Skip to main content

Ngành Tư pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

           6 tháng đầu năm 2019, ngành Tư pháp đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, nhất là 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành và các nhiệm vụ theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và các nhiệm vụ được giao thêm về tổng kết, đánh giá việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng; sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013...

            Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019.

anh
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 nghành Tư pháp

            Bộ Tư pháp tiếp tục cùng với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp triển khai các nhiệm vụ, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác. Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, 6 tháng đầu năm, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

            Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 01 bậc, xếp thứ 3/18 Bộ, ngành được đánh giá. Bộ và các Sở Tư pháp, Hệ thống thi hành án dân sự đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong các lĩnh vực chuyên ngành và trong theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; nhất là việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua Trục liên thông quốc gia (Hệ thống văn bản và Điều hành) từng bước được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao.

              So với cùng kỳ năm 2018, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tiếp tục giảm ở hầu hết các cấp, đặc biệt giảm mạnh ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 348 văn bản quy phạm pháp luật (giảm 22,5% so với cùng kỳ 2018); các địa phương ban hành 1.293 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh (tăng 1,7%), 391 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện (giảm 57,6%) và 1.758 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã (giảm 69%).

              Bên cạnh đó, chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng, nâng cao; các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền; 66/122 văn bản đã được xử lý. Trong đó, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.226 văn bản; phát hiện 70 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và 12 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Bộ đã tập trung mạnh vào việc xử lý các văn bản trái pháp luật; đến nay, có 29/82 văn bản đã được xử lý.

            Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan rất quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

             Thể chế pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được tập trung sửa đổi, hoàn thiện; ngày càng xuất hiện các mô hình hay, hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục đạt nhiều kết quả; tổ chức thành công Hội thảo Quốc gia về "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam"; bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả đó tiếp tục thể hiện sự đóng góp ngày càng quan trọng của công tác tư pháp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.

                                                                                                              Nguồn: noichinh.vn