Skip to main content

Xử lý nghiêm tình trạng sân sau, lợi ích nhóm

59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được Chính phủ ban hành trong đó sẽ xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi góp vốn vào doanh nghiệp để vợ, chồng, bố mẹ hoặc con cái kinh doanh trong lĩnh vực do mình đang trực tiếp quản lý nhà nước. Quy định mới này được cho sẽ là cơ sở để ngăn chặn lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau góp phần chống tham nhũng hiệu quả.

          Theo Nghị định 59/2019/NĐ-CP, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì sẽ bị cảnh cáo.

          Đặc biệt, sẽ cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan Nhà nước có hành vi góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

          Với mức cụ thể hóa này các cơ quan về phòng, chống tham nhũng đã có thêm công cụ để ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả ngay từ khi manh nha trong khu vực công quyền.

                                                                                                                     Nguyễn Mai Loan