Skip to main content

   CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Lao động (06/3) phản ánh, sau 3 năm thành lập, Công ty Cổ phần Linh Quang Điện của người tự xưng mình là thầy Cao Anh đã tăng vốn từ 2,5 tỷ đồng lên 99 tỷ đồng và nhiều tài sản giá trị. Thế nhưng, doanh thu trong năm 2020 tại doanh nghiệp chỉ khoảng 500 triệu đồng và hơn 1 tỷ đồng năm 2021. Không phải đền chùa, không phải cơ sở tín ngưỡng tâm linh - Công ty này có cơ sở là một biệt thự xa hoa 2 mặt tiền nằm ngay trong khu đô thị Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là điểm đến tâm linh của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân mỗi dịp cầu việc mong muốn. Được thành lập năm 2019 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp. Trong các ngành, nghề đăng ký kinh doanh của Công ty không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng trong khi tại cơ sở này mỗi ngày có tới hàng trăm người đội lễ chờ được “thầy” Cao Văn Anh “bắt ma, trị bệnh” với chi phí lên tới vài chục triệu đồng; thậm chí chỉ xem tử vi 1 phút cũng mất 1 triệu đồng… Năm 2019, Công ty báo lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2020, doanh nghiệp báo lãi chỉ 274 triệu đồng. Đến năm 2021, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của công ty này lại lao dốc, chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 12 triệu đồng. Những con số kể trên có vẻ ít hơn rất nhiều so với những nguồn thu trực tiếp đến từ người dân nộp tiền thực hiện các “nghi lễ” tại biệt thự xa hoa này. 

 

    Báo Thanh niên (06/3) cho biết, liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND H.Krông Pắk. Năm 2018, khi giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk, ông Diệu có liên quan đến việc tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk, xác định giá thu tiền sử dụng đất cho 06 hộ dân tại khu đất số 47 Lý Tự Trọng, TP. Buôn Ma Thuột. Tháng 12/2022, Thanh tra Chính phủ có kết luận, nêu rõ việc xác định giá đất để giao đất cho 06 hộ dân tại số 47 Lý Tự Trọng không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, làm thất thoát ngân sách hơn 2,5 tỷ đồng. Đồng thời, giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột và thủ trưởng các sở, ngành có liên quan xác định lại giá đất giao, truy thu tiền chênh lệch nộp vào ngân sách nhà nước.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Công an nhân dân, Nhân dân, Người Lao động, Tiền phong, Zingnews.vn, Dân trí, Công thương, Pháp luật Việt Nam, Giao thông, Tuổi trẻ TP.HCM và các báo (07/3) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng vừa họp, xem xét, đề nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hải Phòng thi hành kỷ luật đối với ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an TP. Hải Phòng. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hải Phòng đã đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với ông Đỗ Hữu Ca bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới và các báo (07/3) đưa tin, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Nguyễn Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Ninh và 02 cán bộ khác, gồm: Ông Nguyễn Văn Hải, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh; Hà Công Thẻ, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm… Các ông này còn vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài sản. Ban Bí thư đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính đối với các cá nhân trên đồng bộ, kịp thời với kỷ luật Đảng.

 

    Theo VietNamnet (07/3), Công an Hà Nội vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự 31 nghi phạm để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản do liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính. Trước đó, ngày 20/02, Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) phối hợp với Công an Hà Nội, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá 02 băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động đòi nợ bằng các thủ đoạn cực đoan, đòi nợ thuê núp bóng nhiều công ty khác nhau. Nhóm thứ nhất, xác định là Trần Hồng Tiến, trú Quận 1, TP. Hồ Chí Minh là người điều hành. Từ ngày 02/7/2018 đến hết năm 2022, các công ty này đã thu mua hơn 335.000 hợp đồng vay tiền của khách với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng. Nhóm thứ hai, được xác định do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng, đều là Phó giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt cầm đầu. Công ty này có trụ sở chính ở quận Tân Bình. Cơ quan công an xác định Châu và Hùng trực tiếp điều hành công ty và thuê Lê Thị Tuyết đứng tên làm giám đốc, vì bà Tuyết là luật sư nên đủ điều kiện pháp lý mở công ty luật. Cơ quan điều tra cáo buộc hoạt động của Công ty luật Pháp Việt là nhận đòi nợ thuê cho Ngân hàng OCB, SHB và các công ty tài chính như Shinhan Việt Nam. 

 

    VnExpress (08/3) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vụ án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, làm giả email lừa đối tác của doanh nghiệp. Theo cáo trạng, đầu năm 2021, Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty TNHH Ogo - Chuskusk kết bạn với một người nước ngoài có tên tài khoản mạng xã hội là My Friend; Lan Anh nhận lời lập công ty, mở tài khoản cung cấp cho người này để nhận 10% tiền phạm pháp do họ chiếm đoạt được. Lan Anh sau đó thuê Nguyễn Khắc Chương đứng ra thành lập Công ty TNHH Woojin High Tec. Tháng 8/2021, nhóm người nước ngoài biết Công ty VHG Styles Việt Nam có ký hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty Modern Fittings (ở Mỹ) nên xâm nhập email lấy thông tin. Sau đó, chúng lập email giả (gần giống email Công ty VHG Styles Việt Nam) gửi cho đối tác yêu cầu trả hơn 94.700 USD tiền hàng vào tài khoản Công ty TNHH Woojin High Tec do Chương đứng tên. Công ty Modern Fittings lầm tưởng đây là email đề nghị của đối tác nên đã chuyển tiền. Sự việc sau đó được Công ty VHG Styles Việt Nam trình báo cảnh sát.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Cổng thông tin Chính phủ, Quochoi.vn, báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và hầu hết các báo Trung ương, địa phương (06/3) đồng loạt đưa tin về việc khám xét trụ sở Công ty F88 tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Trụ sở chính của Công ty F88 - công ty tài chính chuyên cho vay với quy mô lớn (viết tắt Công ty F88) ở quận Gò Vấp đã bị khám xét. Hiện tại, F88 có mạng lưới lên tới 830 phòng giao dịch tính đến tháng 01/2023. Theo báo Thanh niên (07/3), VOV (08/3), không chỉ khám xét văn phòng quy mô lớn của Công ty F88 ở Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh), nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của Công ty F88 trên địa bàn cũng bị phong tỏa, khám xét để phục vụ công tác điều tra về các dấu hiệu vi phạm. Theo ghi nhận của Thanh Niên, chiều cùng ngày, Công an khám xét tại chi nhánh, phòng giao dịch của Công ty F88 phường Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức; đường Hoàng Diệu, TP.Thủ Đức; đường Trần Quang Khải, Quận 1; đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú; đường Nguyễn Văn Quá, Quận 12… Đây là hệ thống chuyên cho vay, có hàng trăm nhân viên thu hồi nợ và trong thời gian qua đã đe dọa người vay, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản. Phương thức của các nhóm này là hoạt động dưới vỏ bọc công ty kinh doanh tài chính, văn phòng luật sư, tuyển dụng hàng trăm nhân viên để thu hồi nợ thông qua thủ đoạn “khủng bố”, liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối. Báo Đại đoàn kết (07/3) cho biết, đại diện F88 khẳng định các hoạt động của công ty đều tuân thủ quy trình, quy định chặt chẽ, dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, theo  Công an TP. Hồ Chí Minh, hoạt động điều tra F88 xuất phát từ những phản ánh trước đó về việc công ty này thực hiện hoạt động cho vay nhưng có dấu hiệu “Cưỡng đoạt tài sản” theo kiểu “khủng bố”. Theo phản ánh, tại một số cơ sở kinh doanh của F88 có dấu hiệu thu nhiều khoản phụ phí cao, trái với quy định. Hay như báo Thanh niên (08/3) phản ánh, về việc F88 gọi vốn “khủng” để cho vay cầm đồ như thế nào?. Thanh niên đã đặt dấu hỏi để đi tìm câu trả lời, như: Nguồn tiền ở đâu để Công ty F88 mở rộng hoạt động cho vay, cầm đồ, đó cũng là thắc mắc của không ít người dân, sau khi cơ quan công an khám xét trụ sở và nhiều chi nhánh của F88 tại TP. Hồ Chí Minh? Chủ F88 là ai? Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, F88 được thành lập năm 2016, vốn điều lệ là gần 600 tỷ đồng. Đơn vị này có công ty mẹ là Công ty CP đầu tư F88 được thành lập năm 2015, vốn điều lệ là gần 70 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật cả 2 công ty này là ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc F88. Báo Người Lao động (07/3) cũng đặt câu hỏi về nguồn tiền của F88, đó là: Những “đại gia” nào đang cung cấp tiền để F88 cho vay cầm cố?. Theo người đại diện của F88, dự kiến, năm 2023, công ty sẽ giải ngân tới 1 tỷ USD và sẽ chính thức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2024 với 1.400 phòng giao dịch. Đáng chú ý, năm 2022, F88 đã được Trung tâm tài chính toàn diện (Center for Financial Inclusion) xếp hạng và cấp Chứng chỉ Bảo vệ khách hàng ở mức cao nhất trong giai đoạn 2022-2025. Báo Giao thông (09/3) thông tin, lý do F88 bị “sờ gáy”: Khi cho vay, đòi nợ biến tướng thành “khủng bố”. Theo bài báo, từ sự phát triển chóng mặt kèm không ít hệ lụy của dịch vụ cầm đồ kiểu F88, một lần nữa nóng câu hỏi: Cách nào quản lý loại hình kinh doanh này?. Một số người cho biết họ không có bất cứ giao dịch nào với F88 nhưng vẫn bị “nã” điện thoại, bị chửi rủa thô tục, thậm chí bị đe dọa tính mạng vì cho rằng có mối quan hệ với khách hàng vay vốn của F88. Khách hàng của F88 thì phải chịu những áp lực nặng nề. Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho thấy, hiện toàn quốc có hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, rất nhiều trong số đó có biểu hiện cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố”. Như vậy, vấn nạn “khủng bố” đòi nợ, cách nào dẹp? Đây là câu hỏi đặt ra, cần câu trả lời của các cơ quan chức năng.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Báo Thanh tra (06/3) phản ánh, Yên Bái: Nhiều tài sản không kê biên, chấp hành viên có dấu hiệu thông đồng đấu giá, cưỡng chế doanh nghiệp? Theo đó, chấp hành viên không kê biên tài sản nghiêm túc, nhiều lần đưa ra văn bản chỉnh sửa khiến Bộ Tư pháp phải thanh tra đột xuất việc chấp hành án của Chi cục Thi hành án dân sự TP Yên Bái. Từ thông tin, ông Triệu Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Trường Minh tố cáo bà Trần Thị Hoa, chấp hành viên, Chi cục Thi hành án dân sự TP Yên Bái đã “cố tình thực hiện thi hành án sai bản án, vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Có dấu hiệu “Nhập nhoạng” trong kê biên tài sản thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự TP Yên Bái và chấp hành viên Trần Thị Hoa, thể hiện rõ trong biên bản kê khai tài sản và hàng loạt thông báo sửa chữa, bổ sung; thậm chí là đấu giá tài sản. Đáng nói, chấp hành viên Trần Thị Hoa còn cố tình thông đồng, ký kết hợp đồng với công ty thẩm định giá không phải là đơn vị chuyên môn… 

 

    Báo Thanh niên (06/3) đưa tin, các cơ quan chức năng tại Kon Tum liên tục phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bị làm giả, làm dấy lên mối lo ngại cho người dân trong việc buôn bán, kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, trong số đó, có nhiều sổ đỏ giả liên quan cán bộ trong ngành quản lý đất đai. Một số sổ đỏ mang tên bà Hồ Thị Hạnh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Kon Tum. Công an tỉnh Kon Tum đã vào cuộc điều tra và khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Hạnh để điều tra về tội “làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Công an đã phát hiện Huỳnh Văn Cảnh, Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai H. Ngọc Hồi (Kon Tum) làm giả 16 sổ đỏ để lừa đảo, thu lợi bất chính trên 1,8 tỷ đồng. Cảnh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử và tuyên phạt 16 năm 6 tháng tù giam về tội “giả mạo trong công tác” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…

 

    Báo Thanh niên (06/3) cho biết, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lần 2, chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm, chuyển đổi tội danh, tuyên phạt bị cáo Phạm Phú Lộc, cựu cán bộ hải quan tỉnh Đồng Tháp 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Mức án này giảm một nửa so với cấp sơ thẩm mà Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Lộc 06 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo tòa phúc thẩm, Lộc đề nghị người có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô cho các Việt kiều theo diện di chuyển tài sản của người Việt Nam định cư tại nước ngoài hồi hương. Bị cáo không báo cáo người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát, nên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thu tiền thuế, thất thoát số tiền hơn 3,3 tỷ đồng, trong đó Lộc gây thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng.

 

    Báo Thanh niên (06/3) đưa tin, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị UBND TP. Đà Nẵng cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan lô đất A2 Phạm Văn Đồng để làm rõ vụ việc liên quan Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”). Đây là lô đất vàng biển Đà Nẵng sở hữu 3 mặt tiền có diện tích gần 2.681 m2, lô đất này đã được Vũ “nhôm” bán cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) từ năm 2009, nhưng vẫn bị kê biên, sau đó mang ra đấu giá để thi hành án. Sau khi tòa án các cấp xét xử, cuối năm 2021, Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng đã tổ chức bán đấu giá thành công lô đất này cho Công ty CP Đầu tư bất động sản Vạn Thành Phát (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) với giá 293,5 tỷ đồng. Liên quan đến nội dung này, VietNamnet (07/3) cho biết, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chia sẻ khó khăn trong việc thi hành án dân sự rằng, có trường hợp tài sản đưa ra để thi hành án nhưng thông tin về tài sản đó không rõ ràng. Một trong số các trường hợp khó thi hành án mà lâu nay các cơ quan chức năng vẫn nhắc đến là khối tài sản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ đối với lô đất A2 ở đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng (Lô A2), diện tích  2.722,5m2. Mới đây, Văn phòng Cơ quan điều tra Bộ Công an có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng về việc liên quan đến Lô A2 nói trên. Văn phòng Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng có văn bản báo cáo giải trình và làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan khi tham mưu, duyệt, ký các văn bản cung cấp thông tin không chính xác cho Cơ quan điều tra Bộ Công an và Cục thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng về nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý đối với quyền sử dụng đất tại Lô A2. 

 

    Theo thông tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân dân, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Người Lao động, Đại đoàn kết, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, Zingnews.vn, Tuổi trẻ TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới (06/3), Công an thành phố Cần Thơ vừa tống đạt quyết định khởi tố 02 bị can ở khoa Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á. Các bị can gồm: Đỗ Thị Yến Phương và Phạm Ngọc Thùy. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Cần Thơ đã quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại khoa Xét nghiệm thuộc Bệnh viện đa khoa. Theo điều tra, từ năm 2017 đến năm 2021, 02 bị can đã có hành vi kê khống nhu cầu sử dụng hóa chất tách chiết, kit xét nghiệm viêm gan B, C, lao… để bộ phận mua sắm đặt mua hàng của Công ty Việt Á. Cả hai cũng cấu kết với nhân viên Công ty Việt Á làm khống hàng hóa, thủ tục, để bộ phận mua sắm trình Ban Giám đốc thanh toán đầy đủ giá trị lô hàng (trong đó có hàng khống). Sau đó đề nghị Công ty Việt Á chi lại giá trị hàng khống đã thanh toán cho 2 bị can để chiếm đoạt tiền của Bệnh viện với số tiền khoảng 800 triệu đồng. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (10/3) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận thực hiện lệnh khám xét nơi ở, phòng làm việc và lệnh bắt tạm giam 04 tháng đối với Dương Bá Thanh Dân, Trưởng khoa Dược, vật tư y tế của CDC Ninh Thuận; Nguyễn Đăng Đức, nhân viên Khoa Dược để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 02 đối tượng này đã có hành vi thông thầu với Công ty Việt Á để nâng giá trị vật tư y tế, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Tiền phong, Tin tức, VnExpress (07/3) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu tuyên án tù chung thân và 66 năm tù cho các bị cáo liên quan đến những sai phạm trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty Cổ phần Thủy hải sản Minh Hiếu. Tổng giám đốc Công ty Lê Thị Hạc cùng 08 người bị cáo buộc làm báo cáo tài chính khống, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hơn 67 tỷ đồng của ba ngân hàng. Theo thông tin, bà Lê Thị Hạc, vợ ông Dũng, Tổng giám đốc Công ty Minh Hiếu, bị Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Ngô Chí Dũng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần thủy hải sản Minh Hiếu, bị phạt chung thân; thủ quỹ Nguyễn Thị Út, 41 tuổi, án 12 năm tù. 04 bị cáo còn lại là nhân viên công ty bị phạt 4-11 năm tù. Tòa buộc ông Dũng trả Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hơn 13,9 tỷ đồng; trả Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình Việt Nam (ABBANK) 32,6 tỷ đồng và trả Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu Việt Nam (ACB) hơn 20,5 tỷ đồng.

 

    Báo Thanh niên, VnExpress, Công thương, Kinh tế đô thị, SGGP, Dân Việt (07/3), Tiền phong (08/3) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố loạt bị can trong vụ án thất thoát tài sản nhà nước xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn. Các bị can đều bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí”. Theo đó, Chu Tiến Dũng, cựu Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) và 09 bị can khác đều bị truy tố tội danh trên. Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2015 đến 2018, các bị can không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí số tiền 22 tỷ đồng. Cụ thể là sai phạm trong việc sử dụng quỹ khen thưởng của CNS (từ ngày 27/4/2016 đến 28/6/2018) gây thất thoát trên 17,3 tỷ đồng; sai phạm trong việc CNS thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE, gây thất thoát gần 4,7 tỷ đồng.

 

    Báo Công an nhân dân, Thanh niên, Công thương (07/3), Người Lao động (09/3) cho biết, Công an TP. Hồ Chí Minh thực hiện quyết định truy nã bị can Võ Duy Đệ, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Uni Holdings, về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đang thực hiện quyết định truy nã bị can Võ Duy Đệ. Theo điều tra, Võ Duy Đệ dù biết rõ các thửa đất số 414, 415, 418, 419 (thuộc phường Thạnh Xuân, Quận 12) là đất nông nghiệp, không lập hồ sơ dự án, không được cơ quan chức năng chấp thuận chuyển mục đích sang đất ở đô thị, không được tách thửa. Tuy nhiên, Võ Duy Đệ vẫn tự lập sơ đồ phân lô, tự đặt tên “Dự án Thạnh Xuân Riverside”, sử dụng pháp nhân Công ty Uni Holdings ký hợp đồng chuyển nhượng đất nền cho 02 cá nhân khác, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

 

    TTXVN, báo Thanh niên, Tiền phong, Người Lao động, Công an nhân dân, Văn hóa, Zingnews.vn (07/3) đưa tin, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh quyết định kỷ luật 02 cán bộ vì liên quan đến sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị giáo dục giai đoạn 2017-2019. Theo đó, ông Lê Quang Cảnh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, giai đoạn 2017-2020) bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo; ông Phan Thanh Hải, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính, giai đoạn 2017-2020) bị kỷ luật khiển trách. Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 13/9/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý mua sắm thiết bị giáo dục, đầu tư xây dựng xảy ra tại Sở này. Theo đó, trong giai đoạn 2017-2019, Sở thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học với tổng giá trị hợp đồng hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, mua sắm tập trung 15 gói thầu với tổng giá trị hơn 240 tỷ đồng, Sở tự mua sắm 2 gói thầu trị giá gần 10 tỷ đồng. Những gói thầu này bị “đội giá” cao bất thường, nhiều mục bị tráo đổi phụ lục gây thất thoát nhiều tỷ đồng. Báo Nông nghiệp Việt Nam (09/3) cho biết thêm về hàng loạt sai phạm trong ngành Giáo dục tại Gia Lai. Thanh tra tỉnh này chỉ rõ tại kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí trong lĩnh vực giáo dục tại các huyện Đăk Pơ, Phú Thiện và thị xã An Khê. Cụ thể, trong ba năm từ 2019-2021, tại huyện Đắk Pơ, Thanh tra tỉnh phát hiện 17 trường mầm non, tiểu học và THCS sai phạm 834 triệu đồng thanh toán tiền tăng giờ sai quy định cho các giáo viên. Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê vi phạm một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm tra, nghiệm thu các thiết bị dạy học từ nhà thầu. Thanh tra tỉnh đã phát hiện có 31 trường học tại huyện Phú Thiện trong giai đoạn 2017-2021 sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách… dẫn đến số tiền sai phạm hơn 2,126 tỷ đồng… Các báo (12/3) tiếp tục thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành bắt Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc và Trần Văn Tuân, Phó Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Lam Hồng về tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là kết quả mở rộng điều tra từ vụ án mà trước đó Cơ quan Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công thuộc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan. Các đối tượng nêu trên bị khởi tố đều vi phạm trong vụ nâng khống thiết bị giáo dục ở Hà Tĩnh.

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN,  báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Lao động, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM và các báo (06/3) cho biết, mở rộng điều tra sai phạm liên quan các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 92-02D, trụ sở tại thị xã Điện Bàn. Cơ quan Công an tỉnh đã khởi tố 03 bị can gồm Phó Giám đốc Trung tâm cùng các đăng kiểm viên của trung tâm về tội “Nhận hối lộ”. Các báo (07/3) đưa tin, Công an quận Đống đa (TP. Hà Nội) đã thực hiện khám xét, điều tra Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (địa bàn phường Láng Hạ, quận Đống Đa) để làm rõ hành vi thông đồng bỏ qua các lỗi vi phạm về đăng kiểm xe cơ giới. Liên quan đến vấn đề đăng kiểm, tại Trung tâm này trước đó đã diễn ra tình trạng nhiều chủ xe xếp hàng dài từ sáng tới chiều tối chờ đăng kiểm. Hiện tại, Trung tâm đóng cửa để phục vụ công tác điều tra. Các báo (08/3) cho biết, Công an huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D và 04 đăng kiểm viên về hành vi Nhận hối lộ. Kết quả điều tra cho biết, từ năm 2015 đến 2022, Giám đốc Trung tâm Lê Thành Chung và Phó giám đốc Hoàng Tuấn Anh đã bàn bạc, thông đồng với cấp dưới bỏ qua các lỗi vi phạm về đăng kiểm xe cơ giới. Tổng số tiền nhận hối lộ lên tới hàng trăm triệu đồng, được các bị can chia nhau. Như vậy, trong tổng số 31 trung tâm đăng kiểm xe, TP. Hà Nội hiện chỉ còn 07 trung tâm hoạt động, với năng suất kiểm định còn khoảng 1.000 xe/ngày. Tính trên cả nước, lực lượng chức năng đã tiến hành khởi tố 42 vụ án, khám xét 63 trung tâm đăng kiểm, 04 chi cục đăng kiểm, khởi tố gần 400 bị can. Con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (09/3) thông tin, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 09 đối tượng thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-01S và 29-27D (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Giám đốc Trung tâm, Phó Giám đốc; 02 đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ. Tại Cơ quan công an, các đối tượng cũng khai nhận đã nhận tiền của chủ xe để bỏ qua lỗi vi phạm. Các báo (08/3) phản ánh, do ảnh hưởng của việc điều tra, khám xét, dừng hoạt động của nhiều trung tâm đăng kiểm, nên tại một số Trung tâm đăng kiểm ở TP. Hồ Chí Minh, ô tô xếp hàng dài chờ đến lượt kiểm định. Có tài xế chờ đến 3 ngày vẫn chưa đến lượt được đăng kiểm. Báo Dân trí (09/3) nêu, theo lời khai của các đăng kiểm viên trong quá trình kiểm định, đăng kiểm viên bỏ qua lỗi vì “xe tải là nguồn nuôi sống gia đình chủ xe”, nên họ đã tạo điều kiện cho đăng kiểm. Các báo (09/3) tiếp tục thông tin, theo thống kê mới nhất của Cục Đăng kiểm Việt Nam từ cơ sở dữ liệu kiểm định, tháng 3 và tháng 4/2023, do nhiều trung tâm đăng kiểm không hoạt động, Hà Nội sẽ có lần lượt 91.647 và 100.928 xe ôtô đến hạn kiểm định và 72.147 và 81.428 xe ôtô không kiểm định được. Còn ở TP. Hồ Chí Minh sẽ có lần lượt 58.548 và 99.315 xe ôtô đến hạn đăng kiểm, 29.948 và 79.715 xe ôtô không kiểm định được do công suất kiểm định tối đa không thể đáp ứng được. Để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến về việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 năm 2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới; đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp sớm cho ý kiến về việc xây dựng, ban hành Thông tư nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn hiện nay. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (10/3) đồng loạt đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố 03 bị can về tội nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 34-04D. Các bị can gồm: Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm và Giám đốc Công ty TNHH ô tô Alpha. Các báo (10/3) đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm rõ những sai phạm trong quá trình đăng kiểm xe cơ giới tại Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, 04 cán bộ của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61-08D cùng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Nhận hối lộ. Các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: 02 Phó Giám đốc Trung tâm và 02 đăng kiểm viên bậc cao. Các báo (10/3) cho biết, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 11/3, các cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ đăng kiểm của Cục Cảnh sát giao thông sẽ được tăng cường về hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm, để góp phần giải quyết tình trạng quá tải. Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường lực lượng hỗ trợ công tác đăng kiểm theo đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải để khắc phục tình trạng của các Trung tâm đăng kiểm đang bị dừng hoạt động hiện nay trên cả nước. VnExpress (12/3) phản ánh, sau bốn tháng “truy quét” sai phạm tại hàng loạt trung tâm đăng kiểm, hiện tại, Công an tại 30 tỉnh, thành phố đã khởi tố khoảng 50 vụ án về sai phạm đăng kiểm xe cơ giới, với tổng cộng gần 500 người bị điều tra về 07 tội danh. Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục, khiến hệ thống chao đảo. Bộ Công an thông báo sai phạm của những người này bị phát hiện sau khi Cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh lập biên bản một số xe tải có giấy đăng kiểm được cấp sai quy định, chênh lệch về kích thước thùng hàng. Qua gần 50 vụ án, nhà chức trách đánh giá “thủ đoạn nhận hối lộ” của các trung tâm đăng kiểm khá giống nhau. Chủ phương tiện nếu không tham gia “luật chơi” sẽ bị tìm mọi cách để gây khó dễ, kéo dài thời gian đăng kiểm. Bộ Công an cho rằng số tiền nhận có thể lên tới nhiều chục tỷ đồng và việc điều tra chưa dừng lại, cho nên, việc Cảnh sát giao thông “chi viện” đăng kiểm lúc này là cần thiết. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (12/3) đồng loạt đưa tin, ông Mai Văn Quân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và kỹ thuật ô tô Tiên Phong (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) vừa bị bắt vì hành vi đưa tiền cho các đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Quân về tội “Đưa hối lộ”. Công an TP. Hồ Chí Minh cũng ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Mai Đức Truyền, chuyên viên Phòng kiểm định xe cơ giới để điều tra hành vi nhận hối lộ của Công ty Tiên Phong nhằm bỏ qua thiếu sót trong quá trình đăng kiểm. Các báo (12/3) cũng đồng loạt cho biết, Công an huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam về hành vi nhận hối lộ đối với Giám đốc, 02 Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-13D để điều tra về các hành vi sai phạm trong hoạt động đăng kiểm. 

 

    Báo Tiền phong (08/3), Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM (09/3) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ chuyển nhượng hơn 300m2 “đất vàng” tại phố Bà Triệu. Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội trong thời gian qua. Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 9/2017 - 7/2018, bị can Lương Thế Hiển (nguyên Phó Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo của sở, ban, ngành thành phố, có thể đứng tên giúp anh Nguyễn Thanh Thủy (ở quận Đống Đa) làm thủ tục mua nhà cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, chuyển đổi đất sử dụng chung và gộp các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng. Sau khi các lô đất được cấp sổ đỏ, ông Hiển cùng vợ đem bán cho người khác. Khi giao dịch, anh An chuyển gần 320 tỷ đồng cho vợ chồng ông Hiển. Tuy nhiên, các hợp đồng công chứng giữa năm 2018 về việc mua bán giữa ông Hiển, bà Liên và anh An ghi tổng giá trị chuyển nhượng 3 lô đất vàng là 30 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với số tiền thực tế đã giao dịch. Đến tháng 9/2019, anh Thủy có đơn tố cáo cho rằng mình đã bị nguyên Phó Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 03 lô đất vàng trên phố Bà Triệu và 02 căn tại dự án nhà ở trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).

 

    Báo Dân trí (09/3) cho biết, tháng 8/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên buộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh bồi thường cho ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ Bình Dương 2,6 tỷ đồng. Song, sau nhiều tháng, ông Dũng vẫn chưa nhận được tiền bồi thường oan sai. Ông Dũng là nạn nhân cuối cùng trong kỳ án cả gia đình 08 người bị oan suốt 40 năm Dân trí từng phản ánh. Ngày 14/10/2022, Cục thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương ban hành quyết định thi hành án. Ngày 17/02 vừa qua, quyết định trên “bất ngờ” bị thu hồi. Theo nội dung vụ án, tối 26/7/1979, nhà máy xay lúa ở xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) xảy ra vụ cướp. Sau đó, công an bắt giữ một người tình nghi. Từ lời khai của người này, ông Nguyễn Văn Dũng cùng cha, mẹ, chị gái và 04 người khác lần lượt bị bắt. Bị tạm giam 04 năm, Cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Dũng và 07 người còn lại nên trả tự do. 

 

    Các báo (09-10/3) phản ánh, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB). Theo đó, “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc gây ra 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2018, Hà Thành lừa đảo 371 tỷ đồng của 03 ngân hàng và 63 tỷ đồng của 04 người khác). Trong số 26 bị cáo, 17 cá nhân là cựu cán bộ, nhân viên ba ngân hàng bị cáo buộc đã giúp Nguyễn Thị Hà Thành bỏ qua nhiều bước, không gặp trực tiếp chủ tài sản bảo đảm là khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng; lập tờ trình cấp tín dụng khi hồ sơ thiếu sót, giả mạo, chưa qua thẩm định; dùng pháp nhân của công ty đã dừng hoạt động để vay tiền ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

 

    Các báo (10/3) cho biết, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng… trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, “Công tác quản lý đất công của một số đơn vị còn để xảy ra tình trạng đất công bị lấn chiếm, chiếm dụng, cho thuê đất trái quy định của pháp luật, chậm ký hợp đồng thuê đất đối với các trường hợp phải chuyển sang thuê đất”. Đáng chú ý, đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau; dự án Bệnh viện Đa khoa Bình An - Medic Cà Mau vi phạm quy định Luật quản lý thuế… Để xảy ra các sai phạm, trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và Giám đốc nhiều sở. Thanh tra kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 74 tỷ đồng do vi phạm về tài chính đất đai và đầu tư xây dựng, giảm trừ khi quyết toán công trình với số tiền hơn 16 tỷ. Đồng thời, chuyển Bộ Công an  vụ việc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát tại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu hành chính và công trình công cộng cửa ngõ đông bắc thành phố để xem xét, xử lý theo quy định. Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 13.560m2 đất của Công ty Phát triển nhà Cà Mau cho Công ty TNHH Thiên Tân, có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

 

    Báo Công an TP.HCM, Đồng Nai (11/3) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân cùng cấp truy tố các bị can: Nguyễn Thuận, ngụ P.Xuân An, TP.Long Khánh; Phùng Thanh Sơn, ngụ P.Xuân An, TP.Long Khánh và Đào Thị Thùy Trang, ngụ P.Xuân Thanh, TP.Long Khánh về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nguyễn Thuận đã chiếm đoạt số tiền hơn 6,2 tỷ đồng bằng hành vi nâng khống số tiền bán các nền đất dự án tại H.Thống Nhất, thông qua đồng phạm giúp sức là Sơn và Trang. Theo cáo trạng, Công ty CP Phú Việt Tín được thành lập từ năm 2008 với 02 thành viên trở lên. Trong số các thành viên có Tổng công ty Cao su Đồng Nai là doanh nghiệp nhà nước góp vốn 2,5 tỷ đồng (chiếm 25%). Năm 2009, Tổng công ty Cao su Đồng Nai có văn bản cử Nguyễn Thuận làm đại diện tại Công ty Phú Việt Tín và bổ nhiệm Thuận làm Tổng giám đốc. Lợi dụng việc được UBND tỉnh giao đất, các đối tượng đã góp vốn thực hiện dự án phân lô bán nền, giả chữ ký khách hàng để chiếm đoạt tiền. Quá trình điều tra, cả 03 đối tượng thừa nhận đã làm lại hợp đồng, làm lại phiếu thu của 175 nền đất với tổng số tiền chênh lệch trên hợp đồng hơn 6,2 tỷ đồng rồi chiếm đoạt. 

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (12/3) cho biết, trả lời kiến nghị cử tri Hà Nội về thanh tra, kiểm tra các ngân hàng trong phát hành, tư vấn trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thanh tra đột xuất 11 ngân hàng và xử phạt những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý liên quan góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động, bảo đảm việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

 

    Báo Thanh niên (12/3) thông tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu  ban hành cáo trạng truy tố bị can Ngô Quốc Trạng, cựu Trưởng ban Pháp chế Công ty TNHH thương mại dịch vụ phát triển Đông Đông về hành vi tham ô tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngô Quốc Trạng được Công ty giao quản lý các văn bản nội bộ, quản lý các hợp đồng thương mại, theo dõi quản lý công nợ cùng kế toán, đối chiếu, thu hồi công nợ và nộp tiền thu được từ khách hàng ở 02 tỉnh Bạc Liêu và Long An. Lợi dụng quyền hạn được giao, trong thời gian từ tháng 7/2020 - 5/2021, Trạng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền của Công ty hơn 1,2 tỷ đồng.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (07/3) đưa tin, Tổng Kiểm toán Quốc gia Colombia Carlos Hernan Rodriguez cho biết, mục tiêu của cơ quan này trong vòng bốn năm tới là thu hồi một nghìn tỷ peso (209 triệu USD) ngân sách nhà nước bị thất thoát do tham nhũng. Văn phòng Kiểm toán Quốc gia đã thu hồi được 350 tỷ peso trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi ông Carlos Hernan Rodriguez lãnh đạo cơ quan này. Đây là tín hiệu khả quan khi so sánh với con số 200 tỷ peso mà cơ quan này thu hồi được trong nhiệm kỳ 4 năm của vị lãnh đạo tiền nhiệm. Theo một thống kê của cơ quan này, số tiền bị tham nhũng lên tới 50 nghìn tỷ peso mỗi năm, gấp đôi giá trị của Đạo luật về Cải cách thuế trị giá 20 nghìn tỷ peso được Quốc hội thông qua vào cuối năm ngoái.

 

    Báo Thanh tra (09/3) cho biết, các công tố viên Ý đã mở một cuộc điều tra rửa tiền liên quan đến bê bối tham nhũng tại Nghị viện châu Âu (EP) có tên Qatargate. Vụ việc đã phơi bày những nhược điểm sâu sắc mang tính cấu trúc trong quá trình hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cho thấy mức độ thao túng chính trị của một số cá nhân. Theo Financial Times, Văn phòng Công tố Milan đang điều tra 2 nghi phạm chưa được công bố danh tính có liên quan đến Pier Antonio Panzeri, Nghị sĩ Đảng Xã hội trong EP từ năm 2004-2019, bị buộc tội tham nhũng, rửa tiền và là thành viên của một nhóm tội phạm sau khi cảnh sát thu giữ 600.000 euro tiền mặt tại nơi ở của ông ở Brussels. 2 nghi phạm bị điều tra ở Ý từng là cổ đông của một công ty tư vấn do kế toán của ông Panzeri thành lập, bị cáo buộc che giấu các khoản hối lộ mà Panzeri nhận được từ các chính phủ nước ngoài. Các công tố viên Ý tin rằng, 2 người đàn ông này đã đóng vai trò bình phong cho Panzeri và trợ lý cũ của ông, Francesco Giorgi, với tư cách là cổ đông của công ty từ năm 2019 đến 2021.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 

 

    - Khám xét trụ sở Công ty tài chính chuyên cho vay với quy mô lớn (Công ty F88) ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh;

    - Ban Bí thư thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với một số lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh; huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình;

    - Truy tố loạt bị can trong vụ án thất thoát tài sản nhà nước xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn;

    - Tiếp tục điều tra sai phạm liên quan các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.

 

Nguồn: Noichinh.vn