Skip to main content

Triển khai nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội phải có trọng tâm, trọng điểm

(Thanh tra) - Việc triển khai nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính xây dựng cao không gây khó khăn đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

aa
                                       Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QV

Ngày 28/12, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội… Các cấp uỷ, tổ chức Đảng tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội...

Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai chỉ thị với khối lượng nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất lớn, là nhiệm vụ trọng tâm và phải được ưu tiên triển khai bài bản, toàn diện.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng thảo luận, nêu ý kiến và đề xuất bổ sung một số nội dung, giải pháp hoàn thiện các dự thảo kế hoạch và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò quan trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc kiểm soát, giám sát quyền lực của Nhà nước đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định “MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, việc thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội cũng chính là việc làm thiết thực để thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những giải pháp góp phần xây dựng các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước trong sạch, vững mạnh; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, cao hơn nữa củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giám sát, phản biện xã hội trong tình hình mới, ngày 26/10/2022 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đạt kết quả, Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, ông Đỗ Văn Chiến cho biết.

... Đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của nhân dân

Chỉ thị 18-CT/TW là cơ sở chính trị vững chắc để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, trực tiếp là giám sát, phản biện xã hội nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của nhân dân, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có đặc thù riêng và mang xã hội, tính nhân dân rất cao và dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc triển khai nhiệm vụ này phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính xây dựng cao không gây khó khăn đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.

Tiếng nói giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải hướng đến sứ mệnh cao cả là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương cần chủ động tham mưu ban hành kế hoạch của ban thường vụ tỉnh/thành ủy để triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư.

MTTQ các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật từ đó đề xuất Ban Thường trực dự thảo, trình ra Đoàn Chủ tịch trao đổi, thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sửa đổi bổ sung, ban hành văn bản mới quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Cùng với việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ Mặt trận cũng ưu tiên việc thu hút đội ngũ chuyên gia, nhân sỹ trí thức, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn chuyên sâu trong từng lĩnh vực tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội.

Những người làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội ngoài trí tuệ phải có nhiệt huyết, bản lĩnh và tinh thần dấn thân vì cộng đồng.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến lưu ý, trong quá trình triển khai nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố phản hồi ngay về Trung ương để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Tác giả: Thanh Thanh

 Theo: Theo: https://thanhtra.com.vn