Skip to main content

   CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Nhân dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (11/12) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tuyên án bị cáo Nguyễn Hoàng Nam, trú tại tỉnh An Giang 8 năm tù về tội “Phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Nam cũng từng có tiền án 4 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Từ tháng 7/2021, Nam bắt đầu sử dụng 4 tài khoản facebook để thực hiện các hành vi chia sẻ, phát tán nhiều tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung chống phá Đảng và Nhà nước; nhiều lần livestream nhằm châm biếm, xúc phạm, lăng mạ chính quyền địa phương… 

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (11/12) đưa tin, Công an tỉnh Điện Biên quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Anh, hộ khẩu thường trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Qua quá trình điều tra, cơ quan Công an làm rõ: Nguyễn Tuấn Anh là lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định nhưng mạo nhận là cán bộ đang công tác tại Bộ Công an có thể giúp người có nhu cầu vào ngành; hoặc có thể xin giấy khen, kết nạp Đảng để chiến sĩ nghĩa vụ được cộng điểm thi Đại học vào Công an. Với nhiều trường hợp, Nguyễn Tuấn Anh còn hứa hẹn nếu không thi đỗ Đại học sẽ giúp xét vào chuyên nghiệp hoặc giúp bố trí đơn vị công tác. Bằng thủ đoạn này, Nguyễn Tuấn Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt của người dân trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ gần 100 triệu đồng.

 

    Các báo (12/12) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt bị cáo Phan Thị Thanh Nhã, trú tại xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang 6 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo cáo trạng, từ cuối năm 2018, Nhã tham gia trưng cầu bầu Đào Minh Quân làm “Tổng thống đệ tam Việt Nam cộng hòa”. Năm 2021, Nhã tham gia tổ chức phản động lưu vong “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và được công nhận là thành viên tổ chức này, được cấp bí số, được vào phòng họp kín trên ứng dụng “FCC” để nghe huấn luyện phương thức hoạt động. Từ khi tham gia tổ chức đến tháng 12/2022, Nhã thường xuyên sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin, tài liệu có nội dung chống Nhà nước; tuyên truyền, phát triển lực lượng cho tổ chức phản động này.

 

    TTXVN, VietNamNet, báo Lao động, Báo mới, Bảo vệ pháp luật, Kinh tế đố thị, Hà Tĩnh và một số báo (14/12) thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thị Xuyến, ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc để điều tra, làm rõ về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Thời gian gần đây, Xuyến thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân. Trước đó, Xuyến bị Công an tỉnh quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và Công an huyện Hậu Lộc xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “Cho trẻ em sử dụng bia”.

 

    TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (15/12) đưa tin, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong thực hiện các dự án đầu tư…, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại lớn ngân sách nhà nước; nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, có trường hợp bị xử lý hình sự. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Văn Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Ủy viên Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Đình Tùng. 

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (15/12) cho biết, Công an tỉnh Lào Cai phát hiện nhiều Group (nhóm, hội), tài khoản cá nhân trên mạng xã hội facebook ở các tỉnh, thành phố thường xuyên đăng bài quảng cáo vay tiền qua tài khoản Icloud trên điện thoại di động. Qua xác minh, cơ quan Công an xác định 3 nhóm đối tượng (tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng) cầm đầu, điều hành toàn bộ đường dây tội phạm và xác định hàng trăm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ quảng cáo, tìm kiếm người vay, trong đó đã làm rõ 160 đối tượng. Qua đấu tranh bước đầu, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cơ quan điều tra làm rõ số tiền các đối tượng sử dụng để cho vay lãi nặng khoảng 400 tỷ đồng với khoảng 100.000 lượt người vay trên khắp cả nước, mức lãi suất cao nhất là 9.700 đồng/1 triệu/ngày (tương đương 349,8%/năm). Số tiền các đối tượng thu lợi bất chính khoảng 120 tỷ đồng.

 

    Báo Người Lao động, Baomoi.com và một số báo (15/12) đưa tin, Cơ quan điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ Bùi Văn Tân, trú tại huyện Hóc Môn cùng 08 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cơ quan Công an, qua công tác đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, lực lượng chức năng phát hiện một số dấu hiệu bất thường, như: Mài, đục lại số khung, số máy. Nguồn gốc các xe máy này xuất phát từ cửa hàng bán xe máy Tân Tiến do Bùi Văn Tân làm chủ. Tân khai, để hợp thức hóa xe không có nguồn gốc (trong đó có cả xe báo mất trộm), Tân đã thu mua phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/phiếu. Sau đó, đưa đến cửa hàng sửa xe Phát Đạt (tại huyện Bình Chánh) để chỉnh sửa, gian lận số khung, số máy mới trùng với số trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đã mua trước đó. Từ năm 2021-2023, Tân đã bán ra 3.911 xe cho khách hàng nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Riêng năm 2023, đã bán 1.549 xe mô tô, thu lợi bất chính khoảng 15 tỷ đồng.

 

    Các báo (17/12) cho biết, Công an TP. Hồ Chí Minh ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Phương Bình, quê Đồng Tháp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, năm 2018, Bình quen biết chị P. (trú tại Q.5). Bình tự giới thiệu là cán bộ công tác tại Bộ Công an và có đứng tên thành lập Công ty TNHH MTV Phát Tài (P.3, Q.6). Để tạo lòng tin, Bình nhiều lần cho chị P. xem một số công cụ hỗ trợ của ngành Công an. Cuối năm 2018, do cần tiền chi xài cá nhân, Bình nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị P. bằng cách đưa ra nhiều thông tin gian dối như: Cần tiền để mua hóa giá nhà, mượn tiền xử lý việc ở cơ quan, trả nợ, lo viện phí cho mẹ... để mượn tiền chị P. Do tin tưởng, chị P. đã nhiều lần chuyển tiền cho Bình, tổng cộng hơn 9 tỷ đồng. Đến năm 2021, Bình bỏ trốn khỏi địa phương nên chị P. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. 

 

    Báo Tiền phong, Baomoi.com (17/12) phản ánh, vụ việc Quyền trưởng một trạm kiểm lâm ở tỉnh Đắk Lắk bị tử vong với 14 vết đạn, như “hồi chuông” về cuộc chiến giữa lực lượng thi hành nhiệm vụ với đối tượng vi phạm lâm luật và điều này hé lộ góc khuất trong công tác giữ rừng. Theo báo, Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước với tổng diện tích đất có rừng hơn 497.000ha; địa bàn quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp; điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại của lực lượng bảo vệ rừng khó khăn, thiếu thốn, thu nhập thấp, trách nhiệm cao, dẫn đến tình trạng lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ việc, xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Tình trạng chống người thi hành công vụ trong quản lý, bảo vệ rừng ngày càng có tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; đối tượng vi phạm ngày càng liều lĩnh, coi thường pháp luật. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng và chế tài xử lý để người dân, các tổ chức biết, chấp hành. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Theo TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (11/12) cho biết, Công an tỉnh Long An quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Minh Luân, Phó Giám đốc Phụ trách Phòng giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín - Vietbank Cần Giuộc (Long An) về tội “Tham ô tài sản”. Qua điều tra, Luân thừa nhận đã chỉ đạo giao dịch viên hạch toán khống các giao dịch, nộp tiền vào tài khoản của mình tại Vietbank nhưng không có tiền thực tế 10 tỷ đồng; chuyển tiền ngoài hệ thống bằng tiền mặt vào tài khoản của Lê Minh Luân tại một ngân hàng khác nhưng không có tiền thực tế 3,1 tỷ đồng. Sau khi tiền vào tài khoản Luân thực hiện chuyển tiền trên Mobile banking cho 7 chủ tài khoản tại 6 ngân hàng. Đến cuối ngày 05/12, Luân bồi hoàn trên 1,6 tỷ đồng; số tiền còn lại hơn 11,4 tỷ đồng, đối tượng chiếm đoạt để sử dụng mục đích cá nhân.

 

    Các báo (11/12) thông tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định ngày 03/01/2024 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hai cựu Bộ trưởng và 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan. Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đưa ra xét xử về “Nhận hối lộ”. Bị cáo Phan Quốc Việt bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố hai tội danh: “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bị truy tố cùng tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 34 bị cáo còn lại bị truy tố về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Báo Tiền phong, Baomoi.com (13/12) phản ánh, hồ sơ vụ án liên quan đến Việt Á thể hiện, sau khi được bộ, ban ngành cho phép phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài nghiên cứu, sản xuất test Covid-19, từ năm 2020-2021, Công ty Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test, tiêu thụ được 8,3 triệu sản phẩm. Qua đó, được nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 1.235 tỷ đồng. Theo điều tra, để được phê duyệt thực hiện đề tài, bị can Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã hối lộ xuyên bộ, ngành, địa phương, nơi đầu tiên ông chủ Việt Á đưa hối lộ là quan chức Bộ Y tế. Mặc dù số lượng quan chức nhận tiền của Việt Á nhiều, song chỉ có ông Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên, Phạm Duy Tuyến, Trịnh Thanh Hùng, bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”; đồng thời, bài báo cũng nêu lý do một số cựu quan chức trong đại án Việt Á như ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc, Nguyễn Văn Trịnh, dù nhận số tiền lên đến hàng trăm nghìn USD, song họ không bị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ”. Theo lý giải của cơ quan điều tra, việc không xử lý tội “Nhận hối lộ” là do các bị can “không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận gì với Việt về việc đưa nhận”, cũng “không gây khó khăn”.

aa

Chuẩn bị xét xử 38 bị cáo trong vụ án Công ty Việt Á

    Các báo (12/12) thông tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã tạm đình chỉ việc khám bệnh đối với bác sĩ L.V.N, công tác tại Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, để tiếp tục xác minh và làm rõ về những dấu hiệu làm sai quy trình, trục lợi bảo hiểm y tế hàng trăm triệu đồng. Theo đó, trong 9 tháng năm 2023, bác sĩ N đã “giúp” kê đơn thuốc, tự ký thay 53 bệnh nhân để nhận thuốc bảo hiểm y tế với tổng giá trị gần 900 triệu đồng. Sau khi cơ quan chức năng phát hiện vụ việc, Bảo hiểm Xã hội tỉnh từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 19 trường hợp (được bác sĩ N. nhận thuốc “giúp”), với số tiền hơn 357 triệu đồng. Đồng thời, tạm thời chưa thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 34 trường hợp để tiếp tục xác minh làm rõ, với số tiền gần 530 triệu đồng. Baomoi.com, Chinhphu.vn, Công an nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền Phong, Thanh niên, Lao động, Người Lao động, Pháp luật TP.HCM và các báo (17/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Văn Nguyên, bác sĩ chuyên khoa I và Hồ Đắc Tuấn, nhân viên Khoa dược, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lâm Đồng để điều tra tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, từ tháng 1/2023 đến nay, Nguyên đã lạm dụng chức vụ là bác sỹ khám bệnh, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế nhằm mục đích chiếm đoạt thuốc bảo hiểm y tế của bệnh viện. Quá trình này có sự tham gia, giúp sức của Hồ Đắc Tuấn. Chiều cùng ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã khám xét nơi làm việc, nhà riêng của các bị can thu giữ nhiều chứng cứ liên quan. Trong năm 2023, lợi dụng sự tin tưởng của đồng nghiệp, bác sĩ Lê Văn Nguyên đã kê đơn thuốc nhằm thanh toán thuốc bảo hiểm y tế không đúng quy định cho nhiều bệnh nhân.

 

    Báo Tiền phong, Baomoi.com (12/12) phản ánh, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình quyết định cách chức Chủ tịch UBND xã Lý Trạch nhiệm kỳ 2021-2025 đối với ông Lê Văn Uyên do sai phạm về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với Đảng bộ xã Lý Trạch 2 nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai trên địa bàn. Quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối ông Lê Văn Duẩn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lý Trạch, nguyên Chủ tịch UBND xã Lý Trạch nhiệm kỳ 2016-2021. Thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Thế Hùng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lý Trạch, nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiều cá nhân khác. 

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (13/12) cho biết, Công an tỉnh Đồng Nai quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can để điều tra về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên xảy ra tại mỏ đá Soklu 1, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai. Quá trình trinh sát, lực lượng Công an đã bắt quả tang tại mỏ đá Soklu 1 đang diễn ra hoạt động khai thác đất trái phép của Công ty TNHH Quốc Phú Sơn Lâm. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 11/2023, lợi dụng hoạt động khai thác đá đã được cấp phép, các đối tượng đã chỉ đạo hoạt động khai thác trái phép hơn 64 nghìn m3 đất, thu lợi bất chính số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. 

 

    Báo VnExpress (12/12), An ninh Thủ đô, Baomoi.com (13/12) cho biết, 82 chủ tịch, giám đốc, kế toán liên quan đến vụ mua bán hơn 1 triệu hóa đơn VAT của hơn 70 công ty, chuẩn bị hầu tòa vào ngày 19/12 tới đây. Khi vụ án được phát hiện, cơ quan chức năng xác định đây là đường dây mua bán hóa đơn VAT điện tử lớn nhất cả nước bị triệt phá. Trong 100 người bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ truy tố có 30 người về tội Trốn thuế; 68 người về tội Mua bán trái phép hóa đơn. Hai người còn lại bị truy tố các tội: Mua bán trái phép hóa đơn, Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Trốn thuế. 71 bị can trước khi bị bắt là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch, phó giám đốc; 11 người là kế toán; số còn lại là nhân viên và lao động, kinh doanh tự do. Vụ án được xác định xảy ra trong 22 tháng (tháng 12/2020-10/2022), số lượng hóa đơn VAT khống được mua bán trái phép lên tới hơn 1,025 triệu, tổng tiền ghi gần 64.000 tỷ đồng. Tổng số hóa đơn khống được 30 bị can mua để trốn tổng số tiền thuế là 235 tỷ đồng.

 

    Các báo (14/12) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử “trùm buôn lậu” Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, ngụ huyện An Phú) cùng hai đồng phạm nguyên là cán bộ Công an tỉnh gồm Nguyễn Văn Võ và Nguyễn Văn Sang trong vụ án “Trốn thuế” và “Rửa tiền”. Theo cáo trạng, từ năm 2009-2020, Hạnh đã thành lập 4 Công ty TNHH, 2 hộ kinh doanh do chính bị cáo và người làm công đứng tên đại diện để đăng ký kinh doanh, nhưng chủ yếu là mua bán đường vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Quá trình hoạt động cho thấy, Hạnh đã bán đường cát cho 20 khách hàng ở các tỉnh, thành phố với tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng nhưng không lập hồ sơ kế toán, không xuất hóa đơn bán hàng và kê khai thuế không đúng. Căn cứ kết quả giám định về thuế, số tiền gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước từ các hành vi trên là hơn 755 tỷ đồng.

 

    Baomoi.com và một số báo (14/12) thông tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định đưa vụ ông Diệp Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP. HCM - Saigon Co.op và 8 đồng phạm ra xét xử về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày 28, 29/12/2023). Năm 2016, Saigon Co.op được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư, ông Diệp Dũng đã ký công văn gửi nhà đầu tư thông báo huy động vốn để mua lại chuỗi Big C Việt Nam. Tài khoản huy động vốn đã nhận được 3.000 tỷ đồng để đấu giá mua Big C nhưng bất thành. Sau đó, ông Diệp Dũng không thông qua HĐQT mà tự ý chỉ đạo thực hiện các thủ tục chuyển 1.000 tỷ đồng để hợp tác, đầu tư với Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á. Tuy nhiên, sau đó, hai công ty này thông báo việc kinh doanh không hiệu quả, đề nghị điều chỉnh giảm lợi nhuận. Ông Diệp Dũng đồng ý điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận. Theo cáo trạng, việc tự điều chỉnh lợi nhuận cố định đã dẫn đến thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,6 tỷ đồng.

 

    Theo TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (14/12) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan. Các báo (14/12) cho biết thêm, từ vụ án Xuyên Việt Oil khiến cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị bắt. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, trước khi các động thái tố tụng trên được Cơ quan An ninh điều tra thực hiện hàng loạt sai phạm tại Xuyên Việt Oil được chỉ ra trong kết luận thanh tra, kiểm tra. Trong quá trình thanh tra, doanh nghiệp bị phạt hành chính tới 4 hành vi sai phạm, gian lận… Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang thụ lý, điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan. Báo Người Lao động, Baomoi.com và một số báo (15/12) phản ánh, trước khi bị bắt, ngày 02/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ. Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân. Theo các báo, trước khi được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Lê Đức Thọ có một thời gian dài gắn bó với một ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

 

    Báo Tiền phong, Baomoi.com và một số báo (15/12) thông tin, cơ quan chức năng trả 82 tỷ đồng thu được của vợ chồng “siêu lừa” Nguyễn Thái Luyện cho bị hại. Theo đó, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đang phân chia hơn 82 tỷ đồng cho hơn 4.500 bị hại trong vụ án Công ty địa ốc Alibaba “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Theo tính toán, mỗi bị hại được thi hành án nhiều nhất với số tiền hơn 800 triệu đồng. Vụ án này có hơn 4.548 bị hại được bồi thường thiệt hại hơn 2.445 tỷ đồng. Hiện có hơn 4.000 bị hại đã có đơn yêu cầu gửi đến Cục Thi hành án này.

 

    Đài THVN, Đài THVN, báo Nhân Dân điện tử, Tiền phong, Lao động, Baomoi.com, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Công luận, Pháp luật TP.HCM và một số báo (15/12) đưa tin, Công an tỉnh Hà Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Cao Mạnh Thắng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Mê để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khoảng tháng 6/2021, Thắng với cương vị là Giám đốc đã lợi dụng mối quan hệ với bà Phạm Thị Long, trú tại phường Minh Khai, thành phố Hà Giang để đưa thông tin gian dối liên quan đến việc khai thác mỏ đá tại thôn Nà Viền, xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Long với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

 

    Báo Người Lao động, Baomoi.com và một số báo (15/12) cho biết, Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam ông Phạm Xuân Lộc, Giám đốc Công ty Quang Châu về tội “Đưa hối lộ”. Theo điều tra, ông Phạm Xuân Lộc đã đưa hối lộ cho Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-13D là ông Nguyễn Chí Quyết số tiền 150 triệu đồng. Việc đưa hối lộ này được thực hiện trong quá trình nghiệm thu cải tạo các phương tiện do Lộc làm khống hồ sơ thi công cải tạo của các chủ phương tiện. Sau khi nhận tiền, ông Nguyễn Chí Quyết đã bỏ qua nhiều lỗi sai phạm, cấp 97 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới trái quy định. Đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ với nhiều tội danh khác nhau.

 

    Các báo (15/12) phản ánh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan. Các bị can trong vụ án bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Các bị can còn lại có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước… Đáng chú ý, Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về hành vi nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn. VietNamNet và một số báo (16/12) thông tin, vụ án Vạn Thịnh Phát: Trưởng đoàn thanh tra nhận 5,2 triệu USD, bao che sai phạm cho Ngân hàng SCB. Theo thông tin, để Ngân hàng SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Trương Mỹ Lan đã mua chuộc, tác động những người có chức vụ, quyền hạn, trong đó Trưởng đoàn thanh tra để che giấu, bưng bít sai phạm. Báo Người Lao động, Baomoi.com và một số báo (16/12) đề cập nội dung thông tin, hơn 1 triệu tỷ đồng bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo rút khỏi SCB chuyển đi đâu? Cơ quan tố tụng xác định, từ 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm của mình (1.000 khoản cho cá nhân, 1.500 khoản cho tổ chức) với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng. Khi giải ngân, SCB sẽ chuyển cho các cá nhân hoặc pháp nhân theo phương án vay vốn. Tính đến tháng 10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án), nhóm bà Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.200 tỷ đồng, hiện các khoản nợ này không có khả năng thu hồi. Báo Tiền phong, Baomoi.com (17/12) tiếp tục phản ánh, Đoàn thanh tra Ngân hàng SCB được biếu đồng hồ, khăn choàng, túi xách và rất nhiều tiền để “lơ đi” sai phạm, báo cáo không trung thực lên Thủ tướng về tình trạng của Ngân hàng SCB. Trong đó, biếu ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH) 390.000 USD; Nguyễn Thị Phụng (Phó trưởng Đoàn thanh tra) 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn; các thành viên của đoàn là Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn nhận 20.000 USD và 2 chiếc áo; Trần Văn Tuấn nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà nhận 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương nhận 1.000 USD và 20 triệu đồng; Nguyễn Văn Thủy nhận 21.000 USD và 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông, 1 hộp yến; Trương Việt Hưng nhận 6.000 USD. Đặc biệt, Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) được biếu 5,2 triệu USD. Cơ quan chức năng đánh giá, đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của các cựu quan chức.

 

    Các báo (16/12) đưa tin, Công an tỉnh Hà Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Vũ Thị Thanh Huyền, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo và Vũ Thị Thu Hòa, nguyên kế toán Sở để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo điều tra, trong quá trình tổ chức mua sắm tài sản cho các trường Phổ thông Dân tộc bán trú và các trường, điểm trường Tiểu học, Trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, từ năm 2017-2020, các bị can này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Hành vi sai phạm của các bị can được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền lớn.

 

    Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (16/12) đưa tin, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Giang, Công an huyện Tân Yên khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc và những nơi liên quan của Công ty TNHH Bảo Long Dược tại Hà Nội. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định Nguyễn Thị Hiền, trú tại xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) và chồng là Đặng Văn Thắng, trú tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cùng quản lý Công ty này. Các đối tượng đã lợi dụng danh tiếng, tên tuổi của các y, bác sĩ giỏi công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn để lừa đảo. Thủ đoạn là quảng cáo, tư vấn không đúng sự thật để bán thực phẩm chức năng với giá cao. Theo đó, chúng mua chỉ 30-40 nghìn đồng/hộp nhưng bán với giá từ 1-3 triệu đồng/hộp. Cơ quan chức năng cho biết, từ tháng 10/2022 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã bán khoảng 80.000 đơn hàng cho hơn 20 nghìn người ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng.

 

    Báo Đại Đoàn kết, Lao động, Dân trí, VietNamNet, Tiền phong, Truyền hình Công an nhân dân, SGGP, Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (17/12) cho biết, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá vụ án buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật, với giá trị hàng hóa rất lớn. Các đối tượng Nguyễn Dân Phụng và Nguyễn Trường Vũ (cùng ở TP. Hồ Chí Minh) bị khởi tố về tội “Buôn lậu” và “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”. Đối tượng Triệu Quang Long (ngụ tỉnh Đắk Lắk) bị khởi tố về tội “Buôn lậu”; Nguyễn Ngọc Đạt (ngụ tỉnh Tây Ninh) và Lý Văn Thảo (tỉnh Bình Phước) bị khởi tố về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”. Cơ quan điều tra xác định từ năm 2022 đến tháng 7/2023, Nguyễn Dân Phụng đã tiếp nhận 532 đơn hàng vận chuyển lậu thuốc bảo vệ thực vật từ Campuchia về Việt Nam với tổng khối lượng hơn 519 tấn.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (13/12) cho biết, hàng nghìn người Slovakia đã biểu tình trên khắp đất nước phản đối kế hoạch cải cách của Chính phủ, bao gồm việc giải thể Văn phòng Công tố đặc biệt chống tham nhũng. Tại Thủ đô Bratislava, những người biểu tình tập trung ở Quảng trường Tự do, gần các tòa nhà Chính phủ để phản đối những thay đổi do Chính phủ của Thủ tướng Robert Fico - người mới được bổ nhiệm vào tháng 10 vừa qua - đưa ra. Trong tháng 01/2024, sẽ giải thể Văn phòng Công tố đặc biệt. Văn phòng công tố này đã hoạt động trong 2 thập kỷ để chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

 

    Báo Thanh tra (13/12) đưa tin, Li Pengxin, người từng đảm nhận vị trí lãnh đạo Ủy ban Công tác giáo dục Tân Cương đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát quốc gia điều tra vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Li Pengxin đã bị cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc bắt giữ. Thông báo của Ủy ban Kiểm tra và Ủy ban Giám sát quốc gia đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Chính trị kêu gọi các cơ quan chức năng nỗ lực hơn nữa để thắt chặt giám sát chính trị đối với cán bộ đảng, các ngành mục tiêu cũng như những nơi tham nhũng tràn lan. Ông Li Pengxin giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Tân Cương trước khi từ chức vào năm 2021, là “hổ lớn” thứ hai ở khu vực bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương nhắm tới trong năm nay.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

 

    - Chuẩn bị xét xử 38 bị cáo trong vụ án Công ty Việt Á;

    - Truy tố Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị can;

    - Bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre;

    - 82 chủ tịch, giám đốc, kế toán liên quan đến vụ mua bán hơn 1 triệu hóa đơn VAT của hơn 70 công ty chuẩn bị hầu tòa.

 

NGUỒN: BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG