Skip to main content

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn: Kết quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, năm 2022

         Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn với chức năng tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý Nhà nước về Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong năm 2022 với nhiệm vụ được giao, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

          Tính đến 12/2022, tỉnh Lạng Sơn có diện tích rừng khoảng 571.377 ha, trong đó rừng tự nhiên 256.084 ha, rừng trồng 315.293 ha (năm 2022, trồng rừng mới đạt 9.600 ha, đạt 106.7% so với kế hoạch năm). Năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 205 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, làm thiệt hại 86,2 ha rừng (gồm: 59,2 ha rừng sản xuất; 27 ha rừng phòng hộ); xảy ra 2 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 3,5 ha (giảm 17 vụ, giảm 25,29 ha rừng bị thiệt hại so với năm 2021).

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã tổ chức 394 hội nghị tuyên truyền Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản liên quan công tác quản lý, bảo vệ rừng đến 23.986 lượt người nghe, phát 3.560 tờ rơi, 1.042 quyển tài liệu, tuyên truyền lưu động qua loa, đài được 265 lượt...; tuần tra, kiểm tra rừng được 1.346 cuộc; 746 cuộc kiểm tra cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; 239 cuộc kiểm tra cơ sở gây nuôi động vật rừng. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt 205 vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp, xử lý tịch thu tang vật vi phạm gồm: trên 262 m3 gỗ tròn loại thông thường, 25 ster củi, 335 cây thực vật rừng ngoài gỗ, 702 cá thể và 14 kg động vật nguy cấp, quý, hiếm, 22 loại phương tiện, công cụ hỗ trợ. Cơ quan tiến hành tố tụng và các Hạt kiểm lâm cấp huyện đã khởi tố 28 vụ, 45 bị can về các tội Hủy hoại rừng, Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng, Vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (trong đó lực lượng Kiểm lâm khởi tố 10 vụ); xử lý vi phạm hành chính 195 vụ với số tiền phạt và bán thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm trên 2,66 tỷ đồng.

          Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục trong năm 2023 và thời gian tới đặc biệt là cần tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ từng loại rừng để người dân hiểu và chấp hành; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, phấn đấu giảm số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm và cấp ủy, chính quyền cơ sở, thôn, bản. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 95-NQ/TU, ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.

          Có thể nói trong năm 2022, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật về rừng, qua đó nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng từng bước được nâng lên; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan đã chặt chẽ, hiệu quả hơn; trong năm 2023 Chi cục Kiểm lâm tỉnh cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt chương trình, kế hoạch công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Hồng Nga