Skip to main content

 CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục, Hà Nội mới, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/3) đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 54 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp thứ 54 diễn ra trong một ngày. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét lần cuối công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến về một số nội dung: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về công tác nhân sự; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, các báo cáo công tác nhiệm kỳ đã được xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Tại phiên họp này, các báo cáo công tác nhiệm kỳ tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận để làm sâu sắc, toàn diện hơn, bảo đảm phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế và đồng thời cũng làm nổi bật những đổi mới, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội, của UBTVQH trong nhiệm kỳ khóa XIV, từ đó đưa ra những kiến nghị để chuyển giao cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh niên, VietnamNet, VietNamPlus, Hà Nội mới, Lao Động, Đại đoàn kết, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16/3) cho biết, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an các đơn vị chức năng về đánh giá thực trạng, xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ và lãnh đạo, chỉ huy người dân tộc thiểu số trong lực lượng Công an nhân dân. Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong lực lượng Công an nhân dân; việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong Công an nhân dân phải xuất phát từ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; củng cố và tăng cường tiềm lực cho Công an xã chính quy... đồng thời đề nghị, Công an các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, tăng cường các cơ chế, chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số trong Công an nhân dân, góp phần phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời gian tới. Công an các đơn vị, địa phương có kế hoạch, quy hoạch lâu dài trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ và cân đối về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương; từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh trong tình hình mới.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Nhà báo và Công luận, Kiểm toán, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (16/3) đưa tin, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị góp ý hướng dẫn một số nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2021. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cùng Ban Dân vận Trung ương thống nhất chọn năm 2021 là năm đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ðồng chí đề nghị hội nghị đánh giá việc sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, trong đó quan tâm các nội dung liên quan quyền làm chủ của nhân dân, đến việc thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, nhất là dân chủ ở cơ sở. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tập trung vào các nội dung: tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cấp, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong việc thực hiện Kết luận số 120; các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận này trong năm 2021; góp ý vào kế hoạch kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2021. Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh, cùng với việc thực hiện hoàn thiện tiêu chí "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát", Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh tới mục tiêu "dân thụ hưởng". Từ đó, các cơ quan, Ban Cán sự đảng, Chính phủ, bộ, ngành rà soát tổng thể lại chính sách, các định hướng đầu tư, bảo đảm để người dân được thụ hưởng thành tựu phát triển. Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cán bộ, đảng viên làm mất dân chủ cơ sở hoặc ban hành các văn bản làm hạn chế quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường, xử lý nghiêm theo quy định những người lợi dụng quy chế dân chủ, làm mất ổn định chính trị - xã hội; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi để cho các tổ chức, hội hợp pháp, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể để hoạt động thuận lợi, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

    Báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ, VietnamNet, Lao Động, Công luận, Đại Đoàn kết, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16/3) phản ánh các nội dung Kỳ họp lần thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 10 đảng viên, quân nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, kỷ luật Quân đội và pháp luật Nhà nước. Phát biểu tại kỳ họp, Đại tướng Lương Cường đánh giá cao công tác chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã chủ động kiểm tra, giám sát, bám nắm tình hình, kịp thời đề xuất các trường hợp cán bộ, sĩ quan vi phạm kỷ luật, bảo đảm thấu tình, đạt lý. Quá trình xem xét kỷ luật cán bộ, sĩ quan chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, đặc biệt giữ nghiêm nguyên tắc, quy định, xem xét, xử lý đúng người, đúng tội, không có vùng cấm; rõ đến đâu xử lý đến đấy. Thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật; đồng thời, chủ động nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết kịp thời, xử lý dứt điểm đơn, thư tố cáo, khiếu nại, góp phần giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; tăng cường sự đoàn kết thống nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra, giám sát, trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Công lý, Nhà báo và Công luận, Hải quan, Thời báo Tài Chính, Xây Dựng, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (18/3) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (CCHCNN) giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn 2021-2030. trong 10 năm qua, công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng vào phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC). Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều văn bản mang tính nền tảng như: Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Cải cách TTHC được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Về định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn. Tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn. Chính sách của chúng ta là dù công nghệ hiện đại thế nào nhưng vẫn hướng về người dân và doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

    Báo Công an nhân dân, Chính phủ điện tử, Đảng Cộng sản, Lao Động, VietNamPlus, Đại đoàn kết, Sài gòn giải phóng, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (18/3) đưa tin, Tiểu ban An ninh, trật tự (ANTT) bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Phiên họp thứ 3 để rà soát, kiểm điểm, đánh giá toàn diện công tác đã triển khai và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm thời gian tới. Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Lương Tam Quang biểu dương Công an các đơn vị, địa phương và các thành viên Tiểu ban đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm môi trường thực sự an toàn để nhân dân, cử tri cả nước được tham gia ứng cử, bầu cử một cách dân chủ, công khai, công bằng theo đúng quy định của pháp luật. Thứ trưởng Lương Tam Quang yêu cầu các thành viên Tiểu ban và Công an các đơn vị, địa phương cần quyết liệt, khẩn trương triển khai các mặt công tác Công an bảo đảm ANTT trên phạm vi cả nước, tạo tiền đề hết sức vững chắc để cuộc bầu cử đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trọng tâm là bám sát các Chỉ thị, Kế hoạch và các Điện chỉ đạo của Tiểu ban. Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các Kế hoạch, Phương án đảm bảo ANTT cuộc bầu cử đúng tiến độ, bám sát 16 mốc thời gian của cuộc bầu cử, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất. Công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở mọi âm mưu, ý đồ xấu, nhằm phá hoại cuộc bầu cử; từ đó kịp thời đấu tranh, ngăn chặn bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử; thực hiện hiệu quả cao điểm về phòng, chống tội phạm bảo vệ cuộc bầu cử, chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy trong quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử, nhất là ngày diễn ra cuộc bầu cử.

    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục, Hà Nội mới, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/3) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án các bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ). Bị cáo Ðinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp với bản án trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Ðinh La Thăng là 30 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị tuyên án 10 năm tù về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và 8 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân. Trong số 10 bị cáo còn lại trong vụ án, có 09 bị cáo chịu mức án từ 24 tháng đến 17 năm tù (một số bị cáo tổng hợp với bản án trước đó), một bị cáo chịu mức án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tại buổi tuyên án, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo trong vụ án đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ, khiến dự án bị dừng thi công giữa chừng dù chưa có bất cứ hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB). 

    Báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, Tuổi trẻ, Công an nhân dân, VietNamNet, Thanh niên, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật, Lao động, Sài gòn giải phóng, Tiền phong, Người lao động, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic (Công ty Arktic), về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đây là diễn biến mới nhất khi điều tra mở rộng vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại UBND TP.Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Theo Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến 3 vụ án hình sự. Thứ nhất là vụ án “buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền”, và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu Tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan, là một trong những đại án về kinh tế tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc. 

    Báo Công an nhân dân, Thanh niên, Lao động, Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Sài gòn giải phóng, Hà Nội mới, VietNamPlus, VNExpress, VietNamNet, Dân trí (17/3) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Kim An, nguyên Giám đốc Sở Y tế với cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc đấu thầu mua sắm thiết bị y tế gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước. Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Sơn La xác định, Nguyễn Thị Kim An cùng với các đối tượng: Bùi Thị Thu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát; Sa Văn Khuyên, trú, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La; Bùi Thị Hoa, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và Mai Anh Tuấn, chuyên viên Phòng Kế hoạch Tài chính đã có sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

    Báo Nhân Dân, Chính phủ điện tử, Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Thanh Niên, Sài gòn giải phóng, VNExpress, VietNamNet, Tiền phong, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18/3) đưa tin, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) họp để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo (BCĐ) theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 19 đến nay. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, kết luận cuộc họp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh PCTN với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không dừng”, “không nghỉ” ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Đồng thời, khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020. Tinh thần là, nhiệm kỳ Đại hội XIII phải làm mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước; không ngại khó, càng khó càng phải quyết tâm cao, càng phải phối hợp tốt hơn nữa. Các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo. Thường trực BCĐ thống nhất đề xuất BCĐ kết thúc chỉ đạo xử lý đối với bảy vụ án, một vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, do đã kết thúc việc xử lý theo quy định của pháp luật; chuyển bảy vụ án, một vụ việc cho Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong chỉ đạo có sự  phối hợp, phân công, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn nữa, bảo đảm làm đúng chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, không bỏ sót, không được “cua cậy càng, cá cậy vây”, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tất cả vì sự nghiệp chung để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

    Báo Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Phụ nữ Việt Nam, Tiền Phong, Giáo dục và Đời sống, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VietNamNet (19/3) cho biết, liên quan tới sai phạm trong sửa chữa các hạng mục công trình tại 7 trường học tại huyện Củ Chi, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Chánh Thanh tra Sở Tài chính Lê Thị Thanh Tuyền cùng 03 đồng phạm, gồm: Phan Văn Duyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương; Phan Văn Bình Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Phú Tài và Nguyễn Thị Loan, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Theo kết luận điều tra, các bị can trên đã vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng, liên quan tất cả các khâu từ lập danh mục, kế hoạch sửa chữa, trình duyệt dự toán, giao dự toán đến thi công, nghiệm thu, quyết toán tại 07 trường học tại huyện Củ Chi... Việc làm trái quy định nêu trên đã gây thiệt hại cho tài sản nhà nước số tiền trên 17 tỷ đồng.

    Báo Quảng Bình, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Giáo dục và Thời đại, Người lao động, VietNamNet, VnExpress, TTXVN (20/3) thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nón lá Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, về tội “Tham ô tài sản”. Theo điều tra, tháng 2/2017, Ban quản lý dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình ký hợp đồng với HTX Sản xuất và Kinh doanh nón lá Mỹ Trạch, nhằm thực hiện tiểu dự án "Liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ nón lá tại huyện Bố Trạch". Hợp đồng kéo dài đến tháng 8/2018, giá trị 1,6 tỷ đồng. Bà Vân không thực hiện các gói thầu của Dự án mà mua hóa đơn giá trị gia tăng khống và lập hồ sơ hợp thức, để thanh toán hơn 537 triệu đồng của dự án và tham ô, chiếm đoạt hơn 256 triệu đồng… 

    TIN QUỐC TẾ

    Báo Thanh tra (17/3) đưa tin, Hội đồng Chuyên môn Y tế Nam Phi (HPCSA) đã đưa 16 cán bộ vào danh sách đình chỉ sau khi có báo cáo cho rằng, họ dính líu đến hối lộ và tham nhũng nhằm đẩy nhanh quá trình đăng ký. HPCSA cho biết, việc đình chỉ là một phần trong quy trình kỷ luật của tổ chức và tuân theo các phát hiện về quản lý gian lận, điều tra gian lận và tham nhũng kể từ năm 2019. Cuộc điều tra do Đơn vị Điều tra đặc biệt tiến hành đã được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phê duyệt theo kiến nghị của HPCSA. “Cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2019 và bao gồm giai đoạn 2016-2019 theo như Tuyên bố trước đó”, Giáo sư Simon Nemutandani, Chủ tịch HPCSA cho biết. Kể từ đó, Hội đồng đã nhận được một số báo cáo. Báo cáo mới nhất ngày 12/3 vừa qua cho thấy có sự dính líu của một số cán bộ, nhân viên trong các hoạt động tham nhũng hoặc hối lộ để tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký. “HPCSA lên án những hành vi giao dịch phi đạo đức như vậy trong tổ chức và hứa sẽ ngăn chặn những hành vi đó xảy ra trong tương lai”, ông Nemutandani nói.

    Đài Tiếng nói Việt Nam (18/3) cho biết, chính quyền quân sự Myanmar đã cáo buộc bà San Suu Kyi vi phạm luật chống tham nhũng. Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV đã phát sóng một đoạn video, trong đó ông Maung Weik, Chủ tịch Công ty xây dựng Say Paing cho biết, ông đã hối lộ bà Suu Kyi tổng cộng 550.000USD trong khoảng từ năm 2018 đến tháng 4/2020 để thực hiện các dự án một cách suôn sẻ. Ông Maung Weik cũng cho biết, không có nhân chứng trong vụ việc này. Với cáo buộc mới này, bà San Suu Kyi sẽ phải đối mặt với mức án tối đa là 15 năm tù giam. Trước đó ngày 01/3, bà Suu Kyi phải ra tòa vì bị cáo buộc sở hữu nhiều máy bộ đàm, vi phạm luật xuất nhập khẩu, vi phạm luật quản lý thiên tai khi tham gia cuộc vận động tranh cử hồi năm 2020, vi phạm quy định phòng dịch Covid-19.

    Thông tin đáng chú ý trong tuần:

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 54

    - Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương tổ chức Kỳ họp lần thứ 13 

    - Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tổ chức Phiên họp thứ 3 

    - Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án các bị cáo trong vụ án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 

    - Phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

                                                                                                         Nguồn: Noichinh.vn