Skip to main content

Quản trị quốc gia tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng

      Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Quản trị quốc gia tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay”.

     Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, thời gian qua cho thấy, nhờ những nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN) đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng được củng cố. Dù vậy, cần thấy rằng thắng lợi đạt được trong thời gian qua chủ yếu là trong PCTN lớn, thể hiện qua việc phát hiện và đưa ra xét xử nhiều vụ tham nhũng của các quan chức cấp cao. Kết quả đạt được trong PCTN vặt còn hạn chế. Tình trạng tham nhũng vặt vẫn rất phổ biến, diễn biến phức tạp, tiếp tục gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.

Ảnh toàn cảnh buổi gặp mặt
Quang cảnh Hội thảo

   Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế kể trên, tuy nhiên việc chưa chú ý đúng mức và chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở trong PCTN, đặc biệt là PCTN vặt.

     Hiện nay, công tác PCTN, tiêu cực đã được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Như vậy, với tính chất là dạng tham nhũng chủ yếu xảy ra ở cấp cơ sở, việc PCTN vặt cần được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở. Để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng đó, tất cả các thành tố của hệ thống chính trị cơ sở cần phải được huy động, đồng thời cần phải có những biện pháp phù hợp với đặc điểm của tham nhũng vặt.

    Theo đó, việc kiểm soát quyền lực Nhà nước là toàn bộ hoạt động giám sát, đánh giá, xử lý để ngăn chặn, loại bỏ những việc làm sai trái của các chủ thể công quyền trong quá trình quản trị quốc gia, đặc biệt là hành vi lạm dụng quyền lực để thu lợi cá nhân (tức tham nhũng).

     Một số ý kiến tham luận tại Hội thảo cho rằng, PCTN là một yêu cầu, thành tố quan trọng của quản trị tốt, bên cạnh các yêu cầu về pháp quyền, minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của công chúng vào quản trị quốc gia. Các thành tố này cũng chính là các bảo đảm cho PCTN hiệu quả. Nghĩa là, các nhân tố của quản trị tốt đều nhằm kiểm soát, hạn chế tham nhũng, không áp dụng nghiêm ngặt các nguyên tắc này thì không thể PCTN. PCTN và quản trị tốt có mối quan hệ hai chiều, nhân quả và tương hỗ nhau, không thể có quản trị tốt nếu tham nhũng tràn lan. Ngược lại, nếu các nguyên tắc của quản trị tốt không được áp dụng trên thực tế thì sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi cho tham nhũng. Chính tham nhũng ngăn cản việc áp dụng các nguyên tắc của quản trị tốt như minh bạch, trách nhiệm giải trình, công bằng. Một quốc gia tham nhũng tràn lan đồng nghĩa với nơi có nền quản trị tồi. Và cả hai đều là nhân tố của sự nghèo đói, bên cạnh xung đột, bạo lực, gia tăng dân số thiếu kiểm soát, biến đổi khí hậu và thảm hoả tự nhiên.

     Cùng với đó, áp dụng nguyên tắc sự tham gia của người dân, như một thành tố căn bản của quản trị tốt vào hoạt động PCTN. Bảo đảm sự tham gia của người dân vào PCTN vừa nhằm đến hiệu quả của chống tham nhũng, vừa là để bảo đảm tính chính danh của Nhà nước, mở rộng dân chủ. Để chống tham nhũng, cần củng cố nguyên tắc sự tham gia của người dân cả ở khía cạnh tham gia trực tiếp và tham gia gián tiếp, cả ở vai trò cá nhân và vai trò tập thể, tổ chức.

     Ngoài ra, cần có thêm những đối thoại để tạo ra sự tin tưởng giữa Nhà nước và các hội đoàn, tổ chức xã hội. Một đạo luật về hội hiện đại, cởi mở và bình đẳng cần được nhanh chóng xây dựng và thông qua. Pháp luật và các thể chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần được hoàn thiện hơn…

                                                                                 

Tác giả: Quang Hiệu

Nguồn: https://www.noichinh.vn