Skip to main content

Một số quy định của Đảng và Nhà nước về bảo vệ người tố cáo nói chung và tố cáo tham nhũng nói riêng

      Trong những năm qua, chủ trương xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện tố cáo tham nhũng, lãng phí được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều có những quy định về bảo vệ người tố cáo.

      Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nêu rõ: Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí... Có cơ chế bảo vệ và chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần cho người tố cáo tham nhũng, lãng phí”.

      Văn kiện Đại hội Đảng XII đặt ra một trong những nhiệm vụ quan trọng là: Có cơ chế, chính sách hữu hiệu để khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng”.

     Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.

a

     Luật Tố cáo năm 2011, từ Điều 34 đến Điều 39 đã quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm xâm phạm đến quyền của người tố cáo. Luật Tố cáo năm 2018 (thay thế Luật Tố cáo năm 2011) tiếp tục dành một chương từ Điều 47 đến Điều 58, quy định về bảo vệ người tố cáo. Trong đó, Điều 47 định nghĩa rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo, Điều 48 quy định cụ thể các quyền của người được bảo vệ.

      Về các biện pháp bảo vệ, khác với Luật Tố cáo 2011, Luật Tố cáo 2018 quy định 03 biện pháp bảo vệ đó là: Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin (Điều 56); Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm (Điều 57); Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm (Điều 58); trong đó, nội dung bảo vệ của từng biện pháp được quy định bổ sung thêm để đảm bảo người tố cáo được bảo vệ tốt nhất về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Khoản 2, Điều 65, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012) quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu”.

     Điều 58 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP, ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng tiếp tục bổ sung quy định về bảo vệ người tố cáo: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo”.

     Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 (sẽ thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13) quy định bảo vệ người tố cáo theo pháp luật về tố cáo.

       Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã dành riêng một chương (Chương XXXIV) về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác.

       Tuy nhiên, công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, tố cáo tham nhũng, tiêu cực vẫn còn có những hạn chế nhất định như: Lộ, lọt thông tin người tố giác; Không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; Công tác bảo vệ đánh giá chưa đạt yêu cầu: việc biểu dương khen thưởng ít; cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa yên tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác công tác bảo vệ người tố cáo, mới đây nhất Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chỉ thị đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tổ chức triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

         Như vậy, những nội dung bảo vệ người tố cáo gồm:

        1- Đối tượng được bảo vệ, bao gồm: Người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: nơi công tác, làm việc... của người cần được bảo vệ.

        2- Các biện pháp bảo vệ người tố cáo, bao gồm: Bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.

          3- Phương thức bảo vệ người tố cáo, bao gồm: Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo, bảo vệ tại nơi công tác, làm việc là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan Nhà nước, bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú và bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.

4- Cơ quan bảo vệ người tố cáo: UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đối với trường hợp bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú.

5- Các cơ quan có chức năng bảo vệ người tố cáo, bao gồm: Cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo; cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập; cơ quan công an nơi có tài sản của người tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo; tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương.

Trần Nghĩa Triệu