Skip to main content

    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Các báo (05/3) đưa tin, Tòa án nhân dân quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm ba cựu cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an thành phố về tội lạm quyền trong thi hành công vụ. Các bị cáo đã thể hiện hành vi xem thường pháp luật; gây mất an ninh trật tự tại nơi giam giữ các phạm nhân, ảnh hưởng đến công tác quản lý bị can, phạm nhân. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đỗ Tiến Dũng (cựu thiếu tá, đội trưởng Đội quản giáo) 3 năm tù; Nguyễn Duy Đạt (cựu thượng úy, cán bộ Đội cảnh sát bảo vệ) 2 năm 6 tháng tù; Lê Thành Toàn (chiến sĩ nghĩa vụ Đội cảnh sát bảo vệ) 3 năm tù và tịch thu sung vào công quỹ số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo là 58,5 triệu đồng.

 

    Các báo (06/3) đưa tin, Bộ Công an ra thông báo về hai tổ chức đã và đang hoạt động khủng bố, gồm: Tổ chức khủng bố “Nhóm Hỗ trợ người Thượng”, do các đối tượng Y Mut Mlô và Y Duen Bdăp (nguyên là thành viên tổ chức “Quỹ người Thượng - MFI” ở Mỹ) tuyên bố thành lập năm 2011, nhằm móc nối, lôi kéo người dân tộc thiểu số sử dụng bạo lực, tiến hành khủng bố, kích động biểu tình, bạo loạn vũ trang đòi ly khai, tự trị, thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên. Đối tượng cầm đầu, chỉ huy là Y Mut Mlô tại Đắk Lắk (Chủ tịch); Y Duen Bdăp (Phó Chủ tịch); Y Bion Mlô (phụ trách đối ngoại); Y Lhưl Byă (phụ trách truyền thông) và các thành viên cốt cán khác... Một tổ chức khác là: “Người Thượng vì công lý”, do các đối tượng Y Quynh Bdap, Y Phik Hdok, Y Pher Hdrue, Y Aron Êban, H’ Sarina Krong, H’ Tlun Bdap, Y Ruing Knul, H Mla Hdruẽ thành lập tháng 7/2019 tại Thái Lan và hoạt động tại Mỹ từ tháng 4/2023. Đối tượng cầm đầu, chỉ huy: Y Quynh Bdap, tại xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk; Y Phik Hdok, tại buôn M’Duk, Thành phố Buôn Ma Thuột; Y Pher Hdrue, tại buôn Êa Khít, xã Êa Bhôk, huyện Cư Kuin; H’ Biăp Krông, tại buôn Kwăng, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ; Y Aron Êban, tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk...

 

    Đài THVN, báo VietNamPlus, Dân trí, Thanh niên, Lao động, Báo mới và một số báo (06/3) đưa tin, liên quan đến vụ bốn nữ tiếp viên hàng không xách tay hơn 11 kg ma túy bị phát hiện tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan chức năng khởi tố 183 vụ án và 502 bị can về nhiều tội danh khác nhau liên quan đến ma túy; đồng thời, xử lý hành chính 86 người liên quan. Trong quá trình điều tra, các đối tượng bước đầu thừa nhận trước khi bị bắt đã mua bán trót lọt 138 kg ma túy với tổng số tiền hơn 22.000 tỷ đồng. 

 

    TTXVN và các báo (07/3) đưa tin, Công an TP. Hà Nội bắt tạm giam, khám xét đối với Nguyễn Chí Tuyến, trú tại số 14, ngách 243/7 Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên và Nguyễn Vũ Bình, trú tại số 2, ngõ 60, Yên Lạc, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng để điều tra về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Theo cơ quan Công an, đối tượng Nguyễn Chí Tuyến đã nhiều lần sử dụng các trang mạng xã hội để khai thác thông tin tiêu cực, sai trái kích động, tuyên truyền sai sự thật.

 

    Các báo (08/3) đưa tin, Công an tỉnh Ninh Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Vũ Ngọc Tý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý ATV có địa chỉ tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quá trình điều tra xác định, từ khoảng đầu năm 2020, Vũ Ngọc Tý giới thiệu bản thân có mối quan hệ với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương nên có 6,8 ha đất có giá trị cao tại phường Đông Thành, TP. Ninh Bình. Tý đã đề nghị ông L.H.Th, ở phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình đưa 5,6 tỷ đồng để “ngoại giao” và nộp thuế thì sẽ “cắt” cho ông 1,5 ha đất tại khu đất trên. Tin tưởng Tý, ông Th. đã nhiều lần chuyển số tiền lên tới 8,2 tỷ đồng. Sau đó, ông Th. nhận được 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. 

 

    Các báo (08/3) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ thứ 37, xem xét, kết luận một số nội dung. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện. Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các ông, bà: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng; Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng; các ông, bà nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng và nhiều cá nhân khác. Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm thuộc về Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các ông, bà: Đỗ Thị Kim Thư, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án; Nguyễn Tiến Tăng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh… Xem xét đề nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Hà Giang về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông, bà: Phạm Đình Cự, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Nguyễn Tư Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai; Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. Xem xét kết quả giám sát đối với Ban cán sự đảng và các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng và các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra.

a

Quang cảnh Kỳ họp thứ 37 của Ủy Ban kiểm tra Trung ương

    Đài THVN và một số báo (09/3) đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Phạm Thị Hà, trú tại xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, khoảng tháng 5/2021, Hà đã làm quen với một nữ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Thanh Hóa tên là T. và tự giới thiệu mình là một doanh nhân thành đạt, đang có dự án kinh doanh trên lĩnh vực cao su, có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo có thể xin cho công ty của bà T. trúng đấu giá một dự án lớn là thanh lý 163,2 ha vườn cao su tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Tin tưởng vào giới thiệu và cam kết của Hà, ngày 06/5/2021, bà T. đã ký “Hợp đồng đặt cọc” với Hà để thỏa thuận chi phí làm thủ tục và bảo đảm cho công ty bà T. trúng thầu dự án 10 tỷ đồng. Quá trình thỏa thuận, Hà yêu cầu bà T. đặt cọc trước 5 tỷ. Sau khi nhận số tiền đặt cọc, Hà đã sử dụng vào sinh hoạt, chi tiêu cá nhân.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 

    Theo TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (05/3) đưa tin, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định tạm giữ và lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Mai Xuân Hữu về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, lợi dụng danh nghĩa phóng viên (trước đây là cộng tác viên của một số tờ báo, gần đây, Mai Xuân Hữu tự xưng là Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Môi trường & Cuộc sống tại tỉnh Quảng Bình), Mai Xuân Hữu thông tin bản thân có mối quan hệ với các cơ quan chức năng và giới thiệu có khả năng can thiệp, tác động để các xe tải của các cá nhân, doanh nghiệp có thể thuận lợi trong việc lưu thông. Một số chủ doanh nghiệp tin tưởng và nhiều lần đưa tiền cho Hữu “lo việc” đi lại thuận lợi. Tổng số tiền mà Mai Xuân Hữu chiếm đoạt là hơn 100 triệu đồng.

 

    Các báo (05/3) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị xét xử về 3 tội danh tham ô tài sản; đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 85 bị cáo (trong đó có 05 bị cáo đang bị truy nã), bao gồm các cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước, bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng, vi phạm về hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác liên quan đến ngân hàng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Báo Tiền Phong, Baomoi.com và một số báo (04/3) phản ánh thêm, Vụ Vạn Thịnh Phát: Cán bộ duy nhất không nhận hối lộ từ SCB vẫn bị truy tố. Theo thông tin, ông Nguyễn Văn Du, nguyên Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng là người trực tiếp ký kết luận thanh tra tại Ngân hàng SCB, gây thiệt hại hơn 514.102 tỷ đồng nhưng ông được xác định không nhận lợi ích, nên bị truy tố tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. C03 khẳng định, nội dung kết luận thanh tra số 3959 do ông Du ký thể hiện không trung thực, không đúng so với kết quả thanh tra về tình hình, thực trạng tài chính, vi phạm, sai phạm và các kiến nghị đối với SCB. Ông Du thừa nhận thiếu trách nhiệm khi ký ban hành các nội dung, kết luận thanh tra. Tuy nhiên, C03 cho rằng, ông Du không biết việc bà Đỗ Thị Nhàn đã báo cáo không trung thực và cố tình che giấu, bưng bít sai phạm của SCB. Trong các lần gặp, ông Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn có đưa quà, song ông Du đều không nhận và trả lại. Baomoi.com, báo Phụ nữ TP.HCM (09/03) thông tin, sau khi xét hỏi nhóm bị cáo là thành viên trong Đoàn thanh tra, Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi đến 05 cựu cán bộ công tác tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hơn 677.000 tỷ đồng. Báo Tiền phong, Baomoi.com và các báo (10/3) cho biết, bà Trương Mỹ Lan và các bị can sử dụng nhiều cá nhân mở tài khoản tại SCB để ký rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền lòng vòng vào tài khoản của công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, cuối cùng chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Lan. Cụ thể, từ 2012 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm của mình với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 10/2022, nhóm bà Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.200 tỷ đồng. Hiện các khoản nợ này không có khả năng thu hồi.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (05/3) đưa tin, Công an tỉnh Tuyên Quang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Đoàn, Chi Cục trưởng Chi cục Dự trữ nhà nước tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Anh Tuấn, Kế toán trưởng. Kết quả điều tra xác định: Từ năm 2022, Nguyễn Văn Đoàn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo và cùng Nguyễn Anh Tuấn làm sai lệch thủ tục đấu thầu nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước để hưởng lợi cá nhân.

 

    Các báo (06/3) đưa tin, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên bị cáo Trương Quang Việt, cựu Giám đốc CDC Hà Nội 36 tháng tù treo và Lê Minh Tuyến, cựu Trưởng phòng tài chính CDC Hà Nội 30 tháng tù treo trong vụ sai phạm mua kit test của Việt Á. Theo cáo trạng, tháng 6/2020, Việt và Tuyến mời Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) đến bàn thống nhất trả tiền mua 61.000 kit xét nghiệm Việt Á và chỉ đạo cấp dưới xây dựng hồ sơ bảo đảm cho Công ty này tham gia đấu thầu và trúng thầu. Cơ quan tố tụng xác định, CDC Hà Nội mua kit xét nghiệm với số tiền 13,1 tỷ đồng và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 9,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra làm rõ, theo chỉ đạo của bị cáo Việt, Tuyến nhận tiền ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Việt được hưởng lợi 500 triệu đồng và bị cáo Tuyến hưởng lợi 831 triệu đồng.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (07/3) đưa tin, Công an tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối với ông Phạm Quốc Dân, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Khởi tố, bắt tạm giam Bùi Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Xây lắp 579 Hà Nội và Nguyễn Viết Thành, nguyên nhân viên Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư xây dựng Triệu Xuân Thịnh cùng về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Cả ba bị can có sai phạm liên quan đến Dự án khôi phục và Dự án bảo tồn do Vườn quốc gia U Minh Thượng làm chủ đầu tư, có tổng nguồn vốn gần 227 tỷ đồng.

 

    Theo báo Thanh tra (07/3) đưa tin, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai thành lập tổ kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai. Sai phạm tại Văn phòng này đã được Báo Thanh tra phản ánh trong bài viết “Vì sao hàng loạt cán bộ và lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện ở Gia Lai bị bắt”. Trước đó, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành bắt giam ông Lê Cảnh Phú, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai (nguyên Trưởng phòng Đăng ký cấp giấy chứng nhận của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”. Trước đó nữa, Công an tỉnh đã bắt giam ông Đỗ Minh Hiếu, nhân viên hợp đồng Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai, cấp dưới của Phú với hành vi tương tự.

 

    Theo Đài TNVN và các báo (07/3) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Mai Xuân Anh, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đồng phạm về tội tham ô tài sản. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Phạm Thị Nhung, nguyên Trưởng Ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh được Mai Xuân Anh giao thực hiện các kế hoạch về tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; tặng quà cho công nhân, lao động trong các khu cách ly tập trung do dịch nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Tổng dự toán hơn 989,7 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện các gói thầu, các đối tượng đã nâng giá mua thực phẩm cao hơn thực tế và thỏa thuận chiết khấu nhưng không ghi trong hợp đồng để chiếm đoạt hơn 220,7 triệu đồng. Căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi, Hội đồng xét xử tuyên phạt Mai Xuân Anh 5 năm 6 tháng tù; Phạm Thị Nhung 4 năm tù; bị cáo Phạm Dũng bị tuyên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

 

    Các báo (07/3) đưa tin, Công an quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Phạm Phương, Trưởng Ban quản trị chung cư Miếu Nổi để điều tra về tội tham ô tài sản. Liên quan vụ án này, cơ quan chức năng cũng truy tố tội danh trên đối với ông Đinh Việt Cường, Phó Ban quản trị; ông Phan Dương Đại, Công ty thang máy Đại Tiến do không minh bạch trong thu, chi.

 

    Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (08/03) đưa tin, mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” do Nguyễn Văn Hậu và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (Công ty Bất động sản Thăng Long) và các đơn vị liên quan. Căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Hậu, các bị can, đối tượng liên quan, tài liệu điều tra xác minh tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định: Khởi tố bổ sung vụ án về các tội “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với: Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cùng về tội “Nhận hối lộ”. Khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với: Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ngãi; Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, tỉnh Quảng Ngãi; Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ngãi và Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với: Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

 

    Báo VietNamNet, Baomoi.com và một số báo (09/3) đưa tin, Công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS - THPT và Dân tộc nội trú huyện để điều tra hành vi “tham ô tài sản”. Trước đó, ông Nguyễn Văn Nam bị tố cáo với 12 nội dung vi phạm nghiêm trọng, trong đó có việc lợi dụng tư cách người đứng đầu hạ kết quả thi đua của giáo viên trong hai năm học liên tiếp (năm 2020-2021, 2021-2022). Ông Nam còn bị tố cáo nhiều vấn đề về chế độ tài chính; lợi dụng chức vụ để trục lợi. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh và kết luận có một số nội dung tố cáo đúng nên đã kiến nghị xem xét, xử lý đối với hiệu trưởng và cá nhân có liên quan.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Đài TNVN, Baomoi.com (04/3) đưa tin, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và 5 đồng phạm khác trước cáo buộc lạm quyền trong việc đấu thầu dự án Chính phủ trị giá 240 triệu baht được Tòa án tối cao tuyên trắng án. Không có bằng chứng nào chứng minh rằng người trúng thầu dự án được hưởng bất kỳ sự đối xử đặc biệt nào. Tòa án cũng thu hồi lệnh bắt giữ bà Yingluck. Trước đó, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan đã cáo buộc bà Yingluck và các đồng phạm về tội danh lạm quyền, không tuân thủ quy trình đấu thầu trong hợp đồng Chính phủ “Thailand 2022 Roadshow” trị giá 240 triệu baht (6,7 triệu USD). Vào tháng 12/2023, bà Yingluck cũng được Tòa án tối cao Thái Lan tuyên bố trắng án cho cáo buộc lạm dụng chức vụ liên quan tới quyết định bổ nhiệm Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan vào năm 2011.

 

    Báo Thanh tra (07/3) đưa tin, Tổng thống Liberia Joseph Boakai ban hành mệnh lệnh hành pháp để xác định và thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát và truy tố các quan chức, cựu quan chức tham nhũng. Đây là động thái mới nhất trong cuộc trấn áp nạn tham nhũng được phát động kể từ khi ông Joseph Boakai nhậm chức Tổng thống vào tháng 1 năm nay. Tổng thống Boakai đã có hành động cứng rắn trong cuộc chiến chống tham nhũng thông qua chỉ đạo Ủy ban Kiểm toán Nhà nước Liberia tiến hành kiểm toán Ngân hàng Trung ương, Cơ quan An ninh quốc gia và Cơ quan Bảo vệ hành pháp. Tổng thống Joseph Boakai đã kê khai tài sản của mình với Ủy ban Chống tham nhũng Liberia. Đây là một động thái đáp ứng yêu cầu chính của Quy tắc Ứng xử dành cho quan chức nhà nước. Liberia xếp hạng 145 trên 180 quốc gia về Chỉ số cảm nhận tham nhũng đánh giá mức độ tham nhũng khu vực công năm 2023.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

 

    - Kỳ họp thứ 37 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;

    - Khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc;

    - Xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB;

    - Khởi tố 183 vụ án, 502 bị can vụ tiếp viên hàng không xách ma túy;

    - Cựu Giám đốc CDC Hà Nội bị tuyên 36 tháng tù treo.

 

TẠP CHÍ NỘI CHÍNH