Skip to main content

 CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11/10) phản ánh các nội dung chính của Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết,  Phiên họp này tập trung cho ý kiến về những nội dung còn lại trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2; xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác. Về công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 2, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, cho ý kiến về 5 dự án luật. Tại các phiên họp thường kỳ lần thứ 2 và thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với tất cả các dự án luật, dự kiến trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Riêng dự án Luật Thống kê, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ theo hướng chuyển thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Về cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương, ngoài cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên Huế để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương trong các nghị quyết, kết luận để phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương này. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, về việc lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách chính sách tiền lương…

 

Phiên họp thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Thanh tra, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Sức khỏe và Đời sống, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (12/10) phản ánh các nội dung Hội nghị “Góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021” do Ban Thường trực Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Báo cáo cho biết, các Chủ tịch UBND cấp tỉnh cơ bản đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định. Tuy nhiên hầu hết không bảo đảm theo quy định của Luật Tiếp Công dân, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định... Nhiều địa phương Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tiếp dân thay. Cụ thể, số ngày Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch tiếp dân là 272 ngày, chiếm 23%; số ngày ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tiếp dân là 208 ngày, chiếm 18%. Bên cạnh đó, có một số địa phương Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng các Chủ tịch UBND cấp tỉnh đều ban hành văn bản để chỉ đạo giải quyết vụ việc. Qua giám sát cũng cho thấy, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính các cấp trên một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai còn hạn chế, nhất là trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính, thông tin, giải thích, trả lời các nội dung đề nghị của công dân chưa tốt, gây bức xúc cho các hộ dân làm phát sinh đơn khiếu nại. Từ kết quả giám sát, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo Thường trực các tỉnh, thành ủy tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Tiếp công dân cho phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp theo hướng mở là lãnh đạo UBND các cấp (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch tiếp công dân chứ không quy định cứng chỉ có Chủ tịch UBND phải trực tiếp tiếp công dân như Luật Tiếp công dân hiện hành) nhằm đảm bảo tính khả thi; đồng thời ban hành quy định biện pháp chế tài làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu do không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm trễ (quá thời hạn) để xảy ra vụ việc bức xúc, đông người, kéo dài. 

 

    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/10) thông tin từ Công an huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết, đã bắt tạm giam Thạch Rine, ngụ xã Kim Sơn, huyện Trà Cú để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Theo hồ sơ, thông qua tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân, Thạch Rine đăng tải hình ảnh chân dung lãnh tụ đã bị chỉnh sửa có tính chất xúc phạm. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Thạch Rine thừa nhận hành vi trên nhằm tuyên truyền, xuyên tạc sai về lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ. Theo Công an huyện Trà Cú, Thạch Rine thường xuyên đăng tải, chia sẻ, biểu tượng, tài liệu liên quan đến tổ chức phản động bên ngoài.

 

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Công lý, Nhân Dân, Đại đoàn két, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/10) đồng loạt đưa tin, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có buổi làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao . Báo cáo kết quả thực hiện cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân và định hướng những năm tiếp theo cho thấy, trong nhiệm kỳ vừa qua, các Tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được 97,6% số vụ; chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội; việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội; việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật; đã công khai hơn 733.000 bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử. Ngành cũng đã chủ động lựa chọn, bố trí, luân chuyển cán bộ Tòa án các cấp. Trong công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì xây dựng 09 dự án luật… Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương hệ thống tòa án đã chủ động tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng xét xử, còn tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đều đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tòa án các cấp phải tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, theo đúng nguyên tắc thượng tôn pháp luật, đi cùng với tăng cường công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết và phải chịu sự giám sát của nhân dân, vì nhân dân phục vụ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo qua trợ lý ảo để hỗ trợ các thẩm phán trong công tác xét xử cùng với việc tích cực chuẩn bị triển khai tòa án điện tử sau khi Quốc hội cho phép. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Tòa án Nhân dân Tối cao phải xây dựng được đội ngũ thẩm phán "thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật và mẫu mực về đạo đức". Đây chính là nhân tố quyết định của tiến trình cải cách tư pháp.

 

    Báo Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Công an Đà Nẵng (15/10) đưa tin về Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Tại kỳ họp, UBKT Đảng ủy Công an Trung ương thảo luận, cho ý kiến Báo cáo kết quả công tác giữa hai kỳ họp của UBKT Đảng ủy Công an Trung ương, trong đó đánh giá, giữa hai kỳ họp, Thường trực UBKT Đảng ủy Công an Trung ương đã giúp UBKT Đảng ủy Công an Trung ương tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát với một khối lượng công việc rất lớn. Tập trung tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Nghị quyết, Chương trình công tác kiểm tra, giám sát và quy chế làm việc của UBKT Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025; chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng, ban hành 18 văn bản quy chế, quy định, quy trình; thực hiện 24 kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề, 20 kế hoạch nắm tình hình, 6 kế hoạch giải quyết tố cáo, 11 kế hoạch xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên. Bên cạnh đó, tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Quyết định số 17 của Ban Bí thư về quy chế phối hợp; nghiên cứu, tham mưu ban hành các văn bản quy định về công tác kiểm tra, giám sát; tham mưu Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chuyển vai trò chủ trì, phối hợp với tỉnh, thành ủy kiểm tra, giám sát các đảng bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cũng tại kỳ họp này, UBKT Đảng ủy Công an Trung ương đã thông qua Báo cáo kết quả giám sát đối với 1 tổ chức đảng; xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức đảng và một số đảng viên có khuyết điểm, vi phạm theo quy định.

 

    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (15/10) cho biết, Đảng đoàn Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Tiểu ban số 2 xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tới dự, có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Tiểu ban số 2. Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn đến năm 2030 và giai đoạn 2045: Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, về đại biểu Quốc hội, về cơ chế tư vấn, chuyên gia, về Văn phòng Quốc hội; phương thức hoạt động của Quốc hội: thảo luận về tổ chức kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng, Ủy ban, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát; lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội có những đặc điểm, nội dung và đặc thù gì để từ đó đề ra phương hướng đổi mới; ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng Quốc hội điện tử trong hoạt động của Quốc hội; kiểm soát quyền lực để bảo đảm kiểm soát giữa các nhánh quyền lực một cách hiệu quả, hiệu lực, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, phù hợp với sự sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội… Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổ biên tập cũng như các thành viên Tiểu ban nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí với đề xuất của Ban Công tác đại biểu về các bước tiếp theo để hoàn thiện chuyên đề trên tinh thần cầu thị lắng nghe, hỏi đúng người, nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, chủ trương, chính sách.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Người Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN, TTXVN (11/10) đưa tin, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Văn Mạnh, chuyên viên thuộc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc, về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.Theo điều tra ban đầu, nhằm thực hiện chủ trương thu hồi đất để xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan đi qua địa bàn huyện Phú Lộc, giai đoạn 2016-2017, Đỗ Văn Mạnh được phân công thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, kiểm kê không đúng hiện trạng tài sản thực tế bị thiệt hại, lập phương án bồi thường về tài sản không đúng quy định, gây thiệt hại đến ngân sách của Nhà nước số tiền hơn 600 triệu đồng. Hiện, Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

    Báo Công an nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động,Đại đoàn kết, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (13/10) thông tin từ Công an tỉnh Đắk Nông cho hay, đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi ở của ông Trần Xuân Đĩnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Đức An, huyện Đắk Song và ông Phạm Văn Tuynh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Đức An, về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra đơn tố cáo của người dân cho thấy, Hội Cựu chiến binh thị trấn Đức An đã nhận đất rừng về trông coi, tuy nhiên lãnh đạo Hội không tổ chức trông coi mà phân lô bán nền cho các hội viên và những người xung quanh. Tổng số tiền mà các đối tượng vi phạm thu lợi bất chính trên dưới 1 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Đắk Nông làm rõ.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Công lý,Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13/10) cho biết, cơ quan chức năng của huyện Ea Kar đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Vương Thế Cao, Trạm phó Trạm kiểm lâm số 5 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và Hoàng Công Nhật, trú tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Theo điều tra, trong năm 2020, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea ban thực hiện 02 đợt truy quét các đối tượng xâm hại đến rừng tại các tiểu khu 623, 630 và vùng giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, lãnh đạo và một số nhân viên Trạm kiểm lâm số 5 để cho nhóm đối tượng Ma Khanh, trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vào rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn, rồi vận chuyển về bán gỗ được hàng trăm triệu đồng. Sau mỗi lần chót lọt đều nhận tiền hối lộ từ nhóm đối tượng này. vào cuối tháng 4/2021 Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Ea Kar đã khởi tố 37 bị can (tất cả các bị can đều trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (13/10) đưa tin, Công an tỉnh Yên Bái ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can, gồm: Trần Đăng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn; Trần Đăng Khánh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Văn Chấn; Trần Quốc Dương, công chức địa chính xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cơ quan Công an xác định, trong quá trình khảo sát, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để Công ty TNHH Tư vấn đầu tư thương mại Thiên Hà triển khai Dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất tại thôn Suối Quẻ, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (nay thuộc thị xã Nghĩa Lộ) từ năm 2019 đến năm 2020, 3 bị can trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ vì mục đích vụ lợi. Vụ án đang được điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

    Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/10) theo nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra -  Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra các quyết định tố tụng hình sự đối với 8 đối tượng liên quan vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang. Trong số các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam có Nguyễn Xuân Tài, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang; Nguyễn Ngọc Thắng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang. Hiện Công an tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/10) đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 5 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo UBND huyện Yên Phong và thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong; Vũ Văn Nam, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong; Nguyễn Huy Hòa, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Chờ; Nghiêm Đình Thắng, nguyên Phó Chủ tịch thị trấn Chờ; Lê Tuấn Đạt, là cán bộ địa chính thị trấn Chờ. Theo kết quả điều tra, khu đất của Xí nghiệp bia Hà Sơn được giao cho Hội Cựu chiến binh quản lý, các bị can nêu trên biết rõ chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng khu đất này, nhưng vẫn tự ý tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất trái quy định, thu số tiền hơn 5 tỷ đồng.  Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (16/10) liên quan đến vụ án “Tham ô tài sản” của bà Nguyễn Thị Thu Thảo, nguyên Kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Bình Phước, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 2 đối tượng Võ Văn Việt, Giám đốc Trung tâm GDTX Bình Phước và ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX Bình Phước để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Như thông tin đã đưa, trong thời gian từ tháng 6/2014 đến tháng 10/2017, bà Thảo được Ban Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Bình Phước giao phụ trách công tác tài chính của đơn vị. Lợi dụng quyền quản lý tài sản, từ tháng 8/2015 đến tháng 10/2017, bà Thảo đã dùng thủ đoạn gian dối để lập các lệnh chi, ủy nhiệm chi, chuyển tổng số tiền hơn 985 triệu đồng vào tài khoản của cá nhân và người thân để tiêu xài. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.

 

    Báo Công an nhân dân,Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Tiền Phong, Giao Thông, VNExpress, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (17/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) - Bộ Công an đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. C01 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 bị can Nguyễn Minh Khải, nguyên Giám đốc; Võ Thị Chinh Nga, nguyên Phó Giám đốc); Phí Duy Tiến, nguyên Phó Giám đốc và Nguyễn Quốc Toản, nguyên Trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức thuộc Bệnh viện Mắt. Quá trình điều tra xác định, năm 2018, Bệnh viện Mắt TP.HCM thực hiện gói thầu “Mua sắm Thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018”. Trong quá trình thực hiện đấu thầu mua sắm, một số cá nhân lãnh đạo Bệnh viện Mắt đã làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu để loại mặt hàng thủy tinh có giá dự thầu thấp để mua các mặt hàng Thủy tinh thể có giá dự thầu caom khiến Bảo hiểm y tế và người bệnh phải chi trả thêm phần chênh lệch cao hơn, gây thiệt hại tổng số tiền là 14 tỷ 215 triệu đồng.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Thông tấn xã Việt Nam (13/10) cho biết, các công tố viên Slovakia cho hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này Peter Kazimir đã bị cáo buộc nhận hối lộ. Tuy nhiên, ông Kazimir đã bác bỏ mọi hành vi sai trái, đồng thời khẳng định sẽ tự bào chữa cho mình. Luật sư của ông Kazimir cũng xác nhận thông tin trên và khẳng định sẽ chống lại quyết định của cơ quan công tố. Hiện Ngân hàng Trung ương Slovakia và Bộ Tài chính nước này chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Ông Kazimir cũng là thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và theo quy định, trong trường hợp thành viên của Hội đồng bị kết tội, người đó sẽ buộc phải từ chức. 

 

    Báo Thanh tra (15/10) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra và Giám sát kỷ luật Quảng Tây đã điều tra hơn 4.000 trường hợp trong hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe từ năm 2016-2020. Theo tuyên bố của CCDI, các đảng viên bị điều tra thường lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi khi mua thiết bị chăm sóc sức khỏe, thuốc và vật tư y tế.Năm 2018, khoảng 56 giám đốc bệnh viện và cấp phó của họ đã bị kết tội nhận hối lộ. Nửa đầu năm ngoái, ít nhất 9 quan chức cấp cao trong các bệnh viện công lập đã bị bắt giữ để điều tra về vi phạm kỷ luật. Trong một trường hợp điển hình, Wang Tianchao, cựu lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân số 1, tỉnh Vân Nam, bị phát hiện nhận hối lộ trị giá 110 triệu nhân dân tệ, 100 căn hộ và 100 chỗ đậu xe. Năm 2018, Wang bị kết án tù chung thân. Trong những năm gần đây, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành một số văn bản yêu cầu các bác sĩ làm trong sạch ngành Y bằng cách chống lại các khoản lại quả và hối lộ, đồng thời cải thiện việc giám sát các chức vụ chủ chốt, chẳng hạn như những người phụ trách vật tư y tế. Tuy nhiên, ông Zhuang Deshui, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính phủ minh bạch thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng việc giám sát là không hiệu quả…

 

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

 

    - Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có buổi làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao 

    - Khởi tố, bắt tạm giam Võ Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bình Phước

    - Bắt tạm giam Trạm phó Kiểm lâm “nhận hối lộ” để lâm tặc phá rừng

Nguồn: Noichinh.vn