Skip to main content

 CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Chinhphu.vn, báo Tuổi trẻ TP.HCM, VnExpress, Zingnews.vn (07/02) cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải ban hành kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Theo đó, Bộ sẽ lập ba đoàn kiểm tra hầu hết các Sở Giao thông - Vận tải trên cả nước về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông - Vận tải trên cả nước cũng được giao chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe thuộc quyền quản lý. Mục tiêu của đợt thanh tra này là nhằm phát hiện bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (nếu có) để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Hoạt động thanh tra này cũng sẽ phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có) trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (08/02) đưa tin, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký các quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2021-2026 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2021-2026, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (09/02) thông tin, Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị lý luận, thực tiễn cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay”. Các tham luận tại tọa đàm đã tập trung làm rõ những giá trị, ý nghĩa lý luận và thực tiễn tác phẩm của Tổng Bí thư đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta hiện nay; đối với việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; làm rõ, sâu sắc hơn giá trị lý luận, thực tiễn, ý nghĩa của tác phẩm đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay.

aa

    Các đại biểu dự tọa đàm tham quan gian trưng bày sách tại Bộ Công an

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (11/02) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Dung, trú xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, năm 2018, thông qua mạng xã hội Facebook, Dung tiếp cận được với bà N.T.V, trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk và nói dối mình có quen biết với cháu của một cố Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Công an và nhiều lãnh đạo UBND các tỉnh, huyện trên cả nước để nhận xin việc cho con gái của bà V. vào làm việc trong ngành giáo dục huyện Cư Kuin. Tin lời Dung, bà V. đã đưa tiền cho Dung lo xin việc cho con gái. Sau thời gian dài chờ đợi, con gái của bà V. vẫn không có việc làm như hứa hẹn và Dung đã chiếm đoạt của bà V. tổng số tiền 176 triệu đồng.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (06/02) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên phạt Trương Tiến Bắc, nguyên là cán bộ kỹ thuật của khoa Ung bướu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang) 07 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 04 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tổng hợp hình phạt ở 02 tội danh là 11 năm tù. Theo cáo trạng, thông qua mối quan hệ quen biết, Bắc đã làm giả 81 hồ sơ vay vốn, tất cả đều là thông tin của cán bộ, công nhân viên Bệnh viện để vay tiền của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Kiên Giang nhằm mục đích thu lợi bất chính, với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Cạnh đó, Bắc làm giả ba hồ sơ vay vốn cho cá nhân mình và hai người khác, qua đó, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng của Ngân hàng Liên Việt. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt mức án từ 02 đến 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo đối với 04 bị cáo là đồng phạm với Bắc về tội làm giả con dấu, của cơ quan tổ chức gồm: Trương Thị Mỹ Nhân, Võ Kim Anh, Nguyễn Hoàng Phi và Danh Thị Thu Hằng.

 

    VietNamnet (06/02) có loạt bài: “Những tình tiết bất ngờ khi Bộ Công an phanh phui các đại án” đã phản ánh những sai phạm trong “chuyến bay giải cứu”, vụ Việt Á và tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được Bộ Công an phanh phui. Theo đó, về vụ án các “chuyến bay giải cứu”, từ ngày 5/1/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng hơn 40 bị can liên quan đến các nhóm tội danh: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Được biết, các chuyến bay giải cứu được thực hiện từ tháng 12/2020 với tổ công tác gồm 5 bộ gồm: Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng. Có khoảng 2.000 chuyến bay được thực hiện, số tiền nghi đưa nhận hối lộ lên đến hàng trăm nghìn USD. Hiện nay, Bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, bị can nộp khắc phục hậu quả trong vụ án là 80 tỷ đồng. Về đại án Việt Á cho thấy, hai cựu Bộ trưởng bị khởi tố hay việc trợ lý Phó Thủ tướng bị cáo buộc tác động để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 trái luật là những tình tiết bất ngờ khi đại án Việt Á bị phanh phui. Sau hơn một năm điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Số tiền Công ty Việt Á kiếm lãi 4.000 tỷ, bôi trơn khoảng 800 tỷ. Từ khi khởi tố vụ án đến nay, C03 - Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố 29 vụ án với hơn 100 bị can, phong tỏa kê biên hơn 1.700 tỷ đồng. Trong cả trăm bị can bị khởi tố, có 3 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng gồm: Cựu Bộ trưởng Y tế; cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng KH&CN và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ngoài Bộ Y tế và Bộ KH&CN, liên quan đến đại án Việt Á còn có 24 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng… Về vụ án bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân, đơn vị liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo thông tin: Liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, đến nay Bộ Công an đã khởi tố 02 vụ án, 27 bị can để điều tra. Đây là vụ án khó, tác động lớn đến diễn biến thị trường. Tuy nhiên, mọi vấn đề đã được kiểm soát tích cực. VietNamnet (08/02) tiếp tục phản ánh, về những quan chức nhận hối lộ trong các đại án, theo đó, hàng loạt cán bộ giữ vị trí quan trọng tại các bộ, ngành, địa phương bị cáo buộc nhận hối lộ trong các đại án do Bộ Công an phanh phui. Hàng trăm nghìn USD hối lộ vụ “chuyến bay giải cứu”, Cơ quan điều tra đã khởi tố 41 bị can. Vụ án nâng giá kit test Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hơn 100 bị can có liên quan với các cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ với 800 tỷ đồng bôi trơn. Cựu bí thư, chủ tịch tỉnh nhận hối lộ đến chục tỷ đồng…

 

    TTXVN, Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (07/02) dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với 05 đối tượng có liên quan trong vụ án đưa và nhận hối lộ tại đội 2, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận. Các đối tượng Lê Văn Thanh, nguyên Trung úy, thuộc Công an huyện Hàm Thuận Nam và Phạm Anh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Võ Văn Tánh, Trần Văn Quý và Đoàn Vĩnh Tân đều trú Đồng Nai bị khởi tố về tội “đưa hối lộ”. Theo điều tra mở rộng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam có đủ cơ sở để khẳng định cựu Trung úy Lê Văn Thanh, khi tham gia đội kiểm tra liên ngành do quyền Đội trưởng Quản lý thị trường số 2 Trần Văn Thăng làm trưởng đoàn (đã bị bắt) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái các quy định khi kiểm tra các cơ sở khai thác đất sét để làm vật liệu xây dựng tại huyện Hàm Thuận Nam. Phạm Anh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, thời điểm vụ án xảy ra cũng là thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành. Các bị can Tánh, Quý và Tân đều là người của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra bị khởi tố vì đưa hối lộ. 

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (07/01) đồng loạt đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ và môi giới hối lộ diễn ra tại hai cơ sở 37-01S (thành phố Vinh) và 37-02S (thị xã Thái Hòa) của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An; bắt giữ 13 đối tượng, trong đó có giám đốc, 02 phó giám đốc Trung tâm và một số cán bộ đăng kiểm. Quá trình điều tra xác định: Trưởng dây chuyền đăng kiểm là các đăng kiểm viên bậc cao và bộ phận kiểm tra hồ sơ ban đầu, thu tiền lệ phí khám xe móc nối với một số đối tượng “cò” bên ngoài để nhận các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đến đăng kiểm và thỏa thuận bỏ qua các lỗi về xe không đúng quy định… Ngoài tiền thu theo quy định của nhà nước, còn nhận thêm số tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng/phương tiện. Ngoài ra, bộ phận kiểm tra hồ sơ ban đầu còn móc nối để nhận hối lộ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng của các chủ xe để bỏ qua các lỗi khác về thủ tục, giấy tờ xe… Cùng ngày các báo thông tin thêm, Công an tỉnh Quảng Nam công bố thông tin về việc khởi tố 13 bị can về tội “nhận hối lộ” và “môi giới hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 9201D thuộc Công ty Cổ phần Đăng kiểm Quảng Nam. Cơ quan chức năng xác định, các phương tiện khi đến đăng kiểm có các lỗi sai phạm thì chủ phương tiện phải chi từ 1 đến 2 triệu đồng/lượt kiểm định cho các kiểm định viên để bỏ qua lỗi vi phạm, ký duyệt phương tiện bảo đảm an toàn kỹ thuật. Trong số 13 bị can có nhiều lãnh đạo thuộc trung tâm (06 người bị bắt tạm giam, 07 người nhận lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú). TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (10/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với một số cán bộ công tác tại 03 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, tiến hành khám xét khẩn cấp tại 02 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và nơi làm việc của một số bị can. Đến nay, Cơ quan Công an đã bắt tạm giam ông N.T, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đăng kiểm xe cơ giới 43-05D về tội “Nhận hối lộ”; ông Ph.Đ.H, trú tại phường An Khê, quận Thanh Khê về tội “Môi giới hối lộ”; quyết định tạm giữ hình sự đối với ông H.N.B, Giám đốc Công ty TNHH Đăng kiểm xe cơ giới 43-05D để điều tra về tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 43-05D. TTXVN và các báo (10/02) cho biết, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, ngày 9/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành khám xét Chi cục Đăng kiểm số 6 (Quận 1) và Chi cục Đăng kiểm số 9 (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hai Chi cục trên trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cùng ngày, các báo đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện một số cá nhân làm việc tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 34-05D (trụ sở tại xã Liên Hồng, thành phố Hải Dương) đã có hành vi nhận hối lộ để cấp phép hoán cải xe cơ giới không đúng quy định cho nhiều phương tiện trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Ngày 9/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới này.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (08/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Trần Đình Đương, nguyên là trưởng thôn Hợp Thành, xã Trù Hựu về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Các quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Trước đó, năm 2015, bị can Đương là trưởng thôn Hợp Thành đã tự ý cho đấu thầu thửa đất “ao to” là đất công ích của Nhà nước cho anh D.V.C, trú cùng thôn với số tiền 220 triệu đồng. Sau đó, gia đình anh C. đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị UBND huyện Lục Ngạn thu hồi do cấp trái thẩm quyền.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (08/02) cho biết, qua thanh tra, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu phát hiện trong giai đoạn từ 2018-2020, UBND thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình làm thất lạc tổng số 2.258 hồ sơ. Trong đó, khai sinh mất 260 hồ sơ; khai tử mất 47 hồ sơ; cấp bản sao trích lục mất 1.839 hồ sơ; thay đổi, cải chính bổ sung hộ tịch mất 86 hồ sơ và nhận cha, mẹ, con mất 26 hồ sơ… Ngoài ra, qua thanh tra, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu còn phát hiện tổng số tiền phải thu trên hồ sơ thực tế hơn 320 triệu đồng, nhưng UBND thị trấn Hòa Bình chỉ nộp ngân sách hơn 108 triệu đồng. Sở Tư pháp đề nghị UBND thị trấn Hòa Bình phải nộp lại số tiền nêu trên vào ngân sách nhà nước.

 

    Báo Thanh niên, VietNamnet, Công thương, Công an TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng (09/02) đưa tin, 08 cán bộ của văn phòng đăng ký đất đai, 03 công chức địa chính cấp xã và 02 cán bộ ngành thuế của huyện Kỳ Anh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã móc nối với các “cò đất” để làm nhanh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 13 cán bộ này đã bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giữ để điều tra về các hành vi: “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”. Quá trình điều tra cho thấy, từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022, lợi dụng hiện tượng sốt đất tại Hà Tĩnh, các “cò đất” đã móc nối với các cán bộ nói trên để làm nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trung bình, “cò đất” phải “lót tay” từ 3,5 - 5 triệu đồng cho mỗi bộ hồ sơ; cán bộ địa chính xã được nhận từ 1 - 1,5 triệu đồng, văn phòng đăng ký đất đai nhận từ 2,5 - 3 triệu đồng (tùy hồ sơ) và trích cho cán bộ thuế 500.000 đồng/bộ.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (10/02) dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với các đối tượng Hoàng Quang Huy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Kế toán trưởng; Lâm Thị Hồng Tâm, Thủ quỹ Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng về tội “Tham ô tài sản”. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản” xảy ra trường này tại liên quan đến 02 đối tượng trên. Theo thông tin ban đầu, đầu năm 2021, Tâm nhờ Huy cho “mượn” 500 triệu đồng từ quỹ của trường nhằm giải quyết việc cá nhân. Do quỹ tiền mặt của trường không đủ nên Tâm xin phép Huy cho rút tiền từ tài khoản ngân hàng của trường. Bằng một số thủ đoạn, Tâm đã nhiều lần rút tiền từ tài khoản của trường Đại học Bách khoa với số tiền hơn 86 tỷ đồng để tiêu xài cá nhân và chuyển cho một số đối tượng khác.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (10/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 6 đối tượng nguyên là cán bộ thuộc Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự, Công an thành phố Chí Linh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án xảy ra ngày 04/02/2023 tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Các đối tượng gồm: Bùi Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Văn Tuấn, Mạc Quốc Phương, Nguyễn Thành Trung, Trương Mạnh Đăng (cùng nguyên là cán bộ thuộc Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự, Công an thành phố Chí Linh).

 

    Báo Người Lao động, Tuổi trẻ TP. HCM và một số báo (10/02) phản ánh, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh trong phiên xét xử sơ thẩm Hoàng Thị Thuý Nga, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH tập đoàn hành trình thành công mới - viết tắt NSJ Group, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc Hoàng Thị Thuý Nga đã thông đồng với 02 cựu Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ là Bùi Thị Lệ Phi, Cao Minh Chu can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu để Công ty NSJ và Công ty Bình An của Hoàng Thị Thúy Nga (là 02 trong 07 công ty của NSJ Group) trúng 04 gói thầu theo giá Nga đưa ra, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 33 tỷ đồng. Liên quan Công ty Bình An, bị cáo Nga thừa nhận công ty do mình thành lập. Lúc thành lập Công ty Bình An, Nga vẫn còn làm Phó Tổng Giám đốc của Công ty AIC. Tuy nhiên, do gặp một số vấn đề với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Tổng Giám đốc AIC) nên bà Nhàn đã nói với Nga thành lập công ty riêng, Nhàn sẽ giao việc cho. Từ đó, bị cáo Nga mua lại Công ty Bình An và bà Nhàn cũng góp vốn trong công ty này.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (12/02) dẫn nguồn tin từ Công an Nghệ An cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam Chu Thị Điệp, cán bộ địa chính xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Qua công tác nắm tình hình, Cơ quan Công an phát hiện đối tượng Chu Thị Điệp đã cố tình gây khó dễ, đưa ra nhiều thủ tục, bắt người dân đi lại nhiều lần khi thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích “vòi tiền”; số tiền Điệp chiếm đoạt là 20 triệu đồng của một người dân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (08/02) đưa tin, Ủy ban Chống tham nhũng Bangladesh đã tiến hành cuộc đột kích tại Bệnh viện Đại học Y Rangpur sau khi nhận được khiếu nại từ những người sử dụng dịch vụ về hành vi nhũng nhiễu của nhân viên bệnh viện và những người môi giới tự do. Nhóm đột kích được dẫn đầu bởi Saddarul Islam, Giám đốc ACC ở Rangpur, đã thẩm vấn một số quan chức, nhân viên của bệnh viện. Abu Hena Ashiqur Rahman, Phó Giám đốc ACC ở Rangpur cho biết, việc khám xét được thực hiện trên cơ sở thông tin cụ thể chống lại một số quan chức. Nhiều người phàn nàn, các nhân viên đã thu quá nhiều tiền khi họ nhập viện, trong khi những người khác nói rằng họ bị buộc phải trả thêm tiền và thuốc của họ đã bị xà xẻo trong quá trình điều trị. Hồi tháng 9 năm ngoái, Bộ Y tế Bangladesh đã thuyên chuyển 16 nhân viên của bệnh viện này vì tham nhũng. Cuối tháng 10/2022, 3 ba quan chức, trong đó có Phó Giám đốc bệnh viện, cũng bị điều chuyển vì tội danh tương tự. 

 

    Báo Thanh tra (09/02) cho biết, Chính phủ Mông Cổ tuyên bố, năm 2023 là “năm chống tham nhũng”, hướng tới mục tiêu GDP bình quân đầu người của Mông Cổ có thể lần đầu tiên vượt mức 5.000 USD. Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene đã chỉ thị cho tất cả quan chức liên quan bảo đảm thực hiện các biện pháp chống tham nhũng và hỗ trợ toàn diện trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trong khuôn khổ Năm Chống tham nhũng 2023, nước này dự kiến sẽ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc thông qua Luật Bảo vệ người tố cáo. Tổ chức phong trào ủng hộ việc tố cáo bằng mọi cách, xây dựng thái độ không khoan nhượng, không nhân nhượng với tham nhũng. Giảm tình trạng quan liêu và nhũng nhiễu trong các dịch vụ công, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và khu vực tư nhân. Biện pháp tiếp theo được nhắc tới là đẩy mạnh điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế có liên quan và luật pháp Mông Cổ, nước này sẽ truy bắt và trừng phạt những tội phạm tham nhũng chạy trốn, đồng thời phát hiện và thu hồi, trả lại những khoản tiền bất hợp pháp được cất giấu ở các khu vực nước ngoài…

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 

 

    - Tọa đàm khoa học Cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

    - Tiếp tục điều tra, truy tố một số trung tâm đăng kiểm;

    - Kỷ luật 02 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương;

    - Những tình tiết bất ngờ trong việc phanh phui các đại án.

 

Nguồn: Noichinh.vn