Skip to main content

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh

          Trong hai tháng đầu năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, số lượng vi phạm về TTATGT còn nhiều, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ (trong 2 tháng đầu năm 2023 lực lượng chức năng đã xử lý 674 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 1.059 trường hợp chạy quá tốc độ. Tai nạn giao thông (TNGT) tính từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/02/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ, làm chết 11 người, bị thương 04 người; so với cùng kỳ năm 2022 tăng 07 vụ (10/3), tăng 07 người chết (11/4), tăng 04 người bị thương (4/0)

Để tạo chuyển biến tích cực tình hình TTATGT, góp phần phòng ngừa, kéo giảm TNGT trong thời gian tới, tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân đối với công tác bảo đảm TTATGT, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

1. Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT và công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng bằng những hình thức như trên các trang thông tin báo chí, mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn và tuyên truyền trực tiếp tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, tổ dân phố để tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tâm lý, ý thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu, bia không lái xe”; đồng thuận, ủng hộ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Nghiêm cấm lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng chức năng. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong phạm vi quản lý vi phạm TTATGT. Có hình thức, biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cơ quan quản lý nhà nước vi phạm quy định về TTATGT.

2. Sở Giao thông vận tải

- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công xử lý điểm tiềm ẩn về TNGT; phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, xác định các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và các bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến, địa bàn để có kế hoạch nhanh chóng khắc phục, xử lý, chủ động phòng ngừa, làm giảm TNGT bền vững.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là vi phạm kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô… để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải lưu thông trên các tuyến đường bộ.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường lực lượng, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện tuần tra kiểm soát khép kín 24/24 giờ trên các tuyến, địa bàn để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, quá trọng tải, quá khổ, cơi nới thành thùng... với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước, thực hiện thông báo đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.

- Phát huy hiệu quả hệ thống camera giám sát trong việc phát hiện, xử lý vi phạm về TTATGT; phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục khảo sát, đề xuất lắp đặt thiết bị giám sát, tự động phát hiện vi phạm trên các tuyến Quốc lộ 1B, 4A, 4B, tuyến đường đi các cửa khẩu, điểm giao cắt giữa các tuyến quốc lộ với thị trấn, thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác bảo đảm TTATGT theo định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Công an tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025.

- Chỉ đạo các trường học tăng cường hoạt động tuyên truyền về TTATGT, phối hợp lực lượng Công an triển khai, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh, sinh viên kỹ năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông…; phối hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành pháp luật, các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có Giấy phép lái xe… chủ động phòng ngừa TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên.

5. Sở Tài chính

- Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu bố trí nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT, nhất là trang cấp phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT như: xe ô tô tuần tra, thiết bị đo nồng độ cồn, thiết bị kiểm tra ma túy, cân trọng tải…

- Phối hợp Công an tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đề xuất kinh phí triển khai mở rộng hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm nhằm tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT.

6. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh vật liệu, kho, bến bãi, nhà ga, mỏ khai thác vật liệu, nơi tập kết hàng hóa… trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền, cho các cơ sở trên cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, vận tải hàng hóa tham gia giao thông. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký, phòng ngừa vi phạm xe cơi nới thành thùng, chở hàng quá trọng tải, quá khổ ngay tại nơi xuất phát.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, làm việc với các nhà hàng, quán ăn và các cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn để phối hợp tuyên truyền, vận động khách hàng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; có biện pháp phù hợp để người đã sử dụng rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông.

7. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan thành viên theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT; phối hợp Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Kim Ngân