Skip to main content

Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 01/7/2019

 

Ngày 20/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14. Luật có 10 chương, 96 điều, thay thế cho Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13 [1].

          Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm về phòng, chống tham nhũng. Trong đó có một số nội dung mới liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức cần lưu ý:

          1. 06 công việc người có chức vụ, quyền hạn không được làm

          Theo khoản 2 Điều 20 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau:

          - Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;

          - Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ khi luật có quy định khác;

          - Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

          - Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

          - Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

          - Những việc khác theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.

          2. Không được nhận quà trực tiếp, gián tiếp dưới mọi hình thức

          Khoản 2 Điều 22 của Luật Phòng chống tham nhũng 2018 nhấn mạnh: “… người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.

          Trước đây, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 chỉ cấm cán bộ, công chức, viên chức không được nhận “tiền, tài sản, lợi ích vật chất”, Luật mới đã mở rộng thành “quà tặng dưới mọi hình thức”, bao gồm cả quà tặng phi vật chất như tình dục, thành tích, điểm thi…

          3. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ đủ 2 - 5 năm

          Điều 25 của Luật nêu rõ, đối tượng phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là những người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến: Tổ chức cán bộ; Quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công; Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.

a

          Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có 01 vị trí định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác được ban hành và công khai hàng năm.

          4. Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức đều phải kê khai tài sản

          Theo Điều 34 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được mở rộng tới các đối tượng sau: Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

          Trước đây, tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 người có nghĩa vụ kê khai tài sản chỉ bao gồm cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên; Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn…

          5. Thêm nhiều loại tài sản, thu nhập phải kê khai

          Theo Điều 35, các loại tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

          So với quy định trước đây, nhiều loại tài sản, thu nhập phải kê khai đã được bổ sung, như: Tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

          6. Biến động tài sản từ 300 triệu đồng/năm trở lên phải kê khai bổ sung

  Theo khoản 2 Điều 36, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trong trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

7. Có 04 phương thức kê khai

Điều 36 quy định 04 phương thức kê khai: Kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ.

8. Kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc

Theo khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

 

Mai Loan