Skip to main content

 CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Đài TNVN, báo Tuổi trẻ TP.HCM, Công an nhân dân, SGGP và một số báo (17/4) cho biết, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra đồng loạt các cơ sở kinh doanh của Công ty F88 và các cơ sở kinh doanh cầm đồ trên địa bàn. Qua kiểm tra 12 chi nhánh, điểm giao dịch của Công ty F88, cơ quan chức năng bước đầu phát hiện một số vi phạm quy định về an ninh trật tự tại các cơ sở này... Các báo (19/4) đưa tin, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra hành chính 09 cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính của Công ty F88 trên địa bàn. Qua kiểm tra, đều phát hiện các vi phạm về tình hình hoạt động kinh doanh của các cơ sở thuộc Công ty này…

 

    Báo Tiền phong (18/4) có bài: “Hóa giải nỗi sợ sai: Hội chứng “co cụm”, thủ thế an toàn”. Bài báo cho hay, chưa khi nào, tình trạng cán bộ sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm, dám đột phá lại xuất hiện đáng lo ngại như hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh, tê liệt trách nhiệm công; việc trong thẩm quyền nhưng vẫn gửi hồ sơ lòng vòng xin ý kiến mọi nơi, mọi chỗ…, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Vậy làm sao “hóa giải” được thực trạng này? Theo bài báo, xuất phát từ nỗi buồn từ đầu tàu năng động, sáng tạo, đó là: TP. Hồ Chí Minh. Vốn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhưng gần đây điều này hầu như không có bao nhiêu, điều này là lý giải một phần nào nguyên nhân tăng trưởng kinh tế quý I của Thành phố sụt giảm. Kết quả này gây “sốc” cho khá nhiều người, bởi từ trước đến nay, nhắc đến tới TP. Hồ Chí Minh là nhắc đến đầu tàu phát triển kinh tế; nhắc đến sự năng động, sáng tạo, với một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động, đột phá vì lợi ích chung… Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là sau khi vướng vào một số vụ án, vụ việc, cùng với những vướng mắc của hệ thống pháp luật, sự năng động, tính sáng tạo, đột phá của Thành phố đã giảm đi rất nhiều. Thực tế, tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm còn diễn ra ở nhiều nơi, từ Trung ương cho đến địa phương. Một vị chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc, mâu thuẫn, dẫn đến rủi ro giữa đúng và sai. Việc nhiều; làm thì rủi ro; tiêu cực, tham nhũng thì không dám nữa… Tất cả những cái đó khiến cán bộ, công chức co lại, không còn động lực để làm việc… 

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (18/4) đưa tin, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí đề nghị, để tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và nhiệm vụ của ngành, Bộ Tư pháp cần tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu xây dựng chính sách pháp luật và thi hành pháp luật, bảo đảm xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận và đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo đảm thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và hiệu quả. Chú trọng rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

aa

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận

    Các báo (18/4) cho biết, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 60 bị can, thu giữ nhiều tỷ đồng, phong tỏa rất nhiều tài sản của các đối tượng có liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh). Qua xác minh, cơ quan Công an xác định có 415 đối tượng có liên quan, trong đó có khoảng 400 đối tượng trực tiếp đòi nợ thuê bằng các biện pháp khủng bố. Số bị hại lên đến 3 triệu người trên toàn quốc. Trước đó, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an TP. Hồ Chí Minh tiến hành khám phá chuyên án, triệu tập 133 đối tượng là lãnh đạo, nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Lãnh đạo Công ty là Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng chỉ đạo các phòng, nhóm, phân chia cho các thành viên đòi nợ theo 3 cấp độ: Gọi điện thoại chửi bới; đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm; mang quan tài đến nhà, cơ quan, tổ chức, đặt bình gas dọa cho nổ cơ quan, nhà của khách hàng và người thân…

 

    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (18/4), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Văn Toàn (thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; tạm trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Công an thành phố Uông Bí đã triệt phá thành công chuyên án tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bắt 02 đối tượng Nguyễn Văn Đức, trú tại phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí và Chu Văn Dương, trú tại Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội, thu giữ 13 xe ô tô các loại. Các đối tượng dùng thủ đoạn mua lại các xe ô tô không có giấy tờ, sau đó tìm mua giấy tờ, biển kiểm soát, số khung, số máy từ những xe bị tai nạn cùng chủng loại và dùng máy mài để xóa số khung, số máy của xe rồi dán số khung, số máy đã mua được đè lên, đồng thời sử dụng giấy tờ đã mua được để rút hồ sơ gốc của xe, rao bán cho người khác. Sau khi bắt giữ, khởi tố 02 bị can Đức và Dương, Ban chuyên án đã nắm được thông tin về đối tượng Phạm Văn Toàn nhận 100.000 USD của gia đình 02 bị can với lời hứa giúp “chạy án”.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Lao động, VnExpress, Tiền phong và một số báo (20/4) đưa tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh đang điều tra theo đơn trình báo của người dân về việc bị mất gần 15 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng sau khi nghe cuộc gọi của người tự xưng là “cục trưởng ở Bộ Công an”…Thời gian qua, Công an Thành phố liên tiếp khuyến cáo các hành vi lừa đảo bằng các hình thức giả cơ quan chức năng, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân... Ngoài ra, gần đây còn nổi lên thủ đoạn dùng công nghệ Deepfake, thông qua video call để giả dạng hình ảnh và giọng nói người thân, quen, để tạo sự tin tưởng. Bằng nhiều cách, những nhóm tội phạm yêu cầu nạn nhân thực hiện nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải... để ghi lại video và dùng nó để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử... đứng tên nạn nhân.

 

    VnExpress, VietNamnet, Tuổi trẻ TP.HCM, Dân trí, Công an nhân dân và một số báo (21/4) thông tin, 112 người dân đã đến Công an TP. Hồ Chí Minh nộp đơn tố giác, cho rằng bị Ngân hàng Sài Gòn (SCB) phối hợp Bảo hiểm Manulife Việt Nam có hành vi giả chữ ký, kê khống thu nhập... chuyển tiền tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm. Hai tháng trước những người này đã khiếu nại 02 đơn vị trên nhưng không được giải quyết, nên đề nghị Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, xử lý những người liên quan. Trả lời các báo về các tố giác của khách hàng, đại diện Manulife cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xem xét giải quyết các yêu cầu một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng. Việc xử lý các yêu cầu sẽ căn cứ trên quy định của pháp luật.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (21/4) cho biết, trong khi làm nhiệm vụ, Công an huyện Đức Hòa phối hợp cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát trên đoạn đường tỉnh 824 (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) để bắt tội phạm vận chuyển ma túy. Khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe ô-tô 7 chỗ lưu thông với tốc độ nhanh về hướng TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra nhưng tài xế không chấp hành mà tông thẳng vào Thiếu tá Nguyễn Xuân Hào; sau đó, tiếp tục tông trúng 2 người dân đang đi xe gắn máy trên đường rồi lật nghiêng giữa đường. Vụ tai nạn giao thông đã làm Thiếu tá Nguyễn Xuân Hào, Cảnh sát giao thông Công an huyện Đức Hòa và 02 người dân đi đường tử vong. Các báo (23/4) thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã quyết định khởi tố vụ án giết người liên quan đến vụ việc xe ô-tô đâm tử vong Thiếu tá Cảnh sát giao thông và 02 người dân. Lực lượng chức năng tỉnh Long An đã khống chế, bắt giữ tại chỗ hai đối tượng. Qua kiểm tra phương tiện, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 5kg chất nghi ma túy đá và 4 bánh nghi heroin...

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (23/4) cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Đà Nẵng) vừa triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ 08 đối tượng người ngoại tỉnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn giả danh nhân viên công ty tài chính, ngân hàng duyệt hồ sơ cho vay tiền online qua mạng, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt của khoảng 500 bị hại trên cả nước với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (18/4) dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với nguyên Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương Đặng Quang Việt và 03 bị can khác. Đây là diễn biến mới trong quá trình điều tra vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành phố khác. Trước đó, Cơ quan Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với: Đặng Quang Việt, nguyên Phó trưởng Ban; Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Ban; 02 bị can cùng bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bên cạnh đó, Cơ quan Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với: Quảng Thành Thao và Nguyễn Đức Thành cùng về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

 

    Các báo (18/4) đưa tin, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và 11 đồng phạm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên mức án phạt với bị cáo Tuấn từ 4 - 5 năm tù giam về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo thông tin từ các báo (21/4), sau 5 ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án phạt 12 bị cáo trong vụ án thông thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Theo đó, Tòa đã tuyên phạt 05 bị cáo nguyên cán bộ, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc 3 năm tù; Nguyễn Thị Dung Hạnh, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính kế toán 2 năm tù; Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó Giám đốc; Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh, nguyên là Phó trưởng Phòng Vật tư y tế cùng bị phạt 2 năm 6 tháng tù. 03 bị cáo thuộc Công ty CP thiết bị y tế Hoàng Nga từ 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 3 năm 6 tháng tù. Nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Phó Giám đốc Công ty Kim Hòa Phát 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. 03 bị cáo thuộc Công ty định giá AIC bị phạt 23 tháng 8 ngày tù đến 2 năm 6 tháng tù.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (19/4) đưa tin, sau 2 ngày xét xử, Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên án bị cáo Huỳnh Thanh Quang, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề An Giang 5 năm tù; Trương Thị Kim Tú, nguyên kế toán trưởng 3 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Theo cáo trạng, từ tháng 01/2014 đến tháng 7/2019, Quang đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, sử dụng nguồn thu; đã chỉ đạo Kim Tú thu, chi không đúng đối tượng, vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Tổng số tiền mà hai bị cáo đã chi sai là hơn 21 tỷ đồng.

 

    Theo thông tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (19/4), Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ án chuyến bay giải cứu xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với vụ án này. Trong vụ án, 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng; 04 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 24 tỷ đồng. 54 bị can trong vụ án lần lượt bị truy tố về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hộ lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 18 bị can bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” với khung hình phạt cáo nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Cùng ngày, các báo cho biết, Cựu trợ lý Phó thủ tướng nhận 4,2 tỷ để phê duyệt 28 chuyến bay giải cứu. Người đưa hối lộ khai đã cám ơn ông Nguyễn Quang Linh 320.000 USD. Tuy nhiên, cựu trợ lý Phó thủ tướng khai chỉ nhận 180.000 USD. Hay, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhận hối lộ 37 lần của 13 doanh nghiệp số tiền hơn 21 tỷ đồng để tham gia vào quá trình cấp phép các chuyến bay combo cho doanh nghiệp.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (19/4) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử công khai bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cùng 27 đồng phạm trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty CP quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long gây hậu quả nghiêm trọng. 27 bị cáo khác gồm các lãnh đạo, nhân viên của các Công ty, xí nghiệp, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Chi cục đường thủy khu vực 1… bị truy tố về các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (20/4) dẫn nguồn tin từ Bộ Công an cho biết, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh. Mở rộng điều tra các sai phạm liên quan Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), ngày 19/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan, trong việc thực hiện Dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm Trung tâm Công nghệ sinh học gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời, đã ra các quyết định và lệnh tố tụng đối với 09 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (20/4) đưa tin, sau một ngày xét xử, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê 7 năm 6 tháng tù (y án sơ thẩm) về tội “Nhận hối lộ”. Theo các tài liệu, chứng cứ thu thập được, có đủ cơ sở kết luận: Năm 2016, Phùng Anh Lê, khi đó là Trưởng Công an quận Tây Hồ, đã nhận 110 triệu đồng thông qua chú họ, để không xử lý hình sự đối với Nguyễn Hữu Tài. Liên quan vụ án, các bị cáo Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) 10 tháng 28 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam); Vũ Công Ngọc (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) 6 tháng tù treo; Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp) 4 tháng 12 ngày tù, cùng về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.

 

    Theo báo Dân trí và một số báo (20/4) cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ công tác đối với ông Lê Văn Sáng và ông Đỗ Ngọc Châu, là Trưởng ban và Phó trưởng Ban Dữ liệu cơ sở Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ địa chính thuộc Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai. Trước đó, ngày 19/4, Công an huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 2 cán bộ Ban Quản lý dữ liệu thuộc Trung tâm kỹ thuật - công nghệ địa chính - Cục Đăng ký đất đai Bộ Tài nguyên và Môi trường và 02 cán bộ địa chính tại huyện Bảo Lâm liên quan đến sai phạm về đất đai và nhận hối lộ.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (20/4) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Cần Thơ quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Mai Công Hưng, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 8 về hành vi nhận hối lộ. Theo cơ quan chức năng, Mai Công Hưng đã nhận trên 1 tỷ đồng của các chủ sở hữu, người quản lý, điều hành phương tiện để bỏ qua một số quy trình, quy định về đăng kiểm theo yêu cầu của người đưa tiền. Các báo (22/4) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, căn cứ kết quả điều tra về các vi phạm pháp luật tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 38-02D, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc và Phan Thanh Huy, đăng kiểm viên của Trung tâm trên, để điều tra về tội “nhận hối lộ”. Các báo (23/4) cho biết, điều tra mở rộng vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm đăng kiểm tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã khởi tố bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Phạm Đình Thắm, Đăng kiểm viên, Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Lương Đức Thái, Phó Giám đốc Chi cục đăng kiểm Hải Hưng, tỉnh Hải Dương và Vũ Đức Nhất, Phó Chi cục đăng kiểm Hải Hưng, làm việc tại Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.

 

    Các báo (21/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã thi hành Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố đối với bị can Trần Thị Nguyên Hằng, nguyên nhân viên Khoa Xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk và Đinh Lê Lê Na, nguyên nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á phụ trách khu vực Tây Nguyên, cùng về tội “Tham ô tài sản”. Trước đó, tháng 5/2022, Hằng và Lê Na cùng 04 bị can khác là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk và nhân viên đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” cũng liên quan đến Công ty Việt Á. Theo điều tra, trong năm 2020-2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã liên hệ mượn máy, tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm Covid-19 của các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Việt Á. Sau đó, Trung tâm đã hợp thức hóa hồ sơ bằng 4 gói thầu mua sắm sinh phẩm, hóa chất, môi trường, vật tư tiêu hao xét nghiệm Covid-19 trái quy định gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Cùng ngày, các báo dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến sai phạm của Công ty Việt Á xảy ra tại Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thành, nguyên Bí thư Thị ủy, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều và Nguyễn Văn Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. TTXVN, báo Nhân Dân điện tử và một số báo (21/4) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra các hành vi đấu thầu sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan tới Công ty Việt Á. Trước đó, ngày 28/4/2022, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc mua sắm sinh phẩm, thuốc, hóa chất phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, đề nghị xử lý kỷ luật nhiều cá nhân trong ngành y tế của tỉnh. Liên quan tới vụ án này, trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang có Thông báo về việc nhân sự thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, thôi giữ chức Giám đốc Sở Y tế, thôi Ủy viên UBND tỉnh Kiên Giang, thôi đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Hà Văn Phúc. 

 

    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (23/4) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố bị can Lê Thanh Thản, Tổng Giám đốc Công ty Bemes về tội “Lừa dối khách hàng”. Cùng bị truy tố với bị can Thản trong vụ án này còn có các bị can: Đỗ Văn Hưng, nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội; Nguyễn Duy Uyển, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng; Bùi Văn Bằng, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng; Nguyễn Văn Năm, nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông; Vương Đăng Quân, nguyên Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông; Mai Quang Bài, nguyên cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh, bị truy tố với cáo buộc quảng cáo sai về căn hộ chung cư xây trái phép tại phường Kiến Hưng, Hà Đông, để bán cho khách hàng.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (20/4) đưa tin, Cơ quan công tố đã quyết định không tiến hành tố tụng hình sự đối với người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng Armenia, sau khi xem xét các cáo buộc về việc ông này lạm dụng quyền lực để mua một căn hộ lớn với giá ưu đãi. Theo thông tin, Sasun Khachatryan, người điều hành Ủy ban Chống tham nhũng Armenia (ACC), đã tạm dừng cuộc điều tra hình sự đối với một doanh nhân giàu có vào năm 2021, ngay sau khi mua căn hộ trong khu dân cư mới do công ty của doanh nhân này xây dựng ở Thủ đô của Armenia. Trước đó, ACC đã điều tra Ashot Arsenyan, một doanh nhân nổi tiếng, người lãnh đạo Tập đoàn Jermuk Group, về hành vi mua phiếu bầu mà cảnh sát Armenia cáo buộc vào năm 2018. Theo thông tin cho rằng, ông Khachatryan có thể đã mua căn hộ với giá ưu đãi để đổi lấy việc không khởi tố Arsenyan.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 

 

    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”;

    - Xét xử cựu Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long nhận hối lộ;

    - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn bị phạt 3 năm tù.

 

Nguồn: Noichinh.vn