Skip to main content

Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ngành Thanh tra

Ngày 18/7, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Thanh tra. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ đạo hội nghị. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì với sự tham gia của các Phó Tổng TTCP: Nguyễn Văn Thanh, Trần Ngọc Liêm, Đặng Công Huẩn, Trần Văn Minh; đại diện một số cơ quan, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí dự và đưa tin hội nghị.
anh1
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, ngành Thanh tra cùng các ngành, các cấp bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể đã triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, hoạt động của ngành Thanh tra đã có những bước chuyển biến tích cực và đạt được những thành tích nhất định. Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, bất cập cần phải khắc phục trong thời gian tới. Tổng Thanh tra đề nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung: Công tác quản lý nhà nước về thanh tra, việc triển khai kế hoạch thanh tra, xử lý trồng chéo trong hoạt động thanh tra, việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra; tình hình giải quyết KNTC, thực hiện các quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài; sử dụng hệ thống CSDL QG về KNTC; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tham nhũng vặt gây nhũng nhiễu phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; những vướng mắc trong việc thực hiện những quy định pháp luật về thanh tra. Về triển khai nhiệm vụ  6 tháng cuối năm, Tổng Thanh tra đề nghị đại biểu thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm, các biện pháp thực hiện, vấn đề quan tâm đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT theo hướng nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay.
anh 2
 
Báo cáo tóm tắt Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của ngành Thanh tra cho thấy, Toàn ngành đã triển khai 3.553 cuộc thanh tra hành chính và 84.604 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 50.339 tỷ đồng, 1.004 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 34.500 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 54.144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.587 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực,
 

Về công tác tiếp công dân, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 182.303 lượt công dân với 124.178 3 vụ, có 1.935 đoàn đông người. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã xử lý 82.260 đơn đủ điều kiện trên tổng số 137.447 đơn tiếp nhận. Có 26.975 đơn khiếu nại, 8.913 đơn tố cáo, với 12.280 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại quyền lợi cho công dân 73 tỷ đồng, 02 ha đất; trả lại quyền lợi cho 800 người, xử lý hành chính 183 người, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ.

 

anh3

Công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực như cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định, 06 tháng đầu năm 2019 toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, vất vả và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2019. Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà ngành Thanh tra cần phải lưu ý khắc phục như: Việc triển khai kế hoạch thanh tra; kết luận thanh tra còn chậm; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít; xử lý sau thanh tra còn hạn chế. Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, tỷ lệ tuy cao hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng nhìn chung còn thấp. Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao; kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra còn hạn chế.

anh4

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt 03 nội dung chính.

 

Thứ nhất, tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, triển khai có hiệu quả các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng theo kế hoạch. Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra năm 2020.

 

Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trọng tâm là góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Tổ chức thực hiện tốt Luật tố cáo 2018 và văn bản hướng dẫn. Thực hiện kế hoạch kiểm tra rà soát giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

 

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất, phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN nhất là Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành./..

                                                                         Mục: Tin tức - sự kiện

                                                   Nguồn: Cổng TTĐT Thanh tra Chính phủ

 

 ​