Skip to main content

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

 

    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/9) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức kỳ họp lần thứ 3. Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nghe báo cáo kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Các thành viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương tập trung thảo luận, phân tích làm rõ và kết luận những vi phạm của các tổ chức, cá nhân bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, kỷ luật quân đội. Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức, 14 quân nhân vi phạm và rút kinh nghiệm nghiêm khắc 1 quân nhân. Phát biểu tại kỳ họp, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đánh giá cao công tác tham mưu, chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Trong đó, đã chủ động kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, kịp thời đề xuất mức độ, hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân vi phạm kỷ luật, thấu tình, đạt lý, đúng người, đúng lỗi phạm, không có vùng cấm. Quá trình xem xét kỷ luật luôn chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, đặc biệt giữ nghiêm nguyên tắc, quy định, xem xét xử lý tập thể gắn với trách nhiệm cá nhân; rõ đến đâu xử lý đến đó. Đại tướng Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật; chủ động nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết kịp thời, xử lý dứt điểm đơn, thư tố cáo, khiếu nại, góp phần giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng cường đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

 

    Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/9) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp truy tố ông Diệp Dũng (cựu Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op) về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” cùng 2 cựu cán bộ công an. Hai cựu cán bộ công an liên quan trong vụ án là Nguyễn Hoài Bắc (Sinh năm 1984) và Lê Thị Phương Hồng (Sinh năm 1979) bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Hoài Bắc có quan hệ tình cảm và sống chung như vợ chồng với bị can Lê Thị Phương Hồng. Khoảng tháng 7/2020, Bắc là thành viên của tổ điều tra, Bắc có kể cho Hồng nghe một số thông tin liên quan tới vụ án Saigon Co.op. Biết ông Diệp Dũng là Chủ tịch Saigon Co.op, lợi dụng lúc bạn trai ngủ say, bị can Hồng đã sao chép các tài liệu ghi chép về vụ án, lưu lại số điện thoại của ông Dũng. Với mục đích muốn ông Dũng cung cấp hàng giá rẻ cho mình để tiện cho việc kinh doanh (Hồng có 2 cửa tiệm tạp hóa) nên Hồng đã chủ động liên hệ ông Dũng để cung cấp những thông tin liên quan đến vụ án. Trong đó có thông tin kết quả xác minh vụ Saigon Co.op chứa trong tài liệu mật. Đến tháng 9/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM làm việc với ông Diệp Dũng về những sai phạm xảy ra tại Saigon Co.op. Bị can này khai có người cung cấp thông tin về việc công an kiểm tra, xác minh nguồn tin tố giác tội phạm xảy ra tại Saigon Co.op. Từ lời khai trên, cơ quan điều tra xác định bị can Bắc đã cung cấp thông tin điều tra cho bị can Hồng dẫn đến việc Hồng cung cấp một số thông tin chứa trong tài liệu mật liên quan vụ Saigon Co.op cho ông Diệp Dũng.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (28/9) phản ánh nội dung buổi họp của Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và nghe đại diện tổ chức đảng trình bày, Ban Bí thư nhận thấy vi phạm của các đồng chí: Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đồng chí Vũ Liên Oanh nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh là rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn số tiền của Nhà nước và đã bị xử lý hình sự, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng các ngành Bảo hiểm xã hội, ngành Giáo dục, địa phương và cá nhân mỗi đồng chí, gây bức xúc trong xã hội, phải được xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng và Vũ Liên Oanh.

 

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Đại Đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (28/9) đưa tin, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến đến công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá tình hình, kết quả công tác công an tháng 9 và 9 tháng năm 2021; nhiệm vụ giải pháp công tác trong quý IV/2021 và những tháng cuối năm 2021. Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận, biểu dương những thành tích mà lực lượng CAND đã đạt được thời gian qua; đặc biệt biểu dương công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ, lực lượng y tế công an đã chủ động, sáng tạo, không quản ngại hy sinh, gian khổ xung phong nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần thực hiện thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo thực hiện thắng lợi phong trào thi đua trong toàn lực lượng với chủ đề: “Lực lượng CAND - lá chắn, phòng, chống dịch COVID-19 - thanh bảo kiếm bảo đảm ANTT, an toàn xã hội” với phương châm "Kiên định bản lĩnh chính trị người chiến sĩ CAND, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”… Chủ động triển khai kế hoạch, biện pháp nắm, đánh giá, dự báo sát tình hình, bảo đảm an ninh quốc gia, nhất là an ninh xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng; tiếp tục triển khai các mặt công tác, đặc biệt có các phương án đối với các loại tội phạm nảy sinh trong quá trình phòng, chống bệnh dịch COVID-19. Chủ động dự báo và có biện pháp không để tội phạm gia tăng thời kỳ “hậu COVID-19”; tăng cường công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trấn áp, truy nã tội phạm với quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu kéo giảm phạm pháp hình sự năm 2021 và các năm tiếp theo…Đại tướng Tô Lâm đề nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; cảnh sát cơ động…

 

    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Sức khỏe và Đời sống, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (28/9) Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến. Tại phiên họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2021; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và xem xét một số nội dung quan trọng khác. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành, bảo đảm gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách hành chính. Những kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh; đưa luật, pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tính từ ngày 1/10/2020 đến ngày 24/9/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 102 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, 94/102 văn bản đã được ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Các đại biểu tham dự Phiên họp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác này; trong đó, công tác xây dựng pháp luật để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho người lao động bị tác động tiêu cực của đại dịch đã được quan tâm, tập trung thực hiện. Các văn bản quy định pháp luật về miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế.... được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về phòng, chống dịch Covid - 19 một số thời điểm, một số địa phương còn lúng túng, tác động tiêu cực đến công tác lưu thông hàng hóa, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

 

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thời báo Tài Chính, Xây dựng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (29/9) cho biết, Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị về kết quả công tác phối hợp giai đoạn 2016-2020, 8 tháng đầu năm 2021 và trọng tâm phối hợp công tác trong thời gian tới. Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2016 - 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng chặt chẽ, thực chất, hiệu quả, nổi bật qua việc chăm lo, tập hợp, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, tham gia góp ý xây dựng pháp luật; giám sát và phản biện xã hội; đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và công tác phòng, chống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, hai bên đã tập trung cao độ, nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ngăn chặn, đẩy lùi, quyết tâm vượt qua đại dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết". Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh những thành tựu mà đất nước đạt được 5 năm qua là công sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của MTTQ Việt Nam, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Mặt trận các cấp… Thủ tướng cũng đề nghị phát huy vai trò tích cực của MTTQ Việt Nam trong tham gia kiểm soát quyền lực, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền với tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực".

 

    Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (29/9) đưa tin, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử công khai đối với Trần Thị Tuyết Diệu, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thôn Xuân Thạnh 1, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, về tội "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ nội dung kháng cáo của bị cáo Trần Thị Tuyết Diệu, đồng thời tuyên phạt Trần Thị Tuyết Diệu 8 năm tù giam. Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên cũng tuyên phạt Trần Thị Tuyết Diệu 8 năm tù về tội "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên nêu rõ, từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2020, Trần Thị Tuyết Diệu có hành vi sử dụng máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị quay phim để làm, tàng trữ  phát tán, tuyên truyền trên tài khoản mạng xã hội Facebook "Tuyết Babel" và kênh Youtube "Tuyết Diệu Trần" do mình tạo lập, quản lý, sử dụng 25 bài viết và 9 video có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, Trần Thị Tuyết Diệu còn tàng trữ 7 bài viết khác có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong máy tính xách tay. Trước đó, từ tháng 7/2011 đến tháng 12/2017, Trần Thị Tuyết Diệu đã nhiều lần đăng tải bài viết có nội dung xuyên tạc hoạt động của cơ quan thực thi pháp luật; ủng hộ đối tượng "Dũng Phi Hổ" (Nguyễn Viết Dũng, đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 6 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động, Hà Nội mới, Thanh tra, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (30/9) đăng tải các nội dung Kỳ họp thứ 07 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau: Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy (BTVĐU) Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cán bộ, đảng viên liên quan; xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của một đảng viên thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn; xem xét kết quả giám sát một số tổ chức đảng và đảng viên; xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước, UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra; cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và quyết định một số nội dung quan trọng khác. UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo đồng chí Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh CSB Việt Nam. Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh CSB Việt Nam. Khiển trách đồng chí Thiếu tướng Ngô Bình Minh, Đảng ủy viên CSB Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng CSB 1. Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Đại tá Phùng Danh Thoại, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần; Thiếu tá Lưu Thế Đức, Đảng ủy viên, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2; đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy CSB Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Trần Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Tư lệnh; Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng CSB 2; Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng CSB 3; Thiếu tướng Lê Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Vùng CSB 4; quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Đảng ủy Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2015-2020 và đồng chí Nguyễn Hữu Chiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn; yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công thương, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch EVN kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương…

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (02/10) cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về hai nội dung: Tình hình KTXH tháng 9 và 9 tháng năm 2021; thảo luận kỹ hơn về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19 và từng bước mở cửa trở lại, đưa cuộc sống về điều kiện bình thường mới. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, chúng ta đã thực hiện việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội ở 23 tỉnh, thành phố và đạt kết quả nhất định bước đầu. Ban chỉ đạo quốc gia đã thống nhất cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời, gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lấy ý kiến tới tận cấp huyện, cấp xã. Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần lấy ý kiến các cơ quan liên quan, lắng nghe, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học… về dự thảo. Bên cạnh các ý kiến đồng thuận, cũng có các ý kiến khác nhau về dự thảo hướng dẫn, cho nên Chính phủ tiếp tục dành thời gian của phiên họp để lấy thêm ý kiến các địa phương.Theo Thủ tướng, qua gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn khó lường, một văn bản không thể điều chỉnh hết toàn bộ mọi góc cạnh của cuộc sống từ Trung ương tới cấp xã, phường, nhất là khi chúng ta lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng chống dịch. Việc xây dựng dự thảo được tiến hành thận trọng với mục tiêu làm sao phù hợp nhất có thể trong điều kiện hiện nay. Đây là hướng dẫn tạm thời vì việc chống dịch chưa có tiền lệ, diễn biến nhanh, phức tạp, liên quan tới tất cả công dân, liên quan tới mọi lĩnh vực như an ninh trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dần.

 

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Nhà báo và Công luận, Người lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/9) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 bị can, gồm: Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội; Bùi Phương Thảo, Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Bùi Văn Mận, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Sinh thái xanh; Hoàng Thị Kim Loan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Sinh thái xanh, cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Theo kết quả điều tra, trong quá trình thực hiện chương trình trồng mới, thay thế, bổ sung, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, các đối tượng nêu trên đã có hành vi thông đồng nâng khống giá trị cây, hợp thức hồ sơ dự toán để phê duyệt đặt hàng làm căn cứ thanh quyết toán trái quy định pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng.

 

    Báo Phú Yên, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân (29/9) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Phú Yên cho biết, đã quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Hồ Thanh Tâm, nguyên kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, để điều tra tội danh "Tham ô tài sản". Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi dụng chức trách kế toán trưởng, Tâm đã chỉ đạo kế toán viên lập khống chứng từ chi trả 200 triệu đồng tiền nợ cho người có tên trên giấy CMND là Lê Thị Thu Huyền. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy, nguồn chi trả nợ nêu trên chỉ là giả, còn thực tế số tiền 200 triệu đồng này đã bị Tâm đã chiếm đoạt, nên hành vi của Tâm đã cấu thành tội phạm “Tham ô tài sản”.

 

    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (29/9) cho biết, sau ba ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án vụ vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ. Hội đồng xét xử quyết định bác toàn bộ kháng cáo của 06 bị cáo có đơn kháng cáo và y án sơ thẩm bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB, 6 năm 6 tháng tù; Phạm Xuân Diệu, cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, 3 năm 6 tháng tù; Lê Thanh Thái, cựu Trưởng phòng Kinh doanh PVB, 2 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho PVB. Trong đó, bị cáo Vũ Thanh Hà bồi thường 100 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại, mỗi người bồi thường10 tỷ đồng. Theo HĐXX, việc chỉ định thầu cho đơn vị không đủ năng lực làm nhà thầu xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ đã dẫn tới dự án phải dừng thi công và gây thiệt hại cho PVB số tiền hơn 543 tỷ đồng…

 

    Báo Công an nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (02/10) đưa tin, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phan Thanh Minh, Phó Trưởng khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B về hành vi “Tham ô tài sản”. Trước đó, tại phường Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, người dân đã phản ánh về việc những người lập danh sách hỗ trợ người khó khăn có dấu hiệu mập mờ gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Gần đây nhất là vụ lẫn lộn, danh sách phát gạo nhưng lại bắt ký giấy lĩnh tiền 1,5 triệu đồng. Qua điều tra cho thấy, Phan Thanh Minh được xác định có hành vi ăn chặn tiền gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Hiện cơ quan công an tiếp tục mở rộng xác định trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến vụ việc. 

 

    Báo Lao Động, Nhà báo và Công luận, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Tiền Phong, Công lý, Giao Thông, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (02/10) thông tin từ Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Huỳnh Phương Thảo, là nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Tân Phú và Nguyễn Văn Thừa, là nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Bình Tân với cùng tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Theo điều tra, Thừa là nhân viên quản lý kho dược của Trung tâm y tế quận Bình Tân, có nhiệm vụ tiếp nhận thuốc kháng virus molnupiravir 400 mg do Sở Y tế phân phối xuống. Nhiệm vụ của anh ta là tiếp tục phân bổ cho 10 phường trong quận tuỳ theo nhu cầu điều trị F0. Thừa nhận gần 1.100 hộp thuốc, song lấy 50 hộp đưa cho bạn là Thảo, nhân viên Trung tâm y tế quận Tân Phú bán với giá 2 triệu đồng/hộp. Thảo sau đó đăng lên mạng bán giá gấp 3 lần. Vụ án đang được mở rộng điều tra.

 

    Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (03/10) cho biết, Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã khởi tố hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ liên quan đến 2 vụ “Giả mạo trong công tác”. Vụ thứ nhất xảy ra tại xã Quỳnh Châu, Công an huyện Quỳnh Lưu bắt giữ Lê Thị Hương Giang, nguyên Công chức địa chính xã Quỳnh Châu về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Mở rộng điều tra, Công an huyện tiếp tục bắt, khởi tố thêm 4 bị can gồm: Nguyễn Bỉnh Khảng, là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Châu, nguyên Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu và Hoàng Văn Chắt, nguyên viên chức Văn phòng đăng ký và sử dụng đất huyện Quỳnh Lưu về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thái Thị Lý và Thái Doãn Hường về tội “Đưa hối lộ”. Theo đó, Lý và Hường đã đưa cho Giang 200 triệu đồng để nhờ làm giả hồ sơ đất. Vụ thứ hai xảy ra tại xã Quỳnh Giang, Công an huyện Quỳnh Lưu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Bá Thái, nguyên Trưởng Công an xã Quỳnh Giang và Nguyễn Ngọc Đức, là Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Đại biểu HĐND xã Quỳnh Giang, nhiệm kỳ 2021-2026 và Chu Thị Ngọc, là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang về tội “Giả mạo trong công tác”. Hiện, Công an huyện Quỳnh Lưu đang củng cố hồ sơ, tiếp tục mở rộng điều tra 2 vụ án nói trên.

 

    TIN QUỐC TẾ

 

    Báo Thanh tra (28/9) đưa tin, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã thu giữ 1,6 triệu RM tài sản liên quan đến một quan chức cấp cao của chính Ủy ban đang phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực và biển thủ. Báo Utusan Malaysia cho biết, cơ quan chống tham nhũng đã thu giữ một ngôi nhà ở Selangor, 2 xe Ducati, 1 xe Mercedes Benz và xe Honda Type R. Theo MACC, những tài sản này được cho là thuộc sở hữu của một quan chức MACC 40 tuổi, với cấp bậc quản lý cấp cao. Trích dẫn các nguồn tin, nhật báo tiếng Mã Lai cho biết, MACC đang trong quá trình tìm ra nguồn gốc của tài sản vì "quan chức này đang có mức sống vượt quá thu nhập của mình". Quản lý cấp cao này là một trong những người chịu trách nhiệm giữ tang vật trong các vụ án đang được MACC điều tra. Ngoài ra, MACC cũng đang xem xét tài sản của 2 quan chức khác bị tạm giam. Trước đó, ngày 20/9, MACC cho biết trong một tuyên bố rằng, 3 quan chức của họ đã bị bắt giữ để hỗ trợ điều tra các cáo buộc lạm dụng quyền lực và hành vi sai trái trong một vụ án liên quan đến cựu Cục trưởng Cục Tình báo nước ngoài Malaysia (MEIO) Hasanah Abdul Hamid.MACC là cơ quan Chính phủ ở Malaysia, có vai trò điều tra và truy tố tham nhũng trong khu vực công và tư.

 

    Báo VietNamNet (03/10) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) của Trung Quốc thông báo ông Phó Chính Hoa, cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc, đã bị bắt để điều tra về "những vi phạm nghiêm trọng" về kỷ luật và luật pháp quốc gia. Trước khi dính bê bối tham nhũng, quan chức này đã dẫn đầu nhiều cuộc điều tra nhắm đến các cựu quan chức cấp cao như cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang. Ông Chu bị kết án tù chung thân về tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và tiết lộ bí mật quốc gia vào năm 2015. Trước đó 2 ngày, CCDI thông báo khai trừ khỏi đảng đối với Tôn Lực Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an và Duẫn Gia Tự, cựu Chủ tịch tập đoàn Công nghiệp Norinco, một trong những tập đoàn vũ khí lớn nhất Trung Quốc. Hai nhân vật này sẽ phải ra hầu tòa trong thời gian tới với cáo buộc tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Tân Hoa xã hôm 30/9 dẫn thông báo từ CCDI mô tả cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân, 52 tuổi, đã dùng mọi cách nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của mình, trong đó có việc lập băng nhóm, bè phái, kiểm soát các cơ quan an ninh quan trọng, gây nguy hiểm đặc biệt cho an ninh chính trị. Nhân vật này cũng bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền lớn cùng nhiều món quà đắt tiền.Ngoài Tôn Lực Quân, CCDI cũng tiến hành điều tra đối với cựu Chủ tịch tập đoàn Norinco Duẫn Gia Tự. Về hưu năm 2018, ông Duẫn bị đưa vào diện điều tra nội bộ đảng hồi tháng 4 năm nay về những hành vi sai trái chưa được tiết lộ, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 1/10.Theo thông báo của CCDI, đối tượng này đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ bị truy tố về các cáo buộc tham nhũng.

 

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

 

    - Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 1tổ chức, 14 cá nhân

    - Bác toàn bộ kháng cáo vụ Ethanol Phú Thọ

    - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 07

    - Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.

 

Nguồn: Noichinh.vn