Skip to main content

 CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Công Thương, Kiểm Toán, Giáo dục và Thời đại, Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (23-7) phản ánh các nội dung của Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm 2019. Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác bảo đảm ATGT là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Quốc hội đặc biệt quan tâm. Sáu tháng qua, tai nạn giao thông (TNGT) được giảm sâu cả ba tiêu chí là một thành công lớn. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực, cố gắng của Ủy ban ATGT quốc gia và các bộ, ngành; sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các địa phương trong bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, hằng năm vẫn còn khoảng 8.000 người chết là thiệt hại không thể đo đếm; riêng sáu tháng qua, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương do lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy gây ra phải được xác định là hiện tượng nguy hiểm, đáng báo động. Nhiều cơ quan đăng kiểm, cơ sở đào tạo lái xe đã buông lỏng, tiếp tay cho sai phạm, gây ra những hậu quả khôn lường. Một số doanh nghiệp có tình trạng khoán trắng cho lái xe, chạy bất kể ngày đêm, tiềm ẩn nguy cơ lớn gây ra tai nạn, cần phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả,... Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trong thời gian tới cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, xây dựng khung pháp lý quan trọng, trong đó có vấn đề về ATGT; điều chỉnh Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải, yêu cầu loại bỏ ngay các điều kiện không cần thiết, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Bộ Tư pháp rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng mức xử phạt các vi phạm về ATGT,... Toàn xã hội cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền mạnh mẽ, nghiêm túc, đưa vào sinh hoạt văn hóa thôn, xóm nhằm thay đổi nhận thức của người dân về tuân thủ pháp luật về ATGT. Các cơ quan chức năng cần nâng cao tinh thần nghiêm minh, liêm chính, thân thiện, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng tiêu cực, nhận hối lộ của một bộ phận cảnh sát giao thông để bỏ qua vi phạm...

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Xây Dựng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24-7) đưa tin, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác văn phòng tỉnh ủy, thành ủy. Trong năm qua, Văn phòng Trung ương Đảng, các văn phòng tỉnh ủy, thành ủy đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, đạt chất lượng cao. Đẩy mạnh việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội các đảng bộ tỉnh, thành phố thành nghị quyết chuyên đề, chương trình công tác trọng tâm, nhất là những vấn đề có tính chiến lược, nổi cộm. Văn phòng Trung ương Đảng, các văn phòng tỉnh ủy, thành ủy đã cung cấp kịp thời thông tin cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt, Thường trực Ban Bí thư và cấp ủy địa phương đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tài chính đảng, lưu trữ bảo mật của Văn phòng Trung ương Đảng, các văn phòng tỉnh ủy, thành ủy ngày một nâng cao. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã biểu dương những kết quả của văn phòng cấp ủy cả nước đạt được trong hơn hai năm qua. Đồng chí lưu ý, văn phòng cấp ủy trong cả nước trong thời gian tới cần tiếp tục bám sát chức năng, nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy để thực hiện tốt kế hoạch, chương trình cả nhiệm kỳ; tập trung tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra; tham gia chuẩn bị tốt nội dung và tổ chức thực hiện thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tham gia chuẩn bị xây dựng văn kiện đại hội, trên cơ sở sơ kết, tổng kết thực tiễn, nhất là các mô hình, cách làm mới, sáng tạo có hiệu quả của các cấp ủy, góp phần cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn cho xây dựng văn kiện... Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng yêu cầu những người làm văn phòng cấp ủy trong cả nước, cần nắm chắc tình hình trong nước và thế giới; chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, đặc biệt những vấn đề mới, đột xuất, phức tạp, quan trọng để lãnh đạo giải quyết xử lý, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Dân trí, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24-7) đưa tin về Lễ phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) nói không với tiêu cực” và phong trào thi đua “CB,CC,VC thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức. Những năm qua, phần lớn đoàn viên công đoàn là CB,CC,VC luôn nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, sáng tạo, đổi mới và sâu sát với cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ CB,CC,VC có biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền với người dân và doanh nghiệp để vụ lợi. Những biểu hiện và hành vi đó làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào đội ngũ CB,CC,VC, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu cuộc vận động đề ra cần nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật. Loại bỏ tư tưởng “cục bộ”, “lợi ích nhóm”. Công khai hóa, quy trình hóa, chuẩn hóa các thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị, thẩm quyền, trách nhiệm của CB,CC,VC để người dân và doanh nghiệp biết, giám sát, thực hiện; nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của CB,CC,VC; gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo, công tâm, khách quan, tận tụy; thái độ phục vụ tận tình, chu đáo; ứng xử văn minh, lịch sự, tôn trọng nhân dân;  Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình cho rằng, để triển khai thực hiện thành công cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, tổ chức Công đoàn và mỗi đoàn viên phải là chủ thể tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tham gia và lãnh đạo Ban thanh tra nhân dân giám sát việc thực thi phòng chống tiêu cực, tham nhũng tại từng đơn vị; đồng thời, xây dựng mô hình điểm, các cá nhân điển hình để nhân rộng trong toàn hệ thống; gắn việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua với các cuộc vận động khác, với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, TTXVN (24-7) cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đánh giá, thời gian 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản liên quan, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của ngành kiểm sát nhân dân thực sự đã có nhiều đóng góp tích cực trong nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao, định hướng hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong ngành. Các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân cấp dưới đều xác định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một công tác quan trọng của viện kiểm sát nhân dân, là công việc thường xuyên, hàng ngày của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Đoàn kiểm tra lưu ý các cấp ủy, tổ chức đảng trong ngành kiểm sát nhân dân phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kịp thời đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo tuyên truyền, các Tổ tuyên truyền và công chức làm công tác này; đổi mới tư duy, nội dung, hình thức tuyên truyền, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời, tăng cường, nâng cao công tác rèn luyện giáo dục phẩm chất trính trị, đạo đức, lối sống, sự gương mẫu của cán bộ, kiểm sát viên, công chức trong ngành trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật…

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Văn Hóa, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, TTXVN (25-7) đồng loạt đưa tin về Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BCĐ 389). Trong 6 tháng đầu năm, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đạt nhiều kết quả. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 86.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 6.000 tỷ đồng, khởi tố 1.300 vụ án, với hơn 1.500 đối tượng. Những kết quả trên góp phần kéo giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam; thường xuyên rà soát kịp thời phát hiện chấn chỉnh sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Cùng với đó, tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực này.

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

    Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (23-7) đăng tải nội dung Kết luận thanh tra số 1696/KL-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho thấy, từ đầu năm 2016 đến tháng 9-2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Thiết  quyết định cho 139 thửa đất với tổng diện tích 176.815m2 chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, đây là hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích không đúng quy định, giúp sức cho một số cá nhân tách thửa đất, phân lô bán nền đất thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, gây bức xức trong dư luận. Trên cơ sở kết luận thanh tra nêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh để điều tra dấu hiệu vi phạm của các đơn vị, cá nhân. 

    Báo Bảo vệ pháp luật, Giáo dục và Thời đại, An ninh Thủ đô (23-7) đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bị cáo Lê Thị Thu Thủy, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo cáo trạng, bị cáo Lê Thị Thu Thủy đã chỉ đạo thu, chi nhiều khoản trái quy định. Cụ thể: Thu không được phép thu: tiền lao động vệ sinh, tiền quản lý học sinh ngoài giờ năm học 2016-2017 tổng cộng hơn 665 triệu đồng; tổng số tiền chi sai mục đích là hơn 1,1 tỷ đồng; vụ lợi cá nhân số tiền hơn 415 triệu đồng. Căn cứ vào chứng cứ, tình tiết có liên quan, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Thu Thủy 5 năm 6 tháng tù và buộc bị cáo trả lại hơn 372 triệu đồng cho Trường Tiểu học Đặng Cương để Trường giao lại cho Hội cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng.

    Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (24-7) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hồ sơ vụ án gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại Tập đoàn Cao su Việt Nam do Viện kiểm sát chuyển qua. Theo đó, bị can Lê Quang Thung, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG); Nguyễn Thành Châu, nguyên Giám đốc công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng và Hoàng Văn Sơn, Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ là Tổng Giám đốc, ông Thung đã chỉ đạo lãnh đạo nhiều đơn vị trực thuộc sử dụng quỹ phúc lợi của công ty, góp vốn vào Công ty thủy sản Đồng Tháp trái quy định. Hành vi trên của các bị can đã dẫn đến hậu quả công ty Cao su Đồng Nai và công ty cao su Phú Riềng không thu hồi được số tiền góp vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 43,2 tỉ đồng. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Xây Dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27-7) đồng loạt phản ánh nội dung Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm 2019 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm, công tác những tháng cuối năm. Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, sáu tháng qua, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, cách làm bài bản hơn, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. Một số hạn chế, yếu kém bước đầu được khắc phục; trên nóng, dưới cũng đã dần ấm lên. Việc ngăn chặn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, vòi vĩnh đã có chuyển biến; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả cao hơn; tình trạng án treo giảm hẳn. Phương pháp, cách làm ngày càng bài bản, nền nếp; làm rõ đến đâu xử lý đến đấy, thận trọng, làm đi làm lại nhiều lần, không để sót tội, nhưng cũng không gây oan cho ai. Thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều quy định và cho thấy có tác dụng rất rõ rệt. Mọi việc đều căn cứ vào pháp luật, các quy định của Đảng, không ai có thể lảng tránh; không làm cũng không được, buộc phải làm. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì đưa ra bàn bạc tập thể, phát huy dân chủ, số ít phải phục tùng số đông. Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan PCTN,...Sáu tháng qua, việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, chứng minh làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, qua đó tiếp tục khẳng định quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong PCTN; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, “tham nhũng vặt" được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được chỉ đạo đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cần tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau đây: Chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong công tác PCTN ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở; kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, các cơ quan PCTN nói riêng những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN theo chương trình của Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; thanh tra chuyên đề về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước và Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 23 vụ án, xét xử sơ thẩm 25 vụ án, xét xử phúc thẩm bốn vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 28 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là hoàn thành xét xử sơ thẩm tám vụ án trọng điểm trong năm 2019 theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2019 của Ban Chỉ đạo. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTN; hoàn thành các Đề án theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; báo cáo nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, định hướng lớn về công tác PCTN để phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi  Trẻ (27-7) cho biết, Tòa án nhân dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Hoạt, 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Nhận hối lộ”. Hành vi nhận hối lộ của ông Hoạt xảy ra từ năm 2012, khi ông còn là Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bảo Lâm đã nhận 10 triệu đồng của một người được thi hành án để việc thi hành án được đẩy nhanh hơn. Sau khi nhận chức Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự  TP. Bảo Lộc được hơn 10 ngày thì ông Hoạt bị Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố về tội nhận hối lộ. 

    TIN QUỐC TẾ

    Báo Thanh tra (25-7) đưa tin, ông Adel Abdul Mahdi, Thủ tướng Iraq cho biết, đã ra lệnh bắt giữ đối với 11 bộ trưởng và các quan chức cấp bộ bị nghi ngờ tham nhũng. Bên cạnh đó, ông Faiq Zaidan, người đứng đầu Hội đồng Tư pháp Tối cao Iraq cũng kêu gọi các bộ trưởng và các cơ quan Chính phủ nhanh chóng hoàn thành những cuộc điều tra hành chính cần thiết để thực hiện truy tố các quan chức tham nhũng. Tham nhũng là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của Iraq hiện nay, là nguyên nhân gây ra đói nghèo cho người dân của quốc gia vốn giàu dầu mỏ này.

    Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Hàn Quốc (26-7) cho biết, Tòa án Cấp cao Seoul đã kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye 5 năm tù giam và truy thu 2,7 tỷ won (2,3 triệu USD) với tội danh nhận tiền hối lộ của Cơ quan tình báo quốc gia. Với phán quyết mới của Tòa án cấp cao Seoul, tổng thời gian bị phạt tùcủa bà Park Geun-hye lên tới 32 năm. Cựu Tổng thống Park Guen-hye bị truy tố hồi tháng 4-2017 với 18 tội danh, trong đó có nhận hối lộ, lạm quyền và làm lộ bí mật nhà nước.

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

    - Phiên thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. 

    - Hội nghị toàn quốc công tác văn phòng tỉnh ủy, thành ủy. 

    - Lễ phát động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. 

    - Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

                                                                  BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG