội “Nhận hối lộ”; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao 10 năm tù (án sơ thẩm 12 năm tù) tội “Nhận hối lộ”; Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam 5 năm tù (án sơ thẩm 6 năm tù) về tội “Nhận hối lộ”. Về nhóm bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ”, Tòa phúc thẩm giảm hình phạt cho một số bị cáo. Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân,cán bộ Tạp chí Thanh tra nhận hình phạt 13 tháng tù (án sơ thẩm 15 tháng tù) về tội “Môi giới hối lộ”. Ba bị cáo được Tòa phúc thẩm cho hưởng án treo gồm: Nguyễn Hoàng Linh, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia 30 tháng tù treo; Đặng Minh Phương, cựu Kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia 18 tháng tù treo; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty xúc tiến thương mại Du lịch Việt Nam 3 năm tù treo. Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu cán bộ điều tra của Bộ Công an từ chung thân xuống 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam ở Malaysia 3 năm tù (án sơ thẩm 4 năm tù) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Anh Tuấn 4 năm tù, án sơ thẩm 5 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”.

 

    Theo Nhân Dân điện tử, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật Việt Nam, Baomoi.com và một số báo (27/12), Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố các bị can: Nguyễn Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận; Hoàng Đức Hậu, nguyên Giám đốc công ty thi công cơ giới; Vũ Thông Phán, nguyên Phó Phòng kỹ thuật Công ty khai thác thủy lợi Bình Thuận và Trương Thanh Lương, nguyên cán bộ kỹ thuật Công ty thi công cơ giới về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, tại gói thầu số 4 của công trình kiên cố hóa kênh mương hệ thống thủy lợi hồ Núi Đất - Suối Le, huyện Hàm Tân, mặc dù biết rõ khối lượng thi công thực tế của đơn vị thi công nhưng các bị can vẫn cố ý thực hiện làm sai lệch kết quả giám sát thi công, thông đồng làm trái quy định pháp luật để nghiệm thu khối lượng cao hơn thực tế, gây thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng.

 

    Các báo (27/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) quyết định khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 17 bị can về 5 tội danh: Đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan. Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuấn Ân về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Trung Quân, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc; Trần Thiện Chương, nguyên Giám đốc; Tạ Ngọc Huân, Phó Giám đốc Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; khởi tố bị can đối với: Hoàng Liên Sơn, Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ; Võ Thị Thùy Trang, Trưởng Ban Tài chính; Trần Thị Minh Trang, nhân viên Kế toán Tập đoàn Tuấn Ân; Nguyễn Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc và Phan Thanh Thuận, Kế toán trưởng Công ty Tuấn Ân Long An về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Liên Sơn và Nguyễn Hoàng Vũ. Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Võ Thị Thùy Trang, Trần Thị Minh Trang và Phan Thanh Thuận. Khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với: Trương Thị Mỹ Thuận, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại Hoa Mỹ; Trần Minh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Duy Khang 68 và Võ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Tiến Đông về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo VietNamNet, Tiền phong, Baomoi.com và các báo (27/12), Người Lao động (28/12) đưa tin, Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Xăng dầu Xuyên Việt Oil. Theo đó, cơ quan Công an đã khởi tố Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương và Đặng Công Khôi, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Liên quan đến vụ án trên, đại diện Cục An ninh Điều tra cho biết, ông Lê Đức Thọ bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Ông Lê Đức Thọ được xác định đã vi phạm trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Sau 3 tháng khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan liên quan, cơ quan Công an đã bắt tạm giam nhiều người có chức vụ. Trong đó, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; ông Lê Duy Minh, cựu Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố về tội “nhận hối lộ”; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương về tội “nhận hối lộ”. Trước đó, cơ quan Công an đã khởi tố Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Phó Giám đốc Nguyễn Thị Như Phương về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Báo Tiền phong (29/12) thông tin thêm, về “sếp phó” nổi danh ở Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa bị bắt. Theo báo, với giới kinh doanh xăng dầu, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính và ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - là những nhân vật khá nổi danh. Đáng chú ý, hai nhân vật này trước đó từng bị kỷ luật và có điều tiếng liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách. Ngày 27/12, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hoàng Anh Tuấn. Ngày 28/12, cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Đặng Công Khôi về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty xăng dầu Xuyên Việt Oil.

 

    TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (28/12) thông tin, Công an TP. Hồ Chí Minh thụ lý vụ án “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà (nay là Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà - HDTC). Trước đó, ngày 16/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Quang Tống, nguyên Tổng giám đốc Công ty HDTC và Lý Kim Vân, nguyên Kế Toán trưởng về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

 

    Các báo (29/12) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trịnh Văn Chiến về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Cơ quan điều tra xác định, năm 2013, ông Trịnh Văn Chiến, với vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo việc tính tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Sông Mã tại dự án Hạc Thành Tower theo đơn giá xác định trước đó 4 năm, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 55 tỷ 870 triệu đồng. Trước đó, liên quan dự án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Đình Xứng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Cù Đình Hiền, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Bùi Văn Nam, nguyên Phó Trưởng phòng Kinh tế tài chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”; khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; Đinh Xuân Hướng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

 

    Các báo (29/12) cho biết, sau ba ngày xét xử và nghị án, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã tuyên án đối với 07 bị cáo trong vụ án liên quan Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị liên quan. Theo đó, bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Á bị phạt 25 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với nhóm bị cáo bị kết án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Tòa đã tuyên phạt: Hồ Anh Sơn, cựu Thượng tá Quân đội, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y 12 năm tù, Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ 15 năm tù; 04 bị cáo còn lại bị kết án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.  Về hình phạt bổ sung, Tòa tuyên cấm các bị cáo: Trịnh Thanh Hùng, Hồ Anh Sơn, Nguyễn Văn Hiệu, Lê Trường Minh, Ngô Anh Tuấn, Vũ Đình Hiệp đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong 2 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù. Riêng bị cáo Phan Quốc Việt bị cấm đảm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo 4 năm. Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty TNHH Khoa học Hợp nhất, Công ty Việt Á và Hồ Anh Sơn phải bồi thường, bồi hoàn cho Học viện Quân y hơn 46 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã được bồi thường là hơn 10,7 tỷ đồng; còn lại gần 35,5 tỷ đồng (trong đó, Công ty Việt Á phải bồi thường hơn 32,2 tỷ đồng, bị cáo Hồ Anh Sơn hơn 1,6 tỷ đồng và Công ty Hợp nhất 98 triệu đồng). Ngoài ra, bị cáo Hồ Anh Sơn còn phải bồi thường 4,28 tỷ đồng để sung ngân sách nhà nước.

 

    Theo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN và một số báo (29/12), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T, trụ sở tại Phường 13, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh và một số đơn vị, địa phương liên quan. Cơ quan điều tra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”; quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Đình Thái Hòa về tội “Đưa hối lộ”. Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 04 bị can, gồm: Bùi Đình Thỏa, nguyên Phó Giám đốc, phụ trách Phòng Đào tạo trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn về tội “Đưa hối lộ”; Nguyễn Thị Mỹ Nhân, Phó trưởng Phòng; Nguyễn Nhân Cường, Chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái thuộc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Nai về tội “Nhận hối lộ” và Đặng Thái Hân, nguyên Phó Giám đốc phát triển thị trường Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn; Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục nghề nghiệp K27 về tội “Giả mạo trong công tác”, do có hành vi đưa, nhận tiền để bỏ qua sai phạm trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho người học lái xe.

 

    Báo VietNamNet, Baomoi.com (29/12) phản ánh, việc giảng viên đồng loạt ngừng việc do Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam sai phạm gần 45 tỷ đồng trong suốt thời gian dài khiến nợ lương người lao động. Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam là đơn vị được tỉnh xây dựng thành chuẩn khu vực. Tuy nhiên, hiện tại, trường lại nợ hơn 7,6 tỷ đồng tiền lương, phụ cấp và BHXH của hơn 100 lao động trong 6 tháng. Theo kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên nhân chính bắt nguồn từ các thế hệ lãnh đạo của trường thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính để xảy ra sai phạm kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, trong 2 nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, Trường đã sử dụng kinh phí vượt so với số lượng tuyển sinh đào tạo hơn 23 tỷ đồng. Bệnh viện đa khoa (trực thuộc Trường) thực hiện kinh phí khám chữa bệnh BHYT vượt trần, vượt tổng mức (giai đoạn 2016-2020) hơn 12,1 tỷ đồng; nợ tiền mua thuốc khám, chữa bệnh của các đơn vị cung ứng (giai đoạn 2016-2020) 9,4 tỷ đồng. Tổng số tiền vi phạm tại trường này lên đến con số 44,5 tỷ đồng.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Quảng Ninh, Công an TP.HCM và các báo (29/12) cho biết, ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng Giám đốc, Ủy viên HĐQT Tổng công ty Máy động lực - VEAM cùng đồng phạm bị cáo buộc chuyển khu nhượng đất ở Bình Thới, TP. Hồ Chí Minh sai quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 165 tỷ đồng. Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng giám đốc 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội nêu trên, tòa tuyên bị cáo Lâm Chí Quang, cựu Chủ tịch HĐQT VEAM 5 năm tù; Đào Huấn Ngữ, cựu Giám đốc Công ty Đúc số 1 - 33 tháng tù. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi, cựu Ủy viên HĐQT, kiêm Trưởng Ban kiểm soát Tổng công ty bị tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (30/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam đối với 09 bị can: Nguyễn Trọng Đường, nguyên Giám đốc VNCERT, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngô Quang Huy, nguyên Phó Giám đốc VNCERT, hiện là Phó Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Công ty AIC (đang bị truy nã); Đỗ Văn Sơn, Trưởng Ban quản lý dự án 2 Công ty AIC; Nguyễn Văn Thế, Trường Ban KT 7 Công ty AIC; Nguyễn Vũ Cuờng, Giám đốc Công ty Khang Phát; Mai Phương Nam, Phó Giám đốc Công ty Khang Phát; Đặng Xuân Minh, Giám đốc Công ty BTC Value; Nguyễn Quốc Việt, Thẩm định viên Công ty BTC Value. Cả 09 bị can cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (29/12) cho biết, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã bổ nhiệm ban lãnh đạo Ủy ban Điều tra tham nhũng - Cơ quan được thành lập nhằm cải thiện quản trị và hạn chế tham nhũng. Tổng thống đã bổ nhiệm Thẩm phán W. M. N. P. Iddawala làm Chủ tịch Ủy ban. Ủy ban Điều tra tham nhũng sẽ hoạt động theo Luật chống tham nhũng mới, được Quốc hội Sri Lanka ban hành vào tháng 7 vừa qua.

 

    Theo báo Thanh tra (29/12), Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc cho biết, các nhà lập pháp đã giao dịch tài sản ảo với tổng trị giá hơn 125,6 tỷ won (97,6 triệu USD) trong 3 năm qua, với một số trường hợp đã được phát hiện là bất thường. Cơ quan này đã công bố kết quả của cuộc thanh tra kéo dài 90 ngày đối với hồ sơ giao dịch tài sản ảo của tất cả 298 nhà lập pháp trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023. Cuộc thanh tra được tiến hành sau khi xuất hiện những nghi ngờ vào đầu năm nay về tài sản tiền điện tử khổng lồ mà một nghị sĩ từng nắm giữ. Theo kết quả thanh tra, 18 nhà lập pháp có hồ sơ sở hữu tài sản ảo trong thời gian này. Trong số đó, 11 nhà lập pháp đã thực sự giao dịch tài sản ảo, với số tiền mua và bán tích lũy lần lượt đạt 62,5 tỷ won và 63,1 tỷ won, theo kết quả thanh tra. Các nhà lập pháp nắm giữ 107 loại tài sản ảo, trong đó Bitcoin là lựa chọn phổ biến nhất.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

 

    - Khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trịnh Văn Chiến;

    - Khởi tố 5 đăng kiểm viên về hành vi nhận hối lộ;

    - Tuyên án phúc thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”;

    - Tuyên án các bị cáo trong vụ án liên quan Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á;

    - Khởi tố 09 bị can trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam.

 

NGUỒN: BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG