Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tin tức, VietNamplus, Thanh tra, Xây dựng, Công thương, Giao thông, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Công lý, Đầu tư, Lao động, Người Lao động, Đại đoàn kết, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04/7) phản ánh, tại cuộc họp báo công bố quyết định về đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ: Một trong những điều kiện để được xét đặc xá với người phạm tội tham nhũng là phải thi hành xong nghĩa vụ dân sự như trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại… Quyết định của Chủ tịch nước quy định rõ điều kiện được đề nghị đặc xá với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Đồng thời, quy định rõ 15 trường hợp không được đề nghị đặc xá dù đủ điều kiện quy định. Trường hợp đầu tiên là những người bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;... Các trường hợp phạm tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ khi đã khắc phục (nghĩa vụ dân sự) thì đều bình đẳng như nhau, đều được xét theo quy định.

 

    Báo Nhân Dân điện tử (04/7) có bài: “Ngang nhiên chặt phá lim, san lấp rừng quốc gia Tam Đảo”. Theo bài báo, thời gian qua, hàng trăm cây lim trên rừng Phù Mây thuộc xã Đạo Trù và thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã bị chặt hạ hoặc bị bơm hóa chất làm chết khô. Bên cạnh đó, trong khu vực rừng lim có nhiều hộ tự ý xây dựng công trình, cải tạo đất, có hộ xây nhà kiên cố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều hộ gia đình và cá nhân xây dựng nhà ở và trồng cây ăn quả không có giấy tờ hợp pháp. Tháng 9/2021, Đoàn Kiểm tra của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ ra những vi phạm rất nghiêm trọng tại khu vực này. Người dân mong muốn, cơ quan chức năng và địa phương cần thống nhất phương án quản lý rừng, phân định rõ đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và đất ở nông thôn. Cần sớm làm rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan hữu quan trong vụ việc chặt phá rừng, làm rõ đối tượng vi phạm và việc tiêu thụ hàng trăm mét khối gỗ lim trị giá nhiều tỷ đồng.

 

    Theo phản ánh từ TTXVN, báo Tin tức (04/7), UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng trái pháp luật tại tiểu khu 366, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng. Vụ việc được phát hiện vào ngày 11/6/2022 tại khoảnh 7, tiểu khu 366, xã Ninh Loan, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh là chủ rừng; tại khu vực này đã bị phá 6.799 m2 rừng. Sau vụ việc trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an huyện để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định. Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, sớm hoàn tất hồ sơ, xử lý nghiêm, công khai vụ phá rừng trái pháp luật; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan để xử lý trách nhiệm theo quy định.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (05/7) cho biết, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Điện ảnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (05/7) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” đối với đối tượng Nguyễn Lân Thắng, trú tại ngõ Thịnh Quang, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Đối tượng bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, tạm giam về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước. 

 

    TTXVN, báo Tin tức (06/7) phản ánh, thời gian gần đây, tại rừng phòng hộ khu vực thượng nguồn suối Chà Rào, tiểu khu 554, xã Trường Sơn do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình quản lý, xảy ra tình trạng phá rừng. Sau khi nhận được thông tin, đoàn liên ngành huyện Quảng Ninh đã xem xét, bước đầu nhận định việc phá rừng xảy ra trong khoảng tháng 3, tháng 4/2022. Để sớm ổn định tình hình, các cơ quan chức năng của huyện Quảng Ninh cần sớm xác minh để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan khi để xảy ra phá rừng phòng hộ tại khu vực trên.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Tin Tức, Lao động, Tạp chí Kiểm sát, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (06-07/7) đưa tin, các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có các buổi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý bảo đảm những nội dung chỉnh sửa có căn cứ lý luận khoa học, tính thực tiễn, lập luận đầy đủ, rõ ràng, thuyết phục, từ đó hoàn thiện dự thảo Đề án báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ tư. 

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04/7) thông tin, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá: Với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhiều mặt công tác có chất lượng hiệu quả. Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2022, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, phối hợp hoàn thành tốt việc chuẩn bị nội dung tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022; hoàn thành 3 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có Đề án tham mưu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ban Nội chính Trung ương đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thành một số đề án khó, quan trọng, bảo đảm đúng tiến độ, như: Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Đề án trình Bộ Chính trị ban hành “Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”... Ban đã chủ động hơn trong công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 2 Ban Chỉ đạo nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp; quyết liệt tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm... 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí Phan Đình Trạc lưu ý Ban Nội chính Trung ương tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo Kế  hoạch, Chương trình đã đề ra...

aa
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Nội chính Trung ương


    Báo Quân đội nhân dân từ (03-05/7) đăng 3 bài liên tiếp liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bài 1: Cấp ủy “4 dám” để khắc phục “trên nóng, dưới lạnh” phản ánh, thành công của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định: 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Bài 2: “Pháp luật nghiêm minh, cơ chế phù hợp” cho rằng việc xử lý mạnh tay với tội phạm tham nhũng, những hành vi tiêu cực thời gian qua được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đồng thời đã tạo ra những chuyển biến trên thực tế. Tuy nhiên, một vấn đề mà dư luận rất quan tâm hiện nay là làm thế nào để xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, một cơ chế quản lý, cơ chế đãi ngộ phù hợp nhằm “bịt lỗ hổng”, ngăn chặn từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Bài 3: “Chìa khóa” công khai, dựa vào nhân dân nhận định, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, bên cạnh quyết tâm chính trị và những giải pháp mang tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, cải cách và hoàn thiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước thì việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân là vô cùng quan trọng; đồng thời, đề xuất một số giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong phòng, chống “giặc nội xâm”.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04-05/7) đưa tin, Công an tỉnh Quảng Nam quyết định khởi tố, bắt giam đối với các ông Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quế Cường (nay là xã Quế Mỹ), huyện Quế Sơn; Hồ Văn Chín, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Phước; Huỳnh Tấn Lực, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Minh Hưng để điều tra hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình, dự án nước sạch gây hậu quả nghiêm trọng. Theo điều tra, năm 2013, UBND huyện Quế Sơn đầu tư công trình hệ thống cung cấp nước sạch có tổng trị giá hơn 5,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và nguồn vốn của địa phương. Trong quá trình thực hiện, các đối tượng đã nghiệm thu không đúng thực tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 634 triệu đồng. Do sự tắc trách, thiếu trách nhiệm, nên mặc dù đã được nghiệm thu và bàn giao vào tháng 4/2017, nhưng đến nay công trình vẫn bị bỏ hoang chưa thể hoạt động. 

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04-05/7) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Sở Y tế và các ông Nguyễn Xuân Mến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế; Lê Báy, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế; Phạm Minh Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế; Hồ Minh Nên, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Giám đốc CDC Quảng Ngãi do có vi phạm khuyết điểm liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Các báo này (06-07/7) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình chuyển vụ việc mua sắm kit test xét nghiệm Covid-19 Việt Á của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho Công an tỉnh điều tra, làm rõ do có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Theo đó, năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện thủ tục chỉ định thầu rút gọn, ký kết hợp đồng mua kít test xét nghiệm Covid-19 theo đơn giá cố định với Công ty Việt Á, giá trị gói thầu là trên 1,575 tỉ đồng; đã nghiệm thu và thanh toán 1,050 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện, Bệnh viện đã lập dự toán chưa đúng quy định, với giá mua cao gấp 2 lần, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 580 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng xác định: Trong quá trình thực hiện mua kit test của Việt Á, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tạo lập một số văn bản, giấy tờ giả; ký hợp đồng mua sắm thiết bị, vật tư y tế tại thời điểm Công ty này chưa đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04-07/7) cho biết, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bao gồm: Cao Bằng, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Kiên Giang, An Giang, Kon Tum, Bến Tre, Bình Phước, Gia Lai, Tiền Giang, Đắk Nông.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (05/7) cho biết, ngày 11/7, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án can thiệp đấu thầu, để Công ty Nhật Cường trúng hai gói thầu số hóa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Trong đơn kháng cáo, bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm; các bị cáo Nguyễn Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Phạm Thị Thu Hường, cựu Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng có đơn đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (05-06/7), Bản án sơ thẩm ngày 19/5 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế”. 10 bị cáo (trên tổng số 14 bị cáo) đã làm đơn kháng cáo. Duy nhất có bị cáo Nguyễn Thị Quyết, nguyên nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty VN Pharma kháng cáo kêu oan. Bị cáo Quyết cho rằng, mình không thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo chỉ làm theo những gì cấp trên chỉ đạo mà không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Trong bản án sơ thẩm, bị cáo Quyết bị Tòa tuyên phạt 6 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Chín bị cáo còn lại kháng cáo xin được giảm nhẹ, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và các đồng phạm. Trong bản án sơ thẩm, bị cáo Trương Quốc Cường bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

    TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VietNamplus, Tin tức, Lao Động, Người Lao động, Công thương, Giao thông, Xây dựng, Đấu thầu, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới, Đại đoàn kết, Công lý, Giaoduc.net, Zingnews.vn, Đài THVN, Đài TNVN (06/7) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Theo đó, ông Nguyễn Đức Thái đã có những vi phạm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật như: Vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới. Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước.

 

    Theo nguồn tin từ báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM, Dân trí, Lao động, VietNamNet, Pháp luật TP.HCM, Công thương (06/7), “Vụ án tại dự án bất động sản 1.250 tỉ đồng: Cựu lãnh đạo Khánh Hòa sai phạm gì?”. Theo các báo, ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa bị đề nghị truy tố tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Các ông này có sai phạm trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng, giao đất để thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate tại địa chỉ 28E Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang). Đây là dự án do Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (Công ty Đỉnh Vàng) đầu tư với tổng mức đầu tư 1.250 tỉ đồng.

 

    Báo Tuổi trẻ TP.HCM (06/7) cho biết, trong cuộc trao đổi với báo, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng với các tội phạm về tham nhũng, kinh tế thì hình phạt hướng đến trừng phạt mạnh về kinh tế là phù hợp. Nhiều nước đã cho phép người phạm tội nộp tiền thay cho ngồi tù đối với những hành vi phạm pháp mà việc buộc ngồi tù không cần thiết. Tội phạm kinh tế khi không bị ngồi tù vẫn có thể lao động, làm nghề có ích, không gây mất an ninh trật tự như tội phạm trộm cắp, cướp giật - tất nhiên là phải chịu sự kiểm soát. Ông Bùi Văn Xuyền, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với việc cần khuyến khích người phạm tội tham nhũng, kinh tế chủ động nộp lại các tài sản tham nhũng, thất thoát và có biện pháp giảm nhẹ, thậm chí giảm nhẹ đặc biệt với họ. Ông Lê Nam, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, mục đích quan trọng của chống tham nhũng không chỉ là thu hồi tài sản thất thoát mà cao hơn là bảo vệ hệ thống pháp luật, quyền sở hữu của Nhà nước và sự liêm chính của bộ máy công quyền, trừng phạt người vi phạm... Tuy nhiên, nếu cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng sau khi bị cơ quan thanh tra, điều tra phát hiện hoặc đang trong quá trình điều tra, truy tố thì chỉ nên coi là tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp khắc phục ngay toàn bộ tài sản tham nhũng có thể được xem xét khoan hồng đặc biệt hay mức kỷ luật nhẹ nhưng vẫn phải có xử lý chứ không phải là tha bổng.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Thanh niên, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ TP.HCM, VnExpress, VietNamNet, SGGP, Sóc Trăng, Long An, Đài PTTH Sóc Trăng, Đài PTTH Long An, Đài THVN, Đài TNVN (06-07/7) cho biết, Đoàn Kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng Đoàn đã có các buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An để thông báo kết quả kiểm tra theo Kế hoạch số 18-KH/BCĐTW, ngày 23/3/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiểm tra chuyên đề phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giá, kinh tế, tiêu cực.

 

    TTXVN, báo Công an nhân dân, Tin tức, VietNamplus, Lao động, Người Lao động, Giao thông, Thanh niên, VnExpress, VietNamnet, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Đài TNVN (07-08/7) đưa tin, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với Phan Ngọc Thắng, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Minh để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, tháng 9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Minh. Kết quả điều tra đã xác định: Trong quá trình tham gia là thành viên Hội đồng định giá tài sản, bị can Thắng với vai trò là đại diện cơ quan chuyên môn của huyện đã đưa ra phương pháp phân loại tài sản không có căn cứ, không đúng thực tế, vi phạm nguyên tắc về hoạt động định giá tài sản, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền lớn.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (07-08/7) cho biết, ngày 12/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép… Vụ án này, 11 người bị truy tố tội nhận hối lộ, gồm ông Lê Văn Minh, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; Lê Xuân Thanh, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Thiếu tá Lưu Thế Đức, cựu phó đoàn trưởng Trinh sát 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Đại tá Phạm Văn Trên cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh… Riêng ông Nguyễn Thế Anh còn bị truy tố thêm tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Ngoài ra, Đại tá Phùng Danh Thoại, cựu trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển bị truy tố tội buôn lậu. Theo cơ quan tố tụng, từ tháng 3/2020 đến tháng 02/2021, Phan Thanh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh cùng đồng phạm buôn lậu khoảng 200 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng. Trong đó, Thoại tham gia góp vốn, ăn chia lợi nhuận, hưởng lợi hơn 22 tỉ đồng. Đặc biệt, để đường dây buôn lậu nêu trên hoạt động trong thời gian dài còn do các sai phạm có tính chất “đặc biệt nghiêm trọng” xảy tại một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam. Cựu tư lệnh Minh bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đã trực tiếp nhận và thông qua vợ con, nhận của Hữu tổng số tiền 6,9 tỉ đồngđể “tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê” cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng trên biển. Trong vụ án trên, tổng số tiền thu được trong quá trình bắt giữ, khám xét và các bị cáo khắc phục hậu quả hơn 34 tỉ đồng. Ở một diễn biến khác, cùng ngày, các báo này cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành cáo trạng truy tố Hữu cùng 72 đồng phạm về tội buôn lậu. Riêng Ngô Văn Thụy, cựu đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bị truy tố về tội nhận hối lộ.

 

    Báo Người Lao động (08/7) có bài: “Cận cảnh tuyến đường 160 tỉ bị “nắn cong” để qua đất 20 cán bộ ở Trà Vinh”. Bài báo cho hay, đã 13 năm, dù Thanh tra tỉnh Trà Vinh kết luận dự án tuyến đường số 1 (thị xã Trà Vinh, nay là TP Trà Vinh) do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Năm 2006, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt đầu tư dự án tuyến đường số 1 với chiều dài 2,2 km, tổng mức đầu tư hơn 141 tỉ đồng. Sau đó, dự án được điều chỉnh, mở rộng và bổ sung dự toán, nâng tổng mức đầu tư lên gần 160 tỉ đồng, khởi công năm 2009. Theo phản ánh của người dân, quá trình thi công, tuyến đường này bất ngờ bị “nắn cong” xuyên thẳng vào đất và nhà của người dân vốn không nằm trong quy hoạch. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, một số cán bộ đã cố tình làm thay đổi vị trí, quy mô dự án với mục đích “nắn” con đường vào khu đất của mình để được hưởng bồi thường. Thanh tra xác định dự án có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp giữa các bên với mục đích tư lợi cá nhân, đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan điều tra để làm rõ. Tuy nhiên, đến nay vụ việc này chưa kết thúc.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (08/7) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra, đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 6 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ xảy ra tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan. Đây là vụ án liên quan đến vụ “chạy án” cho Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức Nguyễn Minh Quân. Trong đó, bị can Bùi Trung Kiên, nguyên cán bộ Phòng 6 thuộc C03, bị đề nghị về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị can bị đề nghị truy tố về tội môi giới hối lộ, gồm: Lê Thanh An, cựu cán bộ C03; Nguyễn Ngọc Triệu, nguyên Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cựu sư trụ trì chùa Nôm (Hưng Yên); Trần Văn Long, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông du lịch Việt; Bùi Thị Hồng Giang, luật sư; Hà Duy Tuấn, ở tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo kết luận điều tra, năm 2021, ông Quân bị C03 điều tra về hành vi vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Lo sợ bị bắt nên Quân đã liên hệ với Kiên nhờ giúp. Kiên khai nhận của ông Quân 5 lần với tổng cộng 2,2 triệu USD. Các báo này (10/7) cho biết, nhóm “Môi giới hối lộ” để “chạy án” cho Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định gồm 5 bị can, trong đó, hành vi của ông Long và bà Giang đã phạm vào tội “Môi giới hối lộ” với số tiền tương đương hơn 36,4 tỉ đồng.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (09/7) đưa tin, Cơ quan điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (RESCO). Trước đó, năm 2020, Thanh tra thành phố đã công bố kết luận thanh tra năm 2017, 2018 trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại RESCO. Kết luận chỉ ra việc RESCO chi tùy tiện hơn 54 tỉ đồng và đánh giá việc này “có sự buông lỏng lãnh đạo quản lý, tùy tiện trong công tác kế toán thu, chi tiền, dễ dẫn đến việc thất thoát tài sản nhà nước và phát sinh tham ô, tham nhũng”. Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt bất thường, sai phạm tài chính, đầu tư tại 6 dự án. 

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (04/7) cho biết, Ủy ban Chống tham nhũng (ACC) ra mắt thêm 12 văn phòng cấp quận/huyện nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tình trạng tham nhũng và vi phạm pháp luật trên toàn Bangladesh. Với các văn phòng mới này, tổng số văn phòng chống tham nhũng cấp quận/huyện của ACC hiện là 36. Thủ tướng Bangladesh theo đuổi chính sách “không khoan nhượng”với tham nhũng. Bà cũng đã thực thi nhiều hành động cụ thể để giải quyết vấn nạn này, như tăng lương cho cán bộ, viên chức nhà nước; đặt đúng người, đúng vị trí; phát triển cơ sở hạ tầng, chuẩn bị cho các vị trí công tác, cung cấp thêm công ăn việc làm và các phương tiện giao thông tốt hơn...

 

    Báo Thanh tra (05/7) đưa tin, các thẩm phán cấp cao ở Abu Dhabi đã lên chương trình hành động để nâng cao nỗ lực của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong việc chống rửa tiền và bảo vệ tất cả mọi người khỏi tội phạm tài chính. Việc củng cố các cơ chế chống rửa tiền là một bước quan trọng và là một phần trong nỗ lực tăng cường kiểm soát trong cuộc chiến chống lại những tội phạm như vậy. UAE khẳng định cam kết làm việc với đối tác quốc tế để phát hiện và trừng phạt tội phạm cũng như kiềm chế các mạng lưới tài chính bất hợp pháp. Văn phòng Điều hành Phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho biết, UAE đã tịch thu 2,33 tỷ Dh (634 triệu USD) vào năm ngoái trong một cuộc chiến chống tội phạm tài chính.

 

    Báo Thanh tra (05/7) cho biết, mặc dù người đứng đầu Tổ chức Đánh giá Giáo dục Iran phủ nhận có tham nhũng trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học đã được chuẩn hóa, nhưng các cáo buộc vẫn tạo nên cơn “rung chấn” đối với nền giáo dục nước này. Trước cáo buộc đề thi bị rò rỉ và được bán ra với số tiền khổng lồ, ông Abdolrasoul Purabbas, người đứng đầu Tổ chức Đánh giá của Bộ Giáo dục đại học, đã tuyên bố trong một chương trình do Đài Truyền hình nhà nước (IRIB) phát sóng, rằng nội dung tố cáo tham nhũng trong việc tổ chức các kỳ thi là không đúng. 

 

    Báo Thanh tra (08/7) cho biết, nhóm các quốc gia chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu (GRECO), trong một báo cáo được công bố đã kêu gọi các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn tham nhũng ở Serbia đối với những người có chức năng hành pháp hàng đầu, bao gồm cả lãnh đạo nhà nước, các bộ trưởng, cố vấn chính trị, cũng như lực lượng cảnh sát Serbia. Trong báo cáo, GRECO ghi nhận vai trò trung tâm của Cơ quan Phòng, chống tham nhũng Serbia ở nhiều khía cạnh: Thông qua kế hoạch liêm chính của các cơ quan công quyền để kiểm soát tham nhũng, kê khai tài sản của công chức, đào tạo và tư vấn cũng như các quy tắc vận động hành lang. Tuy nhiên, theo GRECO, có một số lĩnh vực cần cải tiến. 

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 

 

    - Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về năm luật vừa được Quốc hội thông qua;

    - Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” làm việc với Đảng ủy, Ban cán sự đảng mốt số cơ quan Trung ương;

    - Đoàn Kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông báo kết quả kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng và Long An;

    - Đề nghị truy tố nguyên cán bộ C03 vì liên quan đến vụ “chạy án” cho Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. 

 Nguồn: Noichinh.vn