Skip to main content

 CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Tiền phong (30/5) thông tin, sẽ đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm về ma túy trong tháng 6/2022. Đây là nội dung được nêu trong Công văn số 103/TANDTC-TH của Tòa án nhân dân tối cao triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn”. Theo đó, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định triển khai thực hiện nghiên cứu hồ sơ và chủ động phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng sớm đưa ra xét xử các vụ án về ma túy, đặc biệt là những vụ án trọng điểm về ma túy để đưa ra xét xử trong tháng 6/2022.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN (31/5) đưa tin, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo. Tại Phiên họp, đồng chí Chủ tịch nước nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ lịch sử cao cả, nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì đất nước giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của toàn dân tộc. Do đó, khi bàn về những chính sách, quan điểm cải cách, đổi mới có ảnh hưởng đến lợi ích cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, chúng ta cần đặt lợi ích đại cục của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết; quán triệt sâu sắc quan điểm quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân giao phó. Mặt khác, mục tiêu cải cách không chỉ cho nhiệm kỳ này hay nhiệm kỳ sau mà là cho tương lai lâu dài của đất nước ta. Cần cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước là để phân công lại việc thực thi quyền lực đó một cách hợp lý, hiệu quả hơn, có điều kiện để kiểm soát tốt hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng.

 

 
Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"

    Báo Lao động, Dân việt, VietNamnet (31/5) phản ánh về vụ việc mở “tiệc ma túy” tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Nguyễn Xuân Quý cùng các đồng phạm bị truy tố về 3 tội danh: “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Nhóm cán bộ Bệnh viện bị xử lý gồm: Bà Đỗ Thị Lưu (Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Minh Huệ và Bùi Thi Hạt (điều dưỡng viên và hộ lý) bị truy tố về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Nguyễn Anh Vũ (kỹ thuật viên) bị truy tố về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”. Theo cáo trạng, Quý bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và điều trị tại Bệnh viện này, lợi dụng sơ hở của cán bộ Bệnh viện, Quý đưa người lạ vào phòng bệnh để mua bán, tổ chức sử dụng ma túy cho bạn bè, người thân và một số nhân viên y tế. 

 

    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Tin tức, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Lao Động, VietNamPlus, VietNamnet, VnExpress, Dân trí, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, Đại đoàn kết, Công lý, Đầu tư, Công thương, Dân Việt, Zingnews.vn, Quochoitv.vn, Đài THVN, Đài TNVN (01/6) phản ánh, qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận cho thấy, ngành y “đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai”. Hiện nay, vấn đề dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nhưng ngành y tế bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vấn đề đặt ra là, không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một ngành tê liệt bởi “quả bom Việt Á”. Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến sớm hoàn thiện dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi... Các báo này (02/6) cho biết, đại biểu Quốc hội đề nghị, cần xem xét sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để vừa chặt chẽ quản lý, răn đe giáo dục không để người xấu lợi dụng nhưng cũng tạo điều kiện an tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, cũng cần kịp thời ban hành, sửa đổi quy định pháp luật trong từng lĩnh vực để “bịt những lỗ hổng” trong quản lý, tạo điều kiện cho phát triển, phục vụ người dân tốt hơn. Các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết chống trốn thuế, chống chuyển giá, tăng cường đấu tranh chống hàng gian, hành giả, buôn lậu. Các báo cùng ngày đồng loạt đưa tin, tiếp tục bàn về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu đề nghị phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá; phân định rõ sách giáo khoa bắt buộc và sách tham khảo; xây dựng thư viện để sách dùng lại nhiều lần, vừa tránh lãng phí, vừa hỗ trợ học sinh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, sách giáo khoa là mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu; phải tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt trong nhân dân, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. 

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Báo Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, Dân Việt, Người Lao động (30/5) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt 07 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Phí Văn Thành và bị cấm hành nghề công chứng 03 năm (Trưởng Văn phòng công chứng Tiến Đạt, huyện Hàm Thuận Nam); Theo cáo trạng, năm 2018, Hồ Thị Ngọc Yến 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có trách nhiệm bồi thường cho những người bị Yến lừa đảo 20 tỷ đồng. Theo cáo trạng, năm 2018, Yến lừa bán đất và giả chữ ký lừa bán nhà, thế chấp vay tiền của nhiều người ở TP Phan Thiết chiếm đoạt hơn 21 tỷ đồng. Những hợp đồng chuyển nhượng, ủy quyền đều thực hiện tại Văn phòng công chứng Tiến Đạt. Sau khi chiếm đoạt số tiền trên, Yến bỏ trốn sang Trung Quốc và bị công an tỉnh Bình Thuận truy nã từ tháng 9/2019, cho đến tháng 12/2020 thì bị bắt.

 

    Theo tin từ TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Tin tức, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Công thương, Tiền Phong, Thanh niên, Người Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Dân Việt, Hà Nội mới, SGGP, VnExpress (30/5), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty CP M&C và các đơn vị liên quan. Theo đó, Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 03 người gồm: Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á; Nguyễn Đức Tài, nguyên Giám đốc Sở giao dịch, Ngân hàng TMCP Đông Á; Phùng Ngọc Khánh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C. Đây là vụ án thứ tư ông Trần Phương Bình bị khởi tố do sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á. Trước đó, ông Bình đã nhận án tù chung thân năm 2018 trong vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á. Năm 2020, ông Bình nhận án tù chung thân lần thứ hai trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỷ đồng của ngân hàng. Mới đây, ngày 19/5 ông Bình bị đưa ra xét xử vụ án thứ ba vì sai phạm gây thất thoát 184 tỷ đồng.

 

    Báo VietNamnet (30/5) phản ánh, trong số rất nhiều giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh bị bắt giữ, đa phần đều quả quyết không nhận bất cứ khoản tiền nào. Như việc ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk và các đồng phạm đã bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh quyết định khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á. Trong vụ án này, ông Trí bị khởi tố với cáo buộc vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Đến nay, có 9 giám đốc, cựu giám đốc CDC các tỉnh, thành phố bị khởi tố, bắt tạm giam, cụ thể ở tỉnh: Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Nam Định, Hà Giang, Hậu Giang. Đặc biệt, các giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Nam Định, Hậu Giang đều khẳng định rằng họ “không nhận đồng nào từ Công ty Việt Á”. Tuy nhiên, đến nay, Cơ quan điều tra lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

 

    TTXVN, báo Tin tức, Tiền phong, Thanh niên, Công thương, Lao động, Người Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Dân Việt, Đại đoàn kết, VnExpress (30/5), SGGP (31/5) đồng loạt phản ánh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Đàm Quang Hưng, nguyên Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Theo thông tin, năm 2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố 2 đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các bị can khai đã “chung chi” hàng trăm triệu đồng để nhờ ông Hưng xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai. Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Hưng do vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Vi phạm trách nhiệm nêu gương; vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thời gian giữ chức vụ.

 

    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Dân trí, Thanh tra, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh, Đài THVN, Đài TNVN (30/5-01/6) tiếp tục đưa tin, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực triển khai Kế hoạch và công bố quyết định kiểm tra tại Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Mục đích kiểm tra nhằm đánh giá đúng thực tế lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan về công tác này; ghi nhận, biểu dương những địa phương làm tốt, làm hay, sáng tạo; đồng thời, sẽ chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm để chỉ đạo khắc phục, thậm chí kiến nghị xử lý (nếu có vi phạm).

 

    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Tin tức, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Người Lao động, Giao thông, Công thương, Tiền phong, Thanh niên, Dân Việt, SGGP, Tuổi trẻ TP.HCM, Đấu thầu, Giao thông, VietNamnet, VnExpress (31/5) đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Giang đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Đặng Văn Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Giang để điều tra về tội nhận hối lộ. Số tiền chưa được công bố. Liên quan đến vụ án, tháng 11/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại thôn Bản Buốt, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang. Theo điều tra, ngày 05/10/2021, ông Thủy đã tự ký giấy mời các thành viên của Sở Công thương, Sở Xây dựng, UBND huyện Bắc Quang và UBND xã Đồng Tâm đến kiểm tra thực địa tại mỏ Đồng Tâm (mỏ khai thác quặng trái phép). Ngay sau đó, ông Thủy bị cáo buộc nhận tiền của Lê Khả Châu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm, để đồng ý hoãn thời gian kiểm tra thực địa mỏ.

 

    Báo Thanh tra (31/5) có bài, “Uẩn khúc” trong công tác đấu thầu!. Đó là nội dung được phản ánh trong Kết luận thanh tra số 01 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, thiếu sót, tồn tại, đặc biệt là trong công tác đấu thầu. Theo đó, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc mua sắm các trang thiết bị này với tổng số tiền gần 207 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Kết quả thanh tra cho thấy, có nhiều “uẩn khúc” từ khâu lập dự toán, thẩm định dự toán, lựa chọn nhà thầu cho đến thực hiện hợp đồng tại các gói thầu của cả Sở Y tế và CDC tỉnh thực hiện dẫn đến có nhiều sai sót trong việc thẩm định giá đối với 5 gói thầu mua 25 loại thiết bị (23 thiết bị nhập khẩu). Báo này cùng ngày cho biết, Thanh tra tỉnh Bắc Giang yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cán bộ có vi phạm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thu hồi tiền vi phạm về ngân sách Nhà nước. Đây là những nội dung trong Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh; theo đó, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, cán bộ lãnh đạo của trung tâm có dấu hiệu của việc cấu kết với đơn vị cung cấp để nâng giá mua bán đối với một số mặt hàng nhằm trục lợi, hiện đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. 

 

    Liên quan đến đường dây nhập siêu xe biếu tặng, báo Công thương (31/5) thông tin, Tổng cục Hải quan  yêu cầu tất cả các cục rà soát hoạt động cấp phép nhập khẩu, thu thuế ô tô biếu tặng từ năm 2016 đến hết tháng 5/2022. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (C03), Bộ Công an, cũng đã làm việc với Tổng cục Hải quan và một số đơn vị liên quan để làm rõ. Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp Tổng cục Thuế thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân nhập khẩu ô tô không nhằm thương mại theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Đồng thời, Tổng cục Hải quan phải phối hợp các đơn vị cấp dưới kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép bảo đảm cấp đúng đối tượng, tránh hiện tượng trục lợi, gian lận. Trường hợp có nghi vấn về đối tượng thụ hưởng và đối tượng cho, biếu, tặng, Tổng cục Hải quan yêu cầu phải xác minh làm rõ (kể cả xác minh ở nước ngoài), xử lý nghiêm theo quy định; nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường thì chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.

 

    Đài TNVN (01/6) có bài, “Còn bao nhiêu quan chức “rơi nước mắt” vì nhận tiền của Việt Á?”, bài báo cho biết, liên quan đến vụ án này, không biết còn bao lãnh đạo, cựu lãnh đạo ngành y tế “rơi nước mắt” vì trót nhận tiền từ Việt Á? Thật khó để trả lời, nhưng những giọt nước mắt của họ không nhận được sự cảm thông từ dư luận. Tính đến cuối tháng 5/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và Công an các địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam 58 người liên quan đến vụ án Công ty Việt Á. Trong đó, có hàng chục lãnh đạo CDC các tỉnh, 2 lãnh đạo Học viện Quân y, một số bị cáo có chức vụ tại Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ, những người đứng đầu của Công ty Việt Á… Con số này vẫn chưa dừng lại, bởi nhiều địa phương đã và đang tiếp tục chuyển hồ sơ cho Công an điều tra. Vụ án nghiêm trọng tới mức một Bộ trưởng và một Chủ tịch Thành phố đã bị đề nghị xem xét kỷ luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm vụ án này. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, mở rộng vụ án Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử. 

 

    Báo Thanh tra (03/6) phản ánh tiếp bài “Chuyển hồ sơ vụ việc cán bộ nhận tiền “hoa hồng” sang Cơ quan công an”. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Trần Gia Phú, bác sỹ, Trưởng Đơn vị vi sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Kết quả điều tra cho thấy, Trần Gia Phú đã tự ý thỏa thuận và được Công ty Việt Á đồng ý “nâng giá” so với giá bán thực tế trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua bán kit test Covid-19 với Sở Y tế Phú Thọ, nhằm mục đích vụ lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 2,076 tỷ đồng. Theo Kết luận của Thanh tra tỉnh, CDC tỉnh Phú Thọ đã không thực hiện việc mua sắm kit test mà được nhận bàn giao từ Sở Y tế để phân bổ cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh theo quy định, nên đã không có sai phạm trong vụ việc này.

 

    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Tin tức, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Lao Động, VietNamPlus, VietNamnet, VnExpress, Dân trí, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM, Đại đoàn kết, Công lý, Đầu tư, Công thương, Dân Việt, Zingnews.vn, Quochoitv.vn, Đài THVN, Đài TNVN (03/6) thông tin, Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 02/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

 

    Báo Thanh tra (03/6) phản ánh, kết luận hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, tuyển sinh, quản lý tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công; trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2019-2020 và một số nội dung theo đơn phản ánh tại trường với hàng loạt khoản thu, chi chưa đúng quy định số tiền hàng tỷ đồng và việc cấp bằng tốt nghiệp trung cấp khi chưa có bằng tốt nghiệp THPT…

 

    TTXVN, báo Điện tử ĐCSVN, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Tin tức, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Lao Động, VietNamPlus, VietNamnet, VnExpress, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM và các báo, Đài THVN, Đài TNVN (04/6) đồng loạt đưa tin, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Công ty Việt Á, kiếm lãi 4.000 tỷ, bôi trơn khoảng 800 tỷ đồng. Vụ án này, có sự tham gia của hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương. Về vụ án “chuyến bay giải cứu” (vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), theo điều tra trừ các chi phí thì số tiền kiếm lợi là 2 tỷ đồng/chuyến bay, với gần 2.000 chuyến bay. Trong một số vụ án khi khám xét có những bị can trong ngăn kéo có hơn 10 tỷ đồng. Hay vụ FLC, theo điều tra, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư của 26 cá nhân để lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán, để thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả tạo với 6 mã chứng khoán FLC. Thu lợi bất chính 975 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà đầu tư. Có một đặc điểm trong các vụ án lớn là rất nhiều bị can trong số họ là cán bộ, đảng viên. Họ đã lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về đấu thầu, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Các bị can là cán bộ, đảng viên trước tiên sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng, sau đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

    Cùng ngày, các báo này cho hay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 và các ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Những vi phạm, khuyết điểm của 02 Ban cán sự đảng nhiệm kỳ qua đã gây hậu quả nghiêm trọng. Các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế. Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021; khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Công Tạc. Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (30/5) thông tin, Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính Nigeria (EFCC) đã bắt giữ cựu Thống đốc bang Zamfara, Abdulaziz Yari, do liên quan đến cuộc điều tra mà EFCC đang tiến hành đối với Tổng Kế toán Ahmed Idris. Ông Abdulaziz Yari đã bị bắt hôm 29/5. Trước đó, ngày 16/5, EFCC đã bắt giữ Tổng Kế toán Ahmed Idris vì cáo buộc chuyển hướng công quỹ và rửa tiền với số tiền 80 tỷ naira (193 triệu USD). Một trong những đồng phạm bị tình nghi là cựu Thống đốc bang Zamfara, Abdulaziz Yari. Theo các nguồn tin, những giao dịch đáng ngờ giữa ông Idris và ông Yari là khoảng 20 tỷ naira. Tháng 4/2021, ông Yari bị bắt giữ vì cáo buộc giao dịch tài chính bất hợp pháp và biển thủ công quỹ...

 

    Báo Thanh tra (31/5) đưa tin, Trung Quốc đã trừng phạt 11.351 người vào tháng 4/2022 vì vi phạm quy tắc 8 điểm về tiết kiệm. Thông cáo hàng tháng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc cho biết, những người bị trừng phạt có liên quan đến 7.441 vụ việc. Trong số đó, 7.603 người đã nhận hình thức kỷ luật Đảng hoặc các hình phạt hành chính. 6.411 người đã bị trừng phạt vì quan liêu, và 4.940 bị trừng phạt vì sống theo chủ nghĩa hưởng lạc và có những hành vi phung phí quá mức. Vào cuối năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành các quy tắc 8 điểm về tiết kiệm để chống lại các hành vi không chuẩn mực trong công việc.

 

    Báo Thanh tra (31/5) cho biết, Văn phòng Tổng Chưởng lý Peru thông báo, sẽ tiến hành một cuộc điều tra đối với Tổng thống Pedro Castillo về các tội danh bị cáo buộc bao gồm: Sử dụng ảnh hưởng để đối xử ưu đãi cho người khác, thông đồng và tổ chức tội phạm. Cuộc điều tra diễn ra vào thời điểm ông Castillo phải đối mặt với các cuộc điều tra khác về cáo buộc tham nhũng. Các cáo buộc khác chống lại ông Castillo, bao gồm mua sắm bất thường trong một công ty dầu khí nhà nước và gây áp lực thăng chức trong quân đội. Tổng thống Castillo đã bác bỏ các cáo buộc trước đây và cho rằng, những người chống đối đang cố gắng loại bỏ ông. Các nhà lập pháp muốn loại bỏ Tổng thống Castillo lưu ý rằng, ông đang là đối tượng của 3 cuộc điều tra sơ bộ về tham nhũng, mà theo luật của Peru không thể tiến hành điều tra chính thức nếu ông vẫn còn tại nhiệm.

 

    Báo Thanh tra (03/6) thông tin, 41 quan chức Ả Rập Saudi bị bắt vì nghi ngờ tham nhũng, các nghi phạm bị bắt giữ vì cáo buộc bao gồm hối lộ, lạm dụng quyền lực và giả mạo. Theo Cơ quan Giám sát và Chống tham nhũng của Ả Rập Saudi (Nazaha), các vụ bắt giữ diễn ra sau 3.835 cuộc thanh tra, kiểm tra mà nước này đã thực hiện vào tháng 5/2022, như một phần trong chiến dịch truy quét tham nhũng mạnh mẽ. Nazaha cho biết, các cuộc thanh tra, kiểm tra đã dẫn đến cáo buộc chống lại 161 nghi phạm, 41 người trong đó bị bắt giữ. Các nghi phạm bị bắt bao gồm cán bộ và nhân viên từ Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Y tế và Đô thị, Các vấn đề Nông thôn và Nhà ở.

 

    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 

 

    - Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; việc chống trốn thuế, chống chuyển giá, tăng cường đấu tranh chống hàng gian, hành giả, buôn lậu và vấn đề sách giáo khoa… 

    - Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”

    - Hàng loạt sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long

    - Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Đà Nẵng để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Nguồn: Noichinh.vn