Skip to main content

    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Theo TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và một số báo (04/12), Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án bị cáo Vũ Thị Hương Lan, trú tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 23 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Lan giới thiệu mình là cháu họ một lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, hiện công tác tại Văn phòng Chính phủ, phụ trách đại diện nguồn vốn an sinh xã hội có lãi suất ưu đãi. Để các doanh nghiệp tin tưởng, bị cáo thường hẹn gặp, làm việc tại một nhà gần Nhà khách Chính phủ và làm giả nhiều tài liệu, con dấu của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính… và gửi cho các bị hại xem. Các tài liệu này Lan thuê làm giả từ 1,5 - 3 triệu đồng/tờ và con dấu 8 triệu đồng/chiếc. Bằng thủ đoạn này, Lan đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 06 cá nhân, doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (05/12) đưa tin, Công an tỉnh Đồng Tháp quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Thu Giang, trú tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh. Đối tượng Giang bị bắt về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo điều tra, từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2023, Giang đã có hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và giấy chứng nhận đăng ký xe ô-tô giả để thế chấp và vay mượn tiền của nhiều bị hại trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, chiếm đoạt số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (08/12) thông tin, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn Kiểm tra số 1 đã công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN,TC thành pháp luật của Nhà nước theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW đối với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Theo dự thảo Báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức phổ biến, quán triệt nghiêm túc, đồng thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN,TC thành pháp luật để tổ chức thực hiện. Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền của thành phố ban hành bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành; chỉ đạo thực hiện kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương về khắc phục sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật lĩnh vực quản lý, sử dụng đất… Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng sớm khắc phục. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đạt được trong thời gian qua, trong đó, đã xác định được đúng trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế theo chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN,TC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành, tổ chức thực hiện, góp phần hạn chế sơ hở, bất cập dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng sớm xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế được Đoàn kiểm tra chỉ ra; khẩn trương rà soát, xác định những chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN,TC cần tiếp tục được thể chế hóa, cụ thể hoá thành pháp luật theo thẩm quyền của Thành phố...

aa

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại Hội nghị

    Báo Nhân dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (08/12) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Minh Trung, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang và ông Nguyễn Văn Mường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; kỷ luật khiển trách đối với bà Trần Thị Gấm, Trưởng phòng Tổng hợp, Đào tạo và Chính sách cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đề nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với Đảng ủy Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh giai đoạn 2019-2023 và kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 04 cá nhân có liên quan. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng xem xét kết luận kiểm tra, giám sát đối với một số tập thể, cá nhân.

 

    Đài THVN, Đài TNVN, báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM, SGGP và một số báo (09/12) đưa tin, sau hơn 3 ngày bỏ trốn khỏi Trại giam Xuân Hà cơ sở 2 (đóng tại xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên), 02 phạm nhân Phan Công Thành, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà và Nguyễn Đắc Hoàng, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên đã bị bắt giữ. Hai phạm nhân bị bắt khi đang lẩn trốn tại xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, để truy bắt 2 phạm nhân bỏ trốn trên địa bàn, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm. Phan Công Thành bị kết án 19 năm tù với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Nguyễn Đắc Hoàng bị kết án 20 năm tù với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”.

 

    Báo Pháp luật Việt Nam, Baomoi.com (10/12) thông tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn xem xét, thi hành kỷ luật đối với ba đảng viên. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Lại Thị Vân, chuyên viên Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường. Vi phạm của bà Vân trong việc tham mưu cho UBND thành phố chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, trong đó có diện tích đất tại Dự án khu đô thị mới Mai Pha. Thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo ông Bùi Văn Côi, Đảng viên Chi bộ Văn phòng Sở trực thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường. Vi phạm của ông Côi liên quan đến việc ký cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật trên địa bàn thành phố, trong đó có diện tích đất tại Dự án khu đô thị mới Mai Pha và vi phạm liên quan đến việc lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án mở rộng diện tích khuôn viên trụ sở làm việc Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn thuộc vụ án Công ty cổ phần ô tô số 2 Lạng Sơn. Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Dương Công Vĩ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, do có liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu để cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị vi phạm tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động sát hạch thi cấp giấy phép lái xe.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Các báo (06/12) thông tin, Công an quận Nam Từ Liêm quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hoành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HP102 Việt Nam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoành đã đứng ra nhận mua hộ thiết bị quảng cáo cho khách hàng để đầu tư cho Công ty thuê hoạt động kinh doanh; đồng thời, sử dụng phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi hội thảo để quảng bá hình ảnh, kêu gọi trên 8.000 khách hàng ký kết hợp đồng đầu tư cho Công ty kinh doanh tương ứng hơn 40.000 thiết bị quảng cáo. Thực tế Hoành chỉ mua khoảng 800 thiết bị. Cơ quan Công an xác định số tiền khách hàng đã nộp vào tài khoản cá nhân của Hoành trong 2 năm (2019-2020) gần 60 tỷ đồng, mục đích để đầu tư mua thiết bị quảng cáo cho Công ty thuê. Tuy nhiên, Hoành dùng tiền vào đầu tư ngoại hối (forex) và các mục đích cá nhân khác.

 

    Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền phong, Lao động, Dân Việt, Baomoi.com, Đài TNVN (06/12) cho biết, Thanh tra TP. HCM chuyển hồ sơ về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định. Theo kết luận thanh tra, Thủ tướng có quyết định giao đất thực hiện dự án này từ tháng 8/1999. Quá trình thực hiện dự án có tăng diện tích đất và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý theo quy định. Việc triển khai thực hiện dự án cũng có một số sai phạm, trong đó có việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cụ thể là sai phạm trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 10 lô đất bằng 9 hợp đồng tại dự án. Kết luận thanh tra nêu, trong 3 hợp đồng có hợp đồng thẩm định sai lệch theo hướng làm giảm giá trị lô đất, gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Ngoài ra, Công ty này đã bàn giao nền tái định cư trên đất vẫn đang quy hoạch là đất công viên cây xanh, đất xây dựng trường học không đúng quy định.

 

    Theo TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (07/12), tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khám xét nơi làm việc, địa điểm lưu trữ hồ sơ của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành, thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu, dữ liệu có liên quan. Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Viết Mạnh, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành về hành vi “Nhận hối lộ”; Nguyễn Tấn Biên, cán bộ địa chính xã Lộc An và Trần Ngọc Hân, hộ kinh doanh tại thị trấn Phước Hải, huyện Long Thành về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

    Đài THVN, báo Tiền phong, Lao động, Baomoi.com, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Công luận, Pháp luật TP.HCM và một số báo (07/12) thông tin, Công an tỉnh Hải Dương quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Hưởng, bảo vệ kiêm lái xe cho Quỹ tín dụng nhân dân xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo thông tin ban đầu, Hưởng đưa thông tin về việc bản thân có chức năng, nhiệm vụ xét duyệt và giải ngân hồ sơ vay vốn của khách hàng, trực tiếp liên hệ với một số người quen biết và đặt vấn đề vay tiền để phục vụ công tác chuyên môn. Từ tháng 7/2021 đến tháng 5/2022, một người dân trú tại thành phố Hải Dương đã chuyển cho đối tượng vay tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời hạn trả nợ, Hưởng đưa ra nhiều lý do để xin gia hạn và đến đầu tháng 8/2022, Hưởng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

 

    Các báo (07/12) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang bắt bị can để tạm giam đối với Huỳnh Thế Năng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam - VINAFOOD II để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trước đó, ngày 26/10/2023, Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Trường Chinh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân liên quan đến vụ án này.

 

    Các báo (08/12) cho biết, Công an thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-04V, phường Thạnh Mỹ Lợi; Chu Đình Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm; Lê Văn Tuyến, trú tại Nam Định cùng một người khác về tội “Nhận hối lộ”. Tính đến nay, Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố tổng cộng 217 bị can liên quan vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành; trong đó, 02 bị can là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cơ quan điều tra cũng khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” phát hiện tại Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải Trung ương III.

 

    Theo TTXVN, Báo mới và một số báo (09/12) thông tin, Thanh tra tỉnh Bình Thuận kết luận bổ sung một số nội dung thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo đó, 3 gói thầu Công ty TNHH thiết bị y tế Minh Khoa trúng thầu, gồm: Gói thầu mua sắm trang thiết bị phòng, chống Covid-19 năm 2020 (16 thiết bị) với giá trúng thầu hơn 10,7 tỷ đồng, giá mua vào chỉ là 5,7 tỷ đồng; gói thầu mua 5 máy thở, giá trúng thầu hơn 3,4 tỷ đồng, giá mua vào là gần 1,8 tỷ đồng; gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác năm 2021, giá trúng thầu hơn 10 tỷ đồng, giá mua vào là 4,9 tỷ đồng. Tổng giá trị 03 gói thầu là hơn 24,2 tỷ đồng, với giá mua vào chỉ là 12,4 tỷ đồng, tăng đến 94%... Thanh tra tỉnh chuyển nội dung này đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để cấu kết thông đồng nâng giá thiết bị, vật tư y tế… nhằm trục lợi.

 

    Đài THVN, báo Công an nhân dân, VietNamNet, Đài TNVN, Báo mới, Lao động và một số báo (09/12) đưa tin, Công an tỉnh Hà Nam tạm giam bị can Phạm Thị Nhường, trú tại Thanh Liêm, Hà Nam để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhường tự nhận mình có quan hệ thân thiết với nhiều người trong các tập đoàn lớn có khả năng đầu tư các dự án bất động sản thu lợi nhuận “khủng”. Tin lời Nhường, từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2023, một số người dân đã nhiều lần chuyển cho Nhường tổng số tiền trên 26 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án bất động sản do Nhường “vẽ” ra. Số tiền lừa đảo chiếm đoạt được, Nhường dùng để xây biệt thự và mua nhiều tài sản đắt tiền, tạo dựng hình ảnh cho bản thân nhằm tiếp tục lừa đảo.

 

    Báo Người Lao động, Baomoi.com và một số báo (10/12) cho biết, Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng báo cáo HĐND thành phố kết quả thi hành án dân sự năm 2023, trong đó có những vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ và Phạm Công Danh; số tiền thi hành án hàng ngàn tỷ đồng được thực hiện nhiều năm vẫn chưa có kết quả. Vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ và các cựu lãnh đạo TP. Đà Nẵng từ năm 2020. Các cựu lãnh đạo liên quan gồm: Ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND thành phố; ông Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng một số người khác. Ở vụ việc này, các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho UBND TP Đà Nẵng số tiền hơn 4.192 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án, để sung quỹ nhà nước; số tài sản phải xử lý trong vụ này gồm 28 bất động sản. Vụ án liên quan đến Phạm Công Danh, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh với giá trị phải thi hành là 3.946 tỷ đồng được tuyên ở giai đoạn năm 2016-2017. Tài sản thế chấp trong vụ việc này là 10 lô đất trong khu phức hợp sân vận động Chi Lăng - quận Hải Châu. Ngoài 2 vụ án trên, Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng còn gặp khó ở 3 vụ án khác với tổng giá trị phải thi hành án là hơn 1.249 tỷ đồng.

 

    Báo Công an nhân dân và một số báo (10/12) thông tin, Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can trong đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả. Vụ án này đã khởi tố 26 đối tượng giả danh “bác sĩ”, “tiến sĩ”. Cầm đầu đường dây trên là Phạm Viết Trung, trú ở Xuân Thành, Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình, tạm trú ở Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Xuất phát từ việc bán hàng đa cấp, Trung nhận thấy nhu cầu của rất nhiều người dân cần sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị bệnh tiểu đường và huyết áp. Chính vì vậy, Trung đã nghĩ ra việc chiếm đoạt tài sản của người bệnh bằng cách quảng cáo loại thuốc này. Cùng với Trung có Lưu Đức Tịnh, ở xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình; Nguyễn Hải Đăng, ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội và Nguyễn Xuân Tuyên, ở xã An Lưu, Kinh Môn, Hải Dương góp cổ phần với số tiền là 100 triệu đồng để “khởi nghiệp”. Theo đó, kịch bản giả danh bác sĩ của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi chạy quảng cáo để bán thuốc qua mạng cho người bệnh. Với các thủ đoạn lừa đảo, từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2023, các đối tượng đã bán thành công 12.817 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở 63/63 tỉnh, thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (06/12) cho biết, niềm tin của người dân Indonesia vào Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) có thể đã xuống mức thấp kỷ lục sau khi Cảnh sát Jakarta chỉ đích danh Chủ tịch KPK FirliBahuri là nghi phạm trong vụ tống tiền cựu Bộ trưởng Nông nghiệp SyahrulYasinLimpo. Cảnh sát Jakarta cho biết, các nhà điều tra đã thu thập đủ bằng chứng để buộc tội ông Firli. Danh sách bằng chứng bao gồm các khoản thu ngoại hối ở Singapore và mệnh giá đô la Mỹ từ một số điểm đổi tiền trị giá 7,4 tỷ Rp tính từ tháng 02/2021 đến tháng 9/2023. Cùng với bằng chứng quan trọng này, nhà chức trách cũng tịch thu 21 điện thoại di động của các nhân chứng, 17 tài khoản email, 4 ổ đĩa flash, 2 phương tiện đi lại, 3 tài khoản tiền điện tử và nhiều phương tiện khác.

 

    Báo Thanh tra (08/12) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia cho biết, Qu Min đang bị điều tra vì vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng và có khả năng có hành vi phạm tội liên quan đến hối lộ cũng như trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Qu Min bị cáo buộc đã đánh mất lý tưởng và niềm tin, chống lại sự kiểm tra của Đảng, tham gia vào các hoạt động mê tín. Cựu quan chức này chấp nhận các bữa tiệc và việc sắp đặt các chuyến đi, du lịch. Qu Min còn bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ của mình để thu lợi cá nhân, hỗ trợ người khác trong hoạt động kinh doanh và mua lại dự án, đồng thời, nhận số tiền, quà tặng đáng kể bằng cách trực tiếp hoặc thông qua người thân.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

 

    - Bắt tạm giam cựu Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam;

    - Kỷ luật cảnh cáo Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kiên Giang;

    - Chuyển Cơ quan điều tra vụ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận.

 

NGUỒN: BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG