Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Giao Thông, Thời báo Tài Chính, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07/4) cho biết, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông  trong thời gian cách ly xã hội. Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Lực lượng Công an, với nòng cốt là Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát khác và Thanh tra giao thông vận tải kết hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid -19 với tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, ưu tiên xử lý các lái xe có hành vi vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường, tín hiệu giao thông; xử lý các vụ tụ tập, chạy xe thành đoàn, “lạng lách”, “đánh võng” gây rối trật tự công cộng, cương quyết trấn áp các đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ. Các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, đặc biệt là các đài truyền hình, phát thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh đồng thời xác định việc tuân thủ các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hiệu lệnh của người thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; “Đã uống rượu, bia – không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không vượt đèn đỏ; đi đúng phần đường, làn đường; chú ý quan sát khi qua các nút giao; thực hiện tham gia giao thông an toàn trong thời gian thực hiện cách ly xã hội chính là góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid 19 ở Việt Nam.

Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Sức khỏe và Đời sống, Người lao động, Dân trí, TTXVN (07/4) đưa tin, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan phòng, chống dịch Covid-19. Theo nội dung Chỉ thị, Viện kiểm sát nhân dân phối hợp cơ quan tố tụng cùng cấp chọn một số vụ điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm răn đe trong công tác phòng, chống dịch. Yêu cầu viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp cơ quan điều tra, tòa án cùng cấp phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự, như: Không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid-19 từ 100 triệu đồng trở lên; đưa thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội hoặc nhằm mục đích chống Nhà nước; lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi; chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng...Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, viện trưởng kiểm sát nhân dân, viện kiểm sát quân sự các cấp chủ động nắm bắt thông tin, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trong cơ quan, đơn vị mình, nhất là trong xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến dịch Covid-19. Nơi nào để xảy ra vi phạm hoặc xử lý không kịp thời, nghiêm minh hành vi phạm tội liên quan phòng, chống dịch, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội thì tùy tính chất, mức độ, viện trưởng viện kiểm sát, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và quy định của ngành kiểm sát.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Quân tội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Nhà báo và Công luận, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/4) phản ánh các nội dung phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án  nêu rõ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quyết định, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, do đó Bộ Công an cần khẩn trương xây dựng các bước về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đưa vào vận hành, thử nghiệm từ cuối năm 2020, sử dụng, khai thác trong năm 2021; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2022-2025; phối hợp Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, trước hết là Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử cấp bộ, cấp tỉnh… Các bộ, ngành bám sát tiến độ để ban hành văn bản về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Nội vụ cần khẩn trương trình Chính phủ Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong phạm vi chức năng quản lý của bộ trong tháng 4 này. Phó Thủ tướng yêu cầu quá trình thực hiện có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, không để lãng phí, chồng chéo. Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ có bổ sung, kết nối kho dữ liệu của Bộ Công an, tạo ra hệ thống dữ liệu quốc gia phong phú, có sự phát triển. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các bộ Nội vụ, Tư pháp, Công an nghiên cứu quy định cụ thể về thành phần, tên gọi và xây dựng danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam phù hợp thực tế, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan rà soát, ban hành các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo để các bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện. Giao Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 xây dựng kế hoạch tổng kết Đề án giai đoạn 2013-2020, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tổng kết…

Báo Đồng Nai, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật,  Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Sức khỏe và Cộng đồng, Hà Nội mới (09/4) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lương Thị Thu Hiền, ngụ huyện Thống Nhất để điều tra về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định đã được viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Theo điều tra, đầu năm 2018, thông qua mạng xã hội Facebook, Hiền tìm hiểu về các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài. Thông qua đó, Hiền biết tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam” do Đào Minh Quân tự xưng là Tổng thống của Đệ tam Việt Nam cộng hòa cầm đầu. Sau khi kết bạn trên mạng xã hội, Hiền được các thành viên hướng dẫn làm thủ tục tham gia vào tổ chức. Sau đó, Hiền nhanh chóng trở thành thành viên tích cực, thường xuyên đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, Hiền còn nhận tiền từ tổ chức này để hoạt động và cổ xúy cho việc Đào Minh Quân trở về Việt Nam gây dựng nền Đệ tam Việt Nam cộng hòa. Bên cạnh đó, Hiền còn giới thiệu người tham gia vào tổ chức và được bổ nhiệm làm đại biểu “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” ở khu vực một số quận ở TP. Hồ Chí Minh.Mặc dù lực lượng chức năng đã kiên trì giáo dục, nhiều lần cảnh cáo, răn đe, nhưng đối tượng này vẫn cố tình vi phạm, bất chấp pháp luật và tiếp tục hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan hoạt động chống phá Nhà nước của Hiền. Hiện, Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

 CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Báo Công an nhân dân (07/4) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm hai bị cáo Hà Văn Tấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và bị cáo Đinh Văn Thuần, nguyên kế toán xã Thọ Văn về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo cáo trạng, từ năm 2011-2017, Hà Văn Tấn và Đinh Văn Thuần đã có nhiều sai phạm như lập khống hồ sơ, không hạch toán, quyết toán  các công trình đào, nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy chống lũ; thu tiền đấu thầu đất rừng nhưng để ngoài sổ sách kế toán…với tổng số tiền hơn 242 triệu đồng. 

Báo Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Hải quan, Nông nghiệp Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN(08/4) Thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã bắt khẩn cấp, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) và ông Trần Nguyên Vũ, Giám đốc Tổng Công ty 3/2. Theo kết quản điều tra ban đầu,trong 2 năm 2015 -2016, Tổng Công ty 3/2 đã chuyển nhượng quyền sử dụng 43héc ta đất cho Công ty liên doanh Tân Phú với giá 250 tỷ đồng, tương đương đơn giá là hơn 581.000 đồng/m2 làm dự án Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú. Trong khi tại thời điểm đó, bảng giá đất trên địa bàn được áp dụng cho 43 ha giá trị khoảng 6.200 tỷ đồng, con số thất thoát ngân sách Nhà nước có thể lên đến 5.950 tỷ đồng.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN(08/4) cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.. Các đối tượng thanh tra của cuộc thanh tra này đều có liên quan đến Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch, giai đoạn 2007 - 2013. Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du dính nhiều sai phạm gây thiệt hại số tiền lớn cho Nhà nước.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Tiền Phong, Hải quan, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/4) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, đang điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, phần liên quan đến các tổ chức kinh tế nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Cơ quan Cảnh sát điều tracũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Vũ Trọng Hải , nguyên Kế toán trưởng PVOil về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, triệt để thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

Báo Quảng Nam, Đại đoàn kết, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN (10/4) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố bị can đối với các ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND phường Điện Dương; Lê Văn Cảm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn và Lê Thương, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. các bị can đã sai phạm trong  chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kiểm kê, lập phương án, áp giá bồi thường cũng như thẩm định phương án bồi thường, đền bù một số dự án tại địa phương, Với các sai phạm này, các đối tượng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được điều tra mở rộng.

TIN QUỐC TẾ

Báo Lao Động (07/4) đưa tin, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố bản cáo trạng dài 69 trang cho thấy các quan chức FIFA đã nhận hối lộ để bầu cho Nga và Qatar đăng cai World Cup 2018 lẫn 2022. Theo cáo trạng, Jack Warner, cựu Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Carribean (CONCACAF) cũng như Phó Chủ tịch FIFA đã nhận 5 triệu USD từ Nga để bỏ phiếu cho quốc gia này, giành quyền đăng cai World Cup 2018. Ông Rafael Salguero - người Guatemala là cựu thành viên Ủy ban điều hành FIFA cũng được trả tiền khoảng 1 triệu USD để bỏ phiếu cho Nga. Trong cáo trạng, cũng đã có 3 quan chức của Nam Mỹ cũng đã nhận tiền để bỏ phiếu cho Qatar làm chủ nhà World Cup 2022. Đến thời điểm này, hơn một nửa số quan chức tham gia bỏ phiếu bầu chọn quốc gia có quyền đăng cai World Cup 2018, World Cup 2022 đều dính đến sai phạm, trong đó có cả cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

Thông tấn xã Việt Nam (08/4) đưa tin, Tòa án Quốc gia Ecuador đã kết án ông Rafael Correa, cựu Tổng thống nước này 08 năm tù giam với tội danh tham nhũng trong một phiên tòa xét xử vắng mặt do nhà lãnh đạo cánh tả này đang định cư tại Bỉ cùng với gia đình. Cùng bị tuyên án 08 năm tù giam còn có ông Jorge Glas, cựu Phó Tổng thống và một số quan chức khác trong chính quyền của ông Correa, giai đoạn 2007 - 2017. Theo cáo trạng, cựu Tổng thống Correa là người đứng đầu một mạng lưới các quan chức chính quyền trong giai đoạn 2012 - 2016 nhận các khoản đóng góp “không phù hợp” cho Phủ Tổng thống, nhận tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử để đổi lại việc trao cho các đối tác những dự án có giá trị lớn của Nhà nước Ecuador.

Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta (09/4) cho biết, Tòa án tội phạm tham nhũng Jakarta ngày 9/4 đã kết án Thống đốc tỉnh Quần đảo Riau, ông Nurdin Basirun, 4 năm tù giam về tội nhận hối lộ liên quan một dự án cải tạo đất. Thống đốc Nurdin Basirun cũng buộc phải trả khoản tiền phạt 200 triệu rupiah (khoảng 12.592 USD) và 4,22 tỷ rupiah phí bồi thường cho các hành vi phạm tội của mình. Theo bản án được công bố trong phiên xét xử trực tuyến, nếu không trả phí bồi thường trong vòng một tháng sau khi có phán quyết của tòa án, bị cáo sẽ bị tịch thu tài sản đem bán đấu giá.

Thông tin đáng chú ý trong tuần:

- Bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian cách ly xã hội.

- Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lương Thị Thu Hiền, về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

- Thanh tra Chính phủ thanh tra đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng tại số 69 phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

- Bắt giam Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương gây thất thoát gần 6.000 tỷ đồng.

- Bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam.

Nguồn Noichinh.vn