Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

     TTXVN, báo Nhân dân, Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Thanh tra, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Thanh niên, Tiền phong, Công lý, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, VietNamnet, Dân trí, VnExpress, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (22-5) đưa tin về ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, hơn 69 triệu cử tri trên cả nước đi Bầu cử để bầu 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 24.993 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 294.055 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Theo Báo cáo của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, kết thúc Bầu cử, tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu khoảng 66.830.360 cử tri, đạt 98,79%. Việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu đều có sự giám sát của cử tri, báo chí… dân chủ, công khai, minh bạch. 

     Báo Điện tử Chính phủ (23-5), Pháp luật Việt Nam (24-5) phản ánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có văn bản yêu cầu Bộ trưởng các Bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; có kế hoạch cụ thể, phân công và xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong soạn thảo, trình văn bản; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kịp thời đối với đơn vị, cá nhân của Bộ, cơ quan để diễn ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.

     TTXVN, báo Nhân dân, Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh niên, Đại đoàn kết, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, VietNamnet, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (25-5) cho biết, tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến về: Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo; dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết quy định về phân loại đô thị; báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

     Báo Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam (25-5) phản ánh, Chính phủ vừa có ý kiến về Dự thảo Kế hoạch triển khai thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Theo đó, hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền được xây dựng với mục đích tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, công khai, minh bạch, vì dân.

     Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đài TNVN (26-5) cho biết, tại Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quân học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng do Quân ủy Trung ương tổ chức, các đại biểu nghe và thảo luận về các chuyên đề: những nội dung cơ bản của Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng; Báo cáo đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Dự thảo Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X; hướng dẫn học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Giải đáp các kiến nghị.

     TTXVN, báo Điện tử ĐCVN, Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Lao động, Thanh tra, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, VietNamnet, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài THVN, Đài TNVN (26-27/5) đưa tin, nhiều địa phương trên cả nước công bố kết quả Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Định, Tây Ninh… Theo đánh giá của các địa phương, công tác Bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp, được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, an toàn; thành công của cuộc Bầu cử đã khẳng định và phát huy quyền làm chủ, quyền và trách nhiệm của mỗi công dân; thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân. 

 

Cử tri bỏ phiếu Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

     TTXVN, báo Nhân dân, Thanh tra, Công an nhân dân, Lao động, Thanh niên, Đại đoàn kết, Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Người Lao động, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Đài TNVN (23-5) phản ánh, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử, tuyên phạt các bị cáo nguyên lãnh đạo Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh, gồm: Trần Cảnh Lạc, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc 10 năm tù; Nguyễn Xuân Danh, nguyên Phó Phòng Kinh doanh - Thương mại 9 năm tù và Nguyễn Thị Phúc, nguyên Kế toán trưởng 5 năm tù, cùng về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo trạng, các bị cáo Lạc, Danh và Phúc đã làm trái các quy định của nhà nước trong hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại cho Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh gần 70 tỷ đồng.

     Báo Thanh tra, Lao động, Thanh niên, Công an nhân dân, Công lý, Hà Nội mới, Đài TNVN (23-5) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Văn Ngân, nguyên Phó Chi cục Thi hành án dân sự huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo thông tin ban đầu, trong quá trình tổ chức việc thi hành các bản án có liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của bà Nguyễn Thị Nhung, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột đối với 7 cá nhân với số tiền 7 tỷ đồng, ông Ngân đã không làm đúng trách nhiệm, không thực hiện việc kê biên tài sản của bà Nhung dẫn đến việc bà Nhung đã tẩu tán một phần tài sản. 

     Báo Điện tử Chính phủ (24-5) Pháp luật Việt Nam (25-5) đưa tin, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch 70/2016/TTLT-BTC-TTCP quy định việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng. Quỹ do Thanh tra Chính phủ quản lý, sử dụng để chi khen thưởng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. 

     Báo Tiền phong (25-5) cho biết, cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao  ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Nhân Trường, nguyên Cán bộ Đội Cảnh sát Hình sự Công an thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, trong quá trình điều tra, giải quyết một vụ án đánh bạc, Trường đã tự ý trả lại tài sản đã thu giữ cho ông Đỗ Cao Tông, là người liên quan trong vụ án. Khi trả tài sản, Trường đã yêu cầu ông Tông phải đưa số tiền 4,5 triệu đồng.

Báo Thanh tra, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM (24-5) đưa tin, tại Hội thảo một số vấn đề lớn cần sửa đổi của Luật phòng, chống tham nhũng do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia và nhà nghiên cứu tập trung thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); những bất cập về công khai, minh bạch trong cơ quan, tổ chức; bất cập trong minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; tình hình nội luật hóa các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng;...

     Báo Thanh tra (25-5) phản ánh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016. Thông qua cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; kịp thời ngăn chặn những hành vi tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả. 

     Báo Người Lao động, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM (25-5) đưa tin, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất để theo dõi, giám sát một cách liên tục, đầy đủ, khoa học biến động tài sản của cá nhân, trước tiên ở lĩnh vực quản lý đất đai, nhà ở, phương tiện giao thông có giá trị lớn; nghiên cứu các hình thức công khai việc kê khai, tài sản, thu nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, xã hội có điều kiện thực hiện việc giám sát, qua đó góp phần phát hiện những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không trung thực.

     Báo Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, VietNamnet, Hà Nội mới, Đài TNVN (26-5) cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án nhà ở, đô thị mới trên địa bàn thành phố có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất. Căn cứ vào kết quả thanh tra để đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định.

     Báo Điện tử ĐCSVN (25-5), Thanh tra, Pháp luật Việt Nam (26-5), Công lý (27-5) phản ánh, theo Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 01 năm việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, sau 01 năm thực hiện Quy chế, 02 cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nghiêm túc và có trách nhiệm các nội dung phối hợp, đạt những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Thời gian tới, 02 cơ quan sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; phối hợp nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan điều tra về tội phạm tham nhũng và các nội dung quy định tại Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm; hướng dẫn các địa phương ký Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy với Ban cán sự đảng Thanh tra tỉnh...

     TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Lao động, Thanh tra, Tiền phong, Thanh niên, VietNamnet, Đại đoàn kết, Dân trí(26-5), Pháp luật Việt Nam (27-5) đưa tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ký Quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Việc kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số địa phương; việc thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của ban nội chính tỉnh ủy; kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”...

     Báo Hòa Bình (24-5), Thanh tra (26-5) cho biết, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh Hòa Bình ký Quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Nội dung phối hợp gồm: Tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy những chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng của Đảng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan hoặc khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao… và một số vấn đề quan trọng khác.

     TTXVN, báo Nhân dân, Điện tử ĐCSVN, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Dân trí, Đài THVN (27-5) đưa tin, theo Báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, 02 cơ quan đã cử cán bộ tham gia các đoàn công tác, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; phối hợp tham mưu, đề xuất một số chủ trương, chính sách về công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước... Thời gian tới, 02 cơ quan sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về các chủ trương, chính sách phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về các vi phạm có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; phối hợp chặt chẽ trong xử lý đơn thư tố cáo về sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; phối hợp hướng dẫn Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy và kiểm toán khu vực xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng...

     QUỐC TẾ

     Báo Thanh tra (21-5) đưa tin, Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc đang tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ liên quan đến ông Jing Chunhua - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc (phía Bắc Trung Quốc). Theo thông tin ban đầu, khi còn đương chức, lợi dụng chức vụ và quyền hạn, Jing Chunhua đã nhận hối lộ từ rất nhiều quan chức, nhân viên dưới quyền và từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cho đến khi bị điều tra, Jing Chunhua vẫn không kịp hợp thức hóa hết khối tài sản sở hữu vì quá nhiều.

     Báo Thanh tra (24-5) cho biết, Cơ quan Công tố Quốc gia Nam Phi (NPA) quyết định không phục hồi gần 800 cáo buộc tham nhũng chống lại Tổng thống Jacob Zuma. Trước đó, các cáo buộc chống lại ông Zuma đã được hủy bỏ năm 2009, trước thềm cuộc bầu cử. Các cáo buộc về rửa tiền, tham nhũng và nhận hối lộ đã đeo bám Tổng thống Zuma liên quan đến hợp đồng ký kết mua bán vũ khí nhằm hiện đại hóa lực lượng quân đội Nam Phi với tổng trị giá lên tới 5 tỷ USD hồi năm 1999.

     Thông tin đáng chú ý:

    - Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021;

    - Thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng;

    - Tuyên phạt các bị cáo nguyên là lãnh đạo công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh.

BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG