Skip to main content

   CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN, Công an nhân dân và một số báo (10/7) thông tin, Bộ Công an cảnh báo về ba nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng ở Việt Nam (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác). Các nhóm lừa đảo này nhắm vào các đối tượng là: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng. Các hình thức gồm: Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; tuyển cộng tác viên online; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng... 

 

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (11/7) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can trong đường dây vận chuyển trái phép hơn 4.355 tỷ đồng ra nước ngoài. Kết quả điều tra xác định: Đào Thị Oanh, Giám đốc các Công ty TNHH: Thương mại dịch vụ ADIA, Hỗ trợ dịch vụ khu công nghiệp Việt Nam, East Global Việt và Tư vấn du học DO Việt Nam cùng đồng phạm làm dịch vụ ra nước ngoài cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa khống để làm thủ tục chuyển tiền điện tử qua ngân hàng, theo hình thức tạm ứng thanh toán trước từ 50% đến 70% giá trị hợp đồng nhập khẩu. Sau khi chuyển tiền ra nước ngoài, các đối tượng cho giải thể công ty để che giấu hành vi phạm tội. Với thủ đoạn trên, năm 2021-2022, Oanh và đồng phạm đã chuyển trái phép hơn 4.355 tỷ đồng ra nước ngoài.

 

    Báo Nhân dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (13/7) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị. Hội nghị đã đánh giá kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm, qua đó, đã tham mưu tổ chức Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo, Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bám sát vụ án, vụ việc, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng tiến độ chỉ đạo, xử lý theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Ban đã tích cực triển khai xây dựng các Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và Lễ ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều hoàn thành đúng tiến độ nhiều nhiệm vụ quan trọng khác...

aa

Các đồng chí chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban Nội chính Trung ương

    Các báo (13/7) cho biết, tại Kỳ họp thứ 30, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định: Cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các đồng chí: Nguyễn Đức Quyền, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Vũ Việt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn; Vũ Đình Xinh, Đào Trọng Quy, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Khiển trách Đảng đoàn HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 và các đồng chí: Lê Anh Tuấn, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh... Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các đồng chí: Mai Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều lãnh đạo tỉnh, sở, ngành tỉnh Thanh Hóa. Đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Thanh Trì, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu và xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN và các báo (15/7) cho biết, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ 3 đối tượng trốn lệnh truy nã trong vụ tấn công vào trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin xảy ra vào rạng sáng 11/6 vừa qua, gồm: Nay Yên, trú tại buôn Ea Klok, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk; Nay Tam, trú tại buôn Ađrơng Điêt, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk và Y Ju Niê, trú tại buôn Kang, xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Đây là 3 trong 6 đối tượng trực tiếp tham gia vụ tấn công vào trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, đang bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh  ra quyết định truy nã đặc biệt về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (10/7) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội. Theo điều tra, Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị đã đặt hàng Công ty Công viên cây xanh Hà Nội 10 hợp đồng trị giá hơn 241 tỷ đồng; Công ty Sinh Thái Xanh 6 hợp đồng, hơn 43 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng, một bị can (là cán bộ thuộc Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị) đã nâng khống giá cây xanh, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 34 tỷ đồng. Đây là vụ án thứ tư mà ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, truy tố. Hiện Nguyễn Đức Chung đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án: Chiếm đoạt tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường, mua sắm chế phẩm Redoxy-3C và can thiệp đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và một số báo (10/7) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với Vũ Văn Tiên, Phó Giám đốc; Đỗ Văn Xuân, nguyên Phó Giám đốc và Phan Văn Hùng, nguyên đăng kiểm viên Trung tâm đăng kiểm 81-03D để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”. Cùng với đó, Cơ quan điều tra đã tiến hành lệnh khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Ngọc Phước làm nghề kinh doanh xe ô tô về hành vi “Đưa hối lộ”. Trước đó, tại Trung tâm đăng kiểm 81-05D, Cơ quan điều tra tỉnh Gia Lai cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Minh Lượng, Giám đốc và Lê Đình Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 81-05D để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”. 

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (11/7) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ”; 23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ”; 04 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 04 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ”; 01 bị cáo bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 01 bị cáo bị truy tố về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”. Vụ án này có số lượng luật sư bào chữa kỷ lục trong số các phiên tòa tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội với gần 120 luật sư. Dự kiến Phiên tòa kéo dài trong 30 ngày. VietNamnet và một số báo (12/7) thông tin thêm, bị cáo buộc số tiền đưa hối lộ lên tới hơn 100 tỷ đồng, tại tòa bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky khai không nhớ hết những lần đưa tiền. Việc thẩm vấn 02 bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) để làm rõ hành vi đưa hối lộ của bị cáo Sơn, Hằng và hành vi môi giới hối lộ hơn 61 tỷ đồng của Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18 tỷ đồng của Hoàng Văn Hưng, Trưởng Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Báo Người Lao động và các báo (13/7) cho biết, tại phiên tòa, Nguyễn Anh Tuấn khai đã nhiều lần chuyển tiền cho Hoàng Văn Hưng “chạy án” giúp nữ doanh nhân trong vụ chuyến bay giải cứu. Cựu Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội khai rất rõ từng lần nhận tiền từ nữ Phó Giám đốc doanh nghiệp và đưa lại cho Hưng. Bị cáo thừa nhận đã nhận của Hằng 2,65 triệu USD rồi chuyển cho Hưng. Các báo (16/7) tiếp tục phản ánh, trong 4 ngày xét hỏi của phiên tòa sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, có 03 bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận các cáo buộc theo nội dung cáo trạng. (1) Bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thái Hòa cả 2 tội danh đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Viện Kiểm sát truy tố. (2) Bị cáo Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định không nhận tiền từ bất kỳ cá nhân hay đại diện doanh nghiệp nào liên quan đến chuyến bay giải cứu. (3) Bị cáo Hoàng Văn Hưng, Cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an không thừa nhận hành vi phạm tội, bác bỏ cáo trạng, khẳng định không có chuyện nhận tiền thông qua Nguyễn Anh Tuấn để chạy án cho Hằng và Sơn.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (12/7) thông tin, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa quyết định khởi tố bị can, khám xét và bắt tạm giam ông Lê Đắc Thanh, Kiểm sát viên, Trưởng Phòng 2, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình về tội nhận hối lộ. Ông Thanh được xác định liên quan đến vụ án Phan Sinh Thành, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch phạm tội “Cố ý gây thương tích” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Trong quá trình Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xét xử sơ thẩm, Phan Sinh Thành tố cáo ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân đã nhận của mình 2,7 tỷ đồng để “chạy án”. Bị cáo Phan Sinh Thành khai thông qua Thuận và Thuận nói đã đưa tiền cho một kiểm sát viên nhằm mục đích giảm nhẹ án.

 

    Báo Nhân dân điện tử và một số báo (12/7) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thúy Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại (nhiệm kỳ 2021-2026) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, năm 2022, do làm ăn thua lỗ, bà Vân đã vay tiền của một số người với lãi suất cao để đáo hạn ngân hàng và hứa trả trong 3 ngày đến 2 tuần. Với thủ đoạn trên bà Vân đã lừa đảo hơn 4 tỷ đồng. Các báo (12/7) thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Tường Khoa, nguyên Phó Phòng tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu Lâm Đồng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình xác minh, cơ quan Công an có đủ căn cứ xác định bị can Khoa có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Một số bị hại khác đã có đơn gửi cơ quan Công an tố cáo Khoa chiếm đoạt của họ khoảng 5 tỷ đồng.

 

    Các báo (13/7) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Bên cạnh đó, anh trai bà Nhàn là ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Phúc Hưng cũng bị đề nghị truy tố về tội danh trên. Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 14 bị can khác, trong đó có Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Phó tổng Giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng AIC; Hoàng Đình Sơn, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình y tế Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh; Phạm Ngọc Dũng, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh (cựu chuyên viên Phòng kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế); Nguyễn Quý Thịnh, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế… Các báo (15/7) thông tin thêm, tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bị can Nhàn giao Nguyễn Hồng Sơn và Trương Thị Xuân Loan, Trưởng Ban Quản lý dự án 3 trực tiếp thực hiện. Mặc dù không có năng lực, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh hồ sơ, làm, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, gian lận trong đấu thầu. Ngoài ra, bị can Nhàn chỉ đạo 3 cấp dưới sử dụng các công ty trong hệ sinh thái và các công ty có quan hệ phụ thuộc, tham gia dự thầu với vai trò “quân xanh” cho Công ty AIC trúng thầu. Qua đó, Công ty AIC đã trúng 4 gói thầu, Công ty Mopha trúng 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi với tổng số tiền 232,19 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (13/7) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với Mai Xuân Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh và Phạm Thị Nhung, Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, để điều tra về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương.

 

    Các báo (13/7) dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt tạm giam Nguyễn Hồng Đức, Phó Giám đốc, kiêm Tổ trưởng tổ thiết kế thi công xe, Công ty TNHH Lửa Hồng và Nguyễn Anh Dũng, nhân viên của Công ty này để điều tra về hành vi đưa hối hộ. Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2015, Nguyễn Hồng Đức, Nguyễn Anh Dũng nhận từ 2 triệu đến 4,5 triệu đồng mỗi xe để làm hồ sơ cải tạo, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật. Hai người này đã sử dụng một phần tiền thu được từ chủ phương tiện đưa hối lộ cho các đăng kiểm viên thực hiện việc nghiệm thu. 

 

    TTXVN, VietNamPlus, Công thương, Dân Việt, Dân trí và một số báo (13/7) đưa tin, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã có thông tin chính thức về kết quả xử lý vi phạm trong đấu giá đất tại khu vực Đồng Quan (thôn 5, xã Quỳnh Hưng). Đây là vụ việc gây xôn xao dư luận trong những ngày qua tại tỉnh Nghệ An vì ông Nguyễn Văn Trọng, công chức Tài chính - Kế toán, xã Quỳnh Bá (em ruột của ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện - người đã ký quyết định phê duyệt giá đất để đấu giá các lô đất trên) trúng đấu giá 23/56 lô đất. Sau khi nắm thông tin, dư luận và qua báo chí phản ánh về những “bất thường” trong việc đấu giá đất tại xã Quỳnh Hưng, UBND huyện đã rà soát, xử lý sự việc và không công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 23 lô đất do vi phạm các quy định của pháp luật; kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của Tổ Giám sát đấu giá đất của UBND huyện trong việc để xảy ra sai sót trong quá trình giám sát đấu giá các lô đất nêu trên. Thường trực Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo kiểm điểm đảng viên, công chức Nguyễn Văn Trọng theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Lao động, Thái Nguyên, Hòa Bình, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN và một số báo (14/7) thông tin, Công an tỉnh Phú Thọ vừa đồng loạt triển khai các lực lượng tiến hành bắt, khám xét đối với 05 đối tượng về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến đất đai tại thị xã Phú Thọ. Các đối tượng gồm: Nguyễn Tiến Lâm, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND thị xã; Đoàn Kim Nho, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã; Nguyễn Việt Dũng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường; Trần Xuân Trung, cán bộ địa chính xã Hà Lộc và Vi Khắc Tuân, cán bộ địa chính xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ. Ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét đối với 3 đối tượng gồm: Nguyễn Công Hàm, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lung; Hà Thị Hồng Dung, Chủ tịch UBND xã Hà Thạch và Phùng Hữu Sỹ, Chủ tịch UBND xã Văn Lung. 

 

    Báo Công an nhân dân, Người Lao động, Đấu thầu, Pháp luật TP.HCM (15/7) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án khai thác “chui” hàng triệu tấn than, xảy ra trên địa bàn. Trong số này, bị can Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy và Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị can Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama bị đề nghị truy tố 2 tội rửa tiền và vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Cơ quan tố tụng cáo buộc ông Vịnh đã ký các văn bản trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam khai thác, tiêu thụ quặng trái phép và nhận 5 tỷ đồng “cảm ơn”. Theo điều tra, số quặng apatit mà Công ty Lilama khai thác thuê cho Công ty Apatit Việt Nam và trực tiếp khai thác lên tới hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 610 tỷ đồng. Công ty Lilama thu về hơn 484 tỷ đồng, Công ty Apatit Việt Nam hưởng lợi hơn 184 tỷ đồng.

 

    Báo Công lý, Đầu tư, Baomoi.com (16/7) phản ánh, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên sắp mở phiên tòa xét xử đối với 09 bị cáo trong vụ “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên. Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 4 - 12/2021, các bị cáo Nguyễn Thị Khương, nhân viên hợp đồng; Trần Thị Vân, cựu Giám đốc Trung tâm quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ; Nguyễn Tuấn Anh, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ đã gây thiệt hại số tiền hơn 13 tỷ đồng. Các bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Phó Phòng Tài chính kế hoạch; Trần Xuân Mạnh, công chức; Nguyễn Đình Hiệp, cựu Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường; Bùi Thị Ánh, công chức đã gây thiệt hại số tiền gần 7 tỷ đồng. Tháng 10/2021, khi thực hiện dự án trên, bị cáo Bùi Mạnh Cường, công chức đã gây thiệt hại số tiền hơn 6 tỷ đồng. Theo Viện kiểm sát, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra, Lao động, Giao thông (12/7) đưa tin, Cục Điều tra Tham nhũng (CPIB) xin ý kiến Thủ tướng Lý Hiển Long để mở cuộc điều tra tham nhũng, theo đó, Bộ trưởng Giao thông S. Iswaran là một trong số những cá nhân đang hỗ trợ các cuộc điều tra của Cục Điều tra này. Tháng trước, Cục Điều tra đã kết thúc cuộc điều tra với hai bộ trưởng khác: Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp K. Shanmugam và Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan về việc thuê các căn bungalow thuộc sở hữu nhà nước. Trong cuộc điều tra này, CPIB kết luận, 2 bộ trưởng không có hành vi sai trái nào và không có xung đột lợi ích. Singapore là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới. Các bộ trưởng và công chức hàng đầu của Singapore nằm trong số những quan chức công được trả lương cao nhất thế giới, với mức lương được so sánh với mức lương cao nhất trong khu vực tư nhân để thu hút nhân tài và ngăn chặn tham nhũng.

 

    Báo Thanh tra (13/7) cho biết, thất bại sau gần 5 năm đấu tranh để được dẫn độ về nước, cựu Bộ trưởng Tài chính - người liên quan trực tiếp đến khoản vay bí mật trị giá 2 tỷ USD khiến Mozambique rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đã bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với phiên tòa xét xử gian lận và tham nhũng. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mozambique Manuel Chang bị cáo buộc nhận hối lộ lên tới 17 triệu USD trong vụ bê bối kéo dài nhiều năm, liên quan đến các khoản vay “bí mật” của Chính phủ. Bộ Tư pháp Nam Phi xác nhận “các cơ quan thực thi pháp luật của Cộng hòa Nam Phi đã giao nộp thành công ông Manuel Chang cho Mỹ vào ngày 12/7/2023”. Ông Chang bị bắt giam ở Nam Phi vào năm 2018 theo Lệnh truy nã đỏ của Interpol do chính quyền Mỹ ban hành nhằm tìm cách dẫn độ. Ngày 13/7, Tòa án quận ở Brooklyn, Mỹ mở phiên xét xử đối với ông Chang.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:

 

    - Kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;

    - Khởi tố 5 bị can trong đường dây vận chuyển trái phép hơn 4.355 tỷ đồng ra nước ngoài;

    - Truy tố ông Nguyễn Đức Chung trong vụ nâng khống giá cây xanh;

    - Xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”;

    - Đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT AIC trong vụ án xảy ra Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

 

Nguồn: Noichinh.vn