Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

      Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Sức khỏe và Đời sống, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Giáo dục và Thời đại, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (04-11) tiếp tục phản ánh các nội dung của tuần làm việc thứ 3, Phiên họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Quốc hộithảo luận các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; công tác năm 2019 của Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân  tối cao; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; công tác thi hành án năm 2019. Quốc hội dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề lớn về nội vụ, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông. Ngoài trách nhiệm trả lời chất vấn chính của bốn Bộ trưởng, theo thông lệ của Kỳ họp cuối năm, vào cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời những nội dung mà các đại biểu chất vấn. Cùng với đó, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực liên quan; Bộ trưởng các bộ khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Thanh tra Chính phủ... sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình để làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan. Phương thức chất vấn giữ nguyên như tại kỳ họp trước với tinh thần “hỏi nhanh đáp gọn”. Đại biểu sẽ có 1 phút để nêu chất vấn, đi thẳng vào vấn đề.Thời lượng cho mỗi câu trả lời là 3 phút. Sau khi có từ 3 đến 4 đại biểu đặt câu hỏi thì chủ tọa điều hành phiên chất vấn sẽ yêu cầu bộ trưởng trả lời. Một nội dung quan trọng khác, Quốc hội dành một ngày rưỡi để thảo luận báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Trong tuần làm việc, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

       Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Sức khỏe và Đời sống, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Giáo dục và Thời đại, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (04-11) đồng loạt đưa tin về cuộc họp của Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và một số cán bộ ở các tỉnh Khánh Hòa, Hòa Bình, Hà Giang và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. (1) Xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 - 2016, nhiệm kỳ 2016 – 2021, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai, tài sản và ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng. (2) Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 – 2016; Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 – 2016; Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016 - 2021. (3) Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Vũ Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi, Chủ tịch Hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang, bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng; kỷ luật đồng chí Bùi Trọng Đắc, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi, Chủ tịch Hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình, bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020. (4) Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm và quá trình công tác, đóng góp cho sự phát triển của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Bùi Ngọc Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc, Tổng Công ty bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm; trực tiếp ký hầu hết các văn bản liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị Tập đoàn về công tác cán bộ; về bảo toàn, phát triển vốn; về cổ phần hóa, tái cơ cấu vốn và thoái vốn nhà nước; về quản lý, sử dụng đất đai; về đầu tư các dự án…

      Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Lao Động, Thanh tra, Công lý, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Đầu tư, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (05-11) đưa tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình thế giới thời gian qua có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực trong nước. Trong bối cảnh đó, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân có nhiều nỗ lực, quyết tâm, nhờ đó nền kinh tế tháng 10 và 10 tháng qua có nhiều điểm sáng, thể hiện ở nhiều chỉ số rất tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận nền kinh tế còn chịu nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài, do đó việc chỉ đạo, điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ, tài khoá cần hết sức thận trọng, linh hoạt. Thủ tướng cũng nêu rõ một số thách thức tồn tại trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giá nông sản thấp, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, một số chỉ số phản ánh môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại... Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chú ý, tránh việc “hoàng hôn nhiệm kỳ”, chậm chễ, ngại khó, né tránh, gây trì trệ công việc; một số vấn đề xã hội nhức nhối thời gian qua nhất là đưa người xuất cảnh trái phép, tín dụng đen, lừa đảo… Tại phiên họp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người thân là nạn nhân trong vụ việc 39 người chết ở Anh trước mất mát to lớn, gây bàng hoàng trong dư luận. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an, Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội điều tra làm rõ nguyên nhân. Cùng với đó, các bộ phối hợp với phía Anh để chủ động giải quyết vụ việc, trong đó có việc xác định ADN để xác định danh tính. Các địa phương có gia đình đã xác định được nạn nhân là người thân động viên, hỗ trợ kịp thời, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý vụ việc…

       Báo Điện tử Chính phủ, Đại đoàn kết, Quảng Nam (06-11) đưa tin, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (Ban Chỉ đạo chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ) kiểm tra tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 tại tỉnh Quảng Nam. Trong năm qua,  tỉnh Quảng Nam đã triển khai kế hoạch, các văn bản liên quan về công tác phòng, chống tội phạm. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền để phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cấp, các ngành đã điều tra, khám phá 435/539 vụ phạm pháp hình sự, làm rõ 505 đối tượng, bắt 182 đối tượng. Khởi tố 52 vụ, 209 bị can và xử lý hành chính 1.017 đối tượng về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, phạt hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, đã triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia với số tiền trên 100 tỷ đồng, khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 bị can; triệt xóa 1 nhóm 10 đối tượng về hành vi “tổ chức đánh bạc” và “đánh bạc” trên mạng Internet bằng hình thức cá độ bóng đá với số tiền trên 38 tỷ đồng…Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ đã trao đổi nhiều ý kiến với các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam nhằm làm rõ thêm những vấn đề quan tâm; đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo 138 tỉnh Quảng Nam tiếp tục xây dựng chương trình kế hoạch tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt hiệu quả cao; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân  nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn, khu dân cư. Đặc biệt, trong năm 2020, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự.

       Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Cần Thơ, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (08-11) cho biết, Đoàn kiểm tra số 1151 của Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ để thông báo dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nội dung làm việc là thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. Theo đó, đoàn đã kiểm tra 7 đơn vị của Thành ủy Cần Thơ gồm: Đảng ủy Công an thành phố; Sở Giáo dục và Đào tạo; Quận ủy Ninh Kiều, Quận ủy Ô Môn, Quận Ủy Cái Răng, Huyện Ủy Phong Điền và Huyện Ủy Cờ Đỏ.  Tại buổi làm việc,  đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, thành phố Cần Thơ đã quán triệt Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết số18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; đồng thời triển khai, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt, bài bản. Thành phố đã triển khai thực hiện thí điểm tốt trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả để rút kinh nghiệm trong thời gian tới... Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ cần tiếp tục quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW; tiếp tục nghiên cứu thực hiện thí điểm những công việc đã đủ điều kiện như trong Nghị quyết nêu; tiến hành sơ kết những thí điểm để triển khai thực hiện hai Nghị quyết trên tốt hơn trên diện rộng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố Cần Thơ thời gian tới.

       CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

       Báo Công an nhân dân, Đấu thầu, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN (06-11) cho biết, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 2 đối với bị cáo Nguyễn Tài, cựu Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng 14 bị cáo đều ở tại huyện này, liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, từ tháng 7/2013 đến 4/2014, trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tại xã Hòa Tâm nhằm lấy mặt bằng thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, ông Tài đã cùng các bị cáo có hành vi làm trái quy định Nhà nước trong đền bù, hỗ trợ dự án giải phóng mặt bằng gây thiệt hại gần 9,3 tỷ đồng.

      Báo Đắk Nông, Điện tử Đảng Cộng sản, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN, TTXVN (06-11) thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Dương Quốc Tuấn, Công an viên Bon N’Ting, Tổ phó tổ quản lý bảo vệ rừng Cộng  đồng Bon N’Ting, xã Quảng Sơn để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”.Theo thông tin ban đầu, ông Tuấn đã nhận một số tiền của một người dân trú tại thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn để làm ngơ việc cắt cây rừng xẻ ván làm nhà, phá rừng làm nương rẫy. Sau đó, không được làm nương rẫy trên khu vực rừng Cộng đồng Bon N’Ting như thỏa thuận, người dân này đã làm đơn tố cáo Dương Quốc Tuấn ra Công an huyện Đắk Glong. Hiện Cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ việc.

       Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Nông nghiệp Việt Nam, Tiền Phong, Giao Thông, Tài nguyên và Môi trường, VnExpress (07-11) cho biết, Công an huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Văn Đảm, Chủ tịch UBND xã Hải An; ông Đặng Văn Dương, cán bộ địa chính 2; ông Vũ Hữu Đính, cán bộ thú y. Riêng bà Đỗ Thị Tám, cán bộ tài chính xã được cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú vì đang mang thai. Trước đó, Công an huyện Hải Hậu đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” để điều tra, làm rõ hành vi thống kê tăng số lượng, trọng lượng trong đợt dịch tả lợn châu Phi bị tiêu hủy của 146 hộ dân ở xã Hải An; trong đó, số tiền sai lệch tăng thêm là hơn 486 triệu đồng.Hiện Công an huyện Hải Hậu đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

      Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Thanh tra, Tiền Phong, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, VietnamNet, Đài TNVN (09-11) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã truy tố 10 đối tượng với các tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến sai phạm giải phóng mặt bằng công trình Hồ chứa nước Krông Pắk Thượng thuộc địa bàn hai huyện Ea Kar và M'Drắk. Trong số các bị can bị truy tố có ông Đỗ Văn Hưu, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang; Lê Thành Nguyên, Hoàng Trọng Nghĩa và Lê Sơn đều nguyên cán bộ địa chính xã Cư Ealang. Trong quá trình lập hồ sơ thu hồi đất, các cán bộ xã Cư Elang đã nhờ 3 cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số  đứng tên khống vào danh sách được bồi thường, chiếm đoạt số tiền hơn 2,5 tỷ đồng tiền. 

      TIN QUỐC TẾ

       Báo Đại biểu Nhân dân (04-11) cho biết, chỉ trong vòng một tuần, hai bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã phải từ chức sau khi bị cáo buộc có hành vi hối lộ. Người đầu tiên phải từ chức là Bộ trưởng Thương mại Isshu Sugawara, bịcáo buộc lạm dụng thư ký, gửi tặng hải sản và hoa quả cho cử tri ít nhất 239 lần thời gian qua. Người thứ hai là Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai cũng phải tuyên bố từ chức sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin Bộ của ông đã hối lộ cử tri bằng ngô, khoai. Pháp luật Nhật Bản đưa ra những quy định không khoan nhượng với hành vi hối lộ dưới mọi hình thức, dù đó chỉ là trái cây hay rau củ…

      VietnamNet (07-11) đưa tin, Tòa án Trung cấp Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc xét xử vụ án Trần Cương lợi dụng các chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban quy hoạch thành phố, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Thị trưởng thành phố Bắc Kinh để nhận hối lộ, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng công trình... Từ  năm 2003 đến 2018, để mưu cầu lợi ích cho người khác, rồi trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ số tiền lên tới gần 129 triệu NDT (hơn 450 tỷ đồng). Tháng 01/2019, Trần Cương đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc điều tra và xử lý kỷ luật.

      Thông tin đáng chú ý trong tuần:

      - Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và một số cán bộ ở các tỉnh Khánh Hòa, Hòa Bình, Hà Giang và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

      - Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019.

      - Xét xử cựu Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cùng 14 bị cáo.

      - Cựu Chủ tịch xã, cán bộ địa chính bị truy tố vì kê khống trong bồi thường giải phóng mặt bằng, chiếm đoạt số tiền hơn 2,5 tỷ đồng tiền. 

                                                                                 BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG