Skip to main content

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn thấy tình hình tội phạm Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự và tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có những diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Từ đầu tháng 6/2019 đến cuối tháng 01/2020, các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, khởi tố 9 vụ án với 16 bị can về các tội quy định tại Điều 348 và 349 của Bộ luật Hình sự (tăng 7 vụ 11 bị can so với cùng kỳ trước).

Nghiên cứu các vụ án cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu là người dân lao động sinh sống ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lạng Sơn và một số tỉnh khác trên lãnh thổ Việt Nam, trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội đều là người lao động, đi sang Trung Quốc lao động và được chủ sử dụng lao động là người Trung Quốc hứa hẹn rủ hoặc đưa thêm người lao động sang Trung Quốc sẽ được hưởng lợi về tiền bạc hoặc có những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người Việt Nam làm những nghề nghiệp khác nhau vì mục đích vụ lợi đã đưa, đón những người lao động nhàn rỗi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê trong thời gian không hứa hẹn trước.

Các đối tượng phạm tội chủ yếu là người lao động sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp, về nhận thức pháp luật còn hạn chế. Một số người phạm tội thời gian trước đó đã từng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê và không nhận thức được việc rủ, đưa những người khác xuất, nhập cảnh trái phép qua các đường mòn “cánh gà” tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc để đi làm thuê và đi du lịch nhằm hưởng lợi là vi phạm pháp luật. Do vậy, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn số vụ việc Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép qua các đường mòn trên tuyến biên giới Việt Nam -Trung Quốc trong thời gian qua có xu hướng gia tăng

Hậu quả xảy ra, sau khi một số người lao động làm thuê đã sang Trung Quốc nhưng do không có giấy thông hành xuất cảnh hoặc hộ chiếu nên đã bị các lực lượng chức năng của Trung Quốc kiểm tra, bắt giữ, giam, buộc lao động công ích, sau đó trao trả về Việt Nam qua các cửa khẩu chính ngạch làm thiệt hại cho những người lao động về tiền bạc hoặc danh dự, nhân phẩm. Hành vi phạm tội của các bị can đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an toàn xã hội, xâm phạm đến hoạt động quản lý xuất, nhập cảnh và cư trú của cơ quan có thẩm quyền, khi bị phát hiện, xử lý những người phạm tội phải chịu những mức án rất cao theo quy định tại các khung, khoản của Điều luật. Cụ thể theo quy định tại khoản 2, Điều 348 và Điều 349 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội phải chịu mức án phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; còn theo khoản 3 Điều 348 và Điều 349 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội phải chịu mức án phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Để phòng ngừa vi phạm pháp luật và giảm thiểu các loại tội phạm trên, ngày 06/02/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kiến nghị đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo đối với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp và Uỷ ban nhân dân, các tổ chức đoàn thể xã, phường, thị trấn tiếp tục quan tâm và tăng cường tuyên truyền những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật Xuất, nhập cảnh năm 2019 đến nhân dân trên địa bàn, đặc biệt cần tuyên truyền về hậu quả pháp lý, chế tài nghiêm khắc của Bộ luật Hình sự, việc xuất cảnh, nhập cảnh qua lại biên giới Việt Nam - Trung Trung để lao động, cần phải có giấy tờ, thủ tục theo quy định trong việc xuất, nhập cảnh qua lại biên giới. Đối với chính quyền và Công an cấp xã cần làm tốt công tác quản lý địa bàn, quan tâm đến tình hình người lao động tại địa phương.

                                                                                                            Vũ Học