Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (13/02) đưa tin, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án luật; đây là những dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; đồng thời, xem xét, cho ý kiến 3 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhấn mạnh đây là vấn đề mới và khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về tính cấp bách và các nội dung cơ bản lớn của nghị định này để Chính phủ có cơ sở tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, ban hành theo thẩm quyền. Trong thời gian diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa XHCN Việt Nam; xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc. Báo SGGP (13/02) thông tin thêm, Các phát biểu về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, thống nhất quan điểm Pháp lệnh chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến. Trong số các quy định cụ thể, về các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành, song đề nghị bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ trưởng đoàn kiểm toán, phó trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán” để áp dụng với hành vi vi phạm hành chính “mua chuộc, hối lộ” quy định tại dự thảo Pháp lệnh.

 

    Báo Công an TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động và một số báo (13/02) cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Giám đốc Công ty KingLand chi nhánh Bình Dương - về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, năm 2020, Cơ quan điều tra tiếp nhận đơn của một số cá nhân tố cáo Trịnh Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư KingLand (trụ sở tại TP Thủ Đức) và Nguyễn Thị Thanh Hiếu có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua việc giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và góp vốn, thuộc dự án KingLand Home City 5 không có thật. Cụ thể, từ năm 2018-2019, Công ty KingLand mua 4 thửa đất với tổng diện tích 45.232,5m2 tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Sau đó, giao cho các cổ đông góp vốn hoặc người nhà của các cổ đông đứng tên người sử dụng đất nhằm mục đích tách thành nhiều thửa nhỏ để xin chủ trương thành lập dự án khu nhà ở. Tuy nhiên, Công ty chưa lập thủ tục xin chủ trương phê duyệt dự án nhà ở khu dân cư thì Hưng đã thực hiện phân lô 4 thửa đất trên và giao cho Hiếu làm đại diện theo pháp luật. Hiếu đưa ra thông tin gian dối là đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án để thực hiện ký hợp đồng, thu tiền của 56 khách hàng hơn 15,4 tỷ đồng, đã trả lại hơn 1,1 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt hơn 14,3 tỷ đồng chưa hoàn trả.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (14/02) thông tin,Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành cáo trạng truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh để xét xử bị can Nguyễn Chí Uy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang (Công ty Sông Đà Nha Trang) cùng cấp dưới là Đào Trung Dũng, nguyên kế toán trưởng của doanh nghiệp này về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: Nguyễn Chí Uy chỉ đạo Đào Trung Dũng sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại để chi trả cho việc sử dụng của cá nhân và hoạt động khác của Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang. Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Chí Uy, Đào Trung Dũng đã thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả.

 

    Báo Lao động (15/02) cho biết, Chủ tịch tỉnh Yên Bái vừa ký văn bản yêu cầu xử lý nghiêm đối với trường hợp khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Vân Hội, huyện Trấn Yên; yêu cầu kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên sau phản ánh của Báo Lao Động. Văn bản nêu rõ, giao UBND huyện Trấn Yên khẩn trương phối hợp cùng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại xã này. Ngoài ra, lập hồ sơ xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép theo quy định. Vụ việc đã diễn ra trong khoảng thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hay biết khiến dư luận bức xúc.

 

    Báo Tuổi trẻ TP.HCM, VnExpress, Dân trí (15/02), Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Thanh niên, Lao động, Người Lao động, Dân Việt và một số báo (16/02) cho biết, mang án oan giết người suốt 39 năm, đến ngày 15/02/2023, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã trao số tiền bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng cho ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi) và người đại diện của ông Trần Trung Thám (đã chết). Trước đó, tháng 9/2020, ông Khổng Văn Đệ (100 tuổi) đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường oan sai số tiền 1,167 tỷ đồng. Theo đó, ông Chinh, ông Thám và ông Đệ bị Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) bắt giam trong vụ án giết người xảy ra năm 1980 (người bị sát hại là ông Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô). Ngày 09/10/2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đơn vị liên quan tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ba ông.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (13/02) dẫn nguồn tin cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Kạn tiến hành khám xét và quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 05 đối tượng của Công ty cổ phần Đăng kiểm Bắc Kạn-9701D về hành vi nhận hối lộ. Các đối tượng gồm: Trần Đức Dương, Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm Bắc Kạn-9701D; Hoàng Huy Trường, Phó Giám đốc; Phạm Hồng Chính, Hoàng Văn Bường, đều là đăng kiểm viên; Hoàng Ngọc Hải, nhân viên. Các báo (13/02) tiếp tục đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố 03 bị can về hành vi “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm 26.01D tỉnh Sơn La. Các bị can bị khởi tố gồm: Trần Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Kiểm định phương tiện vận tải Sơn La; Đinh Viết Cương, Trưởng Phòng Hồ sơ, Đăng kiểm viên và Vi Thị Hằng, cán bộ Phòng Hồ sơ. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khám xét Trung tâm Đăng kiểm 26.01D phục vụ công tác điều tra. Qua đó, đã phát hiện Trung tâm Đăng kiểm 26.01D có nhiều sai phạm trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các báo cho biết, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ 04 đối tượng liên quan vụ việc ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D (xã Liên Hồng, thành phố Hải Dương) để điều tra, làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ. Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định: Năng đã thông đồng với lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D, địa chỉ tại xã Liên Hồng (thành phố Hải Dương) nhận hối lộ của các chủ phương tiện xe cơ giới đến trung tâm thực hiện đăng kiểm. Trước đó, ngày 09/02, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện khám xét Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D. Qua điều tra, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ 02 phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm là Bùi Trọng Quyền Anh và Hà Văn Toàn; bắt và khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Ô-tô Alpha ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Phúc bị bắt do thông đồng với lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D lập khống hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới. Các báo (15/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 36-08D, địa chỉ xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trịnh Ngọc Tuấn, sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú tại xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 36-08D về tội “Nhận hối lộ”. Các báo (16/02) dẫn nguồn tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới TP. Đà Nẵng; Lương Ngọc Vũ, đăng kiểm viên và Lương Kim Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và kỹ thuật LKQ cùng về tội danh nhận hối lộ. Các báo cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ, khởi tố bị can về tội nhận hối lộ và khám xét nơi ở đối với 03 đối tượng là các thành viên trong Ban Giám đốc Trung tâm đăng kiểm cơ giới tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo thông tin, các đối tượng bị bắt giữ gồm Đào Hữu Long, Trần Hưng Huy và Dương Phúc Thiện. Các báo (18/02) tiếp tục thông tin, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã kiểm tra Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 37-09D, tại phường Quán Bàu, thành phố Vinh; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm này cung cấp một số hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác điều tra. Công an cũng tiến hành niêm phong một số máy móc, tài liệu hiện có tại Trung tâm. Trước đó, ngày 13/2/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án “Đưa, nhận và môi giới hối lộ” diễn ra tại 2 cơ sở của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An (là cơ sở 37-01S và 37-02S); khởi tố và tạm giam 11 bị can là lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An về tội “Nhận hối lộ”.

 

    Theo tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN, Tạp chí Kiểm sát và các báo (13/02), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định, lệnh bắt, khám xét đối với 04 bị can gồm: Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo); Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing; Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing; Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng trong vụ án xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty này. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. 

 

    Báo Người Lao động (14/02) cho biết, Công an TP. Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Đặng Thị Lan Anh, nguyên kế toán trưởng trường Tiểu học Chi Lăng, quận Gò Vấp về tội “Tham ô tài sản”. Theo đó, từ năm 2009 đến 2021, Trường Tiểu học Chi Lăng có nhiều hoạt động thu, chi không đúng quy định, quy trình và quy chế chi tiêu nội bộ gây thiệt hại, thất thoát số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Đặng Thị Lan Anh giữ vai trò kế toán trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng. Trong thời gian được phân công nhiệm vụ này, Lan Anh đã sử dụng độc chiêu để chiếm đoạt tiền tỷ với việc lập hóa đơn khống, chứng từ chi để tham ô  khoảng 1,62 tỷ đồng. 

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (15/02) đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thu thập tài liệu chứng cứ, đấu tranh mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại núi Hang Diêm, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng từ năm 2017 đến năm 2021. Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trương Minh Hiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Hữu Song, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

    Báo Nhân Dân điện tử (15/02) có bài “Chấn chỉnh sai phạm của Công ty TNHH giáo dục trải nghiệm Trưng Vương Garden”, bài báo cho biết, qua kiểm tra Dự án “Khu giáo dục trải nghiệm Trưng Vương Garden” ở xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cơ quan chức năng tỉnh này xác định, dự án này chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng, chưa hoàn thành các thủ tục liên quan đến dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng, xây dựng nhiều hạng mục kiên cố… Việc làm này của chủ dự án đang gây bức xúc dư luận.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, VietNamPlus, Kiểm toán Nhà nước, Tiền phong, Thái Bình, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (15/02) đưa tin, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt những nội dung cơ bản của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến tại 14 điểm cầu với sự tham gia của hơn 1.200 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã quán triệt những nội dung cơ bản của cuốn sách; đồng thời, gợi mở một số yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

aa

    Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu nội dung Cuốn sách tại Hội nghị

 

    Theo thông tin từ Tạp chí Kiểm sát (15/02), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuyên Mộc đã thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đức và Kế toán Lê Thị Bích Lộc trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại trường Tiểu học Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, ngày 08/02/2020, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phát sóng phóng sự có nội dung phản án dấu hiệu sai phạm thu chi tài chính từ ngày 01/01/2017 đến 31/12/2020 của trường Tiểu học Hòa Hội. Tiếp nhận thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã tiến hành thụ lý tin báo, thu thập chứng cứ và xác định trong thời gian này, trường Tiểu học Hòa Hội đã có nhiều sai phạm trong công tác tài chính. Qua điều tra, Cơ quan điều tra xác định, Hiệu trưởng và Kế toán đã có hành vi chiếm đoạt kinh phí của trường. 

 

    Theo báo Tuổi trẻ TP.HCM (16/02) phản ánh, bạn đọc của Báo tiếp tục có ý kiến phản hồi và cho rằng lý giải của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc giá một số bộ sách giáo khoa mới cao hơn sách cũ là chưa chính xác. Đây là nội dung tại “Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ký nêu rõ một số bộ sách giáo khoa mới có giá cao hơn so với bộ sách giáo khoa theo chương trình cũ do khổ giấy, màu in... chất lượng hơn”. Dư luận bạn đọc báo cho rằng, sách giáo khoa dùng một lần rồi bán ve chai, đâu cần tốt, trong khi nhà xuất bản đã mua giấy cao hơn giá thị trường 70%, nếu cắt khoản chênh lệch này thì giá sách giáo khoa sẽ giảm. Và không thể nói khổ giấy, giấy tốt, in đẹp mà nâng giá sách giáo khoa lên. Theo cách lý giải của Bộ trưởng: ”Sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá”. Thì đây có phải là nguyên nhân giá sách cao vô tội vạ? Dư luận còn cho rằng, việc xã hội hóa mang lợi cho ai? “Mục tiêu xã hội hóa của Nhà nước là giảm giá, đằng này xã hội hóa mà giá sách giáo khoa tăng và lợi nhuận của Công ty tăng đột biến. Vậy xã hội hóa cho dân được hay là cho các công ty hưởng? Cần xem lại mục đích và tiêu chí của xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa này cũng như tất cả các lĩnh vực khác”. “Dù báo cáo có hay đến mấy đi nữa thì cái lỗ hổng về việc biên soạn, in ấn, phát hành, định giá sách giáo khoa thời gian qua đã bộc lộ những sai phạm”. 

 

    Tạp chí Kiểm sát (16/02) cho biết, liên quan đến những sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị giáo dục xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2017-2019, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là vụ án được phát hiện qua công tác thanh tra của tỉnh. Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2017-2019, Sở này thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học, tổng giá trị hợp đồng hơn 250 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện việc đấu thầu cung cấp thiết bị giáo dục, các đơn vị trúng thầu đã có sự tráo đổi phụ lục trong phần hồ sơ. Một số gói thầu có hiện tượng các thành viên liên danh trúng thầu ký hợp đồng mua bán hàng hóa cho nhau, qua một đơn vị trung gian nhằm đẩy giá thiết bị, hợp thức hóa giá trúng thầu, giá hợp đồng. Số tiền chênh lệch tại những gói mua sắm thiết bị giáo dục lên đến hơn 60 tỷ đồng. Ngoài việc buông lỏng quản lý dẫn đến để các nhà thầu vi phạm trong việc đấu thầu, nâng giá và đánh tráo thiết bị, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng được cho là đã mua nhiều thiết bị lạc hậu, không phù hợp với nhu cầu dẫn đến không phát huy được hiệu quả. Kết luận thanh tra cũng “điểm mặt” những công ty đã dùng chiêu trò để thổi giá thiết bị giáo dục như: Công ty CP Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T, Công ty CP công nghệ Lam Hồng, Công ty CP H-PEC Việt Nam, Công ty CP ứng dụng Công nghệ & Dịch vụ viễn thông, Công ty CP Bảo Toàn, Công ty CP Vạn Xuân. Vụ án này cũng đã được đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh. Báo Tiền Phong (19/02) thông tin thêm về việc lật tẩy các chiêu “thổi giá” thiết bị giáo dục tại Hà Tĩnh, với chiêu trò mua đi bán lại qua các khâu trung gian, nâng giá các thiết bị nhập khẩu, tráo đổi phụ lục, lắp đặt sai thiết kế của các đơn vị trúng thầu xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh trong giai đoạn 2017-2019. Liên quan đến những sai phạm trong các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành họp kiểm điểm bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Giám đốc Sở; ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở; ông Trần Trung Dũng, nguyên Giám đốc Sở; ông Nguyễn Xuân Trường, nguyên Phó Giám đốc Sở; bà Nguyễn Thị Hải Lý, nguyên Phó Giám đốc Sở. Liên quan đến những sai phạm trong ngành Giáo dục - Đào tạo, theo nguồn tin của báo Tiền Phong (17/02), Thanh tra thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã ban hành Kết luận thanh tra về “Đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị dạy học trên địa bàn thị xã giai đoạn năm 2020-2021 tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã”; đồng thời, đề nghị chuyển hồ sơ vi phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã An Khê. Theo kết luận, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã được giao 7,8 tỷ đồng (đã mua sắm 7,7 tỷ đồng) để làm chủ đầu tư 3 dự án mua sắm vật tư, thiết bị dạy học. Để thực hiện việc mua sắm, cơ quan này ký hợp đồng với Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam thực hiện tư vấn thẩm định giá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có nhiều sai phạm. Thanh tra thị xã An Khê kết luận, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị dạy học; có dấu hiệu nâng giá thiết bị trong đấu thầu; vi phạm hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu. 

 

    Báo Thanh niên, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Môi trường và đô thị, Tuổi trẻ TP.HCM, Người Lao động, Đài THVN và một số báo (16/02) cho biết, Đoàn kiểm tra Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Định kiểm tra đột xuất, phát hiện 03 đăng kiểm viên tại 03 trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ làm sai lệch kết quả đăng kiểm. Sở Giao thông - Vận tải tỉnh cho biết, đã giao Thanh tra sở này ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 đăng kiểm viên (thuộc 3 trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh) có hành vi vi phạm làm sai lệch kết quả đăng kiểm. Theo đó, mỗi đăng kiểm viên bị xử phạt 1,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ đăng kiểm viên 02 tháng.

 

    Theo tin từ TTXVN, Quochoitv.vn, Đài THVN, Đài TNVN, Công an nhân dân, Lao động, VnExpress, Thanh niên, Công thương, Dân trí, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Người Đưa tin và các báo (17/02), 14 người thuộc Chi cục đăng kiểm đường thủy ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu bị bắt. Theo đó, Cơ quan điều tra xác định, lãnh đạo các Chi cục đăng kiểm đường thủy tại đây đã nhận “lót tay” để bỏ qua các lỗi khi đăng kiểm tàu, thuyền. Người bị bắt là: Hoàng Văn Duy, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9 tại Vũng Tàu, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và 13 người khác ở đơn vị này cùng Chi cục đăng kiểm số 6 (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) về tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ. Đây là động thái nằm trong kế hoạch mở rộng điều tra vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành. Hơn hai tháng qua, Công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, khám xét gần 40 trung tâm, khởi tố gần 300 người. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, đã khởi tố ít nhất 07 vụ án (cấp thành phố và quận huyện), bắt tạm giam 128 người là Giám đốc, Phó giám đốc, nhân viên 13 trung tâm đăng kiểm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và 08 đơn vị tại Sài Gòn; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan. Người có chức vụ cao nhất đến nay bị bắt về hành vi Nhận hối lộ là hai cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình. Họ bị cáo buộc cùng nhiều cấp dưới nhận tiền “hàng tháng, hàng quý” của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành. Ngoài ra, các trạm đăng kiểm muốn thành lập phải hối lộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam mới được chấp nhận. Ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới, hơn 52.300 giấy chứng nhận kiểm định đã được đường dây này cấp sai quy định. Việc này là đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người đi đường; xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trật tự quản lý công cộng; gây dư luận xấu cho xã hội... Số tiền các bị can hưởng lợi chưa được thống kê đầy đủ, song có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, ngày 12/01, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (17/02) đưa tin, Công an tỉnh Hưng Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tiên Lữ, huyện Khoái Châu và Chi cục thuế khu vực thành phố Hưng Yên - huyện Kim Động. Quá trình điều tra xác định, trong khi thực hiện nhiệm vụ, Trần Thị Tố Uyên, Đội trưởng Đội tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trước bạ và thu khác thuộc Chi cục thuế khu vực thành phố Hưng Yên - huyện Kim Động (Cục Thuế tỉnh Hưng Yên) đã yêu cầu, nhận tiền trái quy định của 01 cá nhân để được cấp “nhanh” thông báo nộp tiền thuế tiền sử dụng đất, các loại thông báo nộp thuế khác và xác định số tiền thuế phải nộp thấp hơn khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tiên Lữ; Đào Thị Phượng, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Khoái Châu đã yêu cầu, nhận tiền trái quy định của 01 cá nhân để làm “nhanh” thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (18/02) cho biết, Công an tỉnh An Giang đã thi hành lệnh khám xét và bắt bị can để tạm giam về hành vi “Tham ô tài sản” đối với các cán bộ từng công tác và đang công tác tại huyện Chợ Mới, gồm: Ông Ngô Hoàng Hiếu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới; ông Vũ Minh Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới; ông Nguyễn Hồng Viễn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chợ Mới; ông Lê Quốc Điền, Chủ tịch UBND xã Long Điền A; ông Lưu Văn Khôn, Chủ tịch UBND xã Kiến Thành; bà Nguyễn Thùy Trang, Kế toán UBND xã Hòa An. Công an tỉnh cũng tiến hành bắt giữ các bị can khác, gồm: Ông Trương Hiếu Phúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn xây dựng Trương Đặng; ông Dương Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn xây dựng Thuận Trị; ông Nguyễn Thành Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng Hữu Thịnh.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (18/02) dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp cùng các Phòng nghiệp vụ và Công an thành phố Lào Cai ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 02 đối tượng liên quan đến việc đưa và nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 24-01D trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hai đối tượng bị tạm giữ gồm: Dương Đức Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 24-01D (về hành vi nhận hối lộ trong quá trình kiểm định xe cơ giới) và Nguyễn Kim Dương, Giám đốc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Việt Lâm (về hành vi đưa hối lộ).

 

    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Tuổi trẻ TP.HCM và các báo (14/02) cho biết, thao túng các gói thầu y tế, Hoàng Thị Thúy Nga bị đề nghị 9-10 năm tù. Theo vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã luận tội đối với 20 bị cáo trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ. Hoàng Thị Thúy Nga là Chủ tịch hội đồng sáng lập NSJ Group và rất nhiều công ty khác nhằm mục đích kinh doanh. Kết quả điều tra, thu thập tài liệu tại Công ty NSJ và các công ty khác của Nga đã có đủ căn cứ xác định các công ty của Nga đã thực hiện việc cung cấp trang thiết bị cho rất nhiều đơn vị, trong đó có nhiều đơn vị thuộc các cơ quan, tổ chức nhà nước trên nhiều địa phương trong cả nước. Tại Cần Thơ, Nga gặp, trao đổi, bàn bạc thống nhất với Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và Cao Minh Chu về việc tạo điều kiện cho Công ty Bình An và Công ty NSJ tham gia 4 gói thầu và trúng thầu theo giá Nga đưa ra trước đó, đi ngược lại quy trình đấu thầu mà Luật Đấu thầu đã đề ra. Đồng thời, Nga chỉ đạo cấp dưới thương thảo mua hàng hóa gói thầu để độc quyền, cản trở các đơn vị khác không mua được hàng hóa, đồng thời ký các hợp đồng mua hàng giữa các công ty của Nga nhằm mục đích che giấu việc nâng giá hàng hóa. Các hành vi này gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 32,6 tỷ đồng. Đối với hành vi hưởng lợi số tiền 3,2 tỷ đồng của Bùi Thị Lệ Phi và 200 triệu đồng của Cao Minh Chu, Viện kiểm sát cho rằng mặc dù quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi không thừa nhận đã nhận số tiền 3 tỷ đồng từ Nga, mà chỉ thừa nhận đã nhận số tiền 200 triệu do Nga biếu Tết. Báo Pháp luật TP.HCM (18/02) tiếp tục thông tin, việc đưa nhận 3,4 tỷ đồng xuất phát từ việc Phi đã tạo điều kiện cho Nga trúng thầu. Hành vi đưa, nhận tiền (nếu có) là dấu hiệu của một tội phạm độc lập khác. Trong vụ án này, các cơ quan chức năng xác định Hoàng Thị Thúy Nga có vai trog chủ mưu, cầm đầu. Hội đồng xét xử đã tuyên 20 bị cáo phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tuyên buộc bị cáo Nga bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Sở Y tế TP. Cần Thơ số tiền gần 33 tỷ đồng, kê biên nhiều bất động sản của cá nhân và công ty của bị cáo để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án. Để bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, cũng như không làm oan người vô tội, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục điều tra làm rõ hành vi đưa nhận tiền của bị cáo Phi, bị cáo Chu, bị cáo Nga và các đối tượng có liên quan khác, nếu có. 

 

    TTXVN và các báo (18/02) thông tin thêm, qua quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 11/02/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Cần Thơ đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ liên quan đến hành vi mua bán kit xét nghiệm PCR Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất trên địa bàn thành phố. Kết quả điều tra ban đầu xác định đa số chủ đầu tư mượn kit xét nghiệm PCR Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất sử dụng trước, sau đó làm thủ tục chỉ định thầu không đúng quy định để thanh toán cho số hàng đã mượn sử dụng trước đó, không bảo đảm công bằng minh bạch, vi phạm những điều cấm trong Luật Đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng. 

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (19/02) dẫn nguồn tin từ Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra vụ án hình sự “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Ngày 18/02/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số tỉnh, thành phố tiến hành tố tụng đối với các đối tượng có liên quan. Cơ quan An ninh điều tra đang tạm giữ ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án nêu trên.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (13/02) đưa tin, hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập đã tập trung trước Văn phòng Thủ tướng Albania để phản đối Chính phủ tham nhũng và thực trạng chi phí sinh hoạt cao là nguyên nhân buộc người dân phải rời khỏi đất nước. Theo Hãng tin Reuters, những người biểu tình, do Sali Berisha - lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập dẫn đầu, đã ném pháo vào lối đi dẫn tới tòa nhà Chính phủ, nơi hàng trăm cảnh sát mặc trang phục chống bạo động đứng chặn những người biểu tình tràn vào tòa nhà. Nhóm người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Edi Rama từ chức. Trong khi, ông Sali Berisha cho biết, một cuộc biểu tình khác sẽ được triệu tập trước tòa nhà Quốc hội trong ngày 13/2. Ông Berisha từng giữ chức Tổng thống Albania (từ 1992 đến 1997) và Thủ tướng (từ 2005 đến 2013). Năm 2021, ông bị Mỹ đưa vào danh sách đen cấm nhập cảnh vì cáo buộc “tham nhũng đáng kể”. Tuy nhiên, ông phủ nhận mọi hành vi sai trái.

 

    Đài THVN, báo Thanh tra (16/02) cho biết, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) Chen Xuyuan đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Chen Xuyuan, người trước đây từng là Phó Giám đốc Cảng vụ Thượng Hải, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty Cảng Quốc tế Thượng Hải, được bầu làm Chủ tịch CFA vào tháng 8/2019 và Phó Bí thư Đảng ủy CFA vào tháng 12 cùng năm. Sự kiện này đánh dấu một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, sau khi một số quan chức cấp cao của CFA bị buộc tội vi phạm kỷ luật, trong đó có cựu huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá quốc gia Trung Quốc Lý Thiết. Lý Thiết, cựu huấn luyện viên trưởng của Đội tuyển Bóng đá quốc gia Trung Quốc; Liu Yi, cựu Tổng Thư ký CFA và Chen Yongliang, cựu Phó Tổng Thư ký Điều hành của CFA kiêm Trưởng Ban Quản lý Đội tuyển Bóng đá quốc gia, cũng đã bị cơ quan kỷ luật hàng đầu của Trung Quốc điều tra vì nghi ngờ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

    

    Báo Thanh tra (16/02) thông tin, hàng chục người trong Bộ Quốc phòng Israel đã bị bắt vì nghi ngờ tham nhũng. Đây là kết quả của cuộc điều tra bí mật kéo dài 1 năm do đơn vị Lahav 433 của Cảnh sát Israel và Cơ quan An ninh của lực lượng Quốc phòng tiến hành. Cuộc điều tra được mở sau khi Giám đốc An ninh của lực lượng Quốc phòng đưa ra nghi ngờ tham nhũng, và tiết lộ một băng đảng tham nhũng, hối lộ có liên quan đến các nhà thầu, quan chức trong Cục Kỹ thuật và Xây dựng thuộc Bộ Quốc phòng. Một trong những nghi phạm trong vụ án được phát hiện có quan hệ kinh doanh với người đứng đầu một tổ chức tội phạm Israel. Trong số hàng chục người bị bắt có nhà thầu, luật sư, chủ sở hữu công ty, nhân viên và quan chức tại Cục Kỹ thuật và Xây dựng, Bộ Quốc phòng. Các nghi phạm bị buộc tội nhận và đưa hối lộ, lừa đảo, vi phạm lòng tin... với các tình tiết tăng nặng, liên quan đến tội phạm, đăng ký sai trong tài liệu công ty, rửa tiền và phạm tội về thuế. Cùng với việc bắt giữ, cảnh sát đã kiểm soát các tài khoản ngân hàng và bất động sản, đồng thời tịch thu nhiều loại tiền mặt, xe hơi sang trọng cũng như đồ trang sức đắt tiền. Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố rằng, họ nhận thấy những nghi ngờ nghiêm trọng, đang hợp tác, hỗ trợ điều tra và sẽ làm việc để đưa thủ phạm ra trước công lý.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 

 

    - Kiểm toán Nhà nước quán triệt Cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

    - Tiếp tục khởi tố, tạm giam nhiều đối tượng tại Trung tâm đăng kiểm tỉnh Bắc Kạn, Sơn La và Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu…;

    - Bắt giam cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;

    - Bắt tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

 

Nguồn: Noichinh.vn